Chuyên đề Nguyễn Trãi và Quốc âm thi tập

Tài liệu Văn

NGUYỄN TRÃI VÀ TẬP THƠ QUỐC ÂM THI TẬP

1.1. Nguyễn Trãi – tác gia văn học tiêu biểu của văn chương cổ điển Việt Nam

1.1.1. Nguyễn Trãi – cuộc đời và tư tưởng

Nguyễn Trãi là vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, nhà thơ kiệt xuất của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn thượng kỳ phong kiến. Con người toàn tài ấy đã để lại cho chúng ta một nền văn học đồ sộ với những giá trị to lớn. Xét về mặt lịch sử văn học, Nguyễn Trãi là người tạo đà cho bước phát triển lớn của văn học trung đại thế kỷ XV và có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ thi sĩ về sau của văn chương cổ điển Việt Nam.

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai, quê ông ở xã Chi Ngại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau dời về làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Phụ thân của ông là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ Thái học sinh đời Trần. Mẹ là Trần Thị Thái, con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán thuộc dòng dõi quý tộc tông thất nhà Trần lúc bấy giờ.

Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ sau này) khoa thi đầu tiên thời nhà Hồ. Bấy giờ ông mới 21 tuổi. Năm sau hai cha con cùng ra làm quan. Nguyễn Trãi được Hồ Quý Ly cho giữ chức Ngự sử đài chính chưởng. Đến khi quân nhà Minh sang xâm lược nước ta, nhà Hồ thua trận. Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly cùng một số triều thần khác, trong đó có Nguyễn Phi khanh bị bắt đưa về Trung Quốc. Nợ nước thù nhà, gạt lệ tiễn biệt cha và em ở cửa Nam Quan, Nguyễn Trãi trở về Đông Quan (Thăng Long) tìm đường “rửa nhục cho nước, trả thù cho cha” thì bị quân Minh bắt giữ. Biết ông  là người có kỳ tài, chúng chỉ bắt giam mà không giết hòng dụ ông ra làm quan với chúng nhưng không được. Ông bị giam lỏng ở đây ngót mười năm (1408 – 1418). Chúng ta còn biết rất ít về quãng thời gian này của ông. Ông làm gì và có  đi đâu không? Chúng ta chưa biết được thật rõ. Có điều chắc là ông sống ở Thăng Long trong cảnh nghèo nàn, thanh bạch “triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải” (Vô đề), im hơi nín tiếng tính kế, đợi chờ ở “góc thành Nam, lều một căn” (Vô đề).

Thời cơ đã đến, vào năm 1417, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Ông tìm cách thoát khỏi Đông Quan vào Lỗi Giang tìm Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách, trong đó ông vạch ra các kế hoạch đánh quân Minh. Suốt mười năm kháng chiến, ông rất được đắc dụng: Lê Lợi phong ông chức Hàn lâm thừa chỉ và luôn luôn giữ ông bên mình để bàn mưu kế chống giặc, cho đến khi cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn: tháng 12 năm Đinh Mùi (1427), Vương Thông đem toàn bộ quân xâm lược nhà Minh rút lui về nước. Ông là người anh hùng cứu nước, người đã sát cánh cùng với Lê Lợi làm nên sự nghiệp bình Ngô chói lọi trong lịch sử. Và chính ông cũng là người viết nên Bình Ngô đại cáo, bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc chúng ta. Suốt mười năm chiến đấu, ông đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc trên mọi phương diện quân sự, ngoại giao và tư tưởng.

Đầu năm 1428, sau khi quét sạch quân thù, ông hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà. Đây là giai đoạn phức tạp nhất của cuộc đời Nguyễn Trãi. Do triều thần ghen ghét, ông bị nghi oan và bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin cậy như trước, ông luôn cảm thấy cô đơn nên xin về ở ẩn ở Côn Sơn, đó là vào những năm 1438 – 1440. Đến năm 1440, Lê Thái Tông mời ông trở lại làm việc và giao cho nhiều công việc quan trọng. Ông đang hăng hái giúp vua thì xảy ra vụ nhà vua chết đột ngột ở Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh). Vốn ghen ghét, đố kị từ lâu đối với Nguyễn Trãi, bọn gian tà ở triều đình vu cho ông âm mưu giết vua, khép vào tội tru di tam tộc (giết cả ba họ) vào năm 1442. Đó là thảm án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử trung đại Việt Nam. Nỗi oan tày trời ấy, hơn hai mươi năm sau, năm 1464, Lê Thánh Tông mới minh oan cho ông, thơ văn được sưu tầm trở lại và người con trai duy nhất của ông còn lại cũng được triều đình trọng dụng.

Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc, là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Ông không chỉ là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao tài năng mà còn là nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ kiệt xuất. Tuy Nguyễn Trãi đã phải chịu những oan khiên thảm khốc nhưng với những đóng góp và tinh thần dấn thân của mình, Nguyễn Trãi đã thực sự ghi lại được dấu ấn của mình trong diễn trình phát triển văn hoá Việt Nam và có những ảnh hưởng lớn đến các thế hệ trí thức về sau. Nguyễn Trãi được coi là một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam, những tư tưởng tiến bộ của ông đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Nhờ trí thông minh và tài năng của mình, Nguyễn Trãi đã tiếp thu và phát huy những kiến thức cổ từ các tài liệu kinh điển như Phật kinh, Dịch kinh, Đạo đức kinh,…trong triết học phương Đông và được trực tiếp thụ giáo từ ông ngoại – Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán. Từ những cơ sở đó, Nguyễn Trãi bước đầu xây dựng nên những nét riêng về tư tưởng của mình. Tư tưởng Nguyễn Trãi không được ông trình bày thành một học thuyết cụ thể nào mà được thể hiện rải rác qua các tác phẩm của ông. Nét nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Trãi là sự hòa quyện, chắt lọc giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo và được vận dụng một cách khoa học vào hoàn cảnh thực tiễn của đất nước ta lúc đó. Tư tưởng Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng chủ yếu từ Nho giáo, mà cụ thể là Nho giáo Khổng Mạnh. Ông đã vận dụng xuất sắc các tư tưởng Nho giáo vào công cuộc lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, chống lại sự thống trị của nhà Minh cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước thời kì đầu nhà Hậu Lê.

Trong đó, tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo là nội dung cốt lõi trong toàn bộ hệ thống tư tưởng chính trị của ông. Tư tưởng ấy có phạm vi rộng lớn, vượt ra ngoài đường lối chính trị thông thường, đạt tới mức độ khái quát, trở thành nền tảng, cơ sở của đường lối và chuẩn mực của quan hệ chính trị, là nguyên tắc trong việc quản lý, lãnh đạo quốc gia. Nhân nghĩa của Nguyễn Trãi gắn liền với tư tưởng nhân dân, tinh thần yêu nước, tư tưởng hòa bình. Đó là một đường lối chính trị, một chính sách cứu nước và dựng nước đúng đắn. Tư tưởng này của ông còn được thể hiện ở ước mơ xây dựng xã hội lý tưởng cho nền thái bình muôn thuở. Cũng như những nhà Nho khác, Nguyễn Trãi tin ở Trời và ông coi Trời là đấng tạo hóa sinh ra muôn vật. Cuộc đời của mỗi con người đều do mệnh trời sắp đặt. Vận nước, mệnh vua cũng là do trời quy định. Nhưng Trời không chỉ là đấng sinh thành, mà còn có tình cảm, tấm lòng giống như cha mẹ. Lòng hiếu sinh và đạo trời lại rất hòa hợp với tâm lý phổ biến và nguyện vọng tha thiết của lòng người, đó là hạnh phúc, ấm no và thái bình. Nếu con người biết tuân theo lẽ trời, mệnh trời, thì có thể biến yếu thành mạnh, chuyển bại thành thắng. Và ngược lại, theo Nguyễn Trãi, nếu con người không theo ý trời, lòng trời, thì có thể chuyển yên thành nguy và tự rước họa vào thân.

Tư tưởng cốt lõi quán xuyến suốt cuộc đời hành động cũng như sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trãi là yêu nước thương dân. Nguyễn Trãi luôn dành cho nhân dân một tình yêu thương và quý trọng. Ông đã nhìn thấy sức mạnh của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Có thể nói Nguyễn Trãi là người đã có công phát huy tư tưởng yêu nước truyền thống lên đến đỉnh cao nhất ở thế kỉ XV. Ngoài ra tư tưởng Nguyễn Trãi còn chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo, điều này chủ yếu  được thể hiện qua các tác phẩm thơ văn của ông với nội dung khuyên răn. Ông khuyên con người ta không coi trọng vật chất mà nên sống có đạo đức, hiểu được giá trị bền vững của đạo đức, coi trọng danh dự và sự giàu có về tâm hồn hơn là sự giàu có về tiền bạc. Muốn có đạo đức thì phải làm điều thiện, sống có hiếu, có khí tiết, không uốn mình, không cầu xin danh lợi, không oán thán, biết tha thứ cho người khác, sống trong sạch, lành mạnh, thanh tịnh, luôn nhận phần thiệt thòi về mình. Tư tưởng Lão – Trang thể hiện ở quan niệm sống phủ nhận danh lợi, ung dung tự tại, vô vi và hòa hợp với thiên nhiên. Tuy tư tưởng này có phần hạn chế nhất định nhưng nó góp phần đề cao chuẩn mực đạo đức của con người thời trung đại.

Cuộc đời Nguyễn Trãi là một hành trình chiến đấu không ngừng nghỉ, cuộc đời chiến đấu chống bạo lực xâm lược và chống gian tà. Cuộc đời của một con người luôn vì đất nước, vì nhân dân, sống hết mình cho lý tưởng cao đẹp. Những đóng góp của Nguyễn là một công nghiệp huy hoàng, vĩ đại. Nguyễn Trãi là người hùng của thời đại, là tiếng nói nhân văn khí phách, là tinh hoa của dân tộc. Công lao quý giá nhất và sự nghiệp vĩ đại nhất của Nguyễn Trãi là tấm lòng yêu nước, yêu dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang của ông. Ông đã đem hết tâm hồn, trí tuệ, tài năng phục vụ lợi ích của dân tộc trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn.

Tư tưởng chính trị quân sự ưu tú và tài ngoại giao kiệt xuất của Nguyễn Trãi đã dẫn đường cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đi tới thắng lợi. Thiên tài của Nguyễn Trãi là sản phẩm của phong trào đấu tranh anh dũng của dân tộc. Thiên tài ấy đã để lại một sự nghiệp lớn về nhiều mặt mà chúng ta còn phải tiếp tục tìm hiểu thêm mới có thể đánh giá đầy đủ và chính xác được. Dù sao, nếu chỉ xét về mặt văn hóa thì cũng có thể khẳng định rằng Nguyễn Trãi đã cắm một cột mốc quan trọng trên con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực văn học.

1.1.2. Quan điểm nghệ thuật và sự nghiệp sáng tác văn chương

Dường như Nguyễn Trãi sinh ra là để sáng tác thơ văn, ông không chỉ để lại những tác phẩm thơ văn bất hủ cho nhân loại mà còn để lại những quan niệm văn chương đặc sắc. Đối với Nguyễn Trãi, văn chương không phải là một trò tiêu khiển, cũng không phải một cách bộc lộ của người nghệ sĩ nhằm thỏa mãn cá nhân mình, mà văn chương nhằm mục đích rộng rãi, to lớn hơn đó là phục vụ cuộc sống của nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị của dân tộc. Quan niệm này xét ra là một quan niệm truyền thống của dân tộc. Ở ông, truyền thống dùng văn học làm vũ khí chiến đấu đã được phát huy đến cao độ. Văn học có sức mạnh như một binh chủng đặc biệt, có mục đích nhân sinh sâu sắc và hết sức quan trọng.

Theo Nguyễn Trãi, người nghệ sĩ không những tìm kiếm, phát hiện những đề tài ở mọi ngõ ngách của cuộc sống, ở mọi hoàn cảnh mà phải biết dồn hết tinh lực, tâm huyết. Nguyễn Trãi đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tính năng động trong sáng tạo nghệ thuật phải có nguồn cảm hứng dồi dào, phải có tâm hồn tràn đầy sức sống, phải có khí phách hào hùng. Theo Nguyễn Trãi, trong sự tồn tại hiện hữu của mình, người nghệ sĩ phải có khả năng và nhận thức không giống mọi người. Thiên nhiên dưới con mắt người đời thì nhiều khi cũng chỉ là bình thường. Người nghệ sĩ thì lại phải thấy đó là nguồn cảm hứng phong phú, phải biết dùng ngòi bút của mình làm cho cảnh vật thiên nhiên sinh động lên, sống bằng sức sống riêng, bằng đủ đường nét, màu sắc, âm thanh, hương vị với những nét độc đáo. Người nghệ sĩ phải biết cung cấp cho người đời một cái nhìn cao hơn, rộng hơn, mỹ lệ hơn đối với thiên nhiên. Đó là tài năng thiên bẩm của người nghệ sĩ. Nói cách khác, văn nghệ luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải có năng khiếu, tài năng, trí não để xây dựng và kiến tạo nên thế giới nghệ thuật vô cùng phức tạp và hấp dẫn của mình.

Mặt khác, những tác phẩm văn nghệ lại tác động trực tiếp vào con người và xã hội, trước hết là vào công chúng văn nghệ. Người nghệ sĩ có tài là người nghệ sĩ phải sáng tác được những tác phẩm văn nghệ mang tính nghệ thuật độc đáo giúp cảm hứng của công chúng có thể vươn lên cao hơn, nhận thức của công chúng có thể mở rộng thêm ra. Nguyễn Trãi đã chứng tỏ rằng, những tác phẩm văn nghệ có giá trị đã giúp cho người ta nhìn hiện thực ở một tầm cao hơn mức bình thường. Có lẽ, tâm hồn người nghệ sĩ với cảm xúc thuần mỹ đã truyền lửa cho người đọc những giá trị nghệ thuật cao đẹp. Đó là quan niệm rất sâu sắc về tác dụng của văn nghệ đối với công chúng và đối với cả bản thân người nghệ sĩ. Đó cũng là quan niệm về tài năng trong sáng tạo nghệ thuật. Quan điểm và ý kiến của Nguyễn Trãi về vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cuộc đời, về tài năng và cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật, là những đóng góp có giá trị vào kho tàng lý luận văn nghệ của dân tộc ta. Quan điểm và ý kiến của Nguyễn Trãi về vấn đề này, tất nhiên là được nhìn qua lăng kính xã hội và văn hoá của thế kỷ XV nhưng vẫn còn giá trị bất biến cho tới ngày nay.

Nguyễn Trãi không những là một người giỏi chính trị, quân sự, ngoại giao mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận xuất chúng nữa. Tiếc thay, văn thơ của ông sau vụ án Lệ Chi viên đã bị thất lạc rất nhiều. Mãi đến những năm thời Tự Đức triều Nguyễn (tức gần 400 năm sau khi ông mất), các ông Dương Bá Cung, Nguyễn Định và Ngô Thế Vinh mới sưu tập và khảo chính được các văn thơ còn lại của Nguyễn Trãi tập hợp thành bộ Ức Trai di tập cho khắc in vào năm 1868.

Những sáng tác của Nguyễn Trãi rất đa dạng và phong phú, có cả chữ Hán và chữ Nôm. Về chữ Hán, tác phẩm đầu tiên cần phải kể đến là Ức Trai Thi Tập, bao gồm hơn 105 bài thơ thất ngôn hoặc ngũ ngôn. Tiếp đến các tác phẩn khác như Bình Ngô đại cáo (1427), Lam Sơn Vĩnh Lăng thần đạo bi ký (1433), Băng Hồ di sự lục (Băng Hồ là hiệu của ông ngoại Nguyễn Trãi tức Trần Nguyên Đán), Chí Linh sơn phú, Lam Sơn Thực lục, Dư địa chíQuân Trung từ mệnh tập. Tác phẩm Hán văn này phần lớn đều do Trần Khắc Kiệm sưu tầm thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), bao gồm các thư gửi cho tướng nhà Minh và các tướng sĩ của ta. Đó là một tài liệu quan trọng về mặt ngoại giao, chính trị, quân sự đời hậu Lê.

Về sáng tác chữ Nôm, tác phẩm tiêu biểu nhất là Quốc Âm Thi Tập, nó được xem là tập thơ chữ Nôm phong phú nhất. Cùng với những sáng tác thơ Noomcuar  các tiền bối như Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Hồ Quý Ly, Chu Văn An…, 254 bài thơ Nôm trong thi tập này được đánh giá là những áng văn chương mẫu mực, có giá trị khai mở và đặt nên móng cho nền văn học Nôm Việt Nam.

1.2. Quốc âm thi tập – Tập thơ mở đầu cho dòng chảy thơ Nôm cổ điển Việt Nam

1.2.1. Giới thiệu chung về nội dung

Vào thế kỷ XV, thơ Việt mà tuyệt đại đa số là thơ chữ Hán, đã được dùng như là thơ tôn giáo, thơ trữ tình triết học…nó chủ yếu là một thể loại được bứng trồng từ thơ Trung Hoa. Ấy vậy mà Nguyễn Trãi đã đã tạo nên một tác phẩm được xem có vị trí vô cùng quan trọng trên văn đàn văn học cũng như cho toàn bộ nền thơ tiếng Việt. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, xét về giá trị văn chương đơn thuần, có lẽ là tác phẩm quan trọng nhất trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Trãi. Quốc âm thi tập được xem là một bước ngoặt mới mở ra thời đại phát triển cho thơ cổ điển Việt Nam.

Xét về mặt lịch sử thơ tiếng Việt, đây là một tập chứa đựng một kho tàng từ ngữ phong phú, những câu thơ, những cách diễn đạt làm giàu đẹp cho tiếng mẹ đẻ. Sau hơn một nghìn năm bị đô hộ, rồi tiếp đến bốn trăm năm độc lập, tiếng Việt – chữ Nôm vẫn chưa chiếm vị trí quan trọng trong văn chương, và tiếp sau đó là hàng mấy thế kỷ nữa, tuy có những tác phẩm vĩ đại, nó vẫn chưa khẳng định được vị thế. Hoàn cảnh lịch sử bắt nó phải như vậy, mặc dù rằng nhân dân ta đã đấu tranh quật cường không những cho độc lập và cho chủ quyền đất nước, mà còn là cho bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong cái bản sắc ấy, tiếng Việt là cái cốt lõi nhất. Và lần này, tiếng mẹ đẻ dung dị ấy đã được một người đỗ đại khoa Hán học từ năm 20 tuổi và là nhà văn hóa thông thái được tất cả tinh hoa của văn hóa Trung Hoa và Việt Nam chắt lọc thành thơ. Điều đó chứng tỏ ông có ý thức và tâm huyết dùng tiếng mẹ đẻ làm nơi gửi gắm lòng mình.

Hồn thơ trong Quốc âm thi tập có thể coi là một nét đẹp của hồn dân tộc. Đề tài, nhân vật, cảnh vật trong Quốc âm thi tập là những gì rất gần gũi cuộc sống thôn dã. Đó là một cây chuối đang độ trẻ trung nguyên trinh, một cây xoan đầy hoa khoe sắc, một rừng cây luôn mở cửa đợi chim về, một ao sen chờ trăng lên in bóng, một áng chiều tà, một vầng trăng xao xuyến, một luồng gió thổi nơi rừng thông, một tiếng suối như cung đàn cầm…Từ con mèo, con chó, con ngựa đến ao rau muống, giậu mồng tơi, củ ấu, lảnh mùng, khóm vầu, bụi tre… tất cả đều ùa vào thơ ông như chính sự sống vốn có. Những mảnh đời bất hạnh hay đạo vợ chồng, tình cha con, bằng hữu luôn ẩn chứa trong mỗi hình tượng thơ. Nguyễn Trãi đã làm nên một Quốc âm thi tập đích thực là thơ Việt Nam, mang hồn Việt Nam, cốt cách Việt Nam. Nó có vai trò mở đầu cho nền thơ cổ điển Việt Nam.

Vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, tập thơ Nôm này mới được hai ông Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm phiên âm, chú giải và xuất bản năm 1956. Văn bản này căn cứ vào một công trình sưu tập toàn bộ thi văn của Nguyễn Trãi do Dương Bá Cung, Nguyễn Định, Ngô Thế Vinh thực hiện vào đời Tự Đức và ấn hành vào năm 1868 dưới nhan đề Ức Trai di tập. Toàn bộ có 7 quyển, Quốc âm thi tập chép vào quyển thứ 7, gồm tất cả 254 bài và chia thành 4 phần. Với Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi được xem là nhà thơ lớn đầu tiên viết thơ chữ Nôm, đồng thời cũng là người sáng tác thơ Nôm có số lượng nhiều bậc nhất trong nền thơ cổ điển dân tộc. Quốc âm thi tập có giá trị đặc sắc về nội dung, nghệ thuật ngôn từ, về văn học,văn hóa.

Khác với bộ phận thơ chữ Hán, Quốc âm thi tập là thơ Nôm, thơ tiếng Việt. Vì lẽ đó mà lời thơ uyển chuyển, dung dị, gần gũi với đời thường và gần với nếp cảm nếp nghĩ của dân tộc. Đó là cả loạt bài về mùa xuân, về mùa hè, về trăng, về hoa lá, về cây tùng, cây trúc, cây chuối hay về tất cả những gì gắn bó với người dân lao động bình thường. So với thơ chữ Hán, các bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi có khả năng thể hiện sâu sắc tâm hồn dân tộc, cảm quan về thiên nhiên, quê hương, đất nước. Đây cũng chính là vấn đề nhạy cảm, dễ khơi gợi niềm yêu thương, gắn bó cùng xứ sở. Ngoài ra, nhờ sử dụng ngôn ngữ dân tộc, Nguyễn Trãi có thể bộc lộ các cung bậc tình cảm, các sắc thái trữ tình, thế giới nội tâm và mọi nỗi ưu phiền một cách tự do, sinh động hơn.

Trong tổng số 254 bài thơ trong Quốc âm thi tập, phần lớn là thơ tâm sự, tỏ chí hướng, khó biết bài nào sáng tác thời gian nào. Nguyễn Trãi thường ca tụng thú thanh nhàn, tự hào mình đã “đem công danh đổi lấy cần câu” (Mạn thuật – bài 8)… và cũng để lộ nỗi đau không có cơ hội giúp nước, không gặp người cùng mình thực hiện chí lớn. Ngoài ra, có một số bài làm để tự răn mình, khuyên bảo con cháu trong nhà giữ vững đạo đức, nhân phẩm, theo đúng lời dạy của thánh hiền, chẳng hạn như chùm thơ Bảo kính cảnh giới. Cũng là một khía cạnh của thơ tâm sự. Thơ tả thiên nhiên của Nguyễn Trãi hợp với thú an nhàn, làm dịu bớt nỗi đau, trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Thể thơ trong Quốc âm thi tập  rất đặc biệt. Có bài thất ngôn bát cú, có bài thất ngôn tứ tuyệt; nhiều bài giữa những câu 7 tiếng, xen 1 – 2 câu 6 tiếng. Đó là thể thơ riêng của thế kỉ 15.

Có thể khẳng định rằng, Quốc âm thi tập với các vấn đề về ngôn ngữ, từ loại, thể thơ, tiếng nói triết lý, tính bác học và dân gian, phong cách thơ Nguyễn Trãi đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển và quá trình Việt hoá văn học dân tộc. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi – văn bản thơ, sáng tác vào thời điểm có thể coi là từ vựng học tiếng Việt bắt đầu đi vào phát triển – việc Việt hóa, phiên chuyển các từ ngữ Hán Việt đã được thực hiện một cách tự giác chứ không phải do yêu cầu bắt buộc như tình huống phải giải âm, giải nghĩa một tác phẩm gốc bằng Hán văn. Trong tác phẩm này, chúng ta thấy tác giả văn bản đã hết sức cố gắng tìm tòi, sáng tạo với một ý thức thực sự mong muốn phát triển ngôn ngữ dân tộc và tự tin, tôn trọng ngôn ngữ dân tộc.

1.2.2. Hình thức và bố cục của thi tập

Thơ quốc âm Nguyễn Trãi là tập thơ theo thể thơ cách luật thất ngôn bát cú (thơ 8 câu, mỗi câu 7 chữ), phần lớn theo thể phổ biến bình thường, nhưng có một số ít theo thể cải biên, có xen các câu lục ngôn (6 chữ), hoặc ngũ ngôn (5 chữ) vào những vị trí không nhất định. Nguyễn Trãi đã dùng hình thức chữ Nôm để ghi lời thơ tiếng Việt của mình ở thế kỉ XV.

Bố cục tập thơ, tuy vẫn dựa theo bố cục phổ biến thời bấy giờ, nhưng được chỉnh lí, chọn lọc theo cách riêng của tác giả. Công thức phổ biến trong ngâm vịnh dựa vào nguyên lí Thiên nhân tương dữ (Trời với Người có liên quan) hay nguyên lí Thiên địa vạn vật nhất thể (Trời đất, muôn vật là một). Công thức khái quát chung là: Thiên địa môn và vạn vật môn. Môn tức là thể loại hoặc phạm trù. Riêng Thiên địa môn lại chia ra làm các chủng loại nhỏ như: Thời lệnh môn, Phong cảnh môn, Hoa mộc môn, còn Vạn vật môn được phân chia thành Nhân đạo môn, Cầm thú môn, Phẩm vật môn,…Nguyễn Trãi không giáo điều theo thứ tự đầy đủ như trên, mà chỉ chọn lọc một số chủ đề mình thích ngâm vịnh như Thời lệnh môn với 9 đề mục nhỏ: Tảo xuân đắc ý, Xuân hoa tuyệt cú, Tích cảnh tuyệt cú,… hoặc Hoa mộc môn với 23 mục đề như: Tùng, Trúc, Mai, Mẫu đơn, Thiên tuế,…, nói chung là những mục đề tả cảnh ngụ tình chứ không phải tả cảnh chung chung. Theo xu hướng đó, trong Cầm thú môn với 7 mục đề như Lão hạc, Nhạn trận, Điệp trận, Miêu, Trư,… Nguyễn Trãi vẫn thông qua lối tả thú vật, chim muông để ngụ ngôn dạy đời, khuyên đời. Tập thơ được chia làm 4 phần như sau:

  1. Phần Vô đề có 192 bài
  2. Phần Thời lệnh môn (đề tài về thời tiết, khí hậu, cảnh sắc bốn mùa) có 21 bài.
  3. Phần Hoa mộc môn (đề tài về các loại hoa cỏ, thảo mộc) có 34 bài.
  4. Phần Cầm thú môn (đề tài về các loại thú, chim muông) có 7 bài.

Về cơ bản, những bài thơ này đều không có ghi chép về thời điểm sáng tác, song người ta nghĩ đa số đã được làm ra trong thời kì Nguyễn Trãi về ở ẩn ở Côn Sơn. Khảo sát văn bản, chúng tôi nhận thấy một số bài quốc âm Nguyễn Trãi trùng với quốc âm Nguyễn Bỉnh Khiêm, qua sự đối chiếu 254 bài thơ Nguyễn Trãi (theo bản phiên âm của Phạm Trọng Điềm và Trần Văn Giáp, do Nxb Văn Sử Địa Hà Nội, công bố 1956), với 178 bài thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm (theo bản của Bùi Văn Nguyên, do Nxb Giáo dục in hành năm 1989), có 33 bài trùng nhau, ít thì ở một câu, nhiều thì ở tám câu.

Tiểu kết Chương 1.

Cuộc đời Nguyễn Trãi cho chúng ta bài học quý báu về tinh thần nhân đạo, nhiệt tình chiến đấu, quan điểm mạnh dạn đổi mới, sáng tạo. Thơ văn ông mang đậm tính dân tộc và phong cách vừa hào hùng, phóng khoáng, vừa giản dị, tự nhiên, trong sáng. Những cống hiến của ông cho thơ tiếng Việt là những cống hiến quý báu, làm tiền đề cho sự xuất hiện của những tác phẩm tiếng Việt ưu tú về sau.

Quốc âm thi tập là một trong những kiệt tác của Nguyễn Trãi, tập thơ đã đem đến những giá trị độc đáo, mở ra một chương mới cho nền văn học dân tộc. Tập thơ hiện lên với những vần thơ uyển chuyển, điêu luyện, với ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị, gần gũi với nhân dân lao động bình thường và luôn nhận được sự quan tâm của công chúng mọi thời đại

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *