Phân tích nhân vật Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao

Văn mẫu lớp 11

Đề bài: Phân tích nhân vật Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao.

Bài làm

Đã có ý kiến cho rằng: “Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau còn những gia đình bất hạnh thì đau khổ theo kiểu riêng của mình trong nỗi đau chung của cuộc đời”. Điều đó thể hiện rõ nhất dưới bóng đêm của xã hội cũ, mỗi con người đều gắn với mỗi số phận, mỗi nỗi đau riêng. Mỗi tác phẩm văn chương cũng xuất phát từ cuộc đời. Hầu như trong xã hội cũ, những áng văn chương sống lâu với thời gian phần nhiều lại là những tác phẩm viết về nỗi đau của con người. Phải chăng những băn khoăn về nỗi đau ấy tự nó bộc lộ khát vọng cao đẹp. Có lẽ nhà văn muốn đồng hành với mọi người trên con đường đến một chân trời hạnh phúc và vẹn toàn. Nam Cao là một trong những nhà văn như thế. Điều đó được thể hiện qua rất nhiều tác phẩm, nhiều nhân vật được ông xây dựng, tiêu biểu là nhân vật Hộ trong truyện ngắn “Đời thừa”.

Trong dòng văn học hiện thực phê phán, Nam Cao được biết đến như một vị đại biểu ưu tú có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của thời kì này nói riêng và nền văn học nước nhà nói chung. Nam Cao là lớp tri thức tiểu tư sản xuất thân từ nông thôn nghèo khổ, tăm tối, vừa bước vào đời đã bị va đập ngay với hiện thực tàn nhẫn, sống lay lắt vì thất nghiệp. Vì vậy, cùng với hình ảnh người nông dân, xuất hiện nhiều trong tác phẩm của ông còn là người trí thức tiểu tư sản, là những nhà văn, những giáo khổ trường tư… “Đời thừa” là một truyện ngắn viết về chủ đề đó. Qua nhân vật Hộ, người trí thức nghèo trong xã hội cũ, có hoài bão, có lí tưởng, luôn khao khát những giá trị cao đẹp trong cuộc đời, nhưng rốt cuộc vì gánh nặng tiền bạc mà lâm vào cảnh sống vô nghĩa, vô ích, “đời thừa”. Chẳng những thế, trong tâm trạng đau khổ, dằn vặt, bế tắc, người trí thức vốn coi trọng tình thương ấy lại vi phạm vào lẽ sống tình thương của chính mình.

Hộ là một người trí thức, ý thức sâu sắc về sự sống, khao khát khẳng định và nâng cao ý nghĩa đời sống của mình bằng một sự nghiệp văn chương có giá trị được mọi người thừa nhận. Anh là người có những phẩm chất đẹp đẽ của một nhà văn chân chính. Điều đó, trước hết thể hiện qua niềm đam mê mãnh liệt với văn chương của anh. Với Hộ “nghệ thuật là tất cả, ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm hơn nữa”, bởi vì theo Hộ văn chương đem đến cho con người sựu khoái cảm thẩm mĩ cao khiết, kì diệu mà không một khoái lạc vật chất nào có thể sánh bằng. Dù không mong tìm ở Từ sự đồng cảm, có lần Hộ vẫn không thể kiềm chế niềm phấn khích mà thổ lộ với vợ như một cách giúp anh nói lên niềm say mê của mình: “Tôi mê văn quá nên mới khổ- những khi được đọc một đoạn văn như thế này, mà lại hiểu được hết tất cả cái hay, thì dầu ăn một món ngon đến đâu cũng không thích bằng”. Hộ viết văn với tất cả sức lực và lí tưởng “đói rét không có nghĩa lí gì đối với gã trẻ tuổi say mê lí tưởng… hắn muốn vun xới tài năng cho ngày càng nảy nở”. Trong Hộ, luôn có những niềm mơ ước, những khao khát, hoài bão với văn chương, coi văn chương là lẽ sống, là lí tưởng của cuộc đời mình. Đó là hoài bão về một sự nghiệp văn chương có giá trị, và cụ thể hơn, cái đích mà cả cuộc đời Hộ khao khát hướng tới là một tác phẩm để đời, một tác phẩm khi ra đời “sẽ làm lu mờ hết các tác phẩm khác cùng thời… một tác phẩm có giá trị, phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn”. Có thể thấy niềm đam mê, hoài bão của Hộ là được thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật, được vẻ vang vì sự nghiệp sáng tạo ấy. Khao khát vinh quang được một tác phẩm “ăn giải Noben và được dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên toàn cầu” không có nghĩa Hộ là một kẻ háo danh tầm thường. Niềm khao khát ấy chỉ là biểu hiện cao nhất của một con người có ý thức cá nhân sâu sắc, không chấp nhận một cuộc sống mờ nhạt, vô danh, vô nghĩa. Hộ muốn nâng cao giá trị đời sống của mình bằng những tác phẩm văn chương có giá trị được mọi người thừa nhận. Và sự thừa nhận ấy cũng đồng thời khẳng định cái tôi đẹp đẽ của nhà văn. Cuối cùng, Hộ đồng thời là một nhà văn có lương tri trong nghề nghiệp. Anh cho rằng “Sự cẩu thả trong bất kì nghề gì cũng đã bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Cũng vì quan niệm ấy, khi chưa lập gia đình, Hộ đã viết thật thận trọng, dù cuộc sống của anh chỉ trông chờ vào đồng nhuận bút ít ỏi của nghề văn và cách viết ấy khiến cuộc sống của anh eo hẹp, cực khổ. Hộ đặc biệt đề cao những phẩm chất mang tính đặc trưng của văn chương, đó là sáng tạo: “Văn chương không cần… chưa ai có”. Với quan niệm tiến bộ về văn chương, Hộ đã thể hiện nhân cách cao đẹp của người nghệ sĩ khao khát được sáng tạo, được tạo nên một sự nghiệp văn chương có giá trị.

Vậy mà tất cả những phẩm chất đẹp đẽ của một nhà văn chân chính, những lí tưởng khát vọng cao cả của Hộ đã bị đổ vỡ tan tành, bị hủy hoại đau đớn khi đối diện với thực tế cuộc sống. Với riêng mình, Hộ từng “khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất”, Hộ không bận tâm đến đói rét hay cực khổ bởi nghệ thuật là tất cả. Thế nhưng từ khi có một gia đình phải chăm lo, Hộ đã hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền, hiểu những “đau khổ của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách”. Hộ đã phải ra sức kiếm tiền nuôi vợ con bằng cách duy nhất là viết văn. Thế nhưng:

“Văn chương hạ giới rẻ như bèo”

(Hầu trời- Tản Đà)

Và vì thế, đương nhiên anh phải viết nhiều, viết nhanh thậm chí viết ẩu. Khi thay đổi mục đích của văn chương, … lấy văn chương làm phương tiện tầm thường để kiếm tiền, Hộ đã đi ngược lại hoàn toàn với lí tưởng nghệ thuật, cũng là lí tưởng của mình. Nghệ thuật của Hộ bây giờ không nhằm tạo ra những tác phẩm thật giá trị để thỏa mãn những khoái cảm tinh thần đẹp đẽ của con người mà chỉ nhằm đổi được nhiều nhất, nhanh nhất số tiền nhuận bút nhằm trang trải tiền nhà… tiền giặt… tiền thuốc… tiền nước mắm. Và như thế Hộ dần dần sẽ bị tha hóa trong văn chương.

Vốn là người viết thận trọng nay Hộ phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng, sự vội vàng đồng nghĩa với cách viết cẩu thả mà Hộ coi là đê tiện; khao khát một tác phẩm vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, một tác phẩm ăn giải Nooben và được dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên toàn cầu, nay Hộ phải viết những bài báo để người ta quên ngay sau khi đọc, những cuốn sách, đoạn văn thậm chí khiến chính Hộ phải “cau mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình là một kẻ khốn nạn”. Bây giờ, Hộ phải viết toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những thứ tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường, quấy loãng trong một thứ văn chương bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Và với cách viết như thế, đương nhiên, Hộ chẳng đem đến những gì mới lạ cho văn chương, cũng có nghĩa là đối với văn chương, Hộ là một kẻ vô ích, một người thừa. Càng khó khăn hơn khi cứ đứa con này chưa lớn lại đứa con khác ra đời, mà đứa nào cũng ốm yếu, bệnh tật suốt ngày khiến Hộ đã viết nhanh nay lại càng phải nhanh hơn bởi “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Đó là bi kịch của một người không chấp nhận sự tha hóa, bây giờ nhìn thấy rất rõ là mình đang đánh mất mình mà lại không có cách nào cứu vãn, là bi kịch của một trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị của sự sống bằng một sự nghiệp lớn lao, hữu ích nhưng lại phải chấp nhận một cuộc sống vô ích như một kiếp đời thừa…

Miêu tả chân thực tâm trạng Hộ trong bi kịch văn chương, Nam Cao đã gửi vào đó những trải nghiệm thấm thía của những người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Qua đó, tác phẩm không chỉ thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc trong sự thương cảm, trân trọng tin yêu mà còn đưa ra những tuyên ngôn tiến bộ cho sáng tác văn chương và sứ mệnh người nghệ sĩ. Đồng thời, Nam Cao đã gián tiếp tố cáo xã hội phi nhân đạo đã dồn người trí thức vào ước đường cùng, dìm chết bao ước mơ, hoài bão tốt đẹp của họ.

Từ nỗi đau đớn dai dẳng, thầm lặng vì trở thành kẻ vô ích, thành người thừa trong văn chương, Hộ rơi vào bi kịch thứ hai thậm chí còn đau đớn hơn, đó là bi kịch của một con người coi tình thương là nguyên tắc sống cao nhất, đã hi sinh tất cả cho tình thương, vậy mà cuối cùng lại vi phạm vào lẽ sống, tình thương của chính mình. Hộ vốn là người có tấm lòng nhân hậu, luôn đề cao lẽ sống, tình thương. Thời trẻ, anh đã thể hiện tấm lòng nhân hậu của mình khi “cúi xuống nỗi đau khổ của Từ… mở rộng đôi cánh tay đón lấy Từ giữa lúc Từ đau đớn không bờ bến. Hộ đã nuôi Từ, nuôi mẹ già, con dại của Từ, nhận làm bố đứa con thơ, nhạn Từ làm vợ”. Hộ đã làm những việc không hề dễ dàng trong hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, cực khổ của anh. Hộ từng nghĩ rằng: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ biết giúp đỡ người khác trên đôi vai của chính mình”. Và Hộ đã thành “kẻ mạnh” bởi anh là một ân nhân đối với Từ, anh sung sướng bởi hành động đẹp ấy.

Ngay cả khi bị cơm áo ghì sát đất, anh phải chấp nhận là một kẻ vô ích, một người thừa đối với văn chương, sự nghiệp mà Hộ tôn thờ, đam mê, Hộ cũng chỉ thể hiện rõ hơn trái tim nhân hậu và nguyên tắc sống tình thương của mình. Nỗi đau đớn trong bi kịch văn chương khiến Hộ khổ sở, bế tắc. Anh có thể thoát khỏi tấn bi kịch ấy bằng cách bỏ mặc vợ con, ruồng rẫy tất cả, có như thế anh mới theo đuổi được dự định của mình. Thậm chí, trong tâm trí Hộ, đã có lúc còn hiện lên câu nói hùng hồn của một triết gia phương Tây: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Triết lí ấy có vẻ bênh vực, bào chữa cho Hộ nếu anh tự gỡ bỏ sợi dây tình thương để sống cho mạnh, để ăn giải Noben. Nhưng Hộ không thể bỏ tình thương bởi đó là tiêu chí xác định con người, thiếu nó con người chỉ là một thứ quái vật. Thêm nữa, nghệ thuật mà Hộ tôn thờ, khao khát phải là thứ nghệ thuật thấm đẫm giá trị nhân đạo, là những tác phẩm “ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn”. Nếu hi sinh tình thương là Hộ đã hủy hoại gốc rễ nhân đạo làm nên giá trị cho tác phẩm của mình. Những tác phẩm của anh khi ấy sẽ không chỉ là sản phẩm của kẻ ác, kẻ tàn nhẫn mà còn là hiện hữu của sự giả dối. Đó là lí do khiến Hộ chấp nhận hi sinh nghệ thuật để giữ lấy tình thương dù sự hi sinh này thật đau đớn.

Nhưng bi kịch đã xảy ra với Hộ. Cái giá phải trả cho tình thương của Hộ chính là sự hủy hoại hoàn toàn lí tưởng, hoài bão, ước mơ, là sự từ bỏ lương tri nghề nghiệp, là phải chấp nhận cách viết cẩu thả, nhạt nhẽo hời hợt mà dù đã qua bao thời gian, Hộ vẫn không thể chấp nhận. Chính vì vậy mà Hộ u uất, buồn bã. Lúc ầu Hộ bấu víu vào một hi vọng là tạm chấp nhận sự hi sinh ấy trong một vài năm, đợi khi “Từ đã có một số vốn con để làm ăn” thì anh sẽ trở lại với hoài bão lớn trong sự nghiệp của mình. Nhưng cuộc sống áo cơm ngày càng khó khăn, những bận rộn tẹp nhẹp vô nghĩa lí đã ngốn một phần lớn thì giờ của Hộ, đẩy anh vào vòng quay nghiệt ngã, không lối thoát của cuộc sống mưu sinh. Đau khổ đã khiến Hộ tìm đến rượu để giải sầu, gặp bạn bè nói chuyện văn chương, gợi ra những chương trình mà ngay cả khi nói đã biết chẳng bao giờ thực hiện được. Những giấc mộng văn chương xa xôi cùng hình ảnh “một con người đáng yêu chảng là mình nữa” đã đem đến cho Hộ nỗi nhớ nhung, tiếc nuối thậm chí là phẫn uất. Có lúc đang ngồi, Hộ “bỗng dưng phắt dậy, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn” như cố nuốt vào những đau đớn, phẫn uất khi chẳng biết trút cho ai. Rượu làm Hộ thấm thía nỗi khổ sở cay đắng của mình và lấy đi của Hộ lí trí tỉnh táo, Hộ trút nỗi uất hận lên đầu vợ con, những người mà trong lúc phẫn chí anh đã coi là nguồn gốc trực tiếp gây ra bi kịch của mình. Khi say “Hộ lải nhải mắng vợ, mắt gườm gườm” thậm chí có lúc anh còn đánh Từ, đuổi Từ và con ra khỏi nhà. Vì nỗi đau khổ của mình, Hộ đã đem đến cho những người anh yêu bao khổ đâu bởi những hành vi phũ phàng, thô bạo của anh.

Khi tỉnh rượu, Hộ đã nhận thức được một cách đau đớn bi kịch thứ hai của cuộc đời mình. Một con người coi tình thương là nguyên tắc sống đã vi phạm lẽ sống tình thương, coi tình thương là tiêu chí làm người nay đã chà đạp lên nó. Anh xót thương cho người vợ đã khổ cả một đời, lại rất ngoan, rất phục tùng, rất tận tâm với chồng con, Hộ hối hận, đau đớn khi nhìn người vợ có khuôn mặt xanh xao… đôi mắt thâm quầng, bàn tay xanh trong xanh lọc, lủng củng rặt những xương. Hộ đã hi sinh tương lai nghề nghiệp để đổi lấy lương tri con người, thế nhưng anh vẫn không giữ được nó. Anh ôm Từ khóc, tự xưng mình là thằng khốn nạn, tự thấy mình đã hỏng, nhưng Từ phủ định cho rằng Hộ chỉ là người khổ sở. Như vậy, con người Hộ đang bị giằng xé tâm can, đày tù về tinh thần, đớn đau trong ân hận và quằn quại trong những sự da diết khôn nguôi.

Nếu như trong bi kịch văn chương, Hộ đau đớn vì không dduwwocj sống ích kỉ, có ý nghĩa trong tư cách nhà văn thì trong bi kịch tình thương, Hộ đau đớn vì không thể sống tốt trong tư cách của một con người. Nỗi đau của Hộ vừa đáng thương vì sự bất lực trước những ước nguyện thông thường, chính đáng, lại vừa đáng trọng vì trước sau Hộ vẫn là con người nhân hậu khi không chấp nhận sự tàn nhẫn, không nguôi đau đớn vì sự tàn nhẫn của mình. Cũng qua nhân vật Hộ đặc biệt qua bi kịch của Hộ, Nam Cao đã lên án sâu sắc xã hội đồng thời đòi quyền sống, quyền sáng tạo cho chính người tri thức tiểu tư sản mà ở đó có chính Nam Cao.

Khắc họa nhân vật Hộ với những bi kịch dai dẳng và đau đớn, Nam Cao đã đưa độc giả đến với những nỗi đau về nghề nghiệp và lương tâm. Người trí thức trong xã hội cũ đang bị giằng xé, đang quằn quại đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Thấu cảm cho kiếp “Đời thừa” của Hộ cũng là của những trí thức trong xã hội cũ, tấm lòng nhân đạo của Nam Cao lại càng sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn và đó cũng là lí do khiến mỗi tác phẩm ông viết ra là những trang bất tử, gây ấn tượng tốt đẹp đối với bạn đọc cả hôm nay và mai sau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *