Chứng minh nhận định : Đừng nói trao cho tôi đề tài hãy nói trao cho tôi đôi mắt

Văn mẫu lớp 11

Gamzatốp từng khuyên các nhà văn trẻ:

“Đừng nói trao cho tôi đề tài

hãy nói trao cho tôi đôi mắt”

Qua hai tác phẩm “Tự Tình 2” của Hồ Xuân Hương và “Chí Phèo” của Nam Cao hay bình luận ý kiến trên.

Bài làm

Nhà văn Gamzatốp từng nói: “một cuộc thám hiểm thực sự không cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”. Đúng như vậy nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, nó đòi hỏi nhà văn phải không ngừng sáng tạo, không ngừng tìm tòi để thai nghén ra những đứa con tinh thần độc đáo. Bởi lẽ nghệ thuật không thừa nhận sự lặp lại, nghệ thuật sẽ chết khi nhà văn không mang lại sự sáng tạo cho tác phẩm văn chương của mình. Vì thế chính Gamzatốp từng khuyên các nhà văn trẻ:

“Đừng nói trao cho tôi đề tài

hãy nói trao cho tôi đôi mắt”

Độc giả thấy rõ sự sáng tạo ấy qua hai tác phẩm “Tự Tình 2” của Hồ Xuân Hương và “Chí Phèo” của Nam Cao.

Đề tài đức là vấn đề chủ yếu trong hiện thực xã hội mà nhà văn đề cập đến trong bao quát tác phẩm, nó là hiện thực cuộc sống con người. Cụ thể là người nghệ sĩ phản ánh trong những trang văn chương của mình. Người nghệ sĩ chân chính không cần đến một đề tài có sẵn, đã được gợi ý sẵn mà cái họ cần là một đôi mắt mới. Đôi mắt ở đây là cách nhìn nhận, cách khám phá và phản ánh cuộc sống của mỗi nhà văn. Như vậy chỉ bằng hai câu thơ ngắn gọn mà xúc tích Gamzatop muốn khẳng định, đồng thời đề cao tính sáng tạo cho văn chương của mỗi nhà văn. Cái để làm nên giá trị cho tác phẩm và tên tuổi của nhà văn không phải ở việc tái hiện một đề tài mới mẻ, mà ở cách khám phá nhìn nhận đề tài đó theo một cách riêng, mới lạ dù nó đã cũ tới mức nào.

Tố Hữu đã khẳng định rằng “nghệ thuật miêu tả muôn hình vạn trạng, nghệ thuật không bao giờ lặp lại”. Nguyễn Tuân cũng như vậy: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo mới mẻ, văn chương cũng không nằm ngoài nghệ thuật nên nó đòi hỏi nhà văn phải không ngừng sáng tạo tìm tòi tìm ra những điều mới lạ”. Nói như Nam Cao thì: “văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có”. Việc sáng tạo ấy đòi hỏi mỗi nhà văn phải xây dựng cho mình một phong cách riêng, bởi lẽ phong cách chính là nguồn của sự sáng tạo, là sự thể hiện của cái riêng, cái mới trong văn học. Nghệ thuật là phải sáng tạo, vốn là bản chất của nó, nhưng sáng tạo cũng là một món nợ của nhà văn với văn chương bởi lẽ vốn dĩ lao động của Nhà văn là lao động sáng tạo, họ phải không ngừng lượm nhặt bụi vàng của cuộc sống, mà cóp nhặt vào trang văn của mình. Nhà văn sê-khốp từng khẳng định: “Nếu không có tiếng nói riêng, tác giả không bao giờ là nhà văn cả”. Và nếu anh không có giọng riêng thì cũng khó trở thành nhà văn thực thụ, cái giọng riêng, tiếng nói riêng ấy chính là bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ, mà văn học thì rất cần đến nó. Nghệ thuật chỉ thật sự đẹp khi mỗi nhà văn sáng tạo ra cho mình một hương sắc riêng, không lẫn vào đâu được và Nam Cao với truyện ngắn “Chí Phèo” và Hồ Xuân Hương với bài thơ “Tự Tình 2” chính là những minh chứng điển hình cho sự sáng tạo nghệ thuật.

Có thể nói tính sáng tạo đã làm nên những các tác phẩm mới, đã ăn sâu vào ngòi bút Nam Cao và phát triển thành một quan điểm sáng tác tiến bộ của ông. Với ông yêu cầu khắt khe của một nhà văn thực thụ là phải “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có”. Văn học không bao giờ là sự sao chép hiện thực một cách y nguyên, hời hợt nông cạnvà không được phép sửa, dẫn theo lối mòn cũ. Ông kị nhất cái nghề “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, có lẽ bởi thế mà khi sáng tác truyện ngắn Chí Phèo thì Nam Cao đã thổi cái hơi thở sáng tạo của mình vào trong đó, từ cả nội dung đến hình thức nghệ thuật để trải qua bao gió bụi thời gian Chí Phèo của Nam Cao trở thành một kiệt tác văn xuôi hiện thực Việt Nam và sống mãi trong lòng bạn đọc.

Chí Phèo là một truyện ngắn viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Đây là một đề tài không mới. Trước Nam Cao đã có Ngô Tất Tố với tiểu thuyết “Tắt Đèn”. Nguyễn Công Hoan với Giông tố, Vũ Trọng Phụng….. Vậy Nam Cao còn lượm nhặt gì trên mảnh đất mà người ta đã cày xới cả rồi. Chính sự sáng tạo của Nam cao, ở đây là đề tài cũ nhưng cách khám phá của ông rất mới. Trong “Tắt đèn” chị Dậu khổ đến nỗi bán con, bán chó, bán sữa, phải chịu sưu cao, thuế nặng đè đầu nhưng chị vẫn còn được làm người. Nỗi khổ của chị là nỗi khổ về vật chất nhưng Nam Cao lại có biệt tài tìm hiểu con người. Ông đã xây dựng lên nhân vật Chí Phèo dựa trên nỗi đau tột cùng về tinh thần, bị tha hóa, lưu manh hóa cả vẻ nhân hình lẫn nhân tính. Chí Phèo xuất hiện trước mắt bạn đọc là một tên tứ cố vô thân, cuộc đời Chí được tóm gọn bằng một con số không tròn trĩnh. Hắn được một anh đi thả ông lươn nhặt được ở bên cạnh một cái lò gạch bỏ hoang, tuổi thơ Chí Phèo chuyền tay nuôi từ người này đến người khác. Năm 20 tuổi hắn làm canh điền cho nhà Bá Kiến, lúc này  Chí chỉ là một anh nông dân hiền như đất, biết ước mơ và có lòng tự trọng. Hắn biết phân biệt giữa tình yêu và thói dâm dục tầm thường khi bị bà Ba gọi lên bóp chân. 20 tuổi người ta không hoàn toàn là đá, cũng không hoàn toàn là xác thịt, ấy vậy mà chỉ vì một cơn ghen vô cớ mà lão cường hào già đời đục khoét đẩy Chí vào tù nhà tù thực dân dã man đã biến Chí tử một anh thanh niên hiền lành, biến thành một tên du côn, đầu đường xó chợ. Ra tù hắn thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính: “cái đầu cạo trọc lốc, cái răng cạo trắng, cái mặt đen và rất câng câng, trông gớm chết!” Đây là một bộ mặt của quái nhân, của quỷ chứ không phải người. Cuộc đời hắn từ đây bước sang trang tối đen xám xịt. Chí Phèo suốt ngày say xỉn, ra tù hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi uống rượu với thịt chó. Chí bị bá Kiến mua chuộc hắn thành tay sai đắc lực, thành công cụ đục khoét cho lão cáo già. Chí sống trong chuỗi ngày đầy máu và nước mắt của biết bao người dân lương thiện, trượt dài trên con đường tha hóa. Chí Phèo cũng đánh mất khái niệm của hai chữ con người từ đây, ở đoạn đầu tác phẩm Nam Cao đã cho ta thấy  rõ điều đó khi Chí chửi, nếu như hắn chửi mà có ai đáp lại thì hắn còn là người, nhưng đáp lại lời hắn chỉ có tiếng chó sủa. Chí đã bị đánh bật ra xã hội loài người trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Tưởng chừng như Chí Phèo sẽ sống mãi trong kiếp thú vật ấy, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Chí, phần người vẫn tiềm tàng chỉ đợi tình yêu thương để trỗi dậy. Cái sáng tạo của Nam Cao là đã phát hiện ra phần người trong con quỷ dữ, con người ta dù trong hoàn cảnh nào cũng khát khao được hoàn lương, đây cũng là giá trị nhân đạo mới mẻ của tác phẩm. Nâng tầm tên tuổi của Nam cao đến với bạn đọc thế giới.

Nam Cao đã để cho Chí Phèo gặp Thị Nở để tình thương trong Thị dẫn dắt Chí quay về thế giới loài người. Sau đêm ăn nằm với Thị Chí như khác hẳn, hắn tỉnh dậy sau một cơn say dài và đây là lần đầu tiên hắn hết say, hắn thấy lòng mình như mơ hồ buồn và cảm nhận được những gì đang xảy ra xung quanh mình, Ngoài kia có tiếng Anh thuyền chài gõ mái, tiếng chim hót líu lo, tiếng những người đàn bà đi chợ về. Những âm thanh này thật quen thuộc, ngày nào chả có. Nhưng sao giờ hắn mới nghe thấy, vì giờ hắn mới hết say. Chí Phèo cảm nhận được đời mình trong cả quá khứ hiện tại và tương lai. Hình như trước kia có một thời hạn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm vốn liếng. Thế nhưng hiện tại thì hắn đã già rồi, mà còn cô độc và tương lai trước mắt với Chí không sợ, không sợ ốm đau mà đáng sợ nhất là cô độc. Nay trông  cái khoảnh khắc lòng buồn quá đỗi thì thị bước vào như một thiên sứ, Thị đã múc cho hắn một bát cháo hành, bát cháo ấy như liều thuốc giải cảmm cũng như là liều thuốc tình thương, hòa tan tâm hồn băng giá của Chí. Ban đầu Chí hết sức ngạc nhiên, xúc động sung sướng rồi thấy mắt mình hình như ươn ướt, lúc này đây Chí khao khát hoàn lương, và Thị sẽ là cây cầu tình yêu, dẫn Chí về với thế giới loài người, Chí thèm làm hòa với mọi người biết bao, Chí cũng như biết bao con người khác mơ ước hạnh phúc và Thị Nở với hắn sẽ là một gia đình thật đẹp “giá như cứ thế này mãi thì thích nhỉ, hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”.

Là một nhà văn hiện thực xuất sắc nhưng Nam Cao cũng có một tấm lòng nhân đạo sâu sắc vô cùng. Ông đã để cho Chí hoàn lương dù chỉ trong 5 ngày nhưng năm ngày Chí sống đúng là một con người với tình thương và ngọn lửa đẹp nhất, dẫn lối cứu đỗi tâm hồn con người, để rồi khi bị cự tuyệt đến phũ phàng, Chí đã không chịu đựng được, xách dao đòi giết chết Thị nhưng đôi chân thì vẫn lần mò tìm đến nhà Bá Kiến. Chí tỉnh táo nhận ra kẻ thù của đời mình là lão Bá và đâm chết lão, cũng như kết liễu cuộc đời mình trong tiếng kêu thảm thiết và ám ảnh đến vậy “ai cho tao lương thiện”.

Câu chuyện khép lại mà dư âm trong lòng bạn đọc vẫn còn tấm ảnh, cái xã hội thực dân lúc bấy giờ chính là hung thủ đẩy con người tới cái chết. Nam Cao đã nhận ra điều đó và quy luật tất yếu “ở đâu có áp bức, ở đó có phản kháng, tức nước thì vỡ bờ”.

Không chỉ sáng tạo về mặt nội dung mà ở hình thức nghệ thuật, văn Nam Cao cũng có những mới mẻ độc đáo. Ông đã phát huy cao độ biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật, từ đó Chí Phèo hiện ra trong mắt ta thật sắc nét, thật sự đau đớn, bất mãn trong từng cơn say. Sự sung sướng hạnh phúc, khát Khao làm người lương thiện đến giây phút tuyệt vọng. Cùng với đó là những đoạn văn đối thoại, độc thoại nội tâm cũng góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật, kết cấu vòng tròn kiểu tâm lý rất tự nhiên mà lôgic, giọng điệu thì đa dạng, khi lạnh lùng dửng dưng, khi thì buồn thương da diết. Tất cả đã đưa Chí Phèo lên vị trí kiệt tác số 1 của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

Không chỉ ở trong thể loại văn xuôi mà ở cả thơ ta cũng đòi hỏi sự sáng tạo, đặc biệt là những bài thơ trung đại. Nếu có những mới mẻ độc đáo càng được bạn đọc yêu mến và trân trọng. Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương là một bài thơ sáng tạo như thế, cái mới của bà Chúa thơ Nôm là cũng viết về đề tài người phụ nữ trong xã hội xưa, nhưng Hồ Xuân Hương không viết về nỗi buồn của người chinh phụ có chồng ra chiến trận, mà là một nỗi buồn chán chường của một người phụ nữ phải chịu kiếp chồng chung. Đặc biệt hơn đó là một sự phản kháng quyết liệt, không cam chịu và vùng lên đòi quyền hạnh phúc. Trong bài thơ Hồ Xuân Hương đã bộc lộ được cái tôi cá nhân của mình. Đây là điều hiếm thấy trong thơ ca trung đại.

Mở đầu bài thơ ta bắt gặp một nỗi buồn vò võ, cô đơn:

“đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

trơ cái hồng nhan với nước non”

Đêm khuya là khoảng không gian tĩnh lặng, thanh vắng mà lòng người lúc này càng vắng hơn. Từ ngữ sử dụng thật độc đáo không chỉ cho thấy sự khinh thường rẻ rúm, mà lại đi kèm với hồng nhan chỉ nhan sắc của người con gái đẹp, người phụ nữ ấy không đâu xa chính là nhà thơ đang buồn bã, nỗi buồn với nước non. Vì buồn nên tìm rượu làm bạn, giải sầu.

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng Trăng bóng xế Khuyết chưa tròn”

Thời xưa bậc nam nhi hảo hán thường tìm rượu giải khuây, ấy vậy mà đang nói về nỗi buồn phận nữ nhi Hồ Xuân Hương dám mang rượu ra giải sầu, uống rượu mà càng uống càng tỉnh chẳng những không say mà còn tỉnh táo hơn nữa. Để nhận thức được kiếp hồng nhan bạc phận, nữ sĩ chán chường tìm đến trăng là người bạn tri âm, tri kỉ. Nhưng soi bóng vào đó thì lại càng thấy rõ ràng lòng mình hơn, hơn nữa trăng ở đây lại là trăng khuyết chưa tròn như đang trêu ngươi. Để nhà thơ nhớ đến cảnh chồng chung của mình, từ đó muốn phản kháng quyết liệt :

“xiên ngang mặt đất rêu từng đám

đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Hồ Xuân Hương sử dụng nghệ thuật đảo ngữ, sử dụng những động từ mạnh “xiên ngang”, “đâm toạc” tỏ rõ thái độ của mình rằng muốn

“chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Hồ Xuân Hương một nữ sĩ tài sắc vẹn toàn, lại phải chịu hai lần làm kiếp vợ lẽ, để rồi phản kháng. Nhưng trở về thực tại vẫn buồn tẻ, trơ trọi

“ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

mảnh tình san sẻ tí con con”

từ “lại” ở đây có hai lớp nghĩa, “lại”có nghĩa là trở lại, quay trở lại, Xuân đi rồi xuân sẽ quay lại thôi nhưng lại ở đây có ý nghĩa là lại thêm một lần nữa tỏ rõ sự chán chường bất lực trước dòng chảy trôi của thời gian. Thời gian trôi đi mãi mà tuổi xuân con người cũng phải chia lìa. Bởi thế nên nhà thơ ngán ngẩm. Nghệ thuật tăng tiến theo chiều hướng giảm dần, mảnh tình đã nhỏ nhoi, người ta mong hạnh phúc đong đầy phải là mối tìn,  vậy mà mảnh tình đã nhỏ còn phải san sẻ thành “Tí con con”. Qua đây ta thấy Hồ Xuân Hương khao khát muốn hạnh phúc tới nhường nào, thành công cái mới mẻ của bài thơ đó là việc nữ sĩ đã sử dụng thành công nghệ thuật đối, những từ ngữ mới mẻ, nghệ thuật tăng tiến theo chiều giảm dần, từ ngữ có nhiều lớp nghĩa sáng tạo là tài năng của người nghệ sĩ. Nam Cao và Hồ  Xuân Hương dù là người của hai thời đại nhưng cũng cùng phẩm chất đó, hai nghệ sĩ ấy đã sáng tạo nên “Chí Phèo” và “Tự Tình 2” để cho bạn đọc yêu mến./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *