Đề và đáp án thi tuyển sinh vào 10 năm 2019 tỉnh Nam Định

Tài liệu Văn

 

ĐỀ CHÍNH THỨC

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐNH

 

 

 

 

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

NĂM HỌC 2018 – 2019

Bài thi: Ngữ văn.

 

(Thời gian làm bài: 120 phút)

Đề thi gồm: 02 trang

 Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm)

Hãy viết chữ cái đứng trước phương án đúng mà em lựa chọn vào bài làm.

Câu 1: Từ nào sau đây không phải từ láy?

Chùng chình. B. Đưa đón

Mong manh. D. Dềnh dàng.

Câu 2: Trong hai câu thơ: “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn / Voi uống nước, nước sông phải cạn.” (“Bình Ngô đại cáo”), Nguyễn Trãi đã sử dụng biện pháp tu từ nào?

So sánh. B. Nhân hóa.

Nói quá. D. Liệt kê.

Câu 3: Thành ngữ “Ăn ốc nói mò” liên quan đến phương châm hội thoại nào?

Phương châm về chất.                    B. Phương châm quan hệ.

Phương châm cách thức. D. Phương châm lịch sự.

Câu 4: Trong các câu sau, câu nào chứa thành phần khởi ngữ?

Trời ơi, chỉ còn có năm phút!

Làm khí tượng, ở được cao thế mới là lí tưởng chứ.

Tôi hiểu rồi nhưng tôi chưa làm được.

Có lẽ hôm nay trời sẽ mưa anh ạ.

Câu 5: Trong các câu văn sau: (1) “Có tiếng nói léo xéo ở gian trên. (2) Tiếng mụ chủ.” (Kim Lân, “Làng”), câu (2) thuộc kiểu câu nào?

Câu đơn. B. Câu rút gọn.

Câu ghép. D. Câu đặc biệt

Câu 6: Phần gạch chân trong câu văn: “Nhưng còn cái này nữa mà ông sợ, có lẽ còn ghê rợn hơn cả những tiếng kia nhiều.” (Kim Lân, “Làng”) là thành phần nào của câu?

Thành phần tình thái. B. Thành phần gọi – đáp.

Thành phần cảm thán. D. Thành phần phụ chú.

Câu 7: Đoạn văn: “Cô bé bên nhà hàng xóm đã quen với công việc này. Nó lễ phép hỏi Nhĩ: “Bác cần nằm xuống phải không ạ?” (Nguyễn Minh Châu, “Bến quê”) đã sử dụng phép liên kết câu nào?

Phép nối. B. Phép thế.

Phép lặp. D. Phép liên tưởng.

Câu 8: Từ in đậm nào trong các câu sau đây là thuật ngữ?

“Tay nâng chén muối đĩa gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. (Ca dao)

Muối là hợp chất mà phân tử gồm có một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc a-xít.

“Người là Cha, là Bác, là Anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ.” (Tố Hữu)

“Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa

Vui gì hơn làm người lính đi đầu.” (Tố Hữu)

Phần II: Đọc – hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lí do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm công việc rất đỗi bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chíp vào máy tính? Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày.”

(Phạm Lữ Ân – Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Câu 1 (0,5 điểm): Nêu phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn?

Câu 2 (1,0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của phép lặp cấu trúc câu được sử dụng trong đoạn văn?

Câu 3 (0,5 điểm): Theo em, tại sao “Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày.”?

Phần III. Tập làm văn (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Có ý kiến cho rằng: Cho đi mà không cần nhận lại là niềm vui lâu dài. Hãy viết một đoạn văn từ 15 đến 20 câu bày tỏ suy nghĩ của em về ý kiến trên?

Câu 2 (4,0 điểm):

“Thơ là tiếng lòng.” (Tố Hữu). Hãy lắng nghe “tiếng lòng” của nhà thơ Y Phương qua việc phân tích đoạn thơ sau:

… “Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.”

(“Nói với con”, Ngữ văn 9, Tập hai, Nhà xuất bản Giáo dục – 2012)

 

———Hết———-

Họ và tên thí sinh:…………………………………………………………….………………………………..Số báo danh:……………………..

Họ, tên, chữ ký của GT1:…………………………………………………………………………………………………………………………………

Họ, tên, chữ ký của GT2:…………………………………………………………………………………………………………………………………

 

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT

Năm học: 2018-2019

Môn: Ngữ Văn

Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm)

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án B C A B D A B B

 

Phần II: Đọc – hiểu văn bản (2,0 điểm)

Câu Nội dung Điểm
1 Phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn: nghị luận / phương thức nghị luận. 0,5
2 Phép lặp cấu trúc câu được sử dụng trong đoạn văn: Nếu tất cả đều là …  thì ai sẽ … Nếu tất cả đều là …  thì ai sẽ … 0,25
Tác dụng:

+ Nhấn mạnh mỗi người có một nhiệm vụ, một vai trò khác nhau trong xã hội và tất cả đều đáng trân trọng vì đều góp phần giúp ích cho cuộc sống, xây dựng xã hội.

+ Tạo giọng điệu khẳng định, tăng sức thuyết phục trong bàn luận và tạo sự liên kết câu trong đoạn văn.

* Cách cho điểm:

Mức 1: Nêu đúng 2/2 ý như đáp án trên: 0,75 điểm

Mức 2: Nêu đúng 1/2 ý như đáp án trên:0, 5 điểm

* Lưu ý: Chấp nhận lối diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, hoặc không trả lời thì không cho điểm.

0,75
3 * Lưu ý: Chấp nhận lối diễn đạt khác nhưng cần hợp lí và có sức thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý tham khảo:

– “Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày”, vì:

+ Cuộc sống luôn vận động và phát triển đòi hỏi con người phải có ý thức sống tích cực (sống có mục đích, lí tưởng,…)

+ + Vươn lên trong cuộc sống để khẳng định giá trị bản thân, hoàn thành vai trò trách nhiệm công dân trong việc xây dựng và phát triển đất nước.

 

0,5

 

Phần III. Tập làm văn (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Nội dung Điểm
*/ Yêu cầu về hình thức:

– Bài viết đảm bảo hình thức một đoạn văn; số câu quy định; diễn đạt lưu loát, trong sáng; không sai chính tả, dùng từ; sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận; lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng hợp lí.

 

0,25

*/ Yêu cầu về nội dung: Sau đây là một số gợi ý mang tính định hướng:

a- Giải thích: 

Cho đi: sẻ chia với người khác về vật chất, tinh thần.

Cho đi mà không cần nhận lại: chia sẻ, giúp đỡ người khác một cách vô tư, không vụ lợi, không đòi hỏi sự trả công, đền đáp. Đó là những hành động, nghĩa cử cao đẹp. Nó sẽ đem đến niềm vui lâu dài cho mỗi con người trong cuộc sống.

 

0,5

b- Bàn luận:

– Khẳng định: Đó là ý kiến đúng đắn.

Cho đi mà không cần nhận lại là niềm vui lâu dài. Vì:

+ Người cho không so đo, tính toán thiệt hơn; không chờ đợi nhận lại được những gì mình đã cho. Người nhận cũng sẽ không cảm thấy áy náy hay mắc nợ người đã chia sẻ, giúp đỡ mình. Cả hai đều thấy thoải mái, hạnh phúc. Niềm vui ấy sẽ theo ta suốt cuộc đời.

+ Khi đem đến cho ai một điều tốt lành, nghĩa là ta đã làm được một điều thiện, điều tốt. Khi đó, ta cảm thấy thanh thản trong lòng, thấy cuộc sống của mình thật sự có ý nghĩa. Trong suốt cuộc đời mình, ta không phải hối hận, nuối tiếc vì ai đó bị rơi vào bước đường cùng do sự thờ ơ, vô cảm của ta.

+ Khi ta cho đi, ta cũng sẽ được nhận lại.  Cái ta nhận được không phải là tiền bạc, sự trả công,… mà đôi khi chỉ là một lời cảm ơn, một ánh mắt ngưỡng mộ, … Nhưng chính những điều tưởng nhỏ bé đó lại có ý nghĩa lớn lao, đem đến niềm vui cho cuộc sống của ta.

+ Học sinh nêu dẫn chứng minh họa.

– Phê phán những người ích kỉ, tham lam, không biết cho đi; chỉ cho đi khi phải được nhận về một lợi ích nào đó.

 

1,0

c- Bài học nhận thức và hành động, liên hệ bản thân:

 Hãy cho đi nhiều hơn, đồng cảm và sẻ chia nhiều hơn. Luôn phải có một trái tim nhân ái, mở rộng lòng mình với mọi người xung quanh.

0,25

 

Câu 2 (4,0 điểm):

Nội dung Điểm
*/. Yêu cầu chung:

Học sinh biết cách vận dụng kiến thức, kĩ năng, sử dụng các thao tác lập luận để giải quyết vấn đề nghị luận một cách hợp lý, thuyết phục.

 
*/. Yêu cầu cụ thể:

1. Yêu cầu về kĩ năng tạo lập văn bản:

– Vận dụng tốt các thao tác nghị luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận,… trong bài văn nghị luận văn học; trích dẫn dẫn chứng chính xác.            – Bài viết đảm bảo bố cục 3 phần; diễn đạt lưu loát, không sai hoặc chỉ sai dưới 3 lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ, đặt câu.

 

 

0,25

2. Yêu cầu về nội dung: (3,75 điểm)

Bài viết cần đảm bảo các yêu cầu sau:

 
2.1. Giới thiệu: Khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn thơ, vấn đề cần nghị luận:

–  “Thơ là tiếng lòng” của người làm thơ. “Nói với con” là tiếng lòng của nhà thơ Y Phương muốn truyền tới con khi con đã lớn lên, rời xa mái nhà yêu thương và núi rừng quê hương để bước vào cuộc đời. Bài thơ được viết năm 1980.

–  Đoạn thơ thể hiện lòng tự hào của nhà thơ về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ; về truyền thống tốt đẹp của quê hương và niềm mong ước con hãy kế tục xứng đáng truyền thống ấy.

* Cách cho điểm: HS nêu đủ ý cho 0,5 điểm; Ý không đầy đủ cho 0,25 điểm.

0,5
2.2. Giải thích:

Tiếng lòng ở đây được hiểu là tiếng nói của tâm hồn, là tâm tư tình cảm, cảm xúc của người viết.

– Tố Hữu đã đề cập tới đặc trưng cơ bản nhất của thơ: tiếng nói của tình cảm.

0,5
2.3.  Phân tích đoạn thơ để thấy được tiếng lòng của Y Phương:

–  Nội dung: Mượn lời người cha nói với con, nhà thơ Y Phương bày tỏ niềm tự hào của nhà thơ về dân tộc Tày của mình, về quê hương Cao Bằng của mình nói riêng và các dân tộc miền núi nói chung. Tác giả muốn truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay niềm tự hào đó và cũng gửi gắm vào họ niềm tin và khát vọng: họ sẽ có ý chí vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng với truyền thống của cha ông.

Biểu hiện cụ thể: qua việc ca ngợi những đức tính cao đẹp của “người đồng mình”, nhà thơ dặn dò con cần kế tục, phát huy một cách xứng đáng truyền thống quê hương:

+ “Người đồng mình” sống vất vả mà mạnh mẽ, khoáng đạt, bền bỉ gắn bó với quê hương dẫu quê hương còn cực nhọc, đói nghèo. -> Từ đó người cha mong muốn con phải có nghĩa tình chung thủy với quê hương, biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách bằng ý chí, bằng niềm tin của mình. (HS phân tích 9 dòng thơ đầu)

+ “Người đồng mình” mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin. Họ có thể “thô sơ da thịt” nhưng không hề “nhỏ bé” về tâm hồn, về ý chí và mong ước xây dựng quê hương. Chính những con người như thế, bằng sự lao động cần cù, nhẫn nại hàng ngày, đã làm nên quê hương với truyền thống, với phong tục tập quán tốt đẹp. -> Từ đó, người cha mong muốn con biết tự hào với truyền thống quê hương. (HS phân tích 4 dòng thơ tiếp theo)

+ Người cha dặn dò con cần tự tin mà vững bước trên đường đời. (HS phân tích 4 dòng thơ cuối)

 

 

1,75

– Nghệ thuật thể hiện: Tiếng lòng của nhà thơ được diễn tả rất độc đáo: giọng điệu thiết tha, trìu mến; diễn tả theo cách nói của người miền núi – một cách nói hình ảnh, cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc mà vẫn đậm chất thơ; cả đoạn thơ chỉ có một dấu chấm câu thể hiện dòng chảy cảm xúc dạt dào của nhà thơ.  

0,5

*/. Lưu ý: HS chỉ phân tích đoạn thơ mà không gắn với nhận định của đề: cho tối da 2,0 điểm.  
2.4.  Đánh giá, mở rộng:

– Với thể thơ tự do, ngôn ngữ thơ mộc mạc mà sâu sắc đoạn thơ đã ghi lại chân thực tiếng lòng của nhà thơ Y Phương.

– Từ tiếng lòng của nhà thơ, bạn đọc ngày nay càng thêm hiểu, thêm yêu người miền núi bởi ở họ có vẻ đẹp tâm hồn rất đáng trân trọng. Tiếng lòng của nhà thơ còn gợi nhắc ở mọi người tình cảm gắn bó với quê hương của mình và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

 

0,5

*/. Thang điểm:

  • Điểm từ 3,0 -> 4,0: Phân tích có định hướng, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu trên hoặc phân tích có định hướng, chưa thật đầy đủ nhưng sâu sắc, diễn đạt lưu loát.
  • Điểm từ 2,0 -> 2,75: Phân tích có định hướng, đảm bảo tương đối đầy đủ các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi chính tả.
  • Điểm 1,0 -> 1,75: Phân tích không có định hướng, hoặc có ý thức định hướng nhưng mức độ sơ sài.
  • Điểm dưới 1,0: Không có ý thức định hướng, không phân tích hết các ý về tiếng lòng của nhà thơ, từng ý phân tích sơ sài.
  • Điểm 0: Để giấy trắng hoặc sai hoàn toàn.

*/. Lưu ý chung:

Sau khi chấm điểm từng câu, giám khảo cân nhắc để cho điểm toàn bài một cách hợp lí, đảm bảo đánh giá đúng trình độ thí sinh, khuyến khích sự sáng tạo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *