Rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn-bài 16

Tài liệu Văn

 PHẦN MỞ ĐẦU

  1. Lí do chọn đề tài

Dạy và học là các hoạt động cần có tính tương tác cao. Muốn đạt hiệu quả tốt, đòi hỏi người dạy và người học cũng phải trang bị những kĩ năng phù hợp. Từ đó, một trong những mục tiêu của đổi mới giáo dục và đào tạo chính là rèn luyện kĩ năng. Điều này sẽ giúp người học (cụ thể là học sinh THPT) có năng lực thực hiện việc học tập chủ động và tích cực, đem đến những kết quả học tập đáng mong đợi.

Đối với môn Ngữ văn, việc rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm luôn là hoạt động được ưu tiên hàng đầu trong phương pháp dạy học ở mọi cấp học nói chung và ở THPT nói riêng. Kĩ năng đọc hiểu tác phẩm sẽ hỗ trợ cho học sinh khả năng tự đọc, tự học văn bản cả trong và ngoài chương trình học. Học sinh có kĩ năng đọc hiểu tác phẩm sẽ giúp việc tiếp nhận và đáp ứng mục tiêu môn học được coi là “bay bổng” nhất trong chương trình các môn học ở THPT dễ dàng hơn.

Không chỉ vậy, việc rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình còn góp phần phát triển năng lực tự học cho học sinh. Việc tiếp cận các tác phẩm ngoài chương trình không chỉ củng cố kiến thức học sinh được cung cấp trong chương trình học; mà còn làm giàu có thêm vốn hiểu biết trước đó, giúp mở rộng liên hệ tới nhiều khía cạnh, vấn đề có liên quan…

Đối với học sinh chuyên Văn, việc học Văn với các em không chỉ gói gọn trong chương trình sách giáo khoa, không chỉ học để tham gia các kì thi mang tính phổ thông. Các em lựa chọn học chuyên Văn tức là các em có cơ hội tham gia các kì thi học sinh giỏi, có khả năng sau này sẽ học chuyên sâu vào lĩnh vực giảng dạy, sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học… Như vậy thì việc đọc – hiểu một tác phẩm mới là cần thiết và tất yếu trong quá trình học tập, thi cử và phát huy năng lực của các em trong tương lai.

Rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn là hoạt động quan trọng, góp phần đáp ứng các cách đánh giá đa dạng, có tính mở của giáo dục hiện đại. Hoạt động này giúp khả năng vận dụng, huy động kiến thức văn học của học sinh được phát triển, đặc biệt tăng khả năng chủ động, sáng tạo cho những học sinh có năng khiếu ở môn học này.

Có thể thấy, rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn vừa cung cấp cho học sinh khối chuyên những năng lực cần thiết để nâng cao kiến thức và học tập môn Ngữ văn hiệu quả hơn; vừa hỗ trợ cho hoạt động dạy và học trở nên chủ động, linh hoạt và sáng tạo, hấp dẫn hơn đối với cả người dạy và người học.

  1. Mục đích chọn đề tài

Thực hiện chuyên đề “Rèn kĩ năng đọc – hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn” chúng tôi nhằm mục đích cung cấp những kiến thức, kĩ năng cơ bản của hoạt động đọc hiểu, qua đó giúp các em học sinh củng cố và rèn luyện kĩ năng đọc hiểu một tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm ngoài chương trình nói riêng.

Đồng thời phát huy được tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh, tăng cường khả năng kết nối kiến thức giúp các em tiếp cận với nền văn học rộng lớn, mở rộng tầm hiểu biết về văn học đặc biệt là đối với học sinh chuyên văn. Chuyên đề cũng góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo thế hệ học sinh năng động, sáng tạo trong thời đại mới.

Với giáo viên, việc vận dụng thành thạo nội dung đọc hiểu các tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn sẽ góp nâng cao chất lượng giờ dạy, từng bước chuyển hoá việc giảng của một người thành việc đọc của nhiều người góp phần đổi mới phương pháp dạy học văn.

  1. PHẦN NỘI DUNG
  2. Khái niệm về đọc – hiểu
  3. Thế nào là đọc hiểu?
  • Đọc là gì?

Đọc là một hoạt động của con người, dùng mắt để nhận biết các kí hiệu và chữ viết, dùng trí óc để tư duy và lưu giữ những nội dung mà mình đã đọc và sử dụng bộ máy phát âm phát ra âm thanh nhằm truyền đạt đến người nghe. Đọc liên quan đến năng lực nhận thức, đến nhu cầu sống và giao tiếp của con người, thể hiện sự tiến hóa và phát triển của con người.

  • Hiểu là gì?

Hiểu là phát hiện và nắm vững mối liên hệ của sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó và ý nghĩa của mối quan hệ đó. Hiểu còn là sự bao quát hết nội dung và có thể vận dụng vào đời sống.Cụ thể: hiểu là phải trả lời được các câu hỏi: Cái gì? Như thế nào? Làm như thế nào?

  1. Thế nào là đọc hiểu một tác phẩm văn chương?
  2. Max đã viết: “Đọc tác phẩm văn học là một nguồn vô giá để nhận thức cuộc sống và quy luật đấu tranh trong cuộc sống”. Với các tác phẩm văn chương, không chỉ đơn thuần là việc nhận biết kí hiệu, lưu trữ nội dung mà chúng ta cần phải hiểu:
  • Nội dung của văn bản.
  • Mối quan hệ ý nghĩa của văn bản do tác giả tổ chức và xây dựng.
  • Cần khẳng định được mục đích, ý đồ, nội dung hiện thực, tiền giả định, sự khái quát hoá của tác giả trong văn bản.
  • Đánh giá được tư tưởng của tác giả.
  • Phải hoà đồng thông tin và tư tưởng của tác giả với tri thức và kinh nghiệm phù hợp của người đọc.

Như vậy chúng ta có thể hiểu việc đọc – hiểu tác phẩm văn chương là đọc kết hợp với sự hình thành năng lực giải thích, phân tích, khái quát, biện luận đúng sai về logic, tức là kết hợp với năng lực tư duy và biểu đạt.

Với đối tượng người đọc là học sinh chuyên Văn, các em có 2 dạng tác phẩm văn chương thường xuyên được tiếp cận. Đó là tác phẩm trong chương trình và tác phẩm ngoài chương trình. Tác phẩm trong chương trình là những tác phẩm đã được thầy cô cung cấp thông tin, định hướng đọc – hiểu. Còn với tác phẩm ngoài chương trình đòi hỏi các em phát huy năng lực tự đọc, tự hiểu. Nói cách khác đó là khả năng tiếp nhận văn học. Tiếp nhận văn học (tiếp nhận thẩm mĩ) không đơn giản chỉ là hành động đọc thuần túy, mà đó là sự thưởng thức, cảm thụ tác phẩm nghệ thuật với tư cách một giá trị thẩm mỹ. Sự tiếp nhận này luôn đi kèm với sự nảy sinh tình cảm, tức là sự trải nghiệm thẩm mỹ.

Vì vậy, tiếp nhận văn học không phải là sự tái hiện giản đơn tác phẩm, mà là một quá trình phức tạp: quá trình cùng tham dự và sáng tạo, cùng tìm ra giá trị tác phẩm của chủ thể tiếp nhận. Giá trị của tác phẩm ngày càng sâu sắc, phong phú do sự tiếp nhận, cắt nghĩa của người đọc. Đây chính là quá trình đọc – hiểu một cách trọn vẹn tác phẩm ngoài chương trình.

  1. Các bước rèn kĩ năng đọc – hiểu tác phẩm ngoài chương trình
  2. Những kiến thức cần huy động
  3. Bối cảnh lịch sử

Có thể nói, tác phẩm văn học cũng chính là sản phẩm của thời đại, mang dấu ấn thời đại. Mỗi tác phẩm văn học nói chung đều hình thành trong một hoàn cảnh cụ thể, trong đó các yếu tố: lịch sử, xã hội, văn hoá đều ít nhiều chi phối tới nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Vì vậy, khi tìm hiểu một tác phẩm văn học, chúng ta phải đặt tác phẩm trong mối quan hệ với hoàn cảnh lịch sử, văn hoá xã hội, …mà nó ra đời. Đây là cơ sở cần thiết để cắt nghĩa, phân tích các giá trị của tác phẩm văn học, giúp chúng ta giải mã văn bản có chiều sâu hơn.

Thực tế lịch sử là yếu tố có liên quan trực tiếp đến sự ra đời của tác phẩm văn học. Mỗi một tác phẩm đều được sáng tác trong một hoàn cảnh cụ thể gắn với đời sống riêng tư của tác giả – hoàn cảnh hẹp. Đời sống của mỗi một nhà văn lại chịu sự chi phối của xã hội về kinh tế, văn hoá, chính trị… đây là hoàn cảnh rộng chi phối cái nhìn của nhà văn trong tác phẩm. Vì vậy, việc huy động những kiến thức về thực tế lịch sử giúp ta tìm hiểu cặn kẽ về hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, lý giải được sự ảnh hưởng của thời đại lịch sử đến cảm hứng sáng tạo của tác phẩm như thế nào.

Ví dụ: Bối cảnh lịch sử xã hội thực dân nửa phong kiến (1930 – 1945) in dấu đậm nét trong các sáng tác về đề tài người nông dân trước Cách mạng của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan.

Bối cảnh xã hội lai căng nhố nhăng in dấu trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng:  Kĩ nghệ lấy Tây (1934), Số đỏ (1936), Cơm thầy cơm cô (1936),…

Tư tưởng thời đại là yếu tố có sự tác động mạnh mẽ đến văn học. Nó ảnh hưởng và chi phối đến tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Bởi lẽ “một trào lưu văn học xuất hiện bao giờ cũng trên cơ sở của một hoàn cảnh xã hội, văn hoá cụ thể và phản ánh những đòi hỏi nhất định của con người thời đại sản sinh ra nó.” Tư tưởng thời đại mà tác giả sống với những biến cố lịch sử căn bản và ảnh hưởng của chúng đối với đời sống văn hoá, tình hình phát triển của văn học mà từ đó tác phẩm ra đời cũng như những chuẩn mực xã hội mà thời đại đặt ra có liên quan đến tâm lý sáng tác, quan điểm sáng tác, phong cách sáng tác của tác giả. Tất cả những yếu tố trên đều tác động trực tiếp đến tác phẩm. Việc đặt tư tưởng của một tác phẩm văn học trong tư tưởng thời đại sản sinh ra nó giúp ta lí giải sâu sắc nội dung ý nghĩa của tác phẩm, đồng thời có được cái nhìn toàn diện về quan niệm sáng tác của nhà văn.

 

  1. Tác giả

Tìm hiểu về tác giả sẽ cung cấp kiến thức cần thiết liên quan đến việc phân tích tác phẩm, cũng nhờ đó định hướng cho sự cảm thụ tác phẩm của học sinh. Khi tìm hiểu về tác giả văn học, học sinh cần quan tâm đến hai khía cạnh cơ bản sau:

Cuộc đời tác giả: Tìm hiểu cuộc đời tác giả là tìm hiểu những chi tiết về hoàn cảnh xuất thân, gia đình, sở thích, tính cách con người… của tác giả. Ngoài ra, học sinh cũng cần đặc biệt lưu ý đến những bước ngoặt, những sự kiện trong cuộc đời có ý nghĩa hình thành đặc điểm sáng tác hay phong cách nghệ thuật của tác giả. Ngoài ra còn cần lưu ý mối quan hệ giữa tác giả với thời đại mà tác giả sống và sáng tác, với môi trường văn học tại thời điểm đó… Các giai đoạn trong cuộc đời người cầm bút cũng có thể là những cột mốc đánh dấu sự chuyển biến về tư tưởng trong sáng tác.

Sự nghiệp tác giả: Sự nghiệp chính là những thành tựu, những dấu ấn làm nên tên tuổi tác giả.Khi khái quát các tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của tác giả ta sẽ xác định được phong cách nghệ thuật của tác giả. Phong cách soi bóng trong từng tác phẩm. Đó là yếu tố khiến tên tuổi mỗi tác giả là một, là riêng, là thứ nhất, không thể trộn lẫn. Từ đó ta sẽ thấy được vị trí của tác giả trong giai đoạn văn học nói riêng và nền văn học nói chung.

Ví dụ: Nhà văn Nguyên Hồng sinh ra ở Nam Định, nhưng ông sớm lăn lộn gắn bó với Hải Phòng. Có thể nói từng con đường, hẻm phố, ga tàu, bến sông, xóm thợ nghèo ở thành phố cửa biển này đều in dấu chân ông. Nguyên Hồng “thuộc” từng gương mặt, thân phận con người nơi đây. Có lẽ vì thế và hẳn là thế ông mới viết được hàng loạt truyện ngắn và bộ tiểu thuyết “Cửa biển” bốn tập: “Sóng gầm” (1961); “Cơn bão đã đến” (1963); “Thời kỳ đen tối” (1973); “Khi đứa con ra đời” (1976); dài đến hai chục ngàn trang in, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống lao động, đấu tranh ở miền đất đầy sóng và gió này. Tất cả sáng tác của ông đều được xây đắp lên từ cuộc đời mồ côi nghèo khó, từ những năm tháng lăn lộn mọi ngóc ngách Hải Phòng, chứng kiến cảnh sống của bao kiếp người, thấu hiểu nỗi đau của bao số phận.

  1. Đặc trưng thể loại

Mỗi thể loại văn học lại có những đặc trưng riêng.

Nếu thơ là loại hình văn học nghiêng về việc sáng tác thể hiện cảm xúc, thiên về ca thì văn xuôi nghệ thuật lại là loại hình nghệ thuật thiên về kể. Chính vì sự khác biệt đó mà thơ và văn xuôi nghệ thuật có những đặc trưng riêng không thể trộn lẫn.

Trong thơ lại tồn tại rất nhiều thể loại khác nhau chia theo nội dung: thơ trữ tình, thơ tự sự, thơ trào phúng… hay chia theo nghệ thuật: thơ cách luật, thơ tự do… Các thể loại của văn xuôi cũng vô cùng đa dạng: tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, truyện cực ngắn… Mỗi thể loại ấy lại mang những đặc trưng riêng biệt, làm nên nét riêng của thể loại.

Trong quá trình đọc – hiểu một tác phẩm văn học ngoài chương trình, tức là một tác phẩm văn học mới mẻ, chưa được thầy cô định hướng tiếp nhận, thì việc xác định đúng thể loại của tác phẩm ấy, và huy động được các kiến thức về đặc trưng thể loại sẽ giúp học sinh dễ tiếp cận hơn với tác phẩm.

Ví dụ: Thơ tự do có những đặc trưng thể loại rất riêng như sự phóng khoáng trong câu chữ, không bị trói buộc bởi niêm luật, không có luật lệ cố định về vần điệu. Ý thơ tự do cũng rất đa dạng, thường có nhiều âm thanh, hình tượng, màu sắc đa dạng và phong phú, biểu thị bởi những cách dùng từ hết sức mới lạ, mang tính cách tân, không hàm chứa những hình ảnh cũ kỹ sáo mòn, thường có những khái niệm trừu tượng, siêu thực, hoang tưởng, phi vật thể, đôi khi quái dị, đan xen vào nhau thay thế cho những hình tượng cụ thể quen thuộc cũ, nhưng lại hàm chứa những triết lý sâu sắc về nhân sinh, về kiếp người… Như vậy khi tiếp cận một tác phẩm thơ tự do, những kiến thức về thể loại trên sẽ một phần định hướng để học sinh có thể hiểu đúng và trọn vẹn tác phẩm.

Với tiểu thuyết, thể loại được coi là cao cấp nhất thuộc phương thức tự sự, tiểu thuyết mang những nét đặc trưng khác hẳn với truyện ngắn, truyện vừa là những thể loại mà các em được học trong chương trình. Kết cấu tiểu thuyết không ngắn gọn, sít sao. Tiểu thuyết là sự tái hiện, là một thế giới thu nhỏ với hệ thống nhân vật đa dạng, phức tạp. Vậygiả sử phải đọc – hiểu một tiểu thuyết, làm sao các em thực hiện được nếu thiếu kiến thức về thể loại. Các em cần nắm được tiểu thuyết là thế giới thu nhỏ, nên việc cần làm là tinh lọc những nét đời nhất, người nhất từ thế giới ấy, cần nhìn nhận những nhân vật của tiểu thuyết suốt cả bề dày diễn tiến câu chuyện, và hiểu được với sự đồ sộ của mình, tiểu thuyết chắc chắn chất chứa không chỉ một mà là rất nhiều vấn đề gai góc của đời sống.

Hay với truyện ngắn cũng là thể loại thuộc phương thức tự sự, tuy nhiên nó có xu hướng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn truyện dài hay tiểu thuyết. Vì vậy, tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của thể loại truyện ngắn. Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định nên thường hết sức hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian trong truyện cũng không trải dài như tiểu thuyết. Đôi khi truyện ngắn chỉ là một khoảnh khắc của cuộc sống.Bởi vậy, với ngườiđọc truyện ngắn nếu chưa nắmđược tình huống thì coi như chưa nắmđượcchiếc chìa khoá vàng để mở vào thế giới bíẩn của truyện ngắn. 

Với đối tượng học sinh chuyên Văn, các em đã được học kĩ về đặc trưng riêng của từng thể loại thơ, văn xuôi. Huy động kiến thức thể loại vừa giúp các em ôn lại những kiến thức đã học, vừa giúp các em tăng khả năng vận dụng. Với quá trình đọc – hiểu một tác phẩm ngoài chương trình, thì kiến thức thể loại là không thể thiếu để các em tiếp tục con đường tiếp nhận tác phẩm ấy.

  1. Những kĩ năng thao tác
  2. Bước 1: Đọc tác phẩm, xác định đề tài, thể loại
  • Đọc tác phẩm:

Có người từng nói: “Phương pháp đọc tuỳ thuộc vào mục đích, và hoàn toàn do mục đích quy định”. Mục đích đọc sẽ chi phối toàn bộ quá trình đọc. Với mọi tác phẩm văn học, thì đọc tác phẩm là bước đầu tiên để học sinh tiếp cận với tác giả, tác phẩm. Để đọc hiểu một tác phẩm văn học mới, học sinh cần xác định mục đích việc đọc của mình. Đọc là để hiểu, chứ không phải để giải trí thông thường. Đặc biệt với đối tượng học sinh chuyên Văn, đọc hiểu một tác phẩm văn học khác hẳn với việc đọc tạp chí, đọc truyện, đọc những thông tin trên báo chí, Internet. Việc đọc tác phẩm văn học không thể là đọc lướt qua, đọc vội, nắm bắt nội dung bề mặt.

Muốn hiểu được nội dung cốt lõi, những giá trị sâu sắc của tác phẩm, học sinh cần phải đọc đầy đủ, trọn vẹn, kĩ càng. Trong tác phẩm văn học, mỗi chữ, mỗi từ, mỗi câu, có khi đến từng dấu chấm câu, từng dấu phẩy ngắt nhịp đều có vai trò riêng. Ngay cả mốc thời gian sáng tác cũng có vai trò quan trọng, vì thời gian sáng tác chi phối rất nhiều đến cảm xúc của tác giả. Như vậy, đồng thời trong quá trình đọc phải lưu ý thời gian sáng tác, ghi nhớ những từ khóa, những chi tiết. Những từ khóa, những chi tiết ấy có khi lại có đóng góp vô cùng quan trọng trong việc tạo nên linh hồn của tác phẩm.

Ví dụ: Bài thơ Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm)

Hoàn cảnh ra đời: Một đêm giữa tháng tư năm 1948, Hoàng Cầm trực tiếp nghe tin giặc Pháp đánh phá quê hương mình nằm bên bờ sông Đuống, thuộc xứ Kinh Bắc. Ông rất xúc động và ngay đêm ấy, dưới ngọn đèn dầu ông viết một mạch từ 12 giờ đêm đến gần sáng với “niềm căm giận và niềm thương cảm sâu sắc” như chính nhà thơ đã có lần tâm sự về bài thơ này. Như vậy bài thơ được khơi nguồn từ một sự kiện có thật, là dòng cảm xúc mãnh liệt của một người con với quê hương xứ xở.

Câu thơ: “Sao xót xa như rụng bàn tay”. Đây là câu thơ đầy hồn vía của bài thơ. Chữ rụng là từ khóa của câu thơ, gây ấn tượng rất mạnh, hữu hình hóa một nỗi đau vô hình. Nỗi đau ấy là nỗi đau khi quê hương bị giặc ngoại xâm giày xéo, nỗi đau trong tâm can đã hiện hữu thành nỗi đau trên thịt da. Và quê hương không chỉ là đất, là sông, là núi…, quê hương đã trở thành máu thịt, thành một bộ phận của cơ thể con người. Không phải cắt bàn tay mà là rụng bàn tay, thể hiện nỗi đau đớn dai dẳng giày vò. Từ rụng là nỗi đau mở đầu để mở ra một loạt những nỗi đau cụ thể ở những câu thơ sau, là xuất phát điểm để cảm hứng về quê hương Kinh Bắc bùng nổ, dạt dào ở cả bài thơ. Vì thế có thể coi “rụng” là từ khóa của câu thơ, của cả bài thơ. Tác phẩm “Bên kia sông Đuống” là tác phẩm trong chương trình Ngữ văn THPT nhưng lại thuộc phần đọc thêm, phần chỉ được giới thiệu chứ không được phân tích. Nếu không đọc kĩ, chắc chắn các em khó phát hiện ra nhãn tự này.

  • Xác định đề tài, thể loại:

Đề tài là phạm vi hiện thực đời sống được tác giả miêu tả trong tác phẩm văn học, mang ý nghĩa khái quát cao. Đề tài có tầm quan trọng rất lớn. nếu chưa nhận ra đề tài thì chưa thể bước vào tiếp nhận hình tượng tác phẩm.Phạm vi đề tài có thể được xác định rộng, hẹp khác nhau.Đề tài là một phương diện nội dung của tác phẩm, là đối tượng đã được nhận thức, là kết quả lựa chọn của nhà văn, là sự khái quát về phạm vi xã hội, lịch sử của đời sống được phản ánh trong tác phẩm.Đề tài không những gắn với hiện thực khách quan mà còn do lập trường tư tưởng và vốn sống của tác giả quy định.

Thể loại tác phẩm văn học là khái niệm chỉ quy luật loại hình tác phẩm. Trong đó ứng với một loại nội dung nhất định là một loại hình thức nhất định, tạo cho tác phẩm một hình thức tồn tại hoàn chỉnh.Hiểu biết thể loại là cung cấp chìa khóa để khám phá chiều sâu tác phẩm. Ví như người quá quen với đọc thơ cổ điển sẽ gặp khó khăn khi tiếp nhận thơ siêu thực nhưng sẽ phát huy được sở trường ở thơ cổ điển. Và mỗi người đọc có một sở trường trong việc đọc từng thể loại.

Song song với quá trình đọc, học sinh cần xác định tác phẩm thuộc thể loại nào, đề tài nào. Xác định đúng thể loại, đề tài có nghĩa là những kiến thức về đề tài, thể loại ấy sẽ được huy động. Từ đó các em có thể dựa vào đặc trưng đề tài và thể loại để tiếp cận tác phẩm.

Ví dụ: Đề tài Người nông dân trước Cách mạng:

+ Tác phẩm đã học: Chí Phèo (Nam Cao)

+ Tác phẩm ngoài chương trình: Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan)

Như vậy các em có thể vận dụng những kiến thức đã học về đề tài người nông dân trong tác phẩm “Chí Phèo” để đọc – hiểu tác phẩm “Bước đường cùng”.

          Thể loại Thơ tự do:

+ Tác phẩm đã học: Đàn ghi-ta của Lorca (Thanh Thảo)

+ Tác phẩm ngoài chương trình: Bông súng và siêu bão (Thanh Thảo)

Cùng một tác giả, cùng một thể loại, các em có thể vận dụng kiến thức về thể loại thơ tự do được thầy cô cung cấp khi học bài “Đàn ghi-ta của Lorca” để đọc hiểu tác phẩm “Bông súng và siêu bão”.

  1. Bước 2: Bóc tách hình ảnh

Đây chính là quá trình phát hiện những yếu tố hình thức có giá trị truyền tải nội dung. Trong quá trình khai phá những hình ảnh để tiếp cận nội dung, thì với thơ và văn xuôi lại có những yếu tố cần lưu ý khác nhau.

  • Thơ

Thơ ra đời rất sớm trong lịch sử nhân loại. Thơ là một thể loại văn học hết sức quen thuộc và gần gũi với con người ở mọi thời đại ở phương Đông cũng như ở phương Tây. Thơ trực tiếp gắn với tâm hồn con người. Mà tâm hồn con người là một thế giới tinh vi phức tạp mờ ảo nên thơ có thể dễ dàng cảm nhận bằng trực giác nhưng rất khó đúc kết khái quát thành một định nghĩa thật sự hoàn chỉnh.Chính vì vậy có thể hiểu thơ là một loại hình văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua một tổ chức ngôn từ đặc biệt thành những câu văn vần giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm. Khi đọc – hiểu tác phẩm thơ, ta cần lưu ý những khía cạnh sau:

  • Cảm xúc chủ đạo:

Cần nắm sự thay đổi trạng thái tâm hồn nhà thơ, trạng thái đó đã sản sinh ra các hình tượng thơ. Khi tiếp cận tác phẩm thơ, là ta đang đắm mình vào thế giới cảm xúc phức tạp. Mà cảm xúc trong thơ chảy tràn từ nhan đề, đến từng từ ngữ, từng dấu chấm câu, từng cách ngắt nhịp, xuống dòng. Vì vậy, trước tiên các em cần xác định được cảm xúc chủ đạo của tác phẩm, là nỗi buồn, niềm vui, sự trăn trở, âu lo, sự hoài nghi chán, chường hay niềm lạc quan, tin tưởng… Cảm xúc chủ đạo ấy là định hướng để hiểu tác phẩm. Nếu xác định sai lệnh cảm xúc chủ đạo thì con đường tiếp nhận tác phẩm rất có thể sẽ đi sai hướng.

Ví dụ:

+Cảm xúc chủ đạo của bài thơ Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm) là nỗi nhớ thương quê hương, xót xa trước cảnh quê hương chìm trong khói lửa đau thương.

+ Cảm xúc chủ đạo của bài Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử) là niềm thiết tha yêu đời đan xen nỗi tiếc nuối ngậm ngùi, nỗi đau đời tha thiết.

+ Ởbài thơ Hội Tây (Nguyễn Khuyến) “…Khen ai khéo vẽ trò vui thế/ Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu” có sự đột biến, nhảy vọt trong cảm xúc thể hiện thái độ mỉa mai, giễu cợt, đả kích sâu cay.

  • Nhan đề:

Nhan đề như một một mã của thông điệp thẩm mỹ, một mô hình nghệ thuật, nó là cái biểu nghĩa của văn bản văn học, cho độc giả biết trước: văn bản này viết về cái gì, có thể đọc nó hoặc nên đọc văn bản như thế nào. Rất nhiều tác phẩm được tác giả thay đổi nhan đề nhiều lần, vì chưa ưng ý. Bởi nhan đề là tín hiệu nghệ thuật đầu tiên của tác phẩm mà người đọc tiếp nhận được. Có những nhan đề trực tiếp, có những nhan đề mang tầng tầng lớp lớp ẩn dụ, như vậy nhan đề đã bước đầu phản ánh phong cách của nhà văn và một phần những đặc điểm nổi bật của tác phẩm.

Ví dụ: Nhan đề Từ ấy đánh dấu một mốc thời gian, là khoảnh khắc Tố Hữu được giác ngộ một luồng gió mới làm thay đổi cả tư tưởng, cuộc đời người thanh niên.

  • Thể thơ:

Mỗi thể thơ có một cách gieo vần, ngắt nhịp riêng. Quy luật riêng của mỗi thể loại cũng chi phối rất nhiều đến hiệu quả thẩm mĩ của thơ.

  • Thể thơ truyền thống:

+ Lục bát

+ Lục bát biến thể

+ Song thất lục bát

+ Thất ngôn

Gợi âm hưởng dân tộc, tác phẩm thường mang màu sắc dân gian, ý vị, tha thiết.

Ví dụ: Thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Duy thường viết bằng thể lục bát, giọng điệu thơ mang đậm màu sắc dân tộc.

  • Thơ hiện đại:

+ Thơ 8 chữ

+ Thơ tự do

+ Thơ 7 chữ

+ Thơ văn xuôi

Tác phẩm thường mang màu sắc hiện đại, phóng khoáng, cảm xúc đa dạng.

Ví dụ: Thơ Thanh Thảo thường viết bằng thể thơ tự do, cảm xúc trong thơ cũng tự do tuôn trào không theo một lề lối nào.

  • Biểu tượng, hình ảnh, nhịp điệu, biện pháp tu từ:

Khi đọc – hiểu tác phẩm thơ, không thể bỏ qua những hình ảnh lặp đi lặp lại, chạy xuyên suốt tác phẩm. Bởi mỗi hình ảnh lặp đi lặp lại đều mang theo dụng ý nghệ thuật của nhà thơ, hình ảnh lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành hình tượng. Khi đã phát hiện ra hình tượng trung tâm của tác phẩm thơ, ta cần liệt kê từ ngữ xoay quanh hình tượng trung tâm ấy. Có thể là các danh từ, động từ, tính từ… và cần phân tích các từ ngữ ấy thành hệ thống: đồng đẳng, tương phản, hay tăng cấp. Từ đó sẽ phát hiện ra ý nghĩa của những từ ngữ, những hình ảnh ấy, sẽ xác định được nhà thơ sử dụng những hình ảnh, từ ngữ ấy để gợi mở điều gì, nhằm mục đích gì. Đặc biệt cần lưu ý với những biện pháp tu từ, những từ vựng độc đáo, những cách kết hợp từ lạ. Khi từ ngữ, hình ảnh được sử dụng càng bất thường, càng lệch chuẩn thì nó lại càng mang dụng ý nghệ thuật đặc biệt. Đó cũng là khám phá riêng thể hiện cá tính và tài hoa của nhà thơ. Thông qua những hình tượng, những từ ngữ, những biện pháp nghệ thuật, ta có thể phát hiện mạch cảm xúc của tác phẩm, phát hiện các bước phát triển của tứ thơ, có thể hình dung, tưởng tượng ra bức tranh mà nhà thơ muốn vẽ lên bằng câu chữ. Khác với văn xuôi, trữ lượng của tác phẩm thơ không nhiều, vì vậy mà tác phẩm thơ đòi hỏi sức nén, tức là nói ít gợi nhiều, trong mỗi câu chữ đều ẩn giấu tầng tầng lớp lớp ý nghĩa. Từ đặc điểm đó đòi hỏi người đọc phải phát huy khả năng liên hệ, liên tưởng. Từ những hình ảnh bước đầu tiếp nhận được, phải mở ra thế giới mà nhà thơ xây dựng, phải bóc tách được vấn đề mà nhà thơ trăn trở, phải phát hiện được những điều mà nhà thơ gửi gắm ở bề sâu chứ không phải ở tầng lớp nghĩa hiển ngôn bề mặt.

 

Ví dụ:     + Tài cao, phận thấp, chí khí uất/ Giang hồ mê chơi quên quê hương (Thăm mả cũ bên đường, Tản Đà): bằng – trắc gợi sự bất đắc chí.

+ Mai sau,/ Mai sau,/ Mai sau,/ Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh. (Tre Việt Nam, Nguyễn Duy): Cách ngắt nhịp đều đặn, điệp từ, điệp ngữ, mô phỏng bướcđi của thời gian, từ đời này sang đời khác tre vẫn xanh một màu, vẫn gần gũi, gắn bó với con người Viêt Nam.

+ Yêu nhau, tam tứ núi cũng trèo/ Thập bát song cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua (Ca dao): Cách ngắt nhịp, điệp âm, vần, thanh, âm hưởng trúc trắc… tác giả dân gian đã cụ thể hóa những khó khăn, trắc trở mà đôi trai gái phải vượt qua khi đi theo tiếng gọi của tình yêu.

  • Văn xuôi

Văn xuôi không tuân theo các lề luật như thi ca.Văn xuôi có nhiều thể loại: văn diễn giảng, văn lịch sử, văn nghị luận, văn tự sự. Với đối tượng học sinh chuyên Văn, các thể loại văn xuôi văn học mà các em thường gặp như: truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, bút kí, tản văn… Mỗi thể loại đều chứa đựng những giá trị thẩm mĩ khác nhau. Nhưng tựu chung lại, khi đọc – hiểu tác phẩm văn xuôi, học sinh cần lưu ý những vẫn đề sau:

  • Nhan đề:

Trong văn xuôi nhan đề thường kết tinh nội dung và tư tưởng của tác phẩm.

Ví dụ:

+“Vợ nhặt” (Kim Lân)– khêu gợi trí tò mò cho người đọc (người ta thường nhặt được những thứ như của cải, tiền bạc…, ở đây anh cu Tràng lại “nhặt” được vợ trong cái năm người chết đói như ngả rạ. Tác phẩm tố cáo sâu sắc chế độ thối nát, vô nhân đạo đương thời).

+ “Đôi mắt” (Nam Cao) – nhan đề bộc lộ cách nhìn, cách đánh giá của Nam Cao đối với quần chúng nhân dân lao động và cuộc kháng chiến của dân tộc, cũng như quan điểm sáng tác của tác giả: muốn sáng tác được những tác phẩm có giá trị, nhà văn phải thâm nhập vào thực tế và biết nhìn nhận, đánh giá những mặt tốt của con người.

  • Kết cấu:

Kết cấu của tác phẩm văn xuôi cũng có tầm quan trọng đặc biệt. Nó phản ánh cách đặt vấn đề và giải quyết các vấn đề đời sống của tác giả.

Ví dụ: tác phẩm “Chí Phèo” (Nam Cao)

+ Mở: ta bắt gặp Chí Phèo ngật ngưỡng với chai rượu trong tay, vừa đi, vừa chửi tất cả.

+ Kết: xuất hiện cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại…

Ý nghĩa của mở và kết của “Chí Phèo”: chừng nào còn tồn tại cái xã hội bất công, vô nhân đạo, chà đạp lên quyền sống của con người, chừng ấy vẫn còn có những nhân vật như Chí Phèo. Tác phẩm tố cáo xã hội một cách sâu sắc.

  • Nhân vật:

Là hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm, được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ.Nhân vật văn học là một hình tượng nghệ thuật ước lệ, được ta nhận ra bởi nhiều dấu hiệu khác nhau: tên, diện mạo, hành động, cử chỉ, ngôn ngữ, số phận…Tất cả tạo nên tính cách, mang tính khái quát rất cao: chị Dậu (rách rưới, khổ sở) trong tác phẩm Tắtđèn của Ngô Tất Tố, Chí Phèo (say rượu, ăn vạ), Bá Kiến (thâm độc, gian hùng) trong Chí Phèo, Nam Cao. Nhân vật có vai trò hết sức quan trọng. Chức năng cơ bản của nó là miêu tả và khái quát các loại tính cách xã hội, đưa người đọc vào thế giới khác nhau của đời sống. Ngoài ra, nhân vật còn có chức năng biểu hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về thế giới con người, chức năng tạo nên mối liên hệ giữa các sự kiện trong tác phẩm, tạo ra cốt truyện.

  • Chi tiết nghệ thuật

Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng và họ gọi chung là chi tiết nghệ thuật.“Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Chi
tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thì góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn, lôi cuốn người đọc là nhờ chi tiết. Tất nhiên không phải mọi chi tiết trong tác phẩm đều có vai trò, vị trí và giá trị như nhau. Có chi tiết chỉ đóng vai trò vật liệu xây dựng, làm tiền đề cho cốt truyện phát triển thuận lợi và hợp lý, nhưng cũng có không ít chi tiết thể hiện tập trung cho cấu tứ của tác giả.

Ví dụ: + Chi tiết bát cháo hành Thị Nở (Chí Phèo, Nam Cao)

+ Chi tiết bát cháo cám của bà cụ Tứ (Vợ Nhặt, Kim Lân)

  • Sự kiện và cốt truyện

+Sự kiện (biến cố): Là những hành vi, việc làm của nhân vật hay sự việc xảy ra đối với nhân vật dẫn đến hậu quả làm biến đổi hay bộc lộ một ý nghĩ nào đó.Các sự kiện trong văn học thường có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc về nhân sinh, xã hội

Ví dụ: Sự kiện năm 1945, người chết đói như ngả rạ, nhà anh cu Tràng lại nhặt được vợ (sự kiện này phát triển thành cốt truyện trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân).

+ Cốt truyện: Là một chuỗi các sự kiện được tạo dựng trong tác phẩm. Cốt truyện có hai đặc điểm: Tính liên tục hữu hạn trong trật tự thời gian, từ đầu cho đến khi truyện kết thúc và các sự kiện có mối quan hệ nhân quả hoặc quan hệ bộc lộ ý nghĩa, làm cho cốt truyện nêu bật được ý nghĩa nào đó mà nhà văn muốn thể hiện. Cốt truyện giúp bộc lộ các xung đột, mâu thuẫn của con người, tạo ra ý nghĩa nhân sinh, gây hấp dẫn.

Ví dụ: Cốt truyện “Chí Phèo”(Nam Cao) được xây dựng bằng sự xuất hiện lần lượt của những sự kiện xoay quanh cuộc đời Chí Phèo: từ đứa trẻ bị bỏ rơi, trở thành anh canh điền hiền lành, bị đẩy vào tù, ra tù, trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại, gặp Thị Nở, thức tỉnh, hy vọng, tuyệt vọng và trả thù Bá Kiến, tự kết liễu đời mình. Các sự kiện vừa có tính liên tục, vừa có tính nhân quả, thể hiện một cuộc đời, một số phận nhân vật.

  • Miêu tả và trần thuật

+ Miêu tả: Là biện pháp cơ bản nhằm tái hiện con người, sự vật, sự kiện một cách cụ thể, cảm tính nhằm khêu gợi trí tưởng tượng, tình cảm, làm người đọc rung động.Miêu tả có 3 chức năng: tái hiện, trang trí, giải thích, phân tích và tạo biểu tượng.Khi miêu tả, người ta sử dụng nhiều tính từ, động từ để vẽ ra đường nét, màu sắc âm thanh…làm người đọc phải vận dụng tất cả các giác quan để tưởng tượng và cảm nhận.

Ví dụ: đoạn miêu tả đêm trăng vườn chuối trong truyện ngắn Chí Phèo – Nam Cao.

“Bởi vì cái vườn của hắn ở gần một con sông con, nước lặng và trong, khắp bãi trồng toàn dâu, gió đưa đẩy những thân mềm oặt ẹo, cuộn theo nhau thành làn. Duy có vườn nhà hắn trồng toàn chuối, ở một góc vườn có túp lều con. Những đêm trăng như đêm nay, cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối đen như những cái áo nhuộm vắt tung trên bãi. Và những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đành đạch như là hứng tình.”

+ Trần thuật: Là kể, thuyết minh, giới thiệu nhân vật, sự kiện, bối cảnh… trong truyện.Nhiều khi trong trần thuật có miêu tả. Trần thuật quan trọng hơn miêu tả, bởi trần thuật là cái khung của sự kiện. Miêu tả chỉ để phục vụ cho trần thuật mà thôi.Khi kể chuyện, tác giả thường kể những điều họ cảm thấy, nghe thấy, nhìn thấy trong không gian, thời gian. Vì thế, điểm nhìn thể hiện vị trí mà người kể dựa vào để quan sát, trần thuật các nhân vật và sự kiện.

Ví dụ: Đoạn kể, tả lại diện mạo Chí Phèo sau 8 năm ở tù về.

“Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế.”

  1. Bước 3: Khám phá ý nghĩa

Sau khi hoàn thiện khâu bóc tách hình ảnh, từ những kết quả đã thu được sau khi thâm nhập thế giới hình ảnh bên ngoài mà nhà văn, nhà thơ gây dựng, ta bước vào quá trình khám phá ý nghĩa sâu sắc nhất của tác phẩm.

  • Liên hệ với hoàn cảnh ra đời (hoàn cảnh lớn/ hoàn cảnh nhỏ), tác giả (cuộc đời/ phong cách), tư tưởng thời đại.

Ở phần kiến thức cần huy động, ta đã đề cập đến phần bối cảnh lịch sử và tác giả là những yếu tố không thể thiếu khi tiếp nhận tác phẩm. Trong quá trình dạy học, trước khi bước vào tiếp cận một tác phẩm văn học trong chương trình, chúng ta cũng có phần Đọc – hiểu chung giới thiệu về tác giả và hoàn cảnh ra đời tác phẩm. Điều đó càng chứng tỏ việc hiểu về tác giả và bối cảnh lịch sử khi tác phẩm ra đời là không thể thiếu trong việc đọc – hiểu tác phẩm ngoài chương trình. Tác giả chính là người thai nghén ra tác phẩm văn học, vì vậy cuộc đời và tư tưởng của tác giả chắc chắn sẽ in dấu trong tác phẩm.

Ví dụ: Trong những sáng tác của nhà văn Nam Cao, ta thấy quê hương Đại Hoàng – Lý Nhân – Hà Nam của ông đã trở thành làng Vũ Đại. Và sáng tác của ông có bóng dáng những con người trên quê hương ông, có cả cuộc đời của chính ông và gia đình ông.

Hay như Hoàng Cầm – người con của xứ Kinh Bắc hào hoa, huê tình, thì chất hào hoa ấy in dấu đậm nét trong Lá diêu bông, Mưa Thuận Thành

Mỗi tác giả mang một dấu ấn phong cách riêng, không thể trộn lẫn, nhưng các tác giả đều chịu tác động từ một bối cảnh lịch sử, một luồng tư tưởng thời đại chung. Bối cảnh lịch sử có thể hiểu là hoàn cảnh, tình hình lịch sử có tác động ảnh hưởng đến một nhân vật, một sự kiện nào đó. Trong văn học thì bối cảnh lịch sử tác động trực tiếp đến tư tưởng của người cầm bút. Vì vậy chúng ta mới có cả phong trào thơ Mới – một thời đại trong thi ca, một trào lưu văn học hiện thực trước Cách mạng với những tên tuổi Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… đã trở thành bất hủ, hay một giai đoạn văn học Cách mạng hào hùng… Bởi bối cảnh lịch sử, tư tưởng thời đại lúc này đã trở thành nguồn cảm hứng cho sáng tác của người cầm bút.

Từ những minh chứng trên, chứng tỏ trong quá trình khám phá ý nghĩa của tác phẩm văn học, chúng ta chắc chắn phải liên hệ đến hoàn cảnh ra đời, đến thời đại mà tác phẩm thai nghén, và đặc biệt không thể bỏ qua yếu tố chủ quan nhất, chính là người cầm bút.

  • Đánh giá xem tác phẩm muốn truyền tải thông điệp gì, mang ý nghĩa gì, gửi gắm bài học gì, triết lý gì về cuộc đời, lẽ sống.

Mỗi tác phẩm văn học đều mang những thông điệp mà nhà văn nhà thơ muốn truyền tải đến độc giả. Vì vậy, trong khâu khám phá ý nghĩa tác phẩm, ta phải tìm ra điều mà nhà văn muốn gửi gắm. Đó có thể là một lời nhắc nhở về đạo lí làm người, một triết lý cuộc đời, một lẽ sống cần được chiêm nghiệm. Chỉ khi khám phá được và khám phá đúng những điều này ta mới hiểu hết được ý nghĩa tác phẩm. Khi đó quá trình tiếp nhận tác phẩm mới được thực hiện trọn vẹn.

  • Đặt tác phẩm trong sự so sánh với những tác phẩm cùng đề tài, cùng thể loại để thấy được tính thời sự của tác phẩm và tài – tâm – tầm của tác giả.

Cùng một đề tài, cùng một thể loại, nhưng ở mỗi giai đoạn lịch sử và dưới con mắt của mỗi người cầm bút, vấn đề lại được nhìn nhận và khám phá ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chính vì vậy, xuyên suốt chiều dài văn chương, mỗi đề tài lại là mảnh đất màu mỡ để nhiều cây bút cày sâu, bừa kĩ. Từ đặc điểm này, khi đọc hiểu một tác phẩm văn học mới, chúng ta cần đặt tác phẩm trong sự so sánh với những tác phẩm cùng đề tài, cùng thể loại. So sánh để thấy được nét chung của đề tài, thể loại ấy. Đặc biệt so sánh để thấy được nét riêng của tác phẩm mình đang đọc, để xem nó có gì đặc biệt, có gì khác lạ so với những tác phẩm khác. Từ đó sẽ nhìn ra được tầm vóc của người cầm bút, xem nhà văn nhà thơ đã khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có như thế nào.

  • Huy động trải nghiệm bản thân

Đây là quá trình hình dung hoàn cảnh, tái tạo cảm xúc, đặt mình vào vị trí của tác giả, của nhân vật, cảm nhận tác phẩm không phải với tư cách một độc giả mà với tư cách người thai nghén tác phẩm và coi tác phẩm là một phần cuộc đời, một góc sự sống của mình. Với đối tượng học sinh chuyên Văn, khi xác định theo đuổi việc học chuyên văn, tức là các em phải tự bồi dưỡng cho mình một thế giới tâm hồn giàu cảm xúc, một trí tưởng tượng phong phú, một sự liên tưởng đa dạng. Với những tác phẩm văn học trong hay ngoài chương trình, thì việc đặt giả thiết mình chính là tác giả hay chính là nhân vật nhân vật sẽ giúp các em được sống trong một thế giới khác, được cảm nhận đầy đủ những xúc cảm, những buồn vui của cả tác giả và nhân vật. Các em phải tự tưởng tượng và nếm trải nỗi đau chưa từng có trong thực tại, trải nghiệm niềm vui chỉ biết đến qua câu chữ. Đây là việc không phải học sinh nào cũng làm được. Nhưng chỉ khi làm được những điều này, các em mới có thể hiểu tác phẩm trọn vẹn nhất.

Không chỉ đặt mình vào tác phẩm, các em cần lí giải những gì mình cảm nhận được bằng sự trải nghiệm, lí luận văn học và Tiếng Việt. Sự trải nghiệm chính là việc các em nhìn nhận tác phẩm, nhân vật như thế nào dưới con mắt của một cá nhân đang sống và quan tâm đến những vấn đề đời sống được phản chiếu trong tác phẩm. Còn lí giải bằng lí luận văn học và Tiếng Việt chính là quá trình các em đánh giá tác phẩm xem tác phẩm đã làm tròn nhiệm vụ của mình chưa, có phải là một tác phẩm văn chương chân chính không, có phản ánh được đời sống, làm thế giới tốt hơn và đẹp hơn hay không. Bởi các em là học sinh trên con đường tiếp nhận, nhưng cũng chính là những độc giả đã trải qua quá trình tìm hiểu tác phẩm, các em sẽ có những đánh giá khách quan và công tâm nhất với một tác phẩm hoàn toàn mới, mà không bị chi phối bởi bất kì định hướng nào của những người đi trước. Từ đó các em sẽ nhận ra tác phẩm có tác động như thế nào với người đọc, từ đó khẳng định sức sống của tác phẩm với thời gian và trong lòng độc giả.

 

  • Chứng minh bằng một số tác phẩm văn học ngoài chương trình
  1. Tác phẩm thơ Việt Nam: Bông súng và siêu bão (Thanh Thảo)

Bông súng và siêu bão

                 Bông súng tím mọc lên từ nước

                 bão Haiyan mọc lên từ biển

                 bão Haiyan cho tôi kinh hoàng

                 bông súng tím cho tôi bình yên

rồi có thể người ta quên                  

mà nhớ

 trong siêu bão một bông súng nở

                bông súng ấy màu tím

                bão Haiyan màu gì?

                              (Thanh Thảo- Báo Thanh niên chủ nhật, 17/11/2013)

  • Những kiến thức cần huy động
  1. Bối cảnh lịch sử
  • Tác phẩm ra đời năm 2013. Đây là thời kì đất nước đã bước qua hai cuộc chiến từ rất lâu, đang trên đà phát triển văn hóa, kinh tế, chính trị. Không còn đối mặt với bom đạn chiến tranh, nhưng con người trong thời đại mới cũng phải đối diện với vô vàn những vấn đề đời sống. Những vấn đề đòi hỏi con người phải có bản lĩnh, có thái độ sống đúng đắn.
  • Năm 2013, cơn bão Haiyan được biết đến ở Philippines với tên gọi Bão Yolanda, hay cơn bão số 14 ở Việt Nam, là một trong số những xoáy thuận nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi nhận; cơn bão đã tàn phá một phần Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, trong khoảng thời gian đầu tháng 11 năm 2013. Haiyan là cơn bão chết chóc nhất tại Phillipines trong lịch sử hiện đại,với ít nhất 6.300 người đã chết do bão chỉ riêng tại quốc gia này. Haiyan cũng đồng thời là xoáy thuận nhiệt đới mạnh nhất đổ bộ lên đất liền từng được ghi nhận, và là xoáy thuận nhiệt đới mạnh thứ hai từng ghi nhận về tiêu chí vận tốc gió duy trì liên tục trong một phút. Đây là một thảm họa thiên tai gieo giắc tai họa lớn cho con người.
  1. Tác giả
  • Là nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.
  • Là người có nỗ lực cách tân thơ Việt Nam hiện đại.
  • Thơ ông mang cảm hứng triết luận, là những suy tư sâu sắc về con người, nghệ thuật, cuộc đời. Thơ ông hướng tới vẻ đẹp tinh thần của con người tài năng, nghĩa khí nhưng cuộc đời ngang trái.
  • Ông thành công ở văn xuôi và trường ca.
  1. Đặc trưng thể loại
  • Đặc trưng thơ:

+ Thơ là một thể loại văn học thuộc phương thức biểu hiện trữ tình.

+ Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. Lê Quý Đôn từng khẳng định: “Thơ phát khởi từ lòng người ta”, hay như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy”.

+ Thơ tuy biểu hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư, nhưng những tác phẩm thơ chân chính bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người, về cuộc đời, về nhân loại, đó là cầu nối dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người trên khắp thế gian này.

+ Thơ thường không trực tiếp kể về sự kiện, nhưng bao giờ cũng có ít nhất một sự kiện làm nảy sinh rung động thẩm mĩ mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ mà văn bản thơ là sự thể hiện của niềm rung động ấy.

+ Thơ thường có dung lượng câu chữ ngắn hơn các thể loại khác (tự sự, kịch). Hệ quả là nhà thơ biểu hiện cảm xúc của mình một cách tập trung hơn thông qua hình tượng thơ, đặc biệt thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, qua dòng thơ, qua vần điệu, tiết tấu…

+ Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu.

+ Về cấu trúc, mỗi bài thơ là một cấu trúc ngôn ngữ đặc biệt. Sự sắp xếp các dòng (câu) thơ, khổ thơ, đoạn thơ làm nên một hình thức có tính tạo hình.

  • Đặc trưng thơ tự do:

+ Tứ thơ: Là một thể thơ mang đậm cảm xúc chủ quan, trong thơ tự do, tứ thơ bao giờ cũng được nảy sinh trên cơ sở cảm xúc và có chức năng biểu hiện cảm xúc ấy qua hình ảnh, ngôn ngữ nghệ thuật. Do vậy, tiếp cận tác phẩm thơ tự do là cần phải xác định tứ thơ và sự vận động của hình tượng thơ, có như vậy mới có thể chiếm lĩnh được toàn bộ bài thơ trong tính chỉnh thể của nó.

+ Nhịp điệu: Vẻ riêng trong nhịp điệu của thơ tự do có sự hòa điệu giữa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan, do vậy nó vừa là nhịp điệu của hình thức bên ngoài, vừa là nhịp điệu bên trong, là nhịp điệu của cảm xúc, của những rung động của nhà thơ trước bức tranh đời sống. Do vậy, nhịp điệu trong thơ tự do không có sự định tính trước như trong thơ cách luật mà luôn có sự co giãn theo cảm xúc chủ quan của nhà thơ.

+ Ngôn ngữ thơ: Ngôn ngữ thơ tự do gần hơn với ngôn ngữ, lời nói của đời thường, ngôn ngữ văn xuôi. Có nghĩa là ngôn ngữ thơ tự do mang vẻ đẹp giản dị, chân chất, mang hơi thở của đời sống. Điều này xuất phát từ chỗ thơ tự do luôn có xu hướng đi gần về với cuộc sống.

 

  • Những kĩ năng thao tác
  1. Bước 1: Đọc tác phẩm, xác định đề tài, thể loại
  • Đọc tác phẩm
  • Hoàn cảnh ra đời: 17/11/2013, bão Haiyan qua Philipines.
  • Xác định đề tài: cuộc sống, triết lý nhân sinh
  • Xác định thể loại và đặc trưng thể loại: Thể thơ tự do: Lối thơ tự do gạt bỏ các ngữ pháp thi pháp, logic, để mạch cảm xúc tuôn trào theo chủ nghĩa tự động tâm linh thuần túy. Dòng liên tưởng rời rạc, giãn cách tạo kết cấu ngôn ngữ mới, thể hiện cảm nhận chủ quan của người viết, gạt bỏ mọi logic tư duy thông thường.
  1. Bước 2: Bóc tách hình ảnh
  • Cảm xúc chủ đạo:băn khoăn, thiết tha kiếm tìm triết lý sống từ những hình ảnh đời thường.
  • Nhan đề:Bông súng và siêu bão: Trực tiếp đặt bông súng và siêu bão ở 2 vế song song.
  • Thể thơ:tự do
  • Biểu tượng, hình ảnh:
  • Bài thơ nổi bật 2 hình ảnh trung tâm: Bông súng và siêu bão. 2 hình ảnh này cũng chính là nhan đề của bài thơ. Điều đó càng chứng tỏ, vấn đề mà nhà thơ muốn gửi gắm sẽ gắn với hai hình ảnh này.

+ Bông súng:

Nghĩa đen: một loài hoa mọc lên từ nước, màu tím, bé nhỏ, mong manh.

Nghĩa bóng: cái đẹp, sự sống, sự bình dị của cuộc đời.

+ Siêu bão:

Nghĩa đen: thiên tai, thảm họa thiên nhiên

Nghĩa bóng: tai họa, hủy diệt, chết chóc

  • Mối quan hệ giữa hai hình ảnh

+ Tương phản: bông súng biểu tượng cho sự bình yên/ bão Haiyan biểu tượng cho sự kinh hoàng.

+  Tương đồng: hoa súng mọc lên từ nước: nước là không gian sinh tồn hẹp, bình dị, gắn liền với sự sống con người.

Bão Haiyan mọc lên từ biển: biển là không gian rộng lớn nhưng luôn ấn giấu những hiểm họa mà con người không lường trước được.

àHai hình ảnh này đều là biểu tượng cho cuộc sống muôn mặt: cái đẹp đi liền với hiểm họa, bình yên song hành cùng bão tố, như những khía cạnh lành – dữ, tốt – xấu, thật – giả, thiện – ác…tưởng chừng đối lập mà lại là một thể thống nhất.

+ Bao hàm:Trong siêu bão có một bông súng nở: Trong hiểm họa cái đẹp vẫn tỏa sáng, giữa bão tố bông hoa vẫn khoe sắc làm đẹp cho đời.

  • Nhịp điệu, biện pháp tu từ

– Nhịp điệu biến đổi đa dạng, câu thơ dài ngắn không đồng đều như mạch cảm xúc, khi sôi trào, khi đầy trăn trở.

– Biện pháp tu từ: đối: Bông súng tím mọc lên từ nước – Bão Haiyan mọc lên từ biển, câu hỏi tu từ Bão Haiyan màu gì?

  1. Bước 3: Khám phá ý nghĩa
  • Liên hệ với hoàn cảnh ra đời

-Bài thơ được khơi nguồn từ một sự kiện có thật, một sự kiện mang tính thời sự, một thảm họa thiên nhiên gieo nỗi đau cho con người. Vì vậy bài thơ mang đậm hơi thở đời sống. Cuộc sống cho ta cái đẹp cũng cho ta hiểm họa. Hiểm họa có thể manh nha ngay trong khoảnh khắc bình yên nhất. Và trong hiểm họa vẫn không gì che lấp được cái đẹp.

– Bài thơ ra đời năm 2013, giữa thời bình, khi chiến tranh đã đi qua từ lâu, đất nước đang trên đà phát triển. Nhưng vẫn có những cuộc tranh đấu ngầm giữa những điều thật giả trong xã hội, và cuộc tranh đấu ngầm giữa những điều tốt xấu trong chính mỗi con người.

  • Đánh giá xem tác phẩm muốn truyền tải thông điệp gì, mang ý nghĩa gì, gửi gắm bài học gì, triết lý gì về cuộc đời, lẽ sống.

-Rồi có thể người ta quên mà nhớ: Con người có thể quên đi hiểm họa cuộc đời, nhưng luôn nhớ và muốn hướng đến cái đẹp bình yên. Câu thơ gợi dòng chảy thời gian, sự đổi thay cuộc đời, quy luật cuộc sống con người.

-Cảm hứng nhân sinh tích cực lạc quan của những con người đã trải qua, thấu hiểu quy luật cuộc sống, liên hệ với cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Thanh Thảo,(Huy động kiến thức về nhà thơ Thanh Thảo: Là con người đi qua cả thời chiến và thời bình. Thanh Thảo là cây bút đa năng, viết nhiều thể loại, nhưng sở trường vẫn là thơ, đặc biệt thành công với một số trường ca viết sau chiến tranh. Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Ông được công chúng chú ý qua những tập thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến): đó là niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai. Niềm lạc quan được kế thừa từ những câu chuyện cổ tích (Sọ Dừa), những bài ca dao (Mười cái trứng) và được nuôi dưỡng suốt bề dày dựng nước, giữ nước của dân tộc, cho đến tận ngày hôm nay.

-Câu kết gợi mối quan hệ về sự ngẫm suy về cuộc đời: bông súng ấy màu tím- bão Haiyan màu gì?: cái đẹp có màu sắc, hình khối rõ ràng. Nhưng hiểm họa thì không thể nhìn rõ màu sắc, dáng hình. Con người không thể lường trước hiểm họa, nên cách tốt nhất là giữ cho mình phong thái sống bình thản để đối diện với mọi hiểm họa cuộc đời.

  • Đặt tác phẩm trong sự so sánh với những tác phẩm cùng đề tài, cùng thể loại để thấy được tính thời sự của tác phẩm và tài – tâm – tầm của tác giả.

Bài ca dao Mười cái trứng (Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi nảy cây), Cáo tật thị chúng – Mãn Giác thiền sư (Những tưởng đông tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai), Mùa lạc – Nguyễn Khải (Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chi có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy):

– Nét chung: Nguồn cảm hứng từ cuộc sống và triết lý sống vô cùng sâu sắc.

– Nét riêng: Thơ Thanh Thảo mang đậm màu sắc thời sự. Là bài thơ in trên báo, tức là bài thơ bắt kịp những sự kiện nóng hổi đang diễn ra.

Lối thơ tự do, các câu ngắn dài không theo quy luật, đầu mỗi dòng không viết hoa như dòng cảm xúc trải dài thành câu chữ. Bài thơ vì thế mà gần gũi với đời sống và tâm hồn mỗi người.

  • Huy động trải nghiệm bản thân

Đối tượng học sinh chuyên Văn là những con người trẻ, là đối tượng đang trong quá trình khám phá cuộc sống và hoàn thiện nhân cách. Với độ tuổi của các em, các em chưa đủ trải nghiệm để nhìn ra những triết lí sống sâu sắc. Thì với bài thơ này sẽ giúp các em nhìn nhận những mặt đối lập của cuộc sống, giúp các em hiểu ra cuộc sống dù đầy hiểm họa, nhưng đó là những điều tất yếu phải đương đầu. Nếu chỉ biết sợ hãi trước hiểm họa, thì làm sao có thể như bông súng kia khoe sắc trước bão tố. Quan trọng nhất là tự bồi dưỡng bản lĩnh đương đầu với bão tố, tự gây dựng cho mình lối sống an nhiên đối diện với mọi thăng trầm của cuộc đời. Như vậy, một tác phẩm tưởng chừng khó hiểu lại trở thành bài học sống đáng quý cho các em.

  1. 2. Tác phẩm văn xuôi Việt Nam: Mây trắng còn bay (Bảo Ninh)

“Mây trắng còn bay” hay còn được biết đến với tên gọi khác là “Ngàn năm mây trắng” của Bảo Ninh là câu chuyện được kể lại bởi nhân vật “tôi” (là một hành khách trên chuyến bay) về một bà cụ lần đầu tiên đi máy bay. Khi máy bay ra khỏi vùng thời tiết xấu, bà cụ thích thú nhìn ngắm mây bay bên ngoài cửa sổ và bắt chuyện với “tay vận comple” nhưng không được hắn đáp lại. Bà cụ không ăn gì mà chỉ xin một cốc nước lúc cô tiếp viên mang đồ đến phục vụ. Khi máy bay bay qua vùng vĩ tuyến 17, nhân vật tôi thiu thiu ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng quát của tay vận comple nạt bà cụ. Hắn bực bội vì thấy bà cụ bày biện đồ cúng trên máy bay. Hoá ra, hôm ấy là ngày giỗ anh con trai cả của bà cụ – người phi công 30 năm trước đã hi sinh trong trận chiến tại sông Bến Hải. Cô tiếp viên đứng sững bên cạnh nhân vật tôi, lặng nhìn, không nói một lời. Ngoài cửa sổ đại dương khí quyển ngời sáng.

  • Những kiến thức cần huy động
  1. Bối cảnh lịch sử

Truyện ngắn “Mây trắng còn bay” của Bảo Ninh là truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh sau năm 1975. Tác phẩm ra đời trong thời kì đất nước hoà bình và bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện.

  • Thực tế lịch sử

Khi hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩđã kết thúc, đất nước hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kì hoà bình. Nỗiđau chiến tranh để lại không chỉ là vật chất mà hơn hết là tinh thần. Chứng kiến hiện thực khốc liệt sau chiến tranh, hơn ai hết Bảo Ninh hiểu rõ nỗiđau của con người thời hậu chiến đặc biệt là người lính.

Trong thời kì đổi mới, những thay đổi trong tư tưởng, tình cảm của con người trướcảnh hưởng của nền kinh tế thị trườngđã khiến cho những giá trịđạo đức truyền thống bị lung lay và có nguy cơ bị chàđạp. Hơn nữa, đại hội lần thứ VI củaĐảng (năm 1986), với tinh thần “đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật” đã tạo cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hoá trong văn học được khơi dòng và phát triển mạnh mẽ. Đây là cơ hội để cho các nhà văn mới như Bảo Ninh có cơ hội viết ra những suy nghĩ của mình, nhìn thẳng vào thực tế để nhìn nhận lại cuộc sống thời bình – cuộc sống hôm nay buộc người ta phải nhớ về quá khứ, cuộc sống hoà bình mà chẳng hề yên tĩnh khiến người ta phải trở lại tìm kiếm, kiểm chứng những giá trị của quá khứ – và mạnh dạn nói lên sự thật.

  • Tư tưởng thời đại

Từ sau năm 1975, khi cuộc sống dần trở lại với những quy luật bình thường, con người trở về với muôn mặt đời thường, phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề trong một giai đoạn có nhiều biếnđộng, đổi thay của xã hội – bối cảnhđóđã thúc đẩy sự thức tỉnhý thức cá nhân, đòi hỏi sự quan tâm đến mỗi người và từng số phận. Con người thời kì này không còn nhân danh cộng đồng, không còn là con người tập thể mà là con người cá nhân, là tiếng nói nhận thức lại chính mình. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân trên cơ sở tinh thần nhân bản là nền tảng tư tưởng và cảm hứng chủđạo, bao trùm của nền văn học từ sau 1975.

Nếu như giai đoạn văn học trước, các nhà văn ít có cơ hội viết về con người với đời sống cá nhân thì với tư tưởng thờiđại sau 1975, các nhà văn trong đó có Bảo Ninh đã có thể thẳng thắn nhìn nhận lại các giá trị về con người, thẳng thắn bày tỏ quan niệm cá nhân của bản thân mình trong các tác phẩm văn học.

  1. Tác giả Bảo Ninh
  • Cuộc đời

Về cuộcđời, năm 1969, Bảo Ninh vào bộ đội và tham gia chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên – nơi chiến trườngác liệt, dữ dội. Năm 1975, ông giải ngũ. Là người trực tiếp tham gia chiến đấu nênông hiểu rõ sự khắc nghiệt của chiến tranh. Ông cũng là người lính bước ra khỏi cuộc chiến và trở về với cuộc sống thời bình – chính điều này cho ông cái nhìn toàn diện về chiến tranh, về con người trong và sau chiến tranh.

  • Sự nghiệp

Bảo Ninh là nhà văn trưởng thành khi cuộc kháng chiến chống Mĩđã kết thúc. Ông là một trong những nhà văn có những đóng góp cho văn học viết về đề tài chiến tranh thời kì hậu chiến. Ông nổi tiếng với các tác phẩm tiểu thuyết đặc biệt là tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”. Bên cạnhđó, Bảo Ninh còn có nhữngtruyện ngắntiêu biểu nữa như: “Khắc dấu mạn thuyền”, “Bộiphản”… đặc biệt là truyện ngắn “Mây trắng còn bay”.

  1. Đặc trưng thể loại

“Mây trắng còn bay” là tác phẩm ra đời sau 1975 – lúc này truyện ngắn cũng có nhiều sự đổi mới so với giai đoạn văn học trước. Do đó, khi phân tích tác phẩm thời kì này ta cần nhớ một số lưu ý sau. Đến văn học hậu hiệnđại thì cảm hứng sửthi được thay bằng cảm hứng thế sự. Mây trắng còn bay là câu chuyện về con người trong cuộc sống thường nhật, là câu chuyện về bà mẹ mang nỗiđau mất con sau chiến tranh. Ngôn ngữ truyện ngắn sau 1975 bắt đầu bớt đi vẻ trang trọng, ít du dương, rào đón mà gần gũi với đời thường, chân thật trong giọngđiệu, thô nhám trong từ ngữ. Nhà văn đưa vào tác phẩm nhiều từ ngữđịa phương, khẩu ngữ. Nghệ thuật trần thuật cũng có nhiều đổi mới, trước 1975, truyện ngắn thường chỉ có mộtđiểm nhìn trần thuật thì sau 1975, truyện ngắn được trần thuật dưới góc độđa chiều, nhiều điểm nhìn, ngôn ngữ trần thuật mang tính đối thoại, nhiều ngụý…

  • Những kĩ năng thao tác
  1. Bước 1: Đọc tác phẩm, xác định đề tài, thể loại

Khi tiếp xúc với một tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm truyện ngắn nói riêng ta tiếp xúc đầu tiên với tầng ngôn từ – nghĩa là ta phải đọc. “Tầng ngôn từ là bước thứ nhất cần phải vượt qua để đi vào chiều sâu của văn bản.”  Với một truyện ngắn ta cần đọcđi đọc lại nhiều lần. Lần đọc đầu tiên, ta cần tái hiện lại được hình tượng (liệt kê được các nhân vật, sự kiện, tóm tắt được cốt truyện…).

  • Trong “Mây trắng còn bay”, tác giả Bảo Ninh xây dựng bốn nhân vật, đó là nhân vật “tôi” (người kể chuyện), “tay vận comple”, cô tiếp viên hàng không và “bà cụ”. Trong đó, “bà cụ” là nhân vật chính, là nhân vật trung tâm của câu chuyện, mọi diễn biến trong truyện đều xoay quanh nhân vật này.
  • Xác định trình tự kể (câu chuyện được kể theo trình tự thời gian), người kể chuyện (nhân vật tôi) và tóm tắt được truyện theo các sự kiện chính.

Sau khi đọcđầy đủ, kĩ càng, nắm được các yếu tố cần thiết, ta cần huy động kiến thức về đề tài, thể loại để phát hiện nét chung, nét riêng của tác phẩm. Tác phẩm “Mây trắng còn bay” của Bảo Ninh là truyện ngắn sau 1975 viết về đề tài chiến tranh. Đây là đề tài quen thuộc ta dễ bắt gặp trong các truyện ngắn của những tác giả cùng thời như: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Minh Châu, Sương NguyệtMinh,..Tuy nhiên, với mỗi một tác giả lại có cách tiếp cận hiện thực khác nhau. Cùng nhìn chiến tranh dưới con mắt của những con người thời hậu chiến, nhưng Bảo Ninh đưa vào truyện ngắn của mình sự xung đột giữa cái mới và cái cũ, giữa giá trị truyền thống và cuộc sống hiệnđại, giữa quá khứ và hiện tại. Truyện ngắn của Bảo Ninh đưa ra cái nhìn khác về chiến tranh, về sự “nhận thức lại” đối với cuộc sống con người thời hậu chiến.

  1. Bước 2: Bóc tách hình ảnh
  • Phát hiện những yếu tố hình thức có giá trị truyền tải nội dung
  • Nhan đề

Trước hết là nhan đề truyện “Mây trắng còn bay”. Tác giả lựa chọn hình ảnh “mây trắng” để đặt tên cho tác phẩm. Và trong truyện có đến 5 lần hình ảnh này được xuất hiện tạo nên không gian bồng bềnh, hư ảo; mặt khác còn gợi sự thanh thản, bình yên. Hình ảnh “mây trắng” trong trạng thái động “còn bay” còn mang ý niệm cho sự chảy trôi của cuộc đời, của quá khứ vẫn chưa ngủ yên.

  • Kết cấu

Về kết cấu, ta thấy mở đầu truyện là khung cảnh máy bay cất cánh trong mưa, khi thời tiết xấu và sự căng thẳng, nuối tiếc của các hành khách trong khoang máy bay thì kết thúc truyện là sự lặng yên của các nhân vật, là khung cảnh “đại dương khí quyển ngời sáng”, là hình ảnh “Tổ quốc tôi trên trời cao”. Kết thúc truyện với đoạn văn giàu chất thơ có tác dụng nâng chất văn xuôi trong câu chuyện lên, phả vào nó một vùng cảm xúc ấm áp, xao lòng… Kết cấu còn thể hiện cái nhìn lạc quan của nhà văn, thể hiện tinh thần cao đẹp và niềm tin vào sự bất tử của những chiến sĩ phi công bảo vệ vùng trời của Tổ quốc.

  • Nhân vật

Trong truyện có bốn nhân vật nhưng tác giả chú trọng miêu tả và làm nổi bật hai nhân vật là tay vận comple và bà cụ. Nhân vật trung tâm của truyện ngắn này là nhân vật bà cụ. Các chi tiết miêu tả ngoại hình “Hình vóc bé nhỏ, teo tóp của bà như chìm lấp vào thân ghế”, “lưng còng, hai bàn tay gầy guộc” khắc hoạ rõ nét vẻ ngoài lam lũ, vất vả, khắc khổ của người mẹ, người phụ nữ Việt Nam xưa. Từ cử chỉ “bà cụ chẳng dám hỏi han gì thêm. Bà ngồi im, ôm chặt trong lòng một chiếc làn mây… bà không muốn nhận khay đồ ăn, “Tất cả các thứ hộp thứ gói trên khay bà dồn hết vào chiếc làn mây. Bà chẳng ăn chút gì… bà cũng chỉ xin một cốc nước lọc.” đến lời nói sử dụng nhiều từ ngữ đưa đẩy “các bác kìa, bác nhỉ, thưa các bác…” hay “Thảo nào hai lượt tàu bay “những” triệu bạc… Các chú cho già “thì có” khiến cho nhân vật bà cụ hiện lên với những nét đặc trưng tiêu biểu của tầng lớp nông dân ở làng quê Việt Nam: xởi lởi, cởi mở, tiết kiệm, chắt chiu. Nhưng qua đó cũng hiện lên một mảnh đời cơ cực, nhọc nhằn, vất vả. Ta vừa buồn cười khi bà chẳng dám ăn đồ ăn trên máy bay vì sợ tốn tiền, hay khi bà nhờ cô tiếp viên mở giúp cái cửa sổ máy bay cho thoáng nhưng ta lại càng thương bà cụ hơn khi biết đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, người mẹ ấy đi máy bay, bà bày đồ cúng cho con trên máy bay, trên vùng trời con mình là chiến sĩ phi công hy sinh gần 30 năm trước. Khi chứng kiến cái dáng vẻ sợ sệt, van lơn, khẩn khoản của bà cụ với tay vận complet, ta lại càng thương cảm, xót xa.

Trong truyện ngắn “Mây trắng còn bay” tác giả còn khắc hoạ một nhân vật khác được đặt trong thế đối sánh với bà cụđó là nhân vật “tay vận comple”. Ngay từ đầu câu chuyện, nhân vật này đã hiện lên với dáng vẻ căng thẳng, sợ hãi khi máy bay khởi hành trong thời tiết xấu “tay vận comple…mặt nhợtđi, mắt nhắm nghiền lại, cặp môi run run” hắn “nhấc mi mắt lên. Môi mím chặt…” nhưng ngay sau đó chuyển sang thái độ “quàu quạu”, khó chịu và thờơ trước những lời bắt chuyện của bà cụ. Hành động thản nhiên của hắn khi cố tình châm điếu thuốc và nhả khói trên máy bay trong khi biển báo “không hút thuốc” bật sáng ngay trước mặt, hay hành động quát nạt bà cụ khổ sở, rồi “sang trọng đứng dậy mắng” cô tiếp viên, sau đó “gần như bước xéo lên đùi tôi, xấn ra lốiđi” với thái độ hoảng hốt, cục cằn, giận dữ và khinh miệt khi thấy bà cụ bày biện đồ cúng trên máy bay… Tất cả những chi tiếtđó làm toát nên nét tính cáchích kỉ, độcđoán, cá nhân ở nhân vật này.

  • Cốt truyện

Về sự kiện cốt truyện, phần đầu truyện, dường như tác giả chỉ kể lại những mẩu đối thoại ngắn ngủi, đơn thuần của bà cụ với các nhân vật khác khiến ta có cảm giác như nghe những màn đối thoại rời rạc, bình thường. Cho đến khi, tiếng nạt của tay vận comple vang lên với bà cụ, tiếng nạt đó không chỉ khiến nhân vật tôi giật mình mà còn là sự đánh thức sự chú ý của bạn đọc. Đến đây, diễn biến của truyện được đẩy lên đến cao trào nhưng cũng chính là sợi dây giúp bạn đọc liên kết tất cả các sự việc xảy ra trước đó: tại sao bà cụ nhắc đến hai chiếc vé máy bay được “các chú không quân cùng đơn vị với con trai già cho”, tại sao bà cụ lại hỏi máy bay sắp qua sông Bến Hải hay chưa? Đọc đến sự việc bà cụ van nài tay vận comple thì người đọc đã tự có được câu trả lời cho mình. Chỉ đến phần cuối của truyện ngắn, mọi bí mật mới được hé lộ. Vì vậy, câu chuyện càng trở nên bất ngờ, hấp dẫn và đọng lại được nhiều suy ngẫm.

  • Chi tiết

Ở phần cuối của truyện, chi tiết “Tôi xoài người sang giữ lấy cái khung ảnh. Tấm ảnh được cắt ra từ một mảnh báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ.” thực sự là một chi tiết đắt giá. Trong suốt tác phẩm, nhân vật tôi chủ yếu là người đứng ngoài, quan sát kể lại câu chuyện thì đến đây nhân vật tôi đã trực tiếp tham gia vào câu chuyện bằng hành động cụ thể “xoài người ra giữ lấy cái khung ảnh”. Hành động này không chỉ là hành động giúp đỡ bà cụ mà còn khẳng định sâu sắc hơn tình cảm cảm thông, trân quý đối với các bà mẹ có con hi sinh trong chiến đấu và lòng biết ơn những người lính của tác giả. Hơn nữa hình ảnh trong tờ báo “đã xưa cũ”, anh phi công “còn rất trẻ” còn có tác dụng phản ánh hiện thực khốc liệt: chính chiến tranh đã cướp đi tuổi trẻ, cướp đi sự sống của những con người quả cảm ấy và chính chiến tranh đã để lại nỗi đau dai dẳng cho người ở lại. Qua đó, ta thấy được chi tiết này vừa có giá trị hiện thực, vừa có giá trị nhân đạo, nó góp phần quan trọng vào việc thể hiện chủ đề của truyện.

  • Miêu tả, trần thuật

Về miêu tả trần thuật, truyện ngắn “Mây trắng còn bay” được kể lại bằng ngôi thứ nhất, qua lời của nhân vật “tôi” – một trong những người có mặt trong chuyến bay đó và là người ngồi gần bà cụ. Chính vì vậy nhân vật “tôi” là người chứng kiến mọi việc, kể lại câu chuyện một cách chân thực, khách quan, tăng tính thuyết phục cho truyện đồng thời có thể thay mặt tác giả trực tiếp bày tỏ suy nghĩ, tình cảm. Câu chuyện về bà cụ bày đồ cúng cho con trên máy bay được kể lại dưới góc nhìnđa chiều: cái nhìn đồng cảm, cảm thông của nhân vật tôi và cô tiếp viên, nhưng cũng được nhìn dướiánh mắt khinh miệt của “tay vậnáo comple” vàđồng thời tác giả cộng hưởng với cái nhìn của bạn đọc bằng cách tạo ra những khoảng trống trong truyệnđể ngườiđọc có thể suy nghĩ, cảm nhận. Một câu chuyện nhưng được trần thuật dưới nhiều góc độ khác nhau, đem lại chiều sâu trong tư tưởng và chiều rộng trong sự phản ánh.

  1. Bước 3: Khám phá ý nghĩa
  • Liên hệ với hoàn cảnh ra đời (hoàn cảnh lớn/ hoàn cảnh nhỏ), tác giả (cuộc đời/ phong cách), tư tưởng thời đại.

Chiến tranh qua đi, song những thiệt hại về vật chất nhưng hơn hết là những chấn thương về tinh thần do chiến tranh để lại vẫn chẳng thể xoá bỏ. Trước sự hộinhập nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị truyền thống dần bị mai một khiến ta cần phải nhận thức lại chính mình. Bảo Ninh là người lính bước ra từ cuộc chiến trở về với cuộc sống thời bình, hơn ai hếtông chứng kiến sự thay đổi của xã hội, nhìn ra những góc khuất của cuộc sống thời bình dưới con mắt của con người hậu chiến. Người línhấy nhìn nhận lại quá khứ, nhận thức lại hiện tại, ông đem đến cái nhìn sâu sắc về con người bằng việc gửi gắm qua tác phẩm của mình.

  • Đánh giá xem tác phẩm muốn truyền tải thông điệp gì, mang ý nghĩa gì, gửi gắm bài học gì, triết lý gì về cuộc đời, lẽ sống.

Truyện ngắn “Mây trắng còn bay” là tiếng nói cảm thông, thương cảm với những bà mẹ có con hi sinh trong chiến tranh, xót xa với số phận con người thời chiến – khi họ ngã xuống ở cái tuổiđẹp nhất, hi sinh cuộc đời đểđem lại hoà bình cho dân tộc. Đồng thời tác phẩm là tiếng nói tố cáo chiến tranh, là tiếng nói phê phán lối sống ích kỉ, cá nhân của những người thời bình thờơ trước những hi sinh của những ngườiđã ngã xuống trong thời chiến. “Mây trắng còn bay” còn là sự chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, vết thương chiến tranh chẳng bao giờ xoá bỏ được, nó còn mãi cùng với sự chảy trôi của cuộc đời như “mây trắng” vẫn bay. Truyện ngắn là bài học về lối sống uống nước nhớ nguồn, là sự trân trọng những hi sinh thầm lặng của con người trước, trong và sau chiến tranh.

  • Đặt tác phẩm trong sự so sánh với những tác phẩm cùng đề tài, cùng thể loại để thấy được tính thời sự của tác phẩm và tài – tâm – tầm của tác giả.

Đặt tác phẩm “Mây trắng còn bay” bên cạnh các truyện ngắn cùng viết về đề tài con người thời hậu chiến ta nhận thấy tác phẩm không chỉ có giá trị trong thờiđại bấy giờ mà còn có tính thời sự trong xã hội hiện nay. Với truyện ngắn này, Bảo Ninh đãđóng góp cho sự đổi mới thi pháp và nội dung phản ánh của thể loại truyện ngắn trong văn học giai đoạn hậu hiệnđại. Đồng thời ta cũng thấy được cái nhìnđau đáu của tác giả về chiến tranh, thấy được cái tài trong nghệ thuật và cái tâm với con người của nhà văn Bảo Ninh.

  • Huy động trải nghiệm bản thân

Đặt mình vào vị trí của nhân vật, ta sẽ hiểu được tâm trạng của bà cụ. Bà cụ là người cả cuộc đời sống nơi làng quê, đây là lần đầu tiên bà cụđi máy bay nên cụ không khỏi lạ lẫm, thích thú. Trước cái khung cảnh và dịch vụ hiệnđại trên khoang máy bay, bà cụ không quen, bà thấy ngại nhưng hơn hết bà cụ sợ tốn tiền. Song dẫu xa lạ với cuộc sống hiệnđại nhưng bà mẹấy vẫn cố gắng tìm hiểu (bằng việc hỏi cô tiếp viên) cố gắng tìm đến vùng trời mà con trai mìnhđã hi sinh để một lần được thắp cho con nén hương. Sức mạnhđó xuất phát từ tình mẫu tử, từ tình yêu, sự mong nhớ của người mẹ với anh con trai đã mất cách đây gần 30 năm. Càngái ngại, thương cảm với bà cụ bao nhiêu, ta càng không đồng tình với thái độ của nhân vật “tay vận comple” bấy nhiêu. “Tay vận comple” là ngườiăn mặc hiệnđại nhưng lại có thái độ hèn nhát, ích kỉ và hành động bất lịch sự, hắn khinh miệt và xem thường người nghèo khổ.

Điều đặc biệt ta thấy ởđây các nhân vật không có tên riêng. Điều này giúp cho tác phẩm có sức khái quát lớn hơn: bà cụ là hiện thân cho biết bao bà mẹ có con hi sinh trong chiến tranh, tay vận comple hiện thân cho bao người hiệnđại vô tâm, sống trong hoà bình mà lạnh nhạt với quá khứđau thương của dân tộc. Qua đó, ta rút ra bài học về thái độ sống cho mỗi người, dẫu đời sống có đổi thay nhưng hãy biết sống nghĩa tình, trước sau.

  1. Tác phẩm nước ngoài: Khóm phúc bồn tử (Sê khôp)

 

Khóm phúc bồn tử (Sê-khốp) là tác phẩm văn học nằm ngoài chương trình học. Đây là một trong ba truyện ngắn (Người trong bao, Khóm phúc bồn tử, Câu chuyện tình yêu) có chủ đề phê phán lối sống tầm thường, dung tục tiểu tư sản của một bộ phận trí thức trong xã hội Nga cuối thế kỉ XIX.

Truyện là lời kể của bác sĩ thú y Ivan Ivanưts. Ivan có người em trai là Nhikôlai Ivanưts, một viên chức nghèo ở sở thuế vụ. Suốt đời, Nhikôlai chỉ có ước ao làm sao tậu được một trang ấp nhỏ, và nhất định không thiếu những khóm phúc bồn tử. Nhikôlai nhịn ăn, nhịn mặc, dành dụm từng xu, từng đồng lương trong hàng chục năm liền, sẵn sàng lấy một bà góa già không có tình cảm để thực hiện nguyện vọng cả đời. Cuối cùng anh ta đã toại nguyện. Nhàn nhã với nếp sống mới, anh ta phát phì. Từ một chàng viên chức nghèo rụt rè, Nhikôlai trở thành một điền chủ, một kẻ hợm hĩnh đầy tham lam. Ivan đến thăm anh và được mời ăn những trái phúc bồn tử vừa hái trong vườn nhà. Nhikôlai nhai vội vàng, ngấu nghiến, xuýt xoa khen ngon đến mức đêm cũng không ngủ, liên tục nhấm nháp món này. Sau đêm ấy, bác sĩ thú y Ivan có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức.

  • Những kiến thức cần huy động
  1. Bối cảnh lịch sử

– Thực tế lịch sử

Truyện ngắn Khóm phúc bồn tử được sáng tác năm 1898 trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen. Bối cảnh rộng của tác phẩm chính là bầu không khí chuyên chế u ám, nặng nề của nước Nga cuối thế kỉ XIX.

Hai mươi năm cuối thế kỉ XIX được đánh giá là một khoảng lặng trong nước Nga. Những cây bút đại thụ như Đô-xtôi-ép-xki, Lép Tôn-xtôi… đến khoảng thời gian này đã thôi không còn sáng tác hoặc đã mất…; cùng với đó các vấn đề lớn đều đã được giải quyết. Các nhà văn mới khó tìm được đề tài vì các vấn đề đã được giải quyết trước đó. Những đảng phái xuất hiện gây xáo trộn trong cuộc sống, xã hội trở nên rối ren. Đặc biệt là thay đổi về tầng lớp độc giả. Giai cấp quý tộc bị suy thoái nặng nề dẫn đến vị trí của tầng lớp quý tộc không còn như trước. Có thể thấy Sê-khốp đến với văn chương trong thời điểm khó khăn.

– Tư tưởng thời đại

Với sự tìm tòi không ngừng sáng tạo, Sê-khốp đã tìm ra cho mình tầng lớp độc giả mới: tầng lớp trí thức bình dân – tầng lớp thứ 3 trong xã hội (giữa tầng lớp quý tộc và nông nô). Từ đó, ông tìm được chỗ đứng của mình và những hệ vấn đề mới.

Đến thế kỷ XIX, văn học lãng mạn Nga đột ngột xuất hiện, tiến nhanh tới đỉnh cao rồi lại chuyển ngay sang trào lưu hiện thực chủ nghĩa. Và Sê-khốp là một gương mặt hiện thực tiêu biểu. Không đi vào những vấn đề lớn lao, tác giả chỉ tập trung khai thác cuộc sống bình thường của con người bình thường. Ông viết về cuộc sống thường nhật để người đọc tự suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống. Nhà văn đứng trên lập trường người quan sát và chia sẻ điều đó đối với họ. Từ những lát cắt nhỏ, Sê-khốp đã vẽ lên bức tranh xã hội lớn của nước Nga của thế kỉ XIX.

  1. Tác giả

Nhà văn Sê-khốp là một tác giả được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 11. Học sinh có thể dễ dàng tổng hợp những kiến thức cần thiết cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả này trong bài học Người trong bao.

Tác phẩm của Sê-khốp chính là cầu nối thế kỉ XIX với thế kỉ XX. Ông phơi bày, lột trần cái dung tục, tầm thường, thiển cận thấm sâu vào tâm lí, nhân cách, hành vi con người và hủy hoại họ một cách thê thảm.

  1. Đặc trưng thể loại

Giữa thế kỉ XIX, truyện ngắn đã hoàn thiện khá rõ nét và đến cuối thế kỉ, truyện ngắn phát triển đến đỉnh cao với những tác phẩm vào loại bậc thầy của An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp. Đặc trưng của truyện ngắn chính là dung lượng nhỏ nhưng có sức chứa lớn “lõi phải dày, vỏ phải mỏng” (Nguyễn Khải). Cũng từ đó, nó chi phối các đặc điểm cụ thể của thể loại này: nhân vật, cốt truyện, tình huống, ngôn ngữ…

  • Những kĩ năng thao tác
  1. Bước 1: Đọc tác phẩm, xác định đề tài, thể loại

Lần theo suốt quãng thời gian cầm bút của Sê-khốp, người đọc nhận ra các sáng tác của ông thường chỉ xoay quanh hai mô típ chủ đề chính: mô típ về “cái chết” và mô típ về “sự hồi sinh”. Với mô típ về “cái chết”, ngay từ còn trẻ ông đã có những tác phẩm vô cùng sâu sắc về chủ đề này. “Cái chết” hay cũng chính là một biểu tượng cho căn bệnh: chết về thể xác bởi trước đó con người đã chết về mặt tinh thần từ lâu. Các nhân vật mắc căn bệnh này không phân biệt tuổi tác, họ có thể là người già cũng có thể là những người trẻ tuổi. Đến với mô típ chủ đề thứ hai, người đọc nhận ra nó nằm rất sâu trong mạch ngầm văn bản của tác giả. Nó chỉ sự hồi sinh của những con người mà tất cả đều tưởng rằng không thể. Điều này thường chỉ được tìm thấy trong hồi kết mang “tiếng vọng” của tác giả.

Đến với Khóm phúc bồn tử, người đọc có thể nhận thấy truyện ngắn này thuộc chủ đề về “cái chết” vô cùng quen thuộc. Khóm phúc bồn tử, Người trong bao và Câu chuyện tình yêu là ba truyện ngắn cùng chủ đề trong tập truyện ngắn của Sê-khốp. Chúng đều phê phán lối sống tầm thường, dung tục tiểu tư sản của một bộ phận trí thức trong xã hội Nga cuối thế kỉ XIX. Tất cả đều nói về những kiểu sống trong bao, tuy nhiên trong từng tác phẩm, hình tượng “người trong bao” lại được khai thác từ những khía cạnh khác nhau. Từ đó, chúng bổ sung và hoàn thiện về cái nhìn của nhà văn với bức tranh xã hội Nga đương thời.

  1. Bước 2: Bóc tách hình ảnh

Được ra đời trong giai đoạn nhà văn đã định hình khá rõ nét về phong cách nghệ thuật, vì vậy Khóm phúc bồn tử mang đầy đủ những nét chung và cả nét riêng độc đáo trong sáng tác của Sê-khốp.

  • Nhan đề:

Nhan đề của nhà văn này thường rất đơn giản. Việc đặt tên tuy dễ hiểu nhưng càng đọc, độc giả càng nhận thấy những ý nghĩa biến đổi sâu xa ở đó. Với tên truyện Khóm phúc bồn tử, người đọc dễ dàng nhận thấy nó ám chỉ một loài cây ăn quả được trồng khá phổ biến ở những vùng có khí hậu lạnh. Phúc bồn tử còn có tên gọi khác là quả mâm xôi, có chứa nhiều loại dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể con người. Những khóm phúc bồn tử vừa là thứ quà hấp dẫn khiến con người ta mê mẩn, nhưng đồng thời nó cũng trở thành thứ vòng kim cô phong tỏa con người, khiến con người ta chỉ quanh quẩn thỏa mãn với hiện tại, bỏ quên mọi điều khác ở bên ngoài. Từ đó, hình ảnh những khóm phúc bồn tử còn mang ý nghĩa sâu xa hơn, ám chỉ lối sống thu mình, ích kỉ, hủ lậu… đã và đang tồn tại trong một bộ phận công dân không nhỏ ở nước Nga.

  • Kết cấu

Truyện của Sê-khốp thường có kết cấu đơn giản. Cốt truyện thường tập hợp từ những đoạn văn ngắn, sắp xếp theo thời gian lịch biểu. Nhà văn tập trung khai thác nhận thức bên trong nhân vật, từ đó dựng lên bức tranh bên ngoài. Mở đầu truyện thường trực tiếp, nêu thẳng thời gian, địa điểm. Kết thúc truyện thường được tác giả để mở, mang tiếng vang.

Người trong bao, Khóm phúc bồn tửCâu chuyện tình yêu là một bộ ba truyện ngắn được gắn kết bởi một truyện khung là cuộc đi săn của hai người: viên bác sĩ thú y Ivan Ivanưts và viên giáo sư trung học Burkin. Họ nghỉ đêm ở trong sàn cỏ của người lý trưởng, hôm sau lại đi từ sáng sớm. Nhưng rồi trời đổ mưa và hai người ghé vào khu trại của địa chủ Aliôkhin trú mưa, được đón tiếp ân cần. Và vì trời mưa suốt nên họ ở lại nhà Aliôkhin cho đến tận sáng hôm sau. Không có việc gì làm, họ đành chia sẻ với nhau những câu chuyện lan man. Khóm phúc bồn tử bắt đầu khi cuộc đi săn của Ivan Ivanưts và Burkin do mưa bão đã phải trú chân nghỉ ngơi tại nhà Aliôkhin – chủ một điền trang tại làng Xôphinô. Câu chuyện này cũng có một kết thúc mở khi chính người anh trai không dám quay trở lại gặp người em của mình, khẩn cầu ông chủ trang ấp Aliôkhin hãy sống một cách khác… Câu chuyện mãi không có hồi kết vì những lời cắt ngang của ông giáo Burkin khiến con người ta trăn trở. Với kết cấu truyện lồng trong truyện, chân dung nhân vật được tô đậm thông qua cách trần thuật gián tiếp.

  • Nhân vật

Nhân vật trong các sáng tác của Sê-khốp thường không có nhân vật quí tộc và nông nô, thường xuất thân từ tầng lớp có học. Ông thường xây dựng hai mô típ nhân vật: phát triển những con người bé nhỏ trong sáng tác của Puskin và Gogol (con người bị nô lệ bởi chức tước, chai lì trước cuộc sống…) và mô típ về nhân vật trí thức. Nhân vật trong Khóm phúc bồn tử nằm trong mô típ thứ hai, được Sê-khốp tập trung khai thác về sự suy đồi của người trí thức. Sê-khốp đã thành công xây dựng những bức chân dung nhân dung nhân vật điển hình. Nếu như Bê-li-cốp trong Người trong bao chết sớm để giải thoát, được trốn mãi trong cái vỏ của mình; thì nhân vật người em trong Khóm phúc bồn tử tuy không chết sớm nhưng nhân vật này đã sớm thối rữa về mặt tinh thần. Sê-khốp để nhân vật tự biểu lộ ngôn ngữ và hành động, từ đó người đọc tự cảm nhận và đánh giá. Không còn là một con người đáng mến, người em Nhikôlai Ivanưts sau khi đạt được ước nguyện của mình đã tha hóa, trở nên đầy dung tục, tầm thường … Cái ngoại hình “béo bệu trắng nhợt; má, mũi và đôi môi cứ chảy ra” của anh ta cùng tất cả những con người, con vật xung quanh cũng béo phục phịch đã toát lên cái chất trì trệ, lười biếng. Nếu chỉ mãi quanh quẩn với những gì hiện có, con người sẽ chẳng thay đổi. Sê-khốp muốn các nhân vật có một đời sống giao tiếp lành mạnh, đầy cảm thông với thế giới xung quanh, và đặc biệt với những con người họ đang chung sống. Như vậy, con người mới thoát khỏi sự tù túng, mê muội, quẩn quanh.

  • Cốt truyện

Một đặc điểm khác trong văn xuôi của Sê-khốp là nhà văn thường không nhấn mạnh các biến cố. Sự kiện trong các tác phẩm của ông thường không làm thay đổi điều gì. Với Sê-khốp, cốt truyện càng đơn giản càng tốt. Ở Khóm phúc bồn tử, các sự kiện cũng bị đẩy ra xa trung tâm thành những chi tiết nhất thời như người em trai quyết định mua trang ấp như ước nguyện, người anh trai Ivan quyết định không quay trở lại nhà em trai mình lần nào nữa… Mạch tự sự không nằm ở các sự kiện bên ngoài, Sê-khốp đã khéo léo đưa nó vào trong những chi tiết miêu tả cảm xúc, tâm lí của nhân vật. Đó là câu chuyện về người viên chức nghèo Nhikôlai Ivanưts từ háo hức với ước mơ làm điền chủ, bất chấp tất cả để đạt được ước nguyện, thỏa mãn với điều mình làm được, hạnh phúc trên sự đau khổ của những kẻ nghèo khổ hơn… Từ đó, nó cũng toát lên chủ đề của tác phẩm.

  • Miêu tả, trần thuật

Nhà văn Sê-khốp chủ trương miêu tả cuộc sống đầy chân thực. Bức tranh thiên nhiên không chỉ làm phông nền cho truyện, mà còn gắn với những suy nghĩ của con người về cuộc đời, về những vấn đề mang tính triết lí. Bức tranh thiên nhiên nơi điền trang của nhân vật Nhikôlai trong truyện ngắn đang tìm hiểu đã khắc họa phần nào tính cách con người này. Đó không phải một chốn thơ mộng, mà trang ấp đó “không hề có khóm phúc bồn tử nào, không có ao đầm vịt lội, kề bên một dòng sông nhưng nước đen sẫm như nước cà phê vì một bên sông là nhà máy gạch ngói, một bên nữa là nhà máy nung xương”. Một bức tranh đầy ngột ngạt, tù túng như chính những con người nơi đây.

  • Chi tiết

Một trong những biệt tài của nhà văn Nga này là nghệ thuật lựa chọn chi tiết. Trong Khóm phúc bồn tử, người đọc không thể không nhắc đến chi tiết nghệ thuật đặc sắc với hình ảnh người em trai Nhikôlai ăn ngấu nghiến những quả phúc bồn tử vừa cứng vừa chua, miệng vẫn khen không ngớt: “Ngon quá!”. Anh ta không ngủ được, chốc chốc thức dậy để ăn thứ quả lần đầu tiên hái được sau vườn nhà bởi vì thỏa mãn, hạnh phúc. Chính nhà văn đã hình dung ra tầm vóc lớn lao của con người: “Con người không phải chỉ cần ba thước đất, không phải chỉ cần một trang ấp nhỏ, mà là tất cả trái đất, tất cả thiên nhiên; trên cả miền đất bao la ấy con người mới có thể bộc lộ được hết phẩm chất và đặc điểm tinh thần tự do của mình”. Nếu các nhà văn khác đánh thức lòng trắc ẩn nhờ miêu tả con người trong cảnh khốn khó, thì Sê-khốp thương xót con người chính trong cảnh đầy đủ, thoả mãn của họ.

  1. Bước 3: Khám phá ý nghĩa
  • Liên hệ với hoàn cảnh ra đời (hoàn cảnh lớn/ hoàn cảnh nhỏ), tác giả (cuộc đời/ phong cách), tư tưởng thời đại.

Tác phẩm ra đời trong bối cảnh xã hội nước Nga đang ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế bảo thủ nặng nề cuối thế kỉ XIX, đồng thời khi nhà văn đang dưỡng bệnh tại một nơi xa xôi, sau khi đã có những quan sát thực tiễn nghiệt ngã. Tất cả đã giúp Sê-khốp có cái nhìn nghiêm khắc hơn, thái độ phê phán quyết liệt hơn đối với thực tại – những con người trí thức bảo thủ, trì trệ. Họ vừa là tội nhân, cũng là nạn nhân của xã hội Nga đương thời.

  • Đánh giá xem tác phẩm muốn truyền tải thông điệp gì, mang ý nghĩa gì, gửi gắm bài học gì, triết lý gì về cuộc đời, lẽ sống.

Tác giả thấu hiểu sự phức tạp của con người. Nếu Bê-li-cốp bảo thủ, sợ hãi, xét nét cái mới, chống lại mọi cái mới tốt đẹp đang nhen nhóm; thì Nhikôlai Ivanưts lại giam mình ở một chốn thôn quê, một trang ấp với những khóm phúc bồn tử, thỏa mãn trên sự đau khổ, ngu muội của đồng loại. Thói Bê-li-cốp, thói Nhikôlai không chỉ có ở cá nhân, mà còn phổ biến trong xã hội Nga. Họ đều là những nô lệ tư tưởng: những con người không quý trọng phẩm giá của chính mình. Từ đó, Sê-khốp đề cao khát vọng tự do vươn tới những gì tốt đẹp hơn, đi tìm sự thật và ý nghĩa cuộc sống. Muốn chấm dứt điều này cần phải đấu tranh xã hội lâu dài, phải gắn với một cuộc cách mạng.

  • Đặt tác phẩm trong sự so sánh với những tác phẩm cùng đề tài, cùng thể loại để thấy được tính thời sự của tác phẩm và tài – tâm – tầm của tác giả.

Nhà văn Sê-khốp đề cao vai trò của con người bình thường trong cuộc sống, sự thức tỉnh ý thức cá nhân. Cùng với Người trong bao, Khóm phúc bồn tử đã đã hoàn thiện về kiểu sống trong bao của giới trí thức Nga cuối thể XIX. Ý nghĩa này đã vượt qua biên giới quốc gia, thời đại, bền bỉ với thời gian bởi nó có ảnh hưởng tốt đẹp tới con người. Cuối truyện, người anh trai của Nhikôlai là Ivan đã thiết tha mong mỏi những con người khác “Đừng an phận, đừng để cho con người mình mê ngủ”; hay chính là lời nhắn nhủ của nhà văn Sê-khốp đến với mọi thế hệ độc giả của mình.

  • Huy động trải nghiệm bản thân

Liên hệ với cuộc sống hiện đại, dù đã hơn một thế kỉ trôi qua, ngày hôm nay ta vẫn bắt gặp rất nhiều người mang lối sống của Nhikolai. Cuộc sống không thể tốt đẹp nếu mỗi người giữ mãi lối sống cả nhân ích kỉ hẹp hòi, cứ mãi ngủ mê trong những khát vọng tầm thường. Bất kì thời đại nào cũng cần sự thay đổi trong tư tưởng, trong lối sống. Đây là bài học để mỗi cá nhân có thể sống cho ra sống.

  1. Luyện tập:

Đề bài 1: Đọc văn bản sau:

“…Thơ không phải là chứng minh

Không phải hào quang phản chiếu của tấm gương

Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa

Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả

Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều

Đã qua cái thời nhà thơ nhìn đời bằng con mắt trong veo

Con mắt xanh non ngỡ ngàng như mắt trẻ

Hát cái lá mùa xuân ca lời chim son sẻ

Thơ tươi mát cuộc đời và an ủi lòng ta

Nhưng đến nay tất cả đã vỡ ra

Giữa tàn bạo hư vô giữa đấu tranh khốc liệt

Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật

Đập vào ngực ta không cho ta cúi mặt

Không cho ta lảng tránh

Đập cửa mọi nhà

Đứng ở mọi ngã ba

Không hát ta say mà lay ta thức

Dù ngày mai đời có trăm lần đẹp

Thơ vẫn gọi mọi người vươn đến tương lai…”

                              (Trích “Nói với mình và các bạn” – Lưu Quang Vũ – 1970)

Theo anh/ chị nhà thơ muốn truyền tải thông điệp gì qua đoạn thơ trên.

(Đề bài có thể áp dụng cho câu nghị luận xã hội hoặc dùng làm ngữ liệu cho câu nghị luận văn học của đề thi học sinh giỏi)

  1. Về tác giả và hoàn cảnh ra đời:
  • Tác giả:

+ Là người đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn cuộc sống.

+ Là người tiên phong cho văn học đổi mới.

+ Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao.

+ Một cuộc đời tài hoa nhưng ngắn ngủi.

  • Hoàn cảnh ra đời:

1970, đất nước chia làm hai nửa. Miền Nam còn chìm trong bom đạn, miền Bắc độc lập nhưng kinh tế khó khăn.

  1. Định hướng tiếp nhận
  2. Những hình ảnh trung tâm:

Đoạn thơ là những định nghĩa về thơ – loại hình nghệ thuật đặc sắc chất chứa nhiều cảm xúc.

+ không phải là chứng minh

+ không phải hào quang phản chiếu của tấm gương

àthơ không chỉ phản chiếu những hào quang cuộc sống, thơ không phải là cái nhìn cuộc đời dưới lăng kính hồng.

+là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa

àhình ảnh bó đuốc, bàn tay gợi ánh sáng, sự soi rạng. Nhiệm vụ của thơ tựa như ngọn đuốc, ánh lửa, để ta nhìn cuộc đời rõ ràng dẫu đang giữa đêm đen.

+ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả

Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều

àthơ là sự trăn trở, đau đáu với mọi điều tốt xấu, mọi lẽ dở hay của cuộc đời.

+đã qua cái thời nhà thơ nhìn đời bằng con mắt trong veo

Con mắt xanh non ngỡ ngàng như mắt trẻ

Hát cái lá mùa xuân ca lời chim son sẻ

Thơ tươi mát cuộc đời và an ủi lòng ta

àthơ không thể chỉ là những lời hoa mĩ, bay bổng. Nhà thơ không thể chỉ làm thơ để tô hồng cuộc sống.

+thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật

Đập vào ngực ta không cho ta cúi mặt

Không cho ta lảng tránh

Đập cửa mọi nhà

Đứng ở mọi ngã ba

Không hát ta say mà lay ta thức

àthơ còn có nhiệm vụ thức tỉnh con người chứ không phải tô hồng, ru ngủ, buộc con người phải nhìn thẳng vào thực tế đời sống. Chỉ khi biết nhìn thẳng vào sự thực, con người mới nhìn ra được phần xấu xa của cuộc đời và chính mình, từ đó sống có ý nghĩa hơn, sống chân chính hơn.

+dù ngày mai đời có trăm lần đẹp

Thơ vẫn gọi mọi người vươn đến tương lai…

àđiều cốt lõi nhất là thơ phải hướng con người đến những giá trị chân thiện mĩ, định hướng để con người có niềm tin, sống có ý nghĩa hơn.

  1. Những đặc sắc nghệ thuật của khổ thơ:

-Bài thơ mang cảm hứng về văn chương, cái đẹp, cái tôi hòa chung trong cái ta, văn chương cá nhân hòa cùng yêu cầu thời đại.

– Hình ảnh thơ trong sáng nhưng giàu cảm xúc và mang tính triết lý.

  1. Ý nghĩa văn bản:

Vấn đề được đề cập đến trong đoạn thơ không chỉ là thơ và vai trò của nhà thơ. Lớn hơn nữa, đó còn là vấn đề của văn chương và người cầm bút nói chung. Nhiệm vụ của văn chương không phải là “ánh trăng lừa dối”, mà phải là tấm gương soi rõ mọi bất công ngang trái ở đời, phải là kim chỉ nan định hướng cho con người lối sống tốt đẹp, phải hướng con người đến tương lai. Đây là vấn đề đặt ra cho văn chương muôn đời nay, đặc biệt là văn chương trong thời kì đổi mới.

 

Đề bài 2: Đọc và nêu cảm nhận về tác phẩm “Muối của rừng” (Nguyễn Huy Thiệp)

(Đề bài có thể sử dụng cho học sinh lớp chuyên Văn tự đọc, tự định hướng tiếp nhận)

  1. Tóm tắt

“Muối của rừng” kể về cuộc đi săn vào một ngày xuân rất đẹp của ông Diểu. Ông Diểu với khẩu súng hai nòng nhắm bắn một con khỉ đực. Viên đạn làm nó bị thương ở vai. Và từ đó, nhiều sự việc liên tiếp xảy ra với ông Diểu khiến ông thay đổi nhận thức của mình về thế giới tự nhiên và với chính mình. Nếu bạn đầu ông căm giận, tức tối và quyết chờ đợi đến cùng để bắn hạ con khỉ đực thì cuối cùng chính ông lại là người chữa trị vết thương cho nó và phóng sinh con khỉ về với rừng. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh hoa tử huyền và ông Diểu ra về trong làn mưa xuân.” Câu chuyện thực sự đã thanh lọc tâm hồn con người, gợi cho con người những suy nghĩ, những trăn trở về cuộc sống bề bộn hiện nay.

  1. Định hướng làm bài:
  2. Giá trị nội dung
  • Hành trình đi săn của ông Diểu là hành trình con người tự nhận thức cái ác, cái xấu trong bản thân để hướng đến cái thiện, trở về với cái thiên lương vốn có của mình.

– Ông Diểu bước vào cuộc đi săn vào một sớm xuân “thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm” ông vừa tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng đồng thời xác định con mồi của mình. Ông Diểu đi săn với vị thế của cái ác.

– Tâm trạng trong quá trình đi săn của ông Diểu có nhiều sự thay đổi – đây là quá trình tự tranh đấu và hoàn thiện, hướng thiện của nhân vật:

+ Khi mới bắt đầu tiếp cậnđàn khỉ: ông không nghĩ gì, “không buồn, không vui, không lo lắng cũng không tính toán”.

+ Khi con khỉ đầu đàn mới xuất hiện: “Một nỗi xót xa khiếnông nhói lòng: “số phận của bậc đế vương không trùng với số phận của ông.”, “niềm vui nhen lên từ khi ở nhà ra đi trong ông vơi đi một nửa.” → ông Diểu bắt đầu nghĩ đến cái chết của con khỉ và bắtđầu nhận thức về hành động của mình.

+ Khi quan sát lũ khỉ, ông căm giận, phẫn uất. Ông tự gán những suy nghĩ cay đắng về con người cho loài vật: “Cái thằng ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn” hay “bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm”…

+ Khi ông bóp cò và con khỉ đực rơi xuống: ông Diểu sợ hãi run lên. Ông nhận thức rõ về hành động của mình “Ông vừa làm điều ác.” Suy nghĩ này khiến “chân tay ông rủn ra, giống cảm giác như người mới làm xong việc nặng.” Tuy nhiên, ông hài lòng với kết quảđó, thậm chí với suy nghĩ chinh phục và chiếmđoạtông tính bắn luôn cả con khỉ cái.

+ Khi ông Diểu ra khỏi chỗ lấp và bị con khỉ cái bắt gặp, lộ diện là tên ám sát: Ông lại lo sợ, lưỡng lự và hối hận “Bất luận thế nào ông cũng sẽ đau đớn, sẽ thao thức, thậm chí ông sẽ chết sớm hai năm nếu ông bắn nó lúc này.” → Khi con người bị phát hiện tộiác, tâm lý sợ hãi, dằn vặt sẽám ảnh lấy họ.

+ Ông buồn bã khi chứng kiến hai con khỉ dìu nhau đi. Đến đây sự mâu thuẫn đã bắt đầu nảy sinh trong tâm trạng của ông Diểu.

. Tham vọng sở hữu, hạ gục con khỉ vơi dần đi khi ông bắt gặpánh mắt đờ dại, cầu khẩn của nó, ông Diểu “bỗng thấy thương hại”. Hành động “tránh nhìn vào đôi mắt nó” và cảm giác “rất khó chịu: Thà mày chống cự thì tốt cho tao.” Cho thấy sự mâu thuẫn trong ông ngày càng lớn hơn, ông đang tự chất vấn, đấu tranh với chính lương tâm của mình. Tình thương, lòng trắc ẩn đượcđánh thứcở con ngườiấy.

. Rồiông hoảng loạn, bối rối tìm cách “đắp lá cho con khỉ”, loay hoay cởi chiếc quần lót – mảnh vải cuối cùng trên cơ thể để băng bó cho nó. Đến đây, tình thương yêu đã vượt lên, nhân tính đã trỗi dậy. Tuy nhiên, ham muốn sở hữu con khỉ vẫn tồn tại, vẫn thức trực nơi ông “Thì đã sao nào… Hỏi ai bắn được con khỉ thế này? Phải yến rưỡi thịt…Lông vàng như nhuộm… Bắn được con vật như thế này thì dẫu mảnh giáp không còn cũng đáng!”

. Khi con khỉ cái lẽođẽo theo ông, ông Diểu thấy “bị xúc phạm ghê gớm”,Tựa như ông bị theo dõi, bị đòi ăn vạ.” => Tâm trạng xấu hổ với chính bản thân, ái ngại khi con người đối diện với lương tâm của chính mình.  Nhưng cuối cùng, chính sự kiên trì và thuỷ chung của hai con khỉ khiếnông Diểu quyếtđịnh phóng sinh cho nó, trả con khỉ đực về với con khỉ cái. Ông thấy “buồn bã”, “buồn tê tái đến tận đáy lòng”, “thấy cay cay ở sống mũi”. Tâm trạng củaông hoàn toàn đối lập, trái ngược với khi bắt đầu đi săn.

=>Hành trình đi săn của ông Diểu đầy những vất vả và khó khăn cũng chính là hành trình ông Diểu nhìn nhận ra cái xấu trong bản thân và tự mình đấu tranh để sửa chữa. Những cung bậc cảm xúc trong tâm trạng của ông Diểu là sự giằng xé nội tâm giữa tham vọng và tình thương, giữa phần con và phần người, cũng chính là cái ác và cái thiện trong nhân vật.

 

  • Quá trình đi săn của ông Diểu còn là quá trình con người nhận thức về tự nhiên, trở về với bản thể vốn có của mình.

-Nhận thức thiên nhiên đẹp đẽ, lãng mạn, đầy chất thơ, phong phú và giàu có.

+ Bắt đầu cuộc đi săn là khung cảnh rừng núi một sớm mùa xuân “Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm.” => Khung cảnh thiên nhiên thanh bình, đầy chất thơ.

+ Thiên nhiên giàu có với sự phong phú của các loài vật – những con vật màông Diểu quan sát được khi vào rừng. Đó là: chim xanh, đôi gà rừng, con sóc nhỏ, chú sơn dương, bầy khỉ…

– Thiên nhiên cũng chứa đựng vô vàn hiểm nguy, bí ẩn: cảnh con khỉ nhỏ rơi xuống vực sâu thăm thẳm, cảnh sương mù giăng mù mịt, cảnh núi lở, hay cảnh đàn mối huỷ hoại bộ quần áo của ông… thiên nhiên “đầy rẫy những bất ngờ”, “oái oăm”

– Hơn hết, thiên nhiên có thể giúp con người rũ bỏ những hệ luỵ thường ngày, đưa con người hướng thiện, cữu rỗi con người bởi cái đẹp.

+ Mở đầu truyện, tác giả cũng đã nhận ra: “Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da.”

+ Chính sự thuỷ chung của hai con khỉđã giúp ông Diểu thức tỉnh, giúp đánh thức nhân tính trong con ngườiông, giúp ông chiến thắng tộiác – ông quyếtđịnh phóng sinh cho con khỉ và trở về với hai bàn tay trắng.

+ Việc bắt gặp loài hoa tử huyền trên đường trở về chính là món quà tinh thần mà thiên nhiên dành tặng cho con người. Vẻđẹp của loài hoa được xem là “muối của rừng” ấy đã thanh lọc tâm hồnông Diểu. Hìnhảnh hoa tử huyền – biểu tượng của hạnh phúc, của cái thiện – một biểu tượng thiêng liêng, có tác dụng tô đậm thêmý nghĩa về giá trị khởi nguyên, giá trị cội nguồn vàý niệm về con người hướng thiện.

– Giữa thiên nhiên con người trở về với bản thể vốn có của mình. Kết thúc truyện là hình ảnh ông Diểu trần truồng hoà vào làn mưa xuân trở về nhà. Con người ra đi với ý định huỷ hoại thiên nhiên, huỷ hoại cuộc sống, khi trở về lại trong tâm thế hoà vào lòng thiên nhiên, vào lòng cuộc sống. Thiên nhiên cuối cùng vẫn bao dung, che chở cho con người. Ông Diểu trở lại hình hài ban đầu của con người tưởng như chưa từng phạm tội và trong sạch trước cuộc đời.

  1. Giá trị nghệ thuật

– Tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn: Một ông lão cô độc vào rừng đi săn với trang bị đầy đủ nhưng cuối cùng lại trần truồng trở về.

– Cách xây dựng nhân vật mới mẻ – nhân vật tự nhận thức: ông Diểu không được miêu tả nhiều về ngoại hình mà chủ yếu được khắc hoạ qua suy nghĩ và hành động. Tên nhân vật cũng mang dụng ý của tác giả, thậm chí khó phát âm để tạo ấn tượng cho người đọc. “Diểu” theo từ điển Hán – Việt (Thiều Chửu) có nghĩa là sâu thẳm, mờ mịt, khó xác định. Phải chăng đây là yếu tố mà tác giả tạo ra để phù hợp với tính chất huyền ảo của truyện ngắn.

– Tác giả xây dựng nhiều hình ảnh ước lệ mang triết lý sâu sắc: hình ảnh mưa xuân, hình ảnh hoa tử huyền, hình ảnh ông Diểu cuối truyện,..

 

  1. Liên hệ mở rộng

Chất chứa trong câu chuyệnđi săn củaông Diểu là biết bao suy nghĩ, những trăn trở về cuộc đời, về thực tế xã hội của Nguyễn Huy Thiệp:

– Đó là vấn đề nhân tính trong con người. Khi xã hội ngày nay xuất hiện không ít những tệ nạn, không ít những tội ác thương tâm do chính sự dã man của con người gây ra. Những kẻ quên đi nhân tính, quên mất thiên lương vốn có đã và đang gây tội ác, gây những bất công, nhiễu nhương trong xã hội.

– Đó là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Là vấn đề bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên và đời sống hoang dã. Đọc xong “Muối của rừng” người ta mới nhận thấy động vật cũng còn biết yêu thương nhau huống chi là con người. Nó cũng có cuộc sống gia đình với vợ, chồng, con cái… Nhưng chính cuộc sống hoang dã rất đỗi bình yên, giản dị ấy đã và đang bị tước đoạt từng ngày bởi chính bàn tay của con người cho những thú vui tiêu khiển và mục đích kinh tế.

– Tác phẩm còn là tiếng kêu cứu của thiên nhiên trước sự huỷ hoại của con người.

Đề bài 3: Đọc một tác phẩm văn học nước ngoài hiện đại và thuyết minh về một chi tiết trong tác phẩm mà anh/chị ấn tượng nhất. (Với đề bài này có thể cho học sinh thực hiện hoạt động nhóm và thuyết trình trước lớp)

Tác phẩm được chọn: Cuốn tiểu thuyết Để em khỏi lạc trong khu phố của nhà văn Patrick Modiano?

  1. Tóm tắt:

Để em khỏi lạc trong khu phố (2014) kể về nhân vật chính là Jean Daragane, là một nhà văn già sống cô đơn tại Paris. Jean vô tình đánh mất cuốn sổ địa chỉ ghi các thông tin cần liên lạc mà chính ông cũng chẳng mấy quan tâm. Tuy nhiên, người nhặt được cuốn này nhất quyết muốn tìm và trả lại ông. Từ cuộc gặp gỡ này, những ký ức bị lãng quên bắt đầu được khơi dậy. Và trong số những cái tên được nhắc đến có Annie Astrand – người mà ông tưởng chừng như quên sạch dần trở nên rõ ràng hơn. Jean bắt đầu ngược dòng thời gian về với Paris những năm 1950, 1960 khi mới chỉ còn là một cậu bé 7, 8 tuổi. Một câu chuyện tình được viết bằng một thứ văn phong đầy hoài niệm và day dứt.

  1. Những thông tin học sinh có thể tự tìm hiểu về tác phẩm:

– Hoàn cảnh ra đời:

+ Thế kỷ XX đầy những biến thiên kinh khủng: Chiến tranh Thế giới thứ II với nửa triệu người Pháp thiệt mạng, xã hội tiêu thụ xuất hiện với hai cuộc cách mạng công nghiệp… Sang đến những năm đầu thế kỷ XXI, con người đối mặt vớisự bất công về của cải trên thế giới, sự bùng nổ của những đại dịch bệnh… khiến cuộc sống đầy đảo lộn.

+ Nỗi lo âu day dứt về phận người vốn là nét cố hữu của văn hóa Pháp do ảnh hưởng Do Thái – Kitô giáo. Văn học Pháp thế kỷ XX phản ánh nỗi lo âu day dứt của con người trước sự đe dọa sống còn của văn hóa phương Tây và loài người, những bất công vô lý. Trong hoàn cảnh thế kỷ XX, nỗi lo âu day dứt ấy thêm sâu sắc và bước sang thế kỉ XIX chúng lại bổ sung thêm nhiều sắc thái mới.

Tác giả

+ Cuộc đời: Jean Patrick Modiano sinh ngày 30/7/1945 ở Paris. Cha ông là người suốt đời phiêu bạt và mẹ ông là một nữ diễn viên quanh năm lưu diễn, cậu bé Patrick có một tuổi thơ hầu như hoàn toàn vắng thiếu tình phụ mẫu. Cuộc sống nay đây mai đó từ khi còn rất nhỏ cùng cái chết quá sớm của cậu em trai Rudy năm 1957 là những sự kiện ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống tinh thần, cùng các sáng tác của nhà văn này.

+ Sự nghiệp: Là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2014, Patrick Modiano là một trong những nhà văn lớn nhất cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI của nước Pháp. Là nhà văn thám hiểm quá khứ, các sáng tác của ông thường mang đến không khí hoài niệm, sự chông chênh và ám ảnh.

– Đặc trưng thể loại tiểu thuyết: HS huy động kiến thức đã học

Tác phẩm mang đặc tính tự thuật và hơi hướng của tiểu thuyết trinh thám, với chủ đề ký ức, danh tính, thời gian.

  1. Định hướng tiếp nhận:
  • Giá trị nội dung:

Để em khỏi lạc trong khu phố xuất bản năm 2014 khi phong cách của nhà văn đã đươc định hình rõ nét, đồng thời đây cũng là năm Patrick Modiano dành giải Nobel Văn học cao quý. Tiếp nối những giá trị trước đó, với cuốn tiểu thuyết này, nhà văn lại tiếp tục để nhân vật đi tìm thẻ căn cước của chính mình – những con người cô độc, sống không quá khứ, chẳng nghĩ tương lai.

– Với chi tiết tờ giấy ghi địa chỉ gấp tư cùng dòng chữ đầy tình cảm “Để em khỏi lạc trong khu phố”; tác giả không chỉ gián tiếp tái hiện một thành phố Paris hoa lệ với biết bao cung đường nối tiếp nhau chằng chịt, mà còn khơi dậy ở người đọc sự khắc khoải, day dứt khôn nguôi. Jean Daragane tìm về những ký ức đánh rơi khi ở bên nửa kia của cuộc đời thật chẳng dễ dàng. Ông đã tìm thấy kí ức người con gái mình từng yêu thương với minh chứng tình yêu (mảnh giấy gấp tư) trước khi cô bỏ ông lại biệt tích 15 năm liền. Nhưng hiện tại, Jean cũng sẽ chẳng tìm được Annie lần nữa. Đó chính là sự bất lực của thời gian. Jean vẫn sẽ chẳng biết thực sự mình là ai, mối tình thuở ấu thơ sẽ mãi còn dang dở và hiện tại đối với ông ta sẽ chẳng bao giờ trọn vẹn. Patrick Modiano đã trở lại quá khứ để lý giải những đổ nát của hiện tại.

  • Giá trị nghệ thuật:

-Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đỉnh cao: khiến cuốn tiểu thuyết mang đậm sự li kì, lôi cuốn người đọc.

– Nghệ thuật xây dựng những chi tiết đắt giá.

  • Chi tiết nghệ thuật đặc sắc nhất

Chỉ khi đọc đến những trang viết cuối cùng của tác phẩm, người đọc sẽ tìm thấy một trong những sợi dây liên kết giữa Jean Daragane và Annie Astrand là tờ giấy gập làm tư viết địa chỉ nơi họ đang sinh sống. Lúc này người phụ nữ Annie chỉ khoảng 20 tuổi mỗi khi không ở cùng Jean (lúc ấy là một cậu bé chưa lên 10) đã đút vào túi quần cậu nhóc của mình mảnh giấy ghi địa chỉ cùng mấy từ: “Để em khỏi lạc trong khu phố” mỗi khi Jean Daragane muốn đi dạo chơi một mình ngoài đường phố xa lạ ở Paris. Và chính những dòng chữ này đã được nhà văn đặt thành nhan đề của tác phẩm.

– Phân tích cụ thể nội dung, nghệ thuật của chi tiết nghệ thuật

+ Nghệ thuật: Lối viết gián tiếp, chỉ dùng những biểu tượng để khơi gợi, không chú trọng xây dựng cốt truyện, mà chủ yếu “lắp ghép” những mảng ký ức của nhân vật, ngôn ngữ tinh tế.

+ Nội dung: Chi tiết tờ giấy gấp tư đã khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt nhất trong cuộc truy tìm về quá khứ của nhân vật chính Jean Daragane.

. Nghĩa đen: Mảnh giấy ghi địa chỉ nơi ở để tránh cho những đứa trẻ bị lạc

. Nghĩa bóng: Sự quan tâm, tình cảm dạt dào mà cô gái Annie dành cho Jean lúc ấy. Dù khó gọi tên được thứ tình cảm mà Annie dành cho Jean (như tình chị em, tình mẫu tử hay tình cảm trai gái…) thì đó cũng là thứ tình cảm đáng trân trọng

. Nghĩa tượng trưng: Biểu tượng cho mối tình day dứt, về sự đi tìm bản ngã của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện tại.

+ Ý nghĩa chi tiết:

. Tác giả Patrick Modiano có biệt tài lựa chọn biểu tượng, dựng lên những chi tiết nghệ thuật đắt giá. Bên cạnh chi tiết tờ giấy gấp tư – minh chứng cho tình yêu, cho quá khứ, thì Để em khỏi lạc trong khu phố còn có rất nhiều những chi tiết đáng lưu tâm khác như bức ảnh cũ (ảnh của nhân vật chính mà không tự nhận ra được chính mình), những cứ liệu địa lý của Paris (đại lộ Champs-Élysées, đại lộ Marigny)… mà người đọc đôi khi cũng có thể tìm thấy ở bất cứ một cuốn tiểu thuyết khác của nhà văn này như Phố của những cửa hiệu u tối, Từ thăm thẳm lãng quên

. Với hệ thống chi tiết nghệ thuật mang tính biểu tượng, Patrick Modiano đang thực hiện công việc đi tìm cái đẹp trong sự đổ vỡ. Đánh mất quá khứ, đánh mất cái tôi cá nhân, đánh mất giá trị cuộc sống… không chỉ là bi kịch của mỗi cá nhân, mà còn là bi kịch của cả cộng đồng. Patrick Modiano muốn khôi phục ý thức nhân bản, quay về với nguồn cội.

  • Liên hệ bản thân:

Trong xã hội hiện đại, bao con người dần đánh mất những giá trị truyền thống cơ bản, lãng quên quá khứ, sống vô định, không có tương lai. Họ cũng giống như Jean Daragane tồn tại đầy cô độc giữa dòng đời hối hả. Những kẻ vô tình, máu lạnh; những kẻ bất tài, bạc nhược… cũng sinh ra từ đó. Nó là bài học nhận thức có giá trị lâu dài với mọi thế hệ độc giả.

  1. PHẦN KẾT LUẬN:
  2. Tóm lược những vấn đề quan trọng

Với phạm vi ngắn gọn của một chuyên đề, chúng tôi xin đưa ra những thao tác cơ bản trong quá trình đọc – hiểu một tác phẩm văn học ngoài chương trình dành cho đối tượng học sinh chuyên Văn. Chuyên đề bao gồm những khái niệm cơ bản về việc đọc – hiểu, đọc – hiểu tác phẩm văn học, những kiến thức cần huy động khi đọc – hiểu tác phẩm ngoài chương trình và tuần tự các bước để tiếp nhận tác phẩm ngoài chương trình một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất. Ngoài ra, chúng tôi còn minh chứng bằng việc tiếp nhận một số tác phẩm thơ, văn xuôi ngoài chương trình theo các bước đã nêu. Tất nhiên, tiếp nhận văn học là cả một quá trình, một con đường. Đọc – hiểu như thế nào, tiếp nhận ra sao, cảm thụ đến mức độ nào còn tùy vào tư tưởng, quan niệm thẩm mĩ và cả năng khiếu thiên bẩm, sự nhạy cảm với văn chương câu chữ của mỗi cá nhân giáo viên, học sinh. Hy vọng chuyên đề này sẽ đóng góp một phần nhỏ giúp các thầy cô giáo và các em học sinh trong quá trình tiếp cận những tác phẩm mới. Rất mong sẽ nhận được sự đóng góp ý kiến của các quý đồng nghiệp.

  1. Đề xuất

Với các thầy cô giáo, rất mong trong quá trình dạy học, các thầy cô sẽ lựa chọn được những tác phẩm ngoài chương trình đặc sắc để đọc, để hiểu và giới thiệu cho các em cùng đọc, cùng hiểu.

Với các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh chuyên Văn, hy vọng các em tích cực đọc, không ngừng bồi dưỡng vốn sống, vốn kiến thức của mình, giữ gìn, xây dựng cho mình một lối sống tốt đẹp, một trái tim biết rung động trước văn chương và cuộc đời. Đây chính là nền tảng đầu tiên để các em tiếp cận với văn chương, cả các tác phẩm trong và ngoài chương trình.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *