Phân tích giá trị hiện thực của truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Văn mẫu lớp 11

Tuyển tập văn mẫu về truyện ngắn Chí Phèo, SGK  Ngữ văn lớp 11.

Đề bài : Phân tích giá trị hiện thực của truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Bài văn mẫu Phân tích giá trị hiện thực của truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Mở bài Chí Phèo

Giới thiệu vấn đề nghị luận

Trong dòng văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945, Nam Cao là người đến sau, trước đó đã có những cây bút như Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… Nhưng có lẽ với Chí Phèo, Nam Cao đã đem lại cho chúng ta những ấn tượng mạnh mẽ không thể quên về bức tranh đen tối ngột ngạt, bế tắc của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, đồng thời thức tỉnh phần lương tri tốt đẹp nhất của con người, khơi dậy lòng căm ghét xã hội thực dân phong kiến tàn ác đã chà đạp lên nhân phẩm của con người; thương xót, cảm thông với những thân phận cùng đinh bị giày vò, tha hóa.

Dẫn ra vấn đề nghị luận

Với Chí Phèo, Nam Cao xuất hiện như một tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945, thời kì mới đầy thử thách. Cũng như các cây bút lớp trước, Nam Cao đặc biệt quan tâm thể hiện số phận khốn khổ trăm chiều của những người bị áp bức bóc lột đương thời. Có điều, trong cảm hứng “vạch khổ” chung của mọi nhà văn hiện thực, ngòi bút Nam Cao có những khám phá riêng về số phận người lao động bị chà đạp, bị tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính. Hình tượng nhân vật Chí Phèo – một điển hình nghệ thuật bất hủ trong văn xuôi Việt Nam – đã thể hiện đầy đủ cái nhìn mới mẻ, độc đáo, có chiều sâu của Nam Cao trong việc thể hiện nỗi khổ của người bần cố nông.

Thân bài

Khái quát chung

– Ở Việt Nam, những tác phẩm của văn học trung đại như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, thơ Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến… đã phơi bày hiện thực khách quan của cuộc sống. Nhưng phải đến Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn… mới khơi dòng cho khuynh hướng hiện thực rõ nét khi các tác phẩm thể hiện màu sắc phong tục, nếp sống của một số miền đất, một số mảnh đời khốn cùng. Đến khoảng những năm ba mươi của thế kỉ XX cây bút hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan là người bắt đầu đi theo khuynh hướng tả chân, lấy cuộc sống hiện thời, lấy cái đã và đang xảy ra làm nội dung tác phẩm. Và từ những năm 1930 đến trước 1945 khuynh hướng văn học hiện thực phát triển rầm rộ, quy mô, nhiều cây bút tài năng đã xuất hiện như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp… và Nam Cao được đánh giá là người có công đưa văn học hiện thực lên một trình độ mới, trình độ miêu tả tâm lí, khái quát hiện thực.

Căm ghét xã hội thực dân phong kiến thối nát, phê phán mãnh liệt các thế lực thống trị xã hội, trên cơ sở cảm thông, yêu thương con người, nhất là những con người bị vùi dập, chà đạp, đó là cảm hứng chung của các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945. Tuy nhiên, trong tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao đã khám phá hiện thực ấy bằng một cái nhìn riêng biệt. Nam Cao không trực tiếp miêu tả quá trình bần cùng, đói cơm, rách áo dù đó là một hiện thực phổ biến lúc bấy giờ. Nhà văn trăn trở, suy ngẫm nhiều hơn đến một hiện thực con người: con người không được là chính mình, thậm chí không còn được là con người mà trở thành con “quỷ dữ”, do những âm mưu thâm độc và sự chà đạp của một thế lực thống trị tàn bạo. Với một cái nhìn sắc bén, đầy tính nhân văn, bằng khả năng phân tích lí giải hiện thực hết sức tinh tế, bằng vốn sống dồi dào và trái tim nhân ái chan chứa yêu thương, nhà văn đã xây dựng nên một tác phẩm với những giá trị hiện thực và nhân đạo đặc sắc không thể tìm thấy ở các nhà văn cùng thời.

Giải thích khái niệm giá trị hiện thực

Giá trị hiện thực của tác phẩm văn học là toàn bộ hiện thực được nhà văn phản ánh trong tác phẩm văn học, tùy vào ý đồ sáng tác mà hiện tượng đó có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc có sự khúc xạ ở những mức độ khác nhau.

Cùng viết về đề tài người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến các nhà văn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan hay Nam Cao đều phản ánh sâu sắc và chân thật tình trạng khốn cùng của người nông dân Việt Nam trên con đường bị bần cùng hóa. Chí Phèo nằm trong quy luật ấy. Không có tiếng trống dồn sưu, thúc thuế vang lên dồn dập, không có cảnh tranh ruộng cướp đất đẩy con người vào cơn túng quẫn, cùng đường phải bán vợ đợ con, xã hội của văn Nam Cao trong Chí Phèo là sự thu nhỏ ở làng quê – một không gian tù túng, ngột ngạt mà bọn phong kiến có thể đẩy con người vào cảnh cùng đường tuyệt lộ phải bán nhân phẩm, nhân cách của mình, bán đi nhân hình nhân tính.

Nhưng khác với Ngô Tất Tố hay Nguyễn Công Hoan tập trung vào nỗi khổ tột cùng về vật chất của người nông dân thì với Chí Phèo – người nông dân còn đau đớn hơn với nỗi khổ về tinh thần. Nam Cao đã ném ra giữa cuộc đời một thằng cùng hơn cả dân cùng, là điển hình cho những gì tủi cực nhất của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến, không chỉ vậy còn là điển hình cho những gì tủi cực khổ đau nhất cho một kiếp người trên cõi đời này.

Có thể nói, với Chí Phèo, Nam Cao đã khái quát hóa tìm ra hình tượng mang bản chất xã hội, cá tính hóa nhân vật đến cao độ giúp cho nhà văn có cái nhìn tiêu biểu nhất, quan trọng nhất, toàn diện nhất cho một kiểu người, lớp người trong xã hội, đồng thời tạo nên diện mạo riêng cho Chí Phèo. Chí Phèo là “nhân vật lạ mà quen biết”. Chính điều đó làm nên sức sống lâu bền cho nhân vật điển hình. Chí Phèo như một chiếc chìa khóa để nhà văn khám phá cuộc đời, đề tài xây dựng nên một nhân vật điển hình không chỉ của một xã hội mà đó là điển hình của cả một nhân loại: Người nông dân hiền lành, lương thiện, giàu lòng tự trọng và có ước mơ trong sáng, nhưng sống trong cái xã hội “quần ngư tranh thực” họ đã bị đẩy đến bước đường cùng: Làm quỷ thì sống mà làm người thì tất yếu phải chết (ThS. Nguyễn Thành Huân).

Phân tích giá trị hiện thực của truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Chí Phèođiển hình cho nỗi khổ về vật chất của người nông dân

Hành trang bước vào đời của Chí là một số “0” tròn trĩnh: là một đứa con hoang, không cha, không mẹ, không một tấc đất cắm dùi. Đến năm hai mươi tuổi Chí Phèo làm canh điền cho nhà bá Kiến, tiếp tục cuộc sống làm kiếp trâu ngựa của người cố nông lao động nghèo khổ ở nông thôn. Đến lúc có tài sản là một túp lều cuối làng thì Chí cũng đã phải chà đạp lên biết bao số phận khốn khổ khác, được lấy từ nỗi đau của người khác. Nam Cao đã để Chí phát biểu một câu tiêu biểu cho nỗi khổ cùng cực của người nông dân dưới chế độ thực dân phong kiến: Xin cụ cho con đi ở tù. Ở tù mới có cơm mà ăn. Thật đau xót khi có miếng ăn Chí phải giành giật, dọa nạt, đâm thuê chém mướn, xin đi ở tù và cuối cùng phải bán dần, bán lẻ nhân hình, nhân tính của mình. Chị Dậu khốn khổ cùng cực nhưng chị còn được làm người, và Chí muốn sống trong làng “quần ngư tranh thực” ấy thì phải trở thành con quỷ dữ.

Chí Phèo đã trượt dài trên con đường tha hóa. Đọc Tắt đèn ta cảm thông sâu sắc với nỗi khổ đè nặng trên đôi vai gầy yếu, nỗi đau xé lòng của chị Dậu, tưởng như chị đã là nỗi đau tột cùng nhưng khi đến với Chí Phèo qua tiếng chửi tục tĩu, khuôn mặt đầy vết sẹo, bước chân ngật ngưỡng đi trên những trang văn của Nam Cao thì ta mới thấy rằng: đó là kẻ khốn cùng nhất của nông dân Việt Nam ngày trước. Nam Cao đã khái quát được một quy luật mà các tác phẩm hiện thực phê phán khác chưa đề cập được đó là hiện tượng người nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh hóa và tha hóa.

Chí Phèođiển hình cho nỗi đau về tinh thần của người nông dân

Những tưởng đã cùng cực với nỗi đau về vật chất thì Chí Phèo còn là điển hình cho nỗi đau về tinh thần của người nông dân. Chị Dậu trong Tắt đèn phải bán con bán chó để cứu chồng, âu cũng là trắng tay tưởng không còn gì để bòn kiếm hơn nhưng Chí Phèo còn tìm kiếm được cái quý giá nhất của mình đó là nhân tính, linh hồn. Chị Dậu – người nông dân dù nghèo xác xơ nhưng vẫn được mọi người coi là người, còn với Chí khi bán dần đi linh hồn của mình thì đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Con quỷ dữ ấy đã bị xã hội dứt khoát, lạnh lùng cự tuyệt, gạt bỏ ra ngoài đồng loại. Trong con mắt của làng Vũ Đại Chí Phèo là thằng không cha, không mẹ, chỉ có một nghề là nghề rạch mặt ăn vạ. Tất cả dân làng đều sợ hắn đến nỗi không ai coi hắn tồn tại trên đời thành ra mỗi lần Chí chửi bới, la làng, người ta “mặc thây cha nó”, không ai thèm lên tiếng, đáp lại hắn chỉ có mấy con chó xao lên trong xóm. Người ta khinh bỉ Chí đến mức hắn chỉ mong có kẻ chửi nhau với hắn mà không được. Chí chửi cũng là một cách mong người đời giao tiếp với hắn nhưng thật đau xót cuối cùng chỉ có Chí với mấy con chó sủa ầm ĩ cả làng.

Cuộc đời Chí càng chìm sâu xuống vũng bùn tăm tối – một cuộc sống không linh hồn, mất hết ý niệm về thời gian, không biết cuộc đời mình đã dài bao nhiêu năm rồi. Chí cũng không ý thức được hành động tội lỗi của mình: có lẽ hắn không biết rằng hắn là quỷ dữ của làng Vũ Đại, đã tác quái bao nhiêu dân làng… Chí triền miên trong những cơn say, cơn nàychưa qua thì cơn khác lại tràn đến, hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu, dọa nạt trong lúc say… Cuộc đời Chí tưởng như cứ chết dần chết mòn trong sự ruồng bỏ của người dân làng Vũ Đại, trong tăm tối và tội lỗi nhưng cuộc gặp gỡ với thị Nở – một người đàn bà xấu đến nỗi “ma chê quỷ hờn” sẽ như chiếc phao nhỏ mong manh cứu vớt cuộc đời Chí, sẽ là cầu nối giữa Chí và loài người. Chí nhớ lại những ước mơ thuở xưa, nhớ lại cuộc đời lương thiện và thèm làm hòa với mọi người biết bao nhưng Chí đã bị rơi vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người khi thị Nở đã trút vào y tất cả những lời thậm tệ của bà cô, đã vùng vằng ra về mặc cho Chí sửng sốt đứng lên gọi lại, rồi đuổi theo nắm lấy tay thị. Tủi nhục ê chề, Chí lại lao vào rượu. Nhưng lạ lùng thay Chí càng uống lại càng tỉnh ra, và cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành – dư vị của tình thương lần đầu Chí được hưởng. Chí ôm mặt khóc rưng rức. Trong cái dáng vẻ ấy chất chứa biết bao nỗi cô đơn, tuyệt vọng. Bi kịch của Chí đã đạt đến mức tột cùng của sự bi thảm. Như vậy theo Nam Cao con người đau khổ nhất không phải là đói cơm rách áo mà là bị đồng loại ruồng bỏ.

Với Chí Phèo, Nam Cao đã khái quát được những vấn đề bức xúc của con người trong thời kì 1930 – 1945. Ngật ngưỡng bước ra từ trang văn của Nam Cao, Chí Phèo là điển hình cho số phận của bao người dân An Nam xưa. Trong làng Vũ Đại không chỉ có một mình Chí Phèo mà còn có những Năm Thọ, Binh Chức… bị xô đẩy vào con đường tội lỗi như là hiện tượng đầy ám ảnh về sự thật tàn nhẫn tre già, măng mọc, bao giờ hết những thằng du côn. Và hình ảnh cái lò gạch cũ xuất hiện đầu cuối tác phẩm góp phần cùng với điển hình Chí Phèo đã khái quát một hiện tượng xã hội trước Cách mạng, hiện tượng có tính quy luật khủng khiếp: chừng nào còn áp bức bóc lột nặng nề chừng ấy những người dân lương thiện sẽ bị đẩy vào con đường lưu manh hóa, tha hóa. Tuy nhiên hình ảnh đó cũng gợi về một cách kết thúc chưa hoàn kết, chưa xong xuôi gợi ra mâu thuẫn, xung đột chưa kết thúc. Nó gợi nhiều suy tư về hiện thực xã hội, về thân phận người nông dân trong thời kì xã hội trước Cách mạng tháng Tám.

Chí Phèosự sáng tạo độc đáo của Nam Cao

Nếu như chỉ dừng lại xây dựng Chí Phèo với những điển hình cho nỗi đau khốn cùng của người nông dân đẩy dần họ vào tăm tối, u mê, vào con đường phải thành “đầu trộm đuôi cướp” mới tồn tại được thì chắc rằng tác phẩm ấy, nhân vật ấy sẽ không có sức sống lâu bền như thế. Bản thân Nam Cao luôn trăn trở về nghề viết văn của mình, luôn tâm niệm một điều – tác phẩm có giá trị là khi nhà văn biết biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có (Đời thừa). Ông không chấp nhận cái nhìn giản đơn đối với hiện thực cuộc sống, luôn khai thác thế giới nội tâm sâu kín của nhân vật phát giác sự vật ở những bề chưa thấy, ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa (Chế Lan Viên). Với nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã làm được điều đó – là sự sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ luôn ấp ủ hoài bão với nghề. Ông đã dùng tình thương để cảm hóa kẻ lầm đường ấy và để thức tỉnh xã hội vô tình. Ông đã tìm thấy và khẳng định bản chất lương thiện đẹp đẽ, bền vững của con người, ngay cả khi họ đã vùi dập tới mức méo mó cả nhân hình lẫn nhân tính.

Nam Cao đã xây dựng nên một Chí Phèo có xuất thân đặc biệt. Đau đớn cho Chí ngay cả những kẻ sinh ra hắn cũng không hề muốn hắn làm người: Một người đi thả ông lươn nhặt được Chí Phèotrần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không”, sau đó, chuyền tay cho người làn nuôi… Họ vứt hắn đi như một thứ tội nợ, mặc dù hắn chẳng có tội tình gì. Rồi Chí cứ bị xã hội ấy “quăng quật” đến tàn nhẫn khi bị người đàn bà góa mù “bán” cho một bác phó cối không con… Với những chữ như “nhặt”, “chuyền”, “bán”, “cho” Nam Cao đã miêu tả nhân vật của mình giống như một thứ đồ vật bị người ta chuyển tay. Khi bác phó cối chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Thật khó có thể thấy trên đời này có đứa trẻ nào khốn khổ tủi nhục hơn thế. Mặc dù sinh ra trong một cảnh ngộ cay đắng tủi nhục như vậy, nhưng lại được nuôi dưỡng bởi những con người nghèo khổ, lương thiện những phẩm chất tốt đẹp của Chí cũng được khơi dậy và lớn lên. Nam Cao đã khẳng định chân lí: Tính cách là con đẻ của hoàn cảnh, hoàn cảnh lương thiện sẽ sinh ra những tính cách tốt đẹp.

Chí sẽ vẫn là anh canh điền “hiền lành như đất” nếu như sống trong hoàn cảnh lương thiện nhưng chỉ vì cơn ghen vô cớ, bá Kiến đã kiếm cớ đẩy Chí vào nhà tù. Nhà tù đã “đẻ ra” một anh Chí Phèo khác hẳn. Nam Cao đã dụng công miêu tả Chí trong bộ dạng giống như một quái nhân mà chưa tác phẩm trước đó hay cùng thời có, nếu đọc thoáng qua sẽ có người quy chụp ông bị ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên. Nhưng không, ngoại hình của Chí xấu xa, gớm ghiếc bao nhiêu thì càng khiến tiếng nói tố cáo hiện thực của Nam Cao thêm sâu sắc. Ngoại hình của hắn làm cho người dân làng Vũ Đại phát khiếp: Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy. Chính nhà tù đã biến Chí thành kẻ du côn, lưu manh. Nam Cao đã tô đậm quãng đời làm con quỷ dữ ở làng Vũ Đại của Chí bằng hai chi tiết chân thực nhất đó là “những cơn say” và “tiếng chửi”. Chưa có kẻ lưu manh trong các tác phẩm văn học Việt Nam lại chửi như Chí: Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không?… Với bài chửi độc đáo của mình Chí Phèo đã tỏ ra rất tỉnh táo giữa những cơn say. Hắn đã sắp xếp các đối tượng mình chửi theo một trật tự đầy ý nghĩa: từ “trời”, đến “đời”, đến cả “làng Vũ Đại”, đến “đứa nào không chửi nhau với hắn”… Đây là một trật tự từ cao tới thấp, từ xa tới gần, từ trừu tượng vu vơ đến cụ thể trực tiếp. Thật ra, Chí Phèo đang cố gắng đi tìm ai là kẻ đã đẩy đời mình đến nông nỗi này. Hắn muốn có lời giải đáp cho câu hỏi: Đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này?Qua tiếng chửi không có người đáp lại của Chí, ta hình dung ra một số phận khốn khổ. Chí Phèo là một kẻ không cha, không mẹ, lại bị cả làng Vũ Đại ruồng bỏ.

Không ai thèm lên tiếng đáp lại hắn. Chí tự chửi, tự nghe. Điều ấy chứng tỏ hắn là một kẻ lạc loài, là một số phận vô cùng cô đơn trong xã hội làng Vũ Đại. Trong tiếng chửi của Chí Phèo vừa có nỗi uất hận, vừa có một nhu cầu tha thiết. Chí mong có người chửi lại mình cũng có nghĩa là muốn được mọi người đối xử với mình như với một con người. Chí Phèo cứ trượt dài trên con đường tha hóa của mình nếu như không gặp thị Nở. Thị Nở là một sáng tạo nghệ thuật của Nam Cao. Thị cũng là một công trình nhỡ tay của tạo hóa. Tuy thuộc về phái đẹp nhưng thị lại có tất cả những gì mà một người phụ nữ không bao giờ muốn có. Mối tình giữa thị và Chí Phèo không phải là mối tình của hai kẻ nửa người nửa ngợm như nhan đề Đôi lứa xứng đôi mà một nhà xuất bản đã đặt tên. Đó là một tình yêu thông thường vì có đầy đủ các cung bậc của tình yêu như: gặp gỡ – tỏ tình – cầu hôn – thất tình. Thậm chí đây còn là tình yêu đẹp vì nó làm cho hai cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn. Từ khi gặp thị Nở, Chí Phèo dần dần từ con vật trở lại kiếp con người. Lần đầu tiên hắn thấy “sợ rượu”, cũng là lần đầu tiên hắn tỉnh rượu để nghe thấy tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những âm thanh quen thuộc, thường nhật ngày nào mà chẳng có, nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy. Cuộc đời bình dị, thậm chí còn nhiều nhọc nhằn, vất vả nhưng đáng yêu và đáng sống biết bao. Tiếng hai người đàn bà hỏi nhau về giá vải gợi nhắc cho Chí nhớ lại ước mơ thời hắn hai mươi tuổi: Có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Cái giấc mơ ấy đơn sơ mà sao mãi đến bây giờ hắn chưa thực hiện nổi. Nghĩ đến đây hắn thấy “buồn”. Nỗi buồn này làm cho tâm hồn Chí trong trẻo hơn. Nhớ về quá khứ hắn thấy “buồn” còn nhìn về tương lai hắn thấy “sợ”: sợ tuổi già, đói rét, ốm đau và sợ nhất là cô độc. Từ chỗ nghe thấy âm thanh bình dị của cuộc sống, nhớ lại ước mơ thuở hai mươi tuổi đến chỗ biết buồn, biết sợ chính là quá trình nhân tính dần dần trở về trong Chí. Bát cháo hành là chi tiết nghệ thuật tài tình của Nam Cao, tạo ra bước ngoặt lớn trong tâm lí và số phận của Chí Phèo. Khi nhận được bát cháo hành của thị Nở lúc đầu Chí “ngạc nhiên”, sau thấy “mắt hình như ươn ướt”. Bát cháo hành tuy đơn sơ nhưng lại là tình người lần đầu tiên Chí được đón nhận. Với bát cháo hành, Nam Cao đã xúc động khẳng định: Nhân tình của con người rất bền vững, chỉ có thể bị vùi lấp chứ không thể bị hủy diệt. Chỉ cần nhỏ vào tâm hồn u tối một giọt tình thương lập tức tính người sẽ thức dậy.

Chính tình thương của thị đã khơi dậy phần người trong Chí. Từ chỗ “tỉnh rượu” bát cháo hành đã làm Chí “tỉnh ngộ”. Chí khao khát hoàn lương, khao khát mãnh liệt: Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao. Thị sẽ mở đường cho hắn về với loài người. Như người chết đuối vớ được cọc Chí đã nói với thị bằng những lời chân tình tha thiết nhất: Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.Năm ngày ngắn ngủi ở bên thị, hắn đã sống như một con người: hắn đã cố uống ít rượu và không làm một điều gì có hại cho những người xung quanh. Khát vọng hoàn lương thật cháy bỏng trong Chí. Nhưng định kiến xã hội đã chặn đứng sự trở về với xã hội loài người của Chí. Thị Nở xét đến cùng tuy sống ở rìa làng, tuy bị coi là “một vật rất tởm” nhưng thị vẫn thuộc vào xã hội loài người. Thị như một thứ đồ phế thải của làng Vũ Đại nhưng khi Chí Phèo nhặt lấy, định coi là của riêng mình thì họ lại xông đến cướp lại. Làng Vũ Đại chủ yếu là những người nông dân thất học, đầy những thành kiến, định kiến độc ác mà bà cô thị Nở là người đại diện phát ngôn đã tuyên bố thẳng thừng: Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ra ăn vạAi lại đi lấy thằng Chí Phèo!

Cánh cửa duy nhất để hắn có thể trở về với xã hội loài người đã đóng sầm lại. Chí định trở lại con đường cũ, bản tính lưu manh trỗi dậy nhưng hương vị tình thương của bát cháo hành, nhân tính vừa thức dậy đã ngăn hắn lại. Trong cơn tuyệt vọng, hắn lấy rượu ra uống nhưng lần này lạ thay càng uống lại càng tỉnh ra. Hắn không thấy hơi rượu mà cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hương vị của tình người cứ ám ảnh dày vò Chí. Hắn ôm mặt khóc rưng rức –những giọt nước mắt của Chí lúc này chứng tỏ nhân tính đã trở về trọn vẹn trong hắn.

Chí Phèo đến nhà bá Kiến sau khi uống rất nhiều rượu. Hành động của Chí lúc này đã được Nam Cao khắc họa rõ nét. Lúc đầu Chí định đến nhà thị Nở nhưng không hiểu sao chân hắn lại đưa hắn đến nhà bá Kiến. Có lẽ trong sâu thẳm tiềm thức hắn đã nhận ra kẻ hủy hoại đời mình chính là bá Kiến chứ không phải bà cô thị Nở. Chí đã đi chệch đường nhưng đúng hướng. Bá Kiến có lúc cả giận mất khôn đã cư xử với Chí như một con vật, đã mỉa mai khát vọng lương thiện của Chí. Vừa đau đớn, vừa căm giận, Chí trợn mắt lên, dõng dạc đòi lại cái quý nhất của đời mình đã bị bá Kiến cướp mất: Tao muốn làm người lương thiện. Chí cũng tỉnh táo nhận ra tình thế bế tắc của mình. Hắn chỉ rõ hai nguyên nhân đẩy hắn vào bước đường cùng: Ai cho tao lương thiện? chính là ám chỉ bá Kiến, kẻ đã đẻ ra con của quỷ dữ làng Vũ Đại. Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? chính là ám chỉ những định kiến tàn ác của xã hội làng Vũ Đại đã chặn đứng khát vọng hoàn lương của Chí. Để bảo toàn tính người vừa trở về Chí đã hành động đột ngột nhưng hoàn toàn lôgic: đâm chết bá Kiến và sau đó tự sát. Bá Kiến chết đau đớn đúng với quy luật của kẻ gieo gió ắt gặt bão. Hành động này dự báo mâu thuẫn giữa hai tầng lớp nông dân và địa chủ trong xã hội Việt Nam đã gay gắt tới mức không điều hòa nổi. Người ta thấy Cách mạng tháng Tám có mầm mống từ tia chớp của lưỡi dao Chí Phèo. Còn Chí, nhờ lưỡi dao mà khẳng định rằng: Thà chết là một con người còn hơn sống như một con vật (ThS. Nguyễn Thành Huân). Hành động có giá trị tố cáo sâu sắc. Nam Cao đã xây dựng Chí Phèo với những đặc tính cá biệt, cá biệt từ tính cách đến hành động. Chí Phèo đã được khắc họa cả ngoại hiện bên ngoài lẫn chiều sâu bên trong. Vốn là anh nông dân hiền lành như đất thế nhưng qua bốn bức tường lao lí ra cuộc đời Chí đã trở thành con quỷ dữ. Chí cứ đắm chìm mãi trong những cơn say dài, tiếng chửi của Chí ám ảnh tâm can người đọc và Chí phản kháng bằng con đường lưu manh. Chí vừa là con quỷ dữ, vừa là quân cờ trong bàn tay kẻ thống trị, và cũng là nô lệ thức tỉnh khi đâm chết bá Kiến lấy máu để rửa thù rồi tự sát để bảo toàn nhân phẩm mới trở về.

Đánh giá và nhận xét

Bằng một cái nhìn tinh tế, một trí tuệ sâu sắc và tinh thần sáng tạo của người nghệ sĩ, Nam Cao đã khắc họa thành công một thực tế đã trở thành quy luật ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng: một bộ phận nông dân bị lưu manh hóa, tha hóa, tức là bị các thế lực tàn bạo cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính. Đồng thời, Nam Cao đã phát hiện và khẳng định thiên tính đẹp đẽ, sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của con người ngay cả khi họ bị xã hội phi nhân tính chà đạp, cướp đi hồn người. Nhà văn khẳng định một chân lí: Dù ở trong hoàn cảnh nào thì bản chất lương thiện của con người vẫn tồn tại. Hướng thiện và tìm đến những điều tốt đẹp đó là bản tính tự nhiên và ước muốn vĩnh hằng của loài người. Tuy nhiên, Nam Cao chưa thể hiện được sự đổi đời của người nông dân mà bi quan về tiền đồ của họ. Đây là hạn chế chung của thời đại và văn học hiện thực trước năm 1945.

Kết bài

Khái quát lại vấn đề vừa nghị luận

Chí Phèo là đại diện cho người nông dân An Nam thời thuộc địa bị bần cùng hóa và lưu manh hóa nhưng cũng là một sáng tạo độc đáo của nhà văn Nam Cao. Ông khẳng định tình thương cứu rỗi con người, khẳng định bản chất lương thiện, bền vững của con người ngay cả khi bị vùi dập đến méo mó cả nhân hình và nhân tính.

Cảm xúc của bản thân

Chí Phèo là một trong những tác phẩm như trải qua biết bao thời gian đến nay vẫn là một tác phẩm được người đọc yêu thích. Tác phẩm không phải là những ngôn từ như sáo rỗng mà nó được viết lên từ chất liệu hiện thực của cuộc sống và tính nhân văn cao đẹp của tác giả cũng như chính nhân vật lan tỏa ra trong lòng người đọc.

Dẫn theo : Th.S Nguyễn Thành Huân

Xem thêm : Chí Phèo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *