Rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn-bài 20

Tài liệu Văn

 HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI – ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

 HỘI THẢO KHOA HỌC LẦN THỨ XI

 CHUYÊN ĐỀ  RÈN KĨ NĂNG ĐỌC – HIỂU TÁC PHẨM NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH CHO HỌC SINH CHUYÊN VĂN

 Ttháng 7,năm 2018

CHUYÊN ĐỀ

RÈN KĨ NĂNG ĐỌC, HIỂU TÁC PHẨM NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH CHO HỌC SINH CHUYÊN VĂN

                                                     MỤC LỤC

Trang
MỞ ĐẦU 2
1. Lí  do chọn đề tài 2
2. Mục đích của đề tài 3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3
4. Phương pháp nghiên cứu 3
NỘI DUNG
1. Vài nét về lí thuyết đọc, hiểu văn bản 4
1.1 Khái niệm 4
1.2 Các cấp độ đọc, hiểu văn bản 4
1.3

1.4

1.5

Các loại hình đọc, hiểu văn bản

Các phương pháp đọc, hiểu văn bản

Điều kiện của đọc, hiểu văn bản

4

5

5

2. Rèn kĩ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn 6
2.1 Các bước đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn 6
2.1.1. Xác định mục đích đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn 6
2.1.2

2.1.3

2.2.

3.

Xác định yêu cầu về mức độ đọc, hiểu

Xác định các hình thức tổ chức hoạt động đọc, hiểu

Định hướng lựa chọn tác phẩm đọc, hiểu ngoài chương trình

Vận dụng việc đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình vào việc viết bài văn nghị luận cho học sinh chuyên văn

KẾT LUẬN

Tài liệu tham khảo

9

11

12

14

 

22

24

MỞ ĐẦU

  1. Lí do chọn đề tài

Những chân trời kiến thức luôn mở ra cho mỗi người những ý niệm khác nhau về giới hạn.Có người tự tìm được giới hạn riêng của mình khi soi vào kiến thức nhân loại, có người càng soi càng thức dậy khát khao tìm kiếm và chinh phục. Và khi vượt qua giới hạn của riêng mình, mỗi người sẽ được bồi đắp những giá trị để có thể tự lớn lên, tỏa sáng.Rèn kĩ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn là một cách để giáo viên tự cởi bỏ những giới hạn chật hẹp, hướng học sinh tới những chân trời tri thức rộng lớn.

Sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của nhân loại là một vườn hoa đa sắc hương.Bởi thế, việc tuyển lựa tác phẩm để đưa vào chương trình học trong Sách Giáo Khoa thực sự là một thử thách không nhỏ đối với những nhà biên soạn.Dung lương chương trình buộc các nhà biên soạn phải tinh lọc, cắt bỏ nhiều tác phẩm văn học đặc sắc.Đó là thiệt thòi không nhỏ cho người dạy và người học, đặc biệt là học sinh chuyên văn.

Mục tiêu của giáo dục hướng tới phát triển năng lực cho người học, để người học chủ động chiếm lĩnh tri thức.Việc dạy văn cho học sinh chuyên văn không phải chỉ là giúp các em lĩnh hội được giá trị của những văn bản có mặt trong sách giáo khoa mà còn là trang bị cho các em kĩ năng công cụ để tìm hiểu bất cứ tác phẩm văn học nào, là đánh thức và khơi gợi hứng thú say mê tìm kiếm và khám phá vẻ đẹp của những áng văn chương có giá trị.Đọc hiểu văn bản được xem là một khâu đột phá trong phương pháp dạy học văn hiện nay.Theo giáo sư Trần Đình Sử, dạy văn là dạy cho học sinh năng lực đọc, kĩ năng đọc để học sinh có thể đọc – hiểu bất cứ văn bản nào cũng loại.Từ đọc hiểu văn mà trực tiếp nhận các giá trị văn học, trực tiếp thể nghiệm các tư tưởng và cảm xúc được truyền đạt bằng nghệ thuật ngôn từ, hình thành cách đọc riêng có cá tính. Đó là con đường duy nhất để bồi dưỡng cho học sinh năng lực của chủ thể tiếp nhận thẩm mỹ. Việc rèn kĩ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình sẽ giúp học sinh hình thành được những kĩ năng cần thiết để cảm thụ văn bản văn học, tạo lập các văn bản ngôn từ, có tâm thế chủ động trong việc học văn và mở rộng kiến thức hiểu biết về tác phẩm văn học.

Đó là những lí do quan trọng để chúng tôi triển khai đề tài Rèn kĩ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn.

  1. Mục đích của đề tài

          Người dạy học sinh chuyên văn mang trách nhiệm lớn lao là khơi dậy hứng thú, đam mê của học sinh đối với môn văn, đồng thời cần phải rèn luyện để phát triển được năng lực, sở trường của người học. Viết đề tài này, chúng tôi mong muốn đưa ra các bước để rèn kĩ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn, đồng thời định hướng cho việc lựa chọn tác phẩm và vận dụng vào bài văn nghị luận của học sinh.

  1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

– Đối tượng nghiên cứu:

+ Đối tượng nghiên cứu trực tiếp: Học sinh giỏi Ngữ văn các đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia mà người viết đã trực tiếp giảng dạy và lãnh đội từ năm 2010 đến năm 2016.

+ Đối tượng học thuật: Kĩ năng giải thích trong bài văn nghị luận của học sinh giỏi văn.

– Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu cách rèn kĩ năng giải thích trong mối liên hệ mật thiết với các phương thức, thao thác nghị luận, với kết cấu và điểm nhìn trong bài văn nghị luận, ở hai cấp độ đoạn văn và toàn văn bản.

  1. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu kết quả, dạy thực nghiệm, đối chứng, khảo sát

 

 

 

NỘI DUNG

  1. Vài nét về lí thuyết đọc hiểu văn bản

1.1. Khái niệm

– Đọc là một hoạt động của con người, dùng mắt để nhận biết các kí hiệu và chữ viết, dùng trí óc để tư duy và lưu giữ những nội dung mà mình đã đọc và sử dụng bộ máy phát âm phát ra âm thanh nhằm truyền đạt đến người nghe.

– Hiểu là phát hiện và nắm vững mối liên hệ của sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó và ý nghĩa của mối quan hệ đó. Hiểu còn là sự bao quát hết nội dung và có thể vận dụng vào đời sống.

– Đọc hiểu là:

+ Đọc kết hợp với sự hình thành năng lực giải thích, phân tích, khái quát, biện luận đúng sai về logic, tức là kết hợp với năng lực, tư duy và biểu đạt.

+ Đọc hiểu là khái niệm bao trùm các nội dung quan trọng trong quá trình dạy văn, nó là một khái niệm khoa học chỉ mức độ cao nhất của hoạt động học, đọc hiểu cũng chỉ năng lực của người đọc.

1.2. Các cấp độ đọc, hiểu văn bản

Đọc, hiểu được chia thành các cấp độ sau: Đọc tái hiện, đọc giải thích, đọc sáng tạo, đọc đánh giá, đọc nghiên cứu, đọc suy ngẫm và liên tưởng.

1.3. Các loại hình đọc, hiểu văn bản

Đọc thành tiếng: tức là hoạt động đọc sử dụng thị giác để tác động lên văn bản từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, đồng thời sử dụng trí óc để phân tích, tư duy, ghi nhớ. Sau đó sử dụng cơ quan phát âm để phát ra thành tiếng nhằm mục đích hướng tới một đối tượng nghe nào đó.

Đọc thầm: tức là hoạt động đọc sử dụng thị giác để tác động lên văn bản từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, đồng thời sử dụng trí óc để phân tích, tư duy, ghi nhớ.

Đọc mang tính chất nghệ thuật: về thực chất là việc đọc trong quá trình hình thành các cơ chế đọc.

1.4. Các phương pháp đọc, hiểu văn bản

Đọc lướt: nhằm tạo ấn tượng chung về những vấn đề xã hội, thẩm mỹ được trình bày trong tác phẩm.

Đọc tập trung: đọc vào điểm sáng thẩm mỹ hoặc tình huống then chốt để tạo nên sức biểu hiện nổi bật của bức tranh nghệ thuật.

Đọc hồi cố: đọc lại những chi tiết điển hình đặc sắc và dự đoán khuynh hướng phát triển của tác phẩm, tạo nên sự nhất quán của hinh tượng nghệ thuật.

Đọc nhấn mạnh: để thấy được âm hưởng chủ đạo và giọng điệu của nhà văn. Chính hai yếu tố này tạo nên sự thống nhất về tư tưởng thẩm mỹ và phong cách nghệ thuật của tác giả.Bên cạnh đó, đọc nhấn mạnh còn triệt để khai thác và cắt nghĩa văn bản trên cơ sở tôn trọng đặc trưng thể loại.

Đọc diễn cảm: nhằm tô đậm giá trị nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

1.5. Điều kiện của đọc, hiểu văn bản

– Văn bản, tài liệu, sách công cụ, tri thức: đây là điều kiện đầu tiên để có thể tiến hành đọc hiểu

– Ý thức chủ thể của người đọc: người đọc là người tiếp nhận văn bản. Không có người đọc, văn bản chỉ còn tồn tại ở khía cạnh vật thể. Bởi vậy, người đọc cần có ý thức rõ ràng là đọc thực dụng hay đọc thưởng thức.

+ Đọc thực dụng: đọc và chỉ tập trung vào vấn đề mình quan tâm để tìm tư liệu, để nghiên cứu (làm luận án, đối chiếu với lịch sử…)

+ Đọc thưởng thức: chú ý tới cả nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm, tìm niềm vui trong việc thưởng thức cái hay, cái đẹp của câu chữ, hình tượng, kết cấu của tác phẩm. Qua đó, người đọc có thể tự đối thoại với mình và với tác giả. Từ đó, kích thích sự sáng tạo của người đọc.

  1. Rèn kĩ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn.

2.1. Các bước đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn

2.1.1. Xác định mục đích đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển công nghệ hiện đại hỗ trợ tích cực cho việc tìm kiếm nguồn văn bản.Bên cạnh đó, đời sống văn học đa dạng và nhiều biến động.Đó là nguyên nhân dẫn tới khó khăn cho việc lựa chọn tác phẩm ngoài chương trình để đọc, hiểu.Việc xác định mục đích của đọc, hiểu là định hướng cơ bản giúp giáo viên và học sinh lựa chọn tác phẩm và phương pháp đọc, hiểu một cách đúng đắn và hiệu quả.

Từ những yêu cầu cụ thể, có thể lựa chọn nguồn tác phẩm và phương pháp đọc hiểu dựa trên những mục đích đọc hiểu sau:

–  Mở rộng kiến văn: Đối với học sinh chuyên văn, việc mở rộng kiến thức văn chương là vô cùng cần thiết. Học trò yêu văn và giỏi văn thực sự không chỉ khuôn tầm hiểu biết của mình với một vài tác phẩm có mặt trong Sách giáo khoa mà phải nâng tầm hiểu biết của mình bao quát nhiều phương diện: thể loại, tác giả, khuynh hướng, trào lưu… Chẳng hạn, khi học về chuyên đề truyện cổ tích, giáo viên cần định hướng cho học sinh tìm hiểu thêm một số truyện cổ tích đặc sắc của Việt Nam, cổ tích Andecxen, cổ tích Grim…từ đó nhận ra được đặc trưng về nội dung và nghệ thuật của thể loại chứ không chỉ bó hẹp trong văn bản sách giáo khoa. Hoặc khi tìm hiểu về phong trào Thơ mới (1932 – 1945), giáo viên cần định hướng học sinh đọc, hiểu những tác phẩm có giá trị của phong trào Thơ mới không nằm trong Sách giáo khoa, những tác phẩm của khuynh hướng thơ tượng trưng, siêu thực của Pháp.Việc mở rộng đọc, hiểu những tác phẩm ngoài chương trình sẽ là con đường ngắn nhất để bồi đắp kiến thức văn chương cho học sinh.

Rèn tư duy nhận diện vấn đề: Tư duy phát hiện, nhận diện vấn đề là tố chất quan trọng của học sinh chuyên văn. Với mục đích rèn luyện khả năng nhận diện của học sinh, giáo viên có thể lựa chọn những tác phẩm có cùng vấn đề và yêu cầu học hinh nhận diện, phát hiện chính xác những vấn đề ấy.

Minh họa :khi dạy về chuyên đề thơ Nôm Nguyễn Trãi, giáo viên có thể định hướng cho học sinh đọc hiểu bài Ngôn chí số 13:

Tà dương bóng ngả thuở giang lâu
Thế giới đông nên ngọc một bầu
Tuyết sóc treo cây điểm phấn
Cõi đông giãi nguyệt in câu.
Khói chìm thuỷ quốc quyên phẳng
Nhạn triện hư không gió thâu
Thuyền mọn còn chèo chẳng khứng đỗ
Trời ban tối biết về đâu?

– Từ việc nhận ra giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ, giáo viên định hướng cho học sinh xâu chuỗi với những bài thơ Nôm khác của Nguyễn Trãi để nhận diện được:

+ Chân dung con người Nguyễn Trãi trong thơ Nôm có sự hội tụ của 3 hình tượng: hình tượng người anh hùng dốc sức phò vua giúp nước; hình tượng ẩn sĩ sống thanh cao xa lánh vòng danh lợi; hình tượng chàng trai hữu tài, hữu tình, cảm nhận sâu sắc và tinh tế mọi biến dịch tinh diệu của thiên nhiên, của cuộc sống con người.

+ Bức tranh thiên nhiên và đời sống: Nguyễn Trãi hướng ngòi bút vào những cảnh vật nhỏ bé, bình dị vẫn thường giấu mình trong cuộc sống hàng ngày quen thuộc như nắng chiều, mây sớm, bờ cây, dậu cỏ… Nhân vật tữ tình trở thành chủ thể cảm thụ, chiễm lĩnh vẻ đẹp của thiên nhiên từ góc độ một con người hòa mình vào xứ sở quê hương.

+ Nét đặc sắc về nghệ thuật:

* Về thể loại: Nguyễn Trãi không bị gò bó trong một khuôn khổ chật hẹp của một thể cách thi luật cố định mà sáng tạo đan xen câu lục ngôn tạo nên âm điệu riêng mới mẻ.

* Về ngôn ngữ: Nguyễn Trãi đã đồng hóa kho từ vựng và văn liệu Hán học, xây dựng ngôn ngữ văn học trên cơ sở ngôn ngữ nhân dân và văn học dân gian. Ngôn ngữ thơ Nôm Nguyễn Trãi giản dị mà giầu âm điệu, âm sắc, giầu sức gợi.

Rèn kĩ năng cảm thụ: Cảm thụ văn học là yêu cầu quan trọng trong việc đào tạo và bồi dưỡng học sinh chuyên văn. Việc đọc, hiểu văn bản ngoài chương trình là cách mài sắc kĩ năng cảm thụ văn chương cho học sinh giỏi.Học sinh hoàn toàn chủ động, dựa vào vốn tri thức và độ tinh nhạy của riêng mình để khám phá các tầng ý nghĩa và giá trị của tác phẩm. Đưa cho học sinh chuyên những tác phẩm mới, lạ chính là đang đặt ra những đề toán vừa hóc búa nhưng vừa kích thích, khơi gợi được cảm hứng và niềm say mê sáng tạo. Để rèn kĩ năng cảm thụ, giáo viên có thể đưa cho học sinh một văn bản, một trích đoạn, một nhân vật, một chi tiết, hình ảnh… ngoài chương trình kèm theo những định hướng, yêu cầu cảm thụ.

Minh họa : Quy luật thời gian và lòng người qua bài thơ Sợi tóc

                             Em tặng cho tôi sợi tóc của em

                             Rồi ngày tháng vèo trôi em không còn nhớ nữa

                             Năm mươi năm sau

                             Khi tìm được về chốn cũ

                             Tôi gặp một bà già tóc bạc

                             Bà chẳng biết tôi

                             Tôi tặng bà sợi tóc

                             Bà khóc

                             Sợi tóc vẫn còn đen…

Ứng dụng vào bài văn nghị luận: Bài văn nghị luận được xem là mẫu số cuối cùng, là đích đến quan trọng của mọi phương pháp và hình thức rèn luyện kĩ năng.Vận dụng việc đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình vào việc viết bài văn nghị luận sẽ giúp học sinh chủ động trong việc tìm kiếm và triển khai dẫn chứng, mở rộng liên hệ so sánh.Trong xu hướng hiện nay, đề thi học sinh giỏi không khoanh vùng một tác phẩm cụ thể mà huy động những hiểu biết về văn chương của học sinh.Đó là cơ sở để phát huy vùng kiến thức ngoài chương trình mà học sinh đã đọc, hiểu.

Minh họa : Đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2018:

Chế Lan Viên viết trong bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?: “Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!”.

Trong bài “Làm thế nào để có tác phẩm tốt?”, Lưu Trọng Lư cho rằng: “Sự sống phải được chắt lọc, phải được trau chuốt, phải được nâng lên, phải được “tập trung” cao độ, nó mới biến thành nghệ thuật, cũng như dâu xanh phải biến thành kén vàng, gạo trắng phải bốc thành men rượu. Sự thực phải được sáng tạo, phải nâng cao lên đôi cánh của tư tưởng để lại tác động vào lòng người còn sâu mạnh hơn cả sự sống”.

Bằng những hiểu biết về văn học, anh/chị hãy bình luận về quan niệm trên.

Minh họa : Đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2017

Mỗi nhà văn chân chính bước lên văn đàn, về thực chất, là sự cất tiếng bằng nghệ thuật của một giá trị nhân văn nào đó được chưng cất từ những trải nghiệm sâu sắc trong trường đời.

Bằng những hiểu biết về văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

Như vậy, việc xác định mục đích của việc đọc, hiểu có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng lựa chọn tác phẩm và hình thức tổ chức đọc hiểu.

2.1.2. Xác định yêu cầu về mức độ đọc, hiểu

Mức độ nhận biết:

+ Đối với tác phẩm văn xuôi: nắm được thông tin về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, thể loại;nhận diện được ngôi kể, trình tự kể;nắm được cốt truyện, nhận ra đề tài, cảm hứng chủ đạo; liệt kê/chỉ ra/gọi tên hệ thống nhân vật (xác định nhân vật trung tâm, nhân vật chính, phụ); phát hiện, nêu tình huống truyện; chỉ ra/kể tên/ liệt kê được các chi tiết nghệ thuật đặc sắc của mỗi tác phẩm/đoạn trích và các đặc điểm nghệ thuật của thể loại truyện.

+ Đối với tác phẩm thơ: nắm được thông tin về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, thể thơ; nắm bắt được cảm xúc chủ đạo của bài thơ; xác định được nhân vật trữ tình trong thi phẩm; liên hệ với các tác phẩm khác cùng nội dung cảm xúc trong chương trình.

Mức độ thông hiểu:

+ Đối với tác phẩm văn xuôi: lý giải được mối quan hệ, ảnh hưởng của hoàn cảnh sáng tác với việc xây dựng cốt truyện và thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm; hiểu, lý giải ý nghĩa nhan đề; phân tích giọng kể, ngôi kể đối với việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm; lý giải sự phát triển của cốt truyện, sự kiện, mối quan hệ giữa các sự kiện; giải thích, phân tích đặc điểm, ngoại hình, tính cách, số phận nhân vật; đánh giá khái quát về nhân vật; hiểu, phân tích được ý nghĩa của tình huống truyện; lý giải được ý nghĩa và tác dụng của các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết nghệ thuật, câu văn, các biện pháp tu từ…

+ Đối với tác phẩm thơ: lý giải được mối quan hệ, ảnh hưởng của hoàn cảnh sáng tác với việc bộc lộ cảm xúc chủ đạo và thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm; hiểu, lý giải ý nghĩa nhan đề; phân tích được mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình và ý nghĩa của nó trong việc bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm; hiểu, lí giải được ý nghĩa và tác dụng các từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu, biện pháp tu từ…

Mức độ vận dụng:vận dụng làm dẫn chứng trong bài văn nghị luận, so sánh đối chiếu các phương diện nội dung và phương diện nghệ thuật với các tác phẩm khác cùng đề tài, cảm hứng, phong cách, thể loại, tác giả…;trình bày những kiến giải riêng, phát hiện sáng tạo về văn bản; biết tự đọc và khám phá các giá trị của một văn bản mới cùng thể loại; vận dụng tri thức đọc – hiểu văn bản để tạo lập văn bản theo yêu cầu; đưa ra những ý kiến quan điểm riêng về tác phẩm, vận dụng vào tình huống, bối cảnh thực để nâng cao giá trị sống cho bản thân…

2.1.3. Xác định các hình thức tổ chức hoạt động đọc, hiểu

Hình thức thuyết trình: Để thực hiện hình thức đọc, hiểu này, giáo viên tung cho học sinh tác phẩm và những vấn đề định hướng. Học sinh sẽ chuẩn bị cá nhân hoặc theo nhóm, sau đó thuyết trình trước lớp.

Hình thức viết cảm nhận: Để thực hiện hình thức này, giáo viên sẽ đưa ra tác phẩm hoặc yêu cầu học sinh tự chọn tác phẩm ngoài chương trình mà mình tâm đắc, sau đó, học sinh tự nghiên cứu và viết cảm nhận thành đoạn văn hoặc bài văn.

Hình thức tổ chức cuộc thi: Để khơi gợi hứng thú cho học sinh, giáo viên tổ chức các cuộc thi giới thiệu và cảm nhận những tác phẩm đặc sắc ngoài chương trình. Các cuộc thi có thể được tổ chức theo tuần, theo tháng, theo quý…, có thể là cuộc thi cho cá nhân hoặc theo hình thức nhóm, tổ.

Hình thức sân khấu hóa: Giáo viên có thể giao nhiệm vụ đọc, tìm hiểu và tái hiện thành hoạt cảnh hoặc diễn xướng nội dung tác phẩm trước lớp nhằm tạo không khí học tập vui vẻ, hào hứng cho các em. Chẳng hạn, khi học chuyên đề văn học dân gian, học sinh có thể diễn xướng những câu hò, điệu dân ca… ở các vùng miền khác nhau trên đất nước; dựng thành kịch một số trích đoạn sử thi, truyện cổ tích đặc sắc ngoài chương trình…

2.2. Định hướng lựa chọn tác phẩm đọc, hiểu ngoài chương trình

– Lựa chọn tác phẩm theođặc trưng giai đoạn văn học: Mỗi giai đoạn, thời kì văn học có những đặc trưng riêng. Việc lựa chọn tác phẩm ngoài chương trình theo đặc trưng giai đoạn văn học sẽ giúp học sinh có sự liên hệ, so sánh với các tác phẩm cùng thời kì. Chẳng hạn, khi học chuyên đề về truyện ngắn sau 1975, giáo viên có thể định hướng cho học sinh đọc, hiểu truyện ngắn của một số tác giả không có trong chương trình như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Dương Hương Ly, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh…

Lựa chọn tác phẩm theo đặc trưng trào lưu văn học: Các trào lưu văn học thường có những đặc trưng riêng về quan niệm nội dung và phương pháp sáng tác. Việc mở rộng kiến văn đối với các tác phẩm trong cùng trào lưu là điều cần thiết, không chỉ giúp nâng cao kiến thức, tầm hiểu biết cho học sinh mà còn giúp người học có cái nhìn khái quát, đầy đủ về giá trị của tác phẩm trong chương trình trong mối quan hệ với các sáng tác cùng trào lưu. Chẳng hạn, khi dạy chuyên đề Thơ mới, giáo viên cần định hướng học sinh đọc, hiểu những bài thơ đặc sắc ngoài chương trình như: Nguyệt cầm (Xuân Diệu), Thơ duyên (Xuân Diệu), Ngậm ngùi (Huy cận), Tiếng thu (Lưu Trọng Lư), Chợ tết (Đoàn Văn Cừ), Mưa xuân (Nguyễn Bính)…

Lựa chọn tác phẩm theo phong cách tác giả: Để giúp học sinh có kiến thức sâu rộng về một tác giả, giáo viên định hướng cho học sinh đọc, hiểu những tác phẩm khác ngoài những tác phẩm có trong chương trình. Chẳng hạn, khi giới thiệt về tác giả Nguyễn Minh Châu, có thể định hướng học sinh đọc hiểu thêm các tác phẩm khác: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra

Lựa chọn tác phẩm theo đặc trưng thể loại: Mỗi thể loại văn học đều có những đặc trưng riêng. Việc đọc, hiểu tác phẩm cùng thể loại sẽ giúp học sinh có cái nhìn đối sánh, khái quát và chính xác về giá trị, ý nghĩa của tác phẩm văn học trong chương trình.Chẳng hạn, khi học chuyên đề thơ Đường, ngoài những bài thơ được giới thiệu trong sách giáo khoa, giáo viên có thể định hướng cho học sinh đọc, hiểu thêm một vài bài thơ đặc sắc khác ngoài chương trình.

Minh họa :

Thường Nga

                   (Lí Thương Ẩn)

Vân mẫu bình phong chúc ảnh thâm,
Trường hà tiệm lạc hiểu tinh trầm.
Thường Nga ưng hối thâu linh dược,
Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm.

 

Dịch nghĩa

Bóng nến in đậm trên bình phong bằng đá vân mẫu
Sông Ngân hà dần dần xuống thấp, sao sớm lặn chìm
Thường Nga chắc hẳn hối hận đã ăn trộm thuốc thiêng
Hằng đêm phơi bày tấm lòng giữa nơi trời xanh, biển biếc

Minh họa :

Lương Châu từ

(Vương Hàn)

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Dịch nghĩa

Bài từ làm ở Lương Châu

Rượu nho ngon đựng trong thứ chén ban đêm phát sáng

Muốn uống thì đã nghe tiếng tỳ bà trên lưng ngựa thúc giục

Có say nằm nơi sa trường bạn cũng đừng cười

Vì xưa nay ra trận đâu được bao nhiêu người về.

Lựa chọn tác phẩm theo đặc trưng nội dung: Từ nội dung các tác phẩm trong chương trình, giáo viên có thể định hướng cho học sinh đọc hiểu các tác phẩm khác có cùng nội dung chủ đề. Chẳng hạn, khi học Truyện Kiều (Nguyễn Du), từ hình tượng nhân vật Thúy Kiều, giáo viên có thể gợi dẫn học sinh đọc, hiểu các tác phẩm viết về hình tượng người phụ nữ khác như: Chúc phúc (Lỗ Tấn), Vũ nữ Izu (Kawataba), Annakarenina (Leptonxtoi), Người đàn bà có con chó nhỏ (Shekhop)…

  1. Vận dụng việc đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình vào việc viết bài văn nghị luận cho học sinh chuyên văn

          Trên thực tế, mọi con đường rèn luyện kĩ năng đều đi đến đích chung là giúp học sinh viết được bài văn nghị luận một cách tốt nhất. Việc đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cũng không là một ngoại lệ.Trong xu hướng lấy người học làm trung tâm, đặt mục tiêu phát triển năng lực là kim chỉ nam, cách thức ra đề thi học sinh giỏi có nhiều thay đổi, giáo viên cũng cần có những phương cách linh hoạt để vừa định hướng đúng sự phát triển năng lực của học sinh, vừa cụ thể hóa năng lực người học thông qua những sản phẩm cụ thể.

Trong những năm học qua, chúng tôi đã hướng dẫn, gợi ý cho học sinh đọc hiểu nhiều văn bản ngoài chương trình, đồng thời yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đọc hiểu ấy trong bài văn nghị luận văn học. Kết quả bước đầu có thể chưa hoàn toàn thật tốt, song điều đáng mừng là kích thích được hứng thú, đam mê tìm tòi học hỏi của học sinh đối với các tác phẩm văn chương ngoài chương trình, đặc biệt là những tác phẩm văn học đương đại.

Dưới đây là một số vận dụng cụ thể vào đề kiểm tra và trích đoạn sản phẩm của học sinh.

Vận dụng 1:

Nhà văn là “người vẫn còn mang vết thương đã lại đi chữa vết thương cho người khác”.

(Theo “Sỏi đá buồn tênh” – Nguyễn Ngọc Tư)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào?Làm rõ ý kiến qua một tác phẩm ngoài chương trình SGK.

…Sự xuất hiện của Oe Kenzaburo đã khiến dòng chảy hiện đại của nền văn xuôi Nhật Bản trở nên mạnh mẽ, tân kì hơn. Oe Kenzaburo được coi là nhà văn hiện đại thực sự đầu tiên của nền văn học quốc đảo Phù Tang. Trong Diễn văn trao giải Nobel Văn học cho Kenzaburo Oe, Viện Hàn lâm Thụy Điển khẳng định: “Một đề tài xuyên suốt các tác phẩm của Kenzaburo Oe là bi kịch gia đình cùng tình thương và trách nhiệm đối với người con trai cả Hikari sinh ra đã bị dị tật. Kenzaburo Oe đã sáng tạo ra một thế giới tưởng tượng đầy chất thơ, đã miêu tả tình trạng đau đớn trong khổ cảnh của con người thời hiện đại bằng sự ngưng kết những ngụ ngôn và sinh hoạt hiện thực “. Oe Kenzaburo cho rằng, “nghĩa vụ của người viết tiểu thuyết là làm sao cho cả những người thể hiện bằng từ ngữ lẫn các độc giả của họ khắc phục được những nỗi đau khổ của chính mình và những mối tai họa của thời đại mình và hàn gắn những vết thương trầm trọng trong tâm hồn mình…tôi đã dốc nhiều công sức để thông qua văn học chữa lành những nỗi đau đó và có được sự nguyên vẹn. Tôi đã dốc nhiều công sức để làm cho các đồng bào Nhật Bản của tôi thoát được những nỗi đau đó và tôi cũng trả lại cho họ sự nguyên vẹn”.Nghệ thuật, với Oe, là phương thuốc hàn gắn nỗi đau, dù phương thuốc này không ngọt ngào vì chứa đựng thực tại với bóng tối và u buồn.Tác phẩm của Oe xây dựng hệ thống hình tượng nhân vật trải nghiệm bi kịch, đi tìm ý nghĩa hiện sinh cho chính mình với nỗi đau và thất vọng ê chề.Chính nỗi đau được giải tỏa trong tác phẩm đã giúp nhà văn trụ lại được với thời đại biến động, phi lý và vô nghĩa. Oe Hikari, con trai của Oe, người nghệ sĩ bị thiểu năng trí tuệ đương đầu với khó khăn bằng sáng tác âm nhạc. Âm nhạc với Hikari như là phương tiện giãi bày tâm sự một cách hồn nhiên, thể hiện sự vô tội, trong trắng của tâm hồn, cất lên những “tiếng khóc u uất của tâm hồn”.Tiếng khóc u uất của tâm hồn ấy thật đẹp, nó giúp Hikari sống được với thế giới này, thanh lọc tâm hồn mình và nhân loại, tìm thấy ý nghĩa hiện sinh cho bản thân. Và cũng chính công việc sáng tạo nghệ thuật đã giúp Oe đứng vững và được tôi luyện. Oe bộc bạch, “đối với âm nhạc và văn học chúng tôi sáng tạo ra, mặc dù chúng tôi tiến tới để nhận biết nỗi thất vọng, cái mà là đêm tối của tâm hồn, điều mà chúng tôi đã phải trải qua- chúng tôi nhận ra rằng với việc tự biểu lộ, chúng tôi có thể được hàn gắn và biết được niềm vui của sự hồi phục”. Với suy nghĩ này, Oe thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình trước nghệ thuật chân chính, nghệ thuật có khả năng cứu rỗi con người, nghệ thuật chữa bệnh tâm hồn, thứ bệnh vốn vô cùng khó chữa, cho chính người sáng tạo và cả người thưởng thức.

Từ thiên chức hàn gắn, nghệ thuật, theo Oe Kenzaburo, cần phải hướng tới ánh sáng dù thực tại còn nhiều u ám. Ông tâm niệm, “văn học cần phải phát hiện ra mặt sáng sủa từ phía u ám của nhân loại, đem lại sức mạnh cho con người…văn học cho dù viết ra bao điều u ám của nhân loại, vừa viết về những âm thanh dòng sông đang cuốn trôi trong đêm khuya dễ sợ, vừa phải ngẫm nghĩ sao cho đến trang cuối cùng kết cục hiện ra trước mắt nhân loại phải là niềm hoan lạc lớn lao”. Trong cái tối tăm của hiện thực, người nghệ sĩ phải mang lại ánh sáng hi vọng cho con người, hàn gắn nỗi đau và thanh lọc tâm hồn con người. “văn học phải đem lại hi vọng cho con người, đồng thời cũng làm cho con người tin rằng, con người xứng đáng được sống hạnh phúc”. Oe mong muốn xác lập trong thế giới nghệ thuật của mình những giá trị nhân văn có tính chất toàn cầu.Quan niệm ấy đưa Oe gặp gỡ với những đỉnh cao văn học của nhân loại. Quan niệm ấy đã chi phối mạnh mẽ tác phẩm của nhà văn, trong tác phẩm của Oe, đằng sau nỗi đau, niềm thất vọng tột cùng mang âm hưởng thời đại bất hạnh của bom nguyên tử, con người vẫn tìm được một nơi để nương tựa, đương đầu với bóng tối u ám của hiện thực bằng một tinh thần dũng cảm, vượt thoát khỏi bóng tối trong chính tâm hồn mình dù hành trình ấy không đơn giản và không thiếu những vũng lầy…

(Trích bài làm của học sinh)

Vận dụng 2:

Didorot – nhà văn, nhà triết học Pháp thế kỉ XVIII từng cho rằng: Nghệ thuật là ở chỗ tìm ra cái phi thường trong cái bình thường và cái bình thường trong cái phi thường.

( Trích từ mẩu truyện Những bông hoa làm bằng vỏ bào trong Bông hồng vàng của nhà văn Pauxtopxki)

 

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào?Bằng những hiểu biết về văn chương, hãy làm rõ ý kiến.

… Cái bình thường và cái bình thường trong cái phi thường chính là khả năng phát hiện, phản ánh đời sống – Hiện thực đời sống vốn vô cùng phong phú, đa dạng. Để tái hiện đời sống, đòi hỏi nhà vănphái có những phát hiện mới mẻ, độc đáo, khác lạ đối với các sự vật, hiện tượng, con người trong tự nhiên và đời sống xã hội, đồng thời phải có cái nhìn nhân bản, toàn diện đến từng ngõ ngách bên trong của đối tượng.Phát hiện ra cái phi thường trong cái bình thường và ngược lại. Điều ấy làm cho tác phẩm trở nên sắc nét, sâu sắc và bộc lộ cái nhìn thấu đáo, toàn diện, thú vị về cuộc sống, con người. Tác phẩm cũng vì vậy trở nên mới mẻ, gây hứng thú, in dấu ấn của cá tính sáng tạo.

Nhìn ở phương diện khác khi nhà văn tìm ra cái phi thường trong một cách sâu sắc và chân thực. Bởi cuộc sống vốn đa chiều, phức tạp, nếu nhà văn chỉ nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đơn giản, một chiều, hời hợt thì hình tượng văn học sẽ trở nên nông cạn, thiếu sức khái quát và chiều sâu nhân bản.Nếu văn chương chỉ nhận thức đời sống ở mặt kì vĩ phi thường, tác phẩm sẽ sa vào lối tô hồng cuộc sống. Hoặc nhà văn chỉ nhìn cuộc sống ở khía cạnh xù xì, thô nhám, tầm thường thì tác phẩm sẽ làm méo mó, bôi đen hiện thực, quy luật của đời sống.Câu chuyện về phu đào huyêt (Azit Nêxin) là một minh chứng cụ thể.

Câu chuyện bàn về mối quan hệ giữa hạnh phúc và bất hạnh. Trong cuộc sống, hạnh phúc của người này rất nhiều khi lại dựa trên nỗi bất hạnh của người kia. Đó chính là nghịch lí của hạnh phúc. (Nam Cao: “Hạnh phúc là một cái chăn hẹp, người này co thì người kia bị hở”). Tuy nhiên, nhiều khi, trong cuộc sống, dù biết là nghịch lí nhưng vẫn không thể tránh. Như anh phu đào huyệt trong câu chuyện, để có tiền nuôi sống gia đình, anh sẵn sàng làm nghề đào huyệt, và để tiếp tục duy trì cuộc sống gia đình đang ngấp nghé miệng vực, anh cầu mong có thật nhiều người chết. Bởi vì anh không thể tự mình sống được. Hạnh của anh và gia đình anh, thật xót xa, lại dựa trên nỗi bất hạnh của những gia đình mất đi người thân, anh em, bạn bè. Câu chuyện ngấm một nỗi bi- hài sâu sắc. Vấn đề đặt ra cho mỗi người đọc là làm thế nào để có thể giảm thiểu được những nghịch lí của hạnh phúc trong cuộc đời này?..

(Trích bài làm của học sinh)

 

Vận dụng 3:

Theo nhà văn Phạm Thị Hoàitruyện ngắn hay thường gắn với thơ. “Truyện ngắn dường như là đứa con tất yếu của người mẹ thơ và người cha văn xuôi. Nó là thơ viết bằng văn xuôi, bề ngoài mang tính cha mà bên trong mang tính mẹ”.

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những trải nghiệm văn chương, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

… Đặc trưng của truyện ngắn là phản ánh cuộc sống bằng phương thức tự sự, thông qua các chi tiết, sự kiện, nhân vật, tình huống nào đó, được kể lại bởi một người kể chuyện nhất định, qua đó bộc lộ tư tưởng, quan điểm của tác giả về đời sống nhân sinh. Nhưng tác phẩm văn học không phải sự lí giải dửng dưng, lạnh lùng mà phải gắn với cảm xúc mãnh liệt. Truyện ngắn hay khi thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả, khi tác giả hóa thân vào nhân vật mà bộc lộ cảm xúc, tâm trạng, toát lên từ tác phẩm là nỗi đau, khát vọng, niềm tin… Truyện ngắn cũng sẽ hấp dẫn người đọc trong cách nhà văn miêu tả những bức tranh thiên nhiên trữ tình, ngôn ngữ có chất thơ, chất họa, chất nhạc…Châu chấu và dế chuông của Kawabata là một bức tranh như thế.

Kawabata vốn bị ám ảnh bởi sự phản chiếu của các hình ảnh. Trong truyện ngắn này,có thật nhiều hình ảnh phản chiếu, có thật nhiều cặp đôi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vốn rất đặc trưng cho phép song chiếu ở thể thơ haiku. Đó là các cặp ánh sáng-bóng tối, cô bé-cậu bé, người trưởng thành-trẻ thơ, hiện tại-tương lai, và ngay cả những con côn trùng bị bắt nhốt dường như cũng gợi ra một ý nghĩa kép nhất định.

Nhưng đây cũng là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của câu chuyện.Một người kể chuyện dường như chỉ ra ngoài đi dạo, nhìn ngắm những đứa trẻ từ xa, người hầu như không hé lộ điều gì về chính mình, chỉ có thể có sự thấu thị như vậy vì ông ta đã trải nghiệm chính sự vỡ mộng khi mình trưởng thành. Những suy nghĩ thầm kín của ông có lẽ hé lộ về một quá khứ buồn đau của ông, về một trái tim từng chịu tổn thương, trở nên u uẩn và cả một nhận thức chín chắn rọi chiếu về tương lai của Fujio. Và ông nhìn thấy gì? Một giả thiết mà ta vừa thấy trước đó – một con côn trùng bị nhầm với một con côn trùng khác – trở thành một ẩn dụ giàu sức nặng về việc chúng ta thường lại không nhận ra được một sự tương hợp hiếm hoi, thật sự lãng mạn khi chúng ta nhìn thấy. Ông nhìn vào tương lai của Fujio, ông như thấy cậu bé không những sẽ không thấy được mối tơ duyên cho một tình yêu lớn mà còn sẽ trở nên thất vọng vì đã không nhận ra tình yêu lớn của đời mình khi cô bé ấy đang hiện hữu. Như thế, chỉ trong một đoạn văn ngắn, Kawabata đã đặt cận kề hiện tại và tương lai, người lớn và trẻ thơ, sự ngây thơ và sự mất mát. Tất cả chồng xếp lên nhau trong một khoảnh khắc đơn nhất – và trong một không gian nhỏ, những sự chồng xếp này tạo nên một cảm thức đẹp về con đường tất yếu mà tuổi thơ rồi sẽ đánh mất, sẽ phải trả giá cho sự trưởng thành. Châu chấu và dế chuông là một truyện ngắn, độc lập; như có phép màu, nó tạo nên những cảm xúc phong phú, dồi dào.

Chỉ một truyện ngắn “trong lòng bàn tay”, chỉ là một hiện thực nhỏ nhặt, rất đỗi bình thường ngoài kia, nhưng qua đôi mắt đầy thâm thúy, sâu sắc cùng bút pháp ẩn dụ tài hoa, Yasunari Kawabata đã tạo nên một kiệt tác thực sự với đầy những thông điệp có chiều sâu trong cuộc sống, những chiêm nghiệm về số phận và cuộc đời của mỗi con người mà nhà văn đã đúc rút ra từ kinh nghiệm sống của bản thân mình. Hiện thực đấy nếu chỉ đọc sơ qua ta có thể dễ dàng bỏ quên đi nhiều lớp nghĩa quý giá và sâu sắc, chỉ khi thật sự sống cùng tác phẩm ta mới có thể hiểu hết những gì người nghệ sĩ muốn truyền đạt. Đó không còn là một câu chuyện nhỏ giữa một cô bé cậu bé nào nữa, đó là câu chuyện về số phận và đời sống, về những triết lý về quá khứ-hiện tại-tương lai, về con đường trưởng thành và những bi kịch của con người…

(Trích bài làm của học sinh)

Vận dụng 4:

Cảm nhận về bài thơ sau:

Mưa tháng giêng

(Nguyễn Việt Chiến)

Tháng giêng mưa ngoài phố
Mưa như là sương thôi
Những bóng cây dáng khói
Như mộng du bên trời

Tháng giêng ngày mỏng quá
Nỗi buồn nghe cũ rồi
Mà bên kia tờ lịch
Nỗi niềm mưa xót rơi

Tháng giêng mưa trên tóc
Những người đi lễ chùa
Theo giọt mưa cầu phúc
Tiếng chuông từ bi mơ

Tháng giêng mưa dưới bến
Mỏng mai cô lái đò
Mắt mưa em lúng liếng
Trói tôi bằng vu vơ

Tháng giêng mưa như cỏ
Non xanh đến tận trời
Trước vô cùng năm tháng
Thơ mình – sương khói thôi.

 

… Trả lời câu hỏi của Trần Đăng Khoa: “Thế nào là thơ hay?”,  Nguyễn Việt Chiến nói: “Thơ hay là thơ có sức sống vượt thời gian”, Trần Đăng Khoa cười tán thành. “Mưa tháng giêng” là một trong những bài thơ của Nguyễn Việt Chiến có sức sống như vậy.

Hình như mỗi một bài thơ hay đều có số phận riêng của nó. Sau gần hai chục năm trôi qua kể từ khi bài thơ ra đời, mỗi khi xuân đến trong tiết tháng giêng se lạnh ở phương Bắc, trong cái huyền ảo, bảng lảng của mưa bụi và sương khói kia, người đọc lại thấy bồi hồi, xao xuyến vì nhịp điệu của bài thơ “Mưa tháng giêng” cứ ngân nga, thánh thót như tiếng chuông chùa chầm chậm thấm vào hồn tôi. Trong tiết xuân thanh tao và thi vị ấy, các bà, các mẹ thường đi lễ chùa. Tiếng chuông từ bi nơi cửa Phật ngân lên trong mưa bụi tháng giêng như đang cầu phúc an lành cho chúng sinh và vạn vật. Ta như đắm mình trong không gian suy tưởng ấy, một tứ thơ chợt đến và bài thơ “Mưa tháng giêng” ra đời. Bài thơ ghi lại những cảm xúc, hồi ức, suy tưởng và sự trân trọng của nhà thơ về con người và năm tháng trên quê hương thân yêu mỗi độ xuân về.

Tác giả thơ muốn miêu tả vẻ đẹp mơ màng, khói sương của tiết mưa tháng giêng ở đồng bằng Bắc Bộ như một bức tranh lụa huyền ảo được phủ một lớp mưa bụi, mưa sương. Và, trong bức tranh mưa bụi, mưa sương ấy, những thân cây bên đường chợt hiện lên như những “dáng khói”, và bóng cây chợt nhòe, chợt hiện như bóng người “mộng du” đi trong sương.. Riêng đối với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, có lẽ không có miền nào ở Việt Nam lại có cái tiết mưa xuân trong tháng giêng đặc trưng như không gian của Bắc Bộ. Đó là một bức tranh mưa xuân mỏng manh đầy sương khói, nhưng cũng lồng ghép hơi thở của thiền định, xuyên qua những xúc cảm chân thành của nhà thơ trước thiên nhiên vạn vật, bằng ngôn ngữ văn học miêu tả chắt lọc.

Với ngôn từ tinh tế, chọn lọc, cứ bảng lảng một không gian huyền hoặc, ngọt ngào, bài thơ mang cái ngọt lạnh của ngày đông tháng giá thấm vào da thịt, thấm vào tâm can con người. Miêu tà cảnh vật từ xa đến gần, cuối cùng đọng lại ở hình ảnh con người – “em”, Nguyễn Việt Chiến xóa bớt đi cái lạnh giá của không gian, đem hơi ấm tình người lại cho thơ.  Cảnh ấy, người ấy gợi lên trong lòng thi nhân một tình yêu nhẹ nhàng, dịu ngọt.Nguyễn Việt Chiến không dùng một từ “yêu” nào, nhưng lại làm cho người đọc thấy yêu biết bao cảnh, người của đất nước mình. Để cuối cùng, nhà thơ nói rằng “Thơ mình – sương khói thôi” – đây là một thông điệp mà thi nhân gửi tới người đọc: dù có làm gì, thì so với cuộc sống, sự đóng góp của mỗi người rất nhỏ bé, cũng chỉ là sự điểm tô cho cuộc sống như là “sương khói thôi”…

(Trích bài làm của học sinh)

Trên đây chỉ là một vài ví dụ cho thực tế vận dụng ở trường chúng tôi. Qua thực tế vận dụng, chúng tôi nhận thấy việc định hướng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình vừa tạo được tâm thế tích cực, chủ động, hứng thú cho học sinh trong học tập, vừa phát triển được năng lực của người học.

KẾT LUẬN

Với dung lượng ngắn, chuyên đề của chúng tôi đã đưa ra một số suy nghĩ về các bước rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn bao gồm: xác định mục đích việc đọc hiểu, xác định yêu cầu về mức độ đọc hiểu, xác định hình thức tổ chức đọc hiểu. Bên cạnh đó, những định hướng để lựa chọn tác phẩm ngoài chương trình được chúng tôi phân chia: theo đặc trưng giai đoạn văn học, theo đặc trưng trào lưu văn học, theo đặc trưng phong cách tác giả và theo đặc trưng thể loại. Chúng tôi cũng đã triển khai vận dụng việc đọc hiểu vào bài văn nghị luận cho học sinh.

Thực hiện chuyên đề này, chúng tôi mong muốn đóng góp những kinh nghiệm thực tế để “Rèn luyện kĩ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn’’. Tuy nhiên, như đã trình bày, đây là một nhiệm vụ khó khăn, có lẽ trong quá trình thực hiện vẫn còn một số thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ và các ý kiến đóng góp của các bạn đồng nghiệp. Xin chân thành cảm ơn!

 

Chúc các thầy cô thành công và nhiều niềm vui sáng tạo!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Rèn kĩ năng làm văn nghị luận. Bảo Quyến. NXB Giáo dục, 2001.
  2. Chuyên đề văn nghị luận xã hội. Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Thị Quỳnh Nga. NXB Đại học Sư phạm, 2012.
  3. Bài tập rèn luyện kĩ năng dựng đoạn văn. Nguyễn Quang Ninh. NXB Giáo dục, 1998.
  4. Phương pháp tiếp nhận tác phẩm văn học. Nguyễn Thị Thanh Hương. NXB Giáo dục, 1998.
  5. Bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *