Chủ nghĩa nhân văn trong Khối vuông Ru-Bic của Thanh Thảo

Tài liệu Văn

CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN TRONG “KHỐI VUÔNG RUBIC” CỦA THANH THẢO

  1. Thanh Thảo và thơ

1.1. Thanh Thảo – sự xuất hiện và tự khẳng định

Vào cuối những năm bảy mươi, các nhà thơ trẻ xuất hiện từ đầu kháng chiến chống Mỹ đã dần tự ổn định phong cách của mình và đang có những hướng thể nghiệm mới trong thơ, sau những thành tựu ban đầu. Khi tên tuổi của Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm v.v…đã định hình trong tâm trí bạn đọc thì Thanh Thảo với trường ca Những người đi tới biển (1977) và tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ (1979) mới bắt đầu xuất hiện. Sự hiện diện của Thanh Thảo trong thời điểm này như một sự tiếp sức trong đội ngũ những người làm thơ thuộc thế hệ thứ ba trên chặng đường sáng tạo.

Có thể nói, Thanh Thảo vẫn tiếp tục dấu chân của những người bạn thơ đi trước, nhưng ông đã đem đến cho người đọc một “ thực đơn tinh thần” mới mẻ và độc đáo, góp phần làm phong phú  tiếng nói của thơ hôm nay. Cũng hướng ngòi bút vào chân dung người lính, vào hiện thực chiến trường, vào đời sống nhân dân… nhưng Thanh Thảo không đi vào quan sát, miêu tả những sự kiện, sự việc mà đi sâu phát hiện, khám phá chân dung tinh thần của một thế hệ người lính trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt mà hào hùng của dân tộc.

Những trang thơ của Thanh Thảo viết từ chiến trường miền Nam khói lửa, ác liệt, nóng bỏng, dữ dội, trần trụi đã tạo được nét riêng:

“Cả thế hệ xoay trần đánh giặc
Mặc quần đùi khiêng pháo lội qua sông.”

Thơ ông là tiếng nói thâm trầm, thấm thía về hiện thực chiến tranh, về trách nhiệm và số phận của thế hệ mình trước Tổ quốc, nhân dân. Thanh Thảo đã viết những câu thơ bề mặt tưởng như thanh thản nhưng thực ra đằng sau những câu chữ ấy là những suy nghĩ sâu sắc , trầm tĩnh thể hiện sự lựa chọn triệt để: “ Người ta không thể chọn để được sinh ra, nhưng chúng tôi chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy”. Ông đã sử dụng một cách đắc địa hình tượng cỏ để ca ngợi sức sống bền bỉ về tinh thần cũng như thể chất của người lính trẻ trong những “ thung lũng thử thách” của cuộc chiến:

“Những dấu chân rồi lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi những năm tháng trẻ nhất

Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ.”

Từ giã hậu phương xa xôi, dấu chân người lính in khắp nẻo đường đất nước. Gia tài người chiến sĩ không chỉ là những gì nằm gọn trong chiếc ba lô quàng vai mà còn là tình cảm không thể nào nguôi quên với mẹ già, với thành phố, xóm làng, với người yêu nơi hậu phương. Kí ức về những năm tháng đã qua như những đợt sóng ngầm dội vào trái tim người lính, tạo nên một thứ linh cảm kì diệu:

“Chiều nhạt nắng trên dòng sông trở gió

 Rừng nơi anh bỗng xao xác lạ lùng

Có phải là em gọi anh không?

Hãy tiếng những cánh buồm mình thường theo hút mắt

Tiếng ráng đỏ cháy trầm trong nước

Tiếng tháng năm…doi cát…cỏ mùa xuân.”

Ta hiểu vì sao khi càng tiến gần đến mặt trận thì người lính càng cảm thấy gắn chặt với hậu phương. Và chính vì hậu phương mà họ ra trận. Với giọng thơ chất chứa, tác phẩm của Thanh Thảo đã thực sự đến với trái tim bạn đọc. Đâu phải ai cũng có thể nói được một cách giản dị mà cô đúc lẽ sống hay là một kiểu tuyên ngôn của thế hệ vừa làm thơ – vừa cầm súng:

“Bài hát của hôm nay

Thô sơ và hực sáng

Mang lẽ đời đơn giản

Nói được tới ngày mai.”

Ở đây, Thanh Thảo đã đem đến cho độc giả một chất liệu thẩm mĩ mới của đời sống chiến trường. Nhà thơ đã khái quát được chân dung tinh thần của một thế hệ xuất hiện vào cuối cuộc chiến bằng hiện thực tâm trạng sâu sắc. Người đọc nhận ra cái mới của Thanh Thảo không phải là những nét trần trụi, gần gũi của thực tế chiến trường mà cái chính là tâm hồn thơ giàu kiến thức văn hóa, luôn khao khát tới những vấn đề mới mẻ, với những suy cảm sâu sắc, đầy dấu ấn cá tính.

1.2. Thơ Thanh Thảo – lấp lánh chất người, chất nhân văn

Ngay từ bài thơ đầu tiên đã cho thấy duyên may phận rủi của Thanh Thảo đối với thơ. Bài thơ hay, đau thương mà rắn rỏi. Và ngay từ đó, Thanh Thảo đã là Thanh Thảo rồi, nghĩa là quan niệm nhân sinh, quan niệm thơ, lối tạo hình, giọng điệu, nhất là mối trăn trở của một đời thơ… chừng như đã định rồi:

“Hạnh phúc nào cho tôi

  hạnh phúc nào cho anh

 hạnh phúc nào cho chúng ta

hạnh phúc nào cho đất nước

 

những câu hỏi chưa thể nào nguôi được

mảnh đất hôm nay bè bạn chúng ta nằm

nơi máu đổ phải sống bằng thực chất

nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước thử lòng ta chung thủy vô tư

nơi vỡ vụn dưới chân ta những mảng đêm hèn nhát

những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người.”

Có người bảo Thanh Thảo là nhà thơ công dân, chỉ trăn trở chuyện bổn phận với dân nước, thời cuộc. Chính những tiếng thơ đầu đời còn chứa đựng những ý tưởng sâu sắc. Trước Thanh Thảo chưa có thi sĩ nào viết ra câu thơ cuối kì lạ vậy. Người khác có thể chỉ dừng ở “gương mặt ngẩng lên lấp lánh”. Với họ, thế là đủ, đã là kiệm lời. Nhưng Thanh Thảo cứ phải là “lấp lánh chất người”. Chữ “chất người” không chịu nằm yên ở tầng hàm ngôn. Nó cứ trồi lên, cứ nhất thiết phải hiển ngôn. Và nó chính là nhãn tự của một đời thơ. Vì “chất người” chính là nỗi trăn trở, niềm day dứt cả đời Thanh Thảo. Khi còn cầm súng, cũng thế. Khi chỉ chuyên cầm bút thôi cũng thế:

học làm người cao hơn núi non

“tôi yêu – chất người đầu tiên

 những giọt sương lặn vào lá cỏ

 qua nắng gắt qua bão tố

vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh

vẫn long lanh bình thản trước vầng dương.”

Rõ ràng, mối bận tâm của Thanh Thảo không bó hẹp ở chất công dân, mà rộng lớn hơn là chất người. Căn cốt chất công dân là chủ nghĩa yêu nước, căn cốt của chất người là chủ nghĩa nhân văn. Nhân văn là tình yêu lớn, là chất nhân loại phổ quát của con người. Trong tình cảnh đất nước bị đe dọa, có thể chất công dân là phần nổi bật trong con người, thậm chí, đồng nhất với chất người. Song trở về đời thường muôn thuở, chất công dân chỉ là tử số trên mẫu số lớn là chất người.

Như thế, quan tâm đến chất người là quan tâm trực tiếp đến vẻ đẹp nhân văn, là tiếp cận con người trên tinh thần nhân văn chủ nghĩa. Thêm một nhà thơ chân chính xuất hiện là một tinh thần nhân văn mới nào đấy lên tiếng. Đó là qui luật và qui luật ấy không ngoại trừ Thanh Thảo.

Nhưng, có nhà thơ nào lại chẳng nói đến chất người, dù nhiều dù ít. Dừng ở hai chữ “chất người” rất chung đó thôi, làm sao đủ hình dung Thanh Thảo! Vậy là cần đi tiếp: “ chất người” mà Thanh Thảo quan niệm là gì? Cũng ngay trong thi phẩm đầu tay kia, dường như đã có câu trả lời:

“Chúng tôi không muốn chết vì hư danh

 không thể chết vì tiền bạc

chúng tôi xa lạ với những tin tưởng điên cuồng

những liều thân vô ích

 

đất nước đẹp mênh mang

đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt

chỉ riêng cho người, chúng tôi dám chết!

đêm nay ai cầm tay nhau vào tiệc cưới

ai thức trắng lội sình

ai trầm ngâm viết những câu thơ thông minh

ai trả nghĩa đời mình bằng máu

 

máu đỏ thật không ồn ào

máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo.”

Day trở mà quyết liệt đến thế này chỉ có thể là tiếng nói khi cuộc chiến đã vào hồi khốc liệt nhất. Không còn bồng bột nông nổi, không thể đơn giản vô tư như hồi đầu. Người lính quí vô ngần sinh mệnh bản thân, nhưng vẫn sẵn sàng xả thân. Xả thân lặng lẽ. Không phải vì vinh quang hay cuồng tín mà chỉ vì nghĩa lớn, chỉ để “trả nghĩa đời mình bằng máu”, thế thôi. Nghĩa, đó là lẽ sống, lẽ chết, lẽ đời của họ. “Nghĩa khí” là bản tính, là phẩm giá, là sức mạnh của họ. Mẫu số chung của “chất người” ở những con người ấy chính là “nghĩa khí”. Bởi thế, tuy là giải phóng quân nhưng gọi họ là “chiến sĩ” thì không hợp. Phải gọi là “nghĩa sĩ”. Nghĩa sĩ mới là vẻ đẹp riêng của người lính Thanh Thảo. Mà không chỉ có nghĩa sĩ của thời đại mới. Thanh Thảo còn miệt mài viết về những nghĩa sĩ Cần Giuộc (Những nghĩa sĩ Cần Giuộc), nghĩa sĩ Ba Tơ (Bùng nổ của mùa xuân), về Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực (Cỏ vẫn mọc), về Nguyễn Đình Chiểu (Trò chuyện với nhân vật của mình), Cao Bá Quát (Đêm trên cát), … Họ đều là những nghĩa quân, những nhà thơ tiết nghĩa. Họ là nghĩa khí muôn năm của dân tộc này. Viết về tâm tư mộ nghĩa, chí khí dấy nghĩa của người xưa và cả người nay là cảm hứng lớn của đời Thanh Thảo. Với Thanh Thảo, viết như thế chính là trả nghĩa. Có thể nhận xét, viết về nghĩa khí và viết bằng nghĩa khí là một mãnh lực của ngòi bút Thanh Thảo.

1.3. Thanh Thảo với những tìm tòi mới trên hành trình sáng tạo

Như một nghệ sĩ chân chính, ngay từ những bước đầu tiên lên thi đàn, Thanh Thảo đã là ngòi bút ham cách tân. Dù biết rằng phải đương đầu trả giá, song không thể “như con chim tập yêu cái lồng của mình” mà “không cần tập hót”. Và đến nay, dấu ấn mạnh mẽ của ông gieo vào lòng người đọc cũng là những táo bạo của một bản lĩnh dám dấn thân, dám tiên phong. Đó không phải là những dấu chân in trên trảng cỏ thời gian hiền lành, mà những dấu chân mở lối giữa chông gai nhiều khi rớm máu. Và những giọt máu rỏ xuống dọc con đường tìm kiếm do giẫm vào gai sắt không phải không kết nên những đóa sáng tạo.

Nhìn từ những gì thuộc quan niệm sống và quan niệm thơ, động lực dấn thân của Thanh Thảo thật nghiêm trang. Ông bước vào cuộc chiến tranh với tâm nguyện được “trả nghĩa đời mình bằng máu” thì anh cũng dấn bước vào sáng tạo để trả nghĩa nghệ thuật bằng cách tân. Và ngòi bút cách tân không chỉ cần tài hoa, mà còn rất cần nghĩa khí. Nghĩa khí của người “dù phải húc đầu vào đá – để mở cửa”. Nghĩa khí của người sẵn sàng “nén thơ mình vào thác xiết” làm “một tiếng thét khi đầm lầy ngập cổ – trước mõm chó vó ngựa – lần đầu thơ biết đến hiểm nguy” (Đêm trên cát). Và Thanh Thảo luôn ý thức được hiểm nguy khi ném câu thơ mình vào cách tân không chút nề hà. Kẻ cách tân nào cũng sẵn sàng lao vào lửa dù biết rằng có thể bị lửa thiêu.

Đầu thời chống Mĩ, thơ mạnh về thứ tâm tình ở bên trên. Thứ nội tâm giản đơn được chuyển động bởi một chủ nghĩa lạc quan ít nhiều dễ dãi, rập khuôn, giáo điều, ca tụng, … Nghĩa là một thứ nội tâm chân thành nhưng vẫn khá là vô tâm. Vào chiến trường khi cuộc chiến bước tới hồi khốc liệt, cùng nhiều cây bút khắt khe khác Thanh Thảo đem đến một tiếng thơ đầy những bận tâm, toàn những day dứt nhân bản sâu kín về chuyện được – mất, sống – chết, vinh – nhục, chung – riêng, cá nhân – cộng đồng, gia đình – tổ quốc, … Toàn những trải nghiệm sinh tử, rớm máu mà vẫn yên tâm. Nhờ đó, ấn tượng đầu tiên thơ Thanh Thảo tạo được là: giàu đời sống thực, nặng tâm tình thực. Thơ Thanh Thảo luôn thiết tha với cái thực ấy. Tác phẩm hấp dẫn người đọc ở ý tứ sâu xa và cấu trúc trữ tình – triết lý rất mực tâm trạng:

“Nếu không có các anh

ngã xuống như muôn ngàn đợt sóng

hóa những chiếc neo cắm sâu vào lòng biển

dải đất này sẽ trôi dạt về đâu?

một trăm hai mươi năm

đất nước dài theo bàn chân các anh

đất nước nhọn trong mắt nhìn các anh

chưa lúc nào ngớt bão.”

Thanh Thảo còn viết những câu thơ đầy cảm xúc, để lại dấu ấn sâu đậm trong  lòng người yêu thơ:

“Phải thương lắm mới đi làm cách mạng
phải thương nhiều hơn mới giữ nổi lòng tin
nhưng phải thương đến tận cùng đau đớn
mới làm người
mẹ…”

Hay cách lý giải những vấn đề sinh tử của một giai đoạn lịch sử đã qua đồng thời đặt ra những vấn đề gắn với đời sống hôm nay:

“Những đơn giản của phận người nô lệ

bỗng phức tạp vô cùng khi ta sống tự do”

Chất liệu hiện thực đi vào thơ Thanh Thảo vừa bình dị đời thường, vừa lung linh, huyền ảo như thế. Tuy nhiên ấn tượng về hướng cách tân chủ yếu là chuyện khác: chuyện hình thức. Hình thức thơ từ thi liệu đến thể loại, từ ngôn từ đến âm điệu, từ câu cú đến vần luật… đều là những điểm cách tân. Thanh Thảo sử dụng linh hoạt các thể thơ. Hình thức câu thơ tự do, luôn biến đổi nên tránh được cảm giác nặng nề, đơn điệu. Ông viết những câu thơ không câu nệ vào vần luật, phép tắc mà người đọc vẫn cảm nhận được chất thơ của đời sống:

“Những mái chòi khuất sau đưng đế

 những tên người đã thoát khỏi sổ đinh

 những thân xác rã tan trong nước mặn vô tình

 không một chén rượu rưới trên mồ

các anh những người trốn thuế

các anh – dân lậu

từ bỏ quê nhà xiêu tán lênh đênh

như bèo dạt như mây trôi

khuôn mặt buồn hơn câu hát

câu hát buồn hơn đêm rừng sát hoang vu”.

Bên cạnh đó, ông cũng viết những câu thơ tươi vui, bình dị:

“Mình ít ché cũ

 Mình nghèo nồi đồng

 Nhà mình chỉ có

 Một trời mưa giông

Một chiếc liềm trăng

Mài mòn bóng tối

                            Một chú thằn lằn

                            Chiều chiều tắc lưỡi”.

Ý thức sâu sắc hơn về mặt cấu trúc trong mọi thành tố của thơ, Thanh Thảo đã tập trung nỗ lực cách tân của mình đột phá vào cấu trúc thơ, tìm kiếm các dạng liên kết cho thơ mình. Và ý tưởng rubic thuần là một trò chơi, nhưng thơ là một chuyện nghiêm túc; rubic là của vật lí cơ học, còn thơ là của tâm thức tâm hồn nhưng Thanh Thảo đã nhìn thấy được mối liên hệ giữa chúng và  sự kì diệu của khối rubic. Những ô màu hỗn loạn nhưng lại rất trật tự xoay quanh cái trục bí mật của rubic. Cái trục lạ lùng kia cho phép các ô màu mặc sức tán loạn. Tuy lỏng mà chặt, hỗn loạn tán lạc mà cũng trật tự nhất quán vô song. Đó là cấu trúc của rubic mà cũng là ý tưởng về cấu trúc thơ của Thanh Thảo.

Trước “Khối vuông Rubic”, Thanh Thảo đã thử nghiệm trường ca “Một trăm mảnh gỗ vuông” cấu trúc bằng những đoạn thơ văn xuôi là những khối vuông ghép lại (bỏ loại thơ từng câu xuống dòng trước đó). Cũng là một lối sáng tạo độc đáo, nhưng nếu ghép như thế dễ trở thành cứng ngắt, Thanh Thảo quyết định bỏ dở “cuộc chơi ghép gỗ vông” này để chơi trò chơi rubic nhằm đưa thể loại trường ca (vốn là sử thi nghiêm túc) tham gia vào cuộc chơi xoay và xoay bất tận từ sử thi chiến tranh đến mảng đời thường. Tác giả xoay theo ý tác giả, người đọc tham gia chơi cứ tùy ý mà xoay những ô vuông cho thơ chuyển động tròn. Mỗi ô màu là mỗi mảnh đời, mỗi giai đoạn, mỗi số phận khác nhau. Lối thơ của “Khối vuông Rubic” rất lạ, nó vừa là thơ vừa là văn vừa là nhạc vừa là kịch vừa là phim … nhưng cuối cùng vẫn cứ là thơ khi liên tục những vòng xoay rubic vẫn còn chuyển động tròn.

“Khối vuông Rubic” – trường ca cuối cùng của cuộc thử nghiệm được Thanh Thảo chủ định cấu trúc mở hoàn toàn. Ở đây, người đọc có thể tham gia vào cuộc chơi bằng cách xoay theo ý muốn của mình, vì khi cầm khối rubic trên tay, mỗi người có mỗi cách xoay khác nhau và qua mỗi lần xoay, màu sắc lại hiện lên khác nhau, chẳng ai giống ai. Lí thuyết tiếp nhận hiện đại cho thấy, từ văn bản của nhà văn đến người đọc, mỗi người được tiếp nhận khác nhau tùy theo “khoảng cách thẩm mĩ” của mỗi người với văn bản văn học và sau đó văn bản mới trở thành tác phẩm. Để người đọc tự “xoay chơi” theo tiếp nhận của mình, Thanh Thảo đã cấu trúc “Khối vuông Rubic” thành 57 lần xoay. Mỗi lần xoay đều được mở đầu bằng câu “Tôi xoay những ô vuông”. Đó là ý định sắp xếp của “cái tôi” nhà thơ. Bây giờ mỗi người cầm “Khối vuông Rubic” và xoay theo ý thích riêng mình sẽ được nhiều cấu trúc khác nhau. Giả dụ, có một người mê nghệ thuật chỉ muốn tìm ở “Khối vuông Rubic”những quan niệm về nghệ thuật, thơ ca, người yêu thơ ấy sẽ lại chọn cho mình cách xoay riêng. Rồi nếu ai đó vô tình đọc một bài viết của Nguyễn Trọng Tạo nhận xét là thơ Thanh Thảo “tỉnh quá”, muốn kiểm chứng đúng sai ta cứ xoay cho hiện ngay lên ở vòng xoay đầu tiên ô vuông số 49 của tác giả. Ta sẽ đọc được rằng: “Tôi xoay những ô vuông. Có nhà thơ than rằng đời bây giờ tỉnh quá. Tôi, ngược lại, tôi thích: tỉnh táo, tỉnh khô, tỉnh bơ, tỉnh như sáo! Vì tôi biết, cái tỉnh đó chỉ là phía nhìn thấy được của đam mê” … Thanh Thảo gọi “rubic – đó là cấu trúc của thơ”. Đó cũng là nghệ thuật cấu trúc “vòng tròn mở của trò chơi rubic”

  1. Những quan niệm về chủ nghĩa nhân văn

2.1. Theo Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong “Từ điển thuật ngữ văn học”

Chủ nghĩa nhân văn còn gọi là chủ nghĩa nhân đạo

Ở cấp độ thế giới quan, chủ nghĩa nhân văn là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị của con người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp chủ nghĩa nhân văn  không phải là một khái niệm đạo đức đơn thuần, mà còn bao hàm cả cách nhìn nhận, đánh giá con người về nhiều mặt (vị trí, vai trò, khả năng, bản chất…) trong các quan hệ với tự nhiên, xã hội với đồng loại.

Nó được tạo ra trong văn hoá nghệ thuật và loài người và văn hoá nghệ thuật từ xưa đến nay là một thế giới mà con người luôn luôn đấu tranh chống lại mọi thế lực thù địch xuất hiện dưới mọi hình thức, để khẳng định mình, khẳng định quyền năng và sức mạnh của mình, đồng thời thể hiện khát vọng làm người mãnh liệt và cao đẹp của mình. Lòng yêu thương, ưu ái đối với con người và thân phận của nó từ trước đến nay vẫn là sự quan tâm hàng đầu của các nhà văn, nhà nghệ sĩ trong cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

Khi nói rằng: “Văn học là một nghệ thuật nhân văn hơn cả, người ta có thể nói những nhà văn đều là những nhà nhân văn do nghề nghiệp của mình, những người sản sinh ra chủ nghĩa nhân văn”, chính M.Gorki đã xây dựng chủ nghĩa nhân văn ở cấp độ này.

Ở cấp độ lịch sử: chủ nghĩa nhân văn là trào lưu văn hoá – tư tưởng nảy sinh ở Italia và một nước khác ở châu Âu thời Phục hưng (thế kỷ XIV – XVI). Những người khởi xướng trào lưu này (thường được gọi là các nhà nhân văn), các nhà thơ Italia: Pê-tơ-răc-ca (1304 – 1374), Bôcaxiô (1313 – 1375) chủ trương giải phóng văn học nghệ thuật nói riêng và văn hoá nói chung khỏi sự bảo trợ của nhà thờ Cơ Đốc Giáo và giải phóng cá nhân con người. Họ quan niệm không phải thần linh mà là con người tự định đoạt lấy số phận của mình. Con người có khả năng vô tận để hoàn thiện môi trường của mình. Trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật họ chủ trương đi sâu nghiên cứu những thành tựu rực rỡ giàu sức sống và vẻ đẹp hồn nhiên của văn hoá cổ đại Hi Lạp – La Mã đã bị quên lãng trong suốt thời trung cổ, nhằm khôi phục những giá trị nhân văn của chúng. Họ hướng văn học nghệ thuật vào sự sáng tạo và ca ngợi cái đẹp trần thế, lành mạnh, tự nhiên, đề cao những khát vọng cao đẹp và niềm tin vào sức mạnh toàn năng của con người. Có thể nói sự ra đời của chủ nghĩa nhân văn Phục hưng là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình giải phóng tinh thần và tự ý thức của nhân loại. Từ thời Phục hưng trở về sau, trong văn học nghệ thuật, chủ nghĩa nhân văn đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, từng bước gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng con người về các phương diện chính trị – xã hội và các phương diện khác thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống. Nó trở thành lí tưởng thẩm mĩ. Có sức định hướng cho những tìm tòi sáng tạo nghệ thuật và qui định bản chất của mỗi nền văn học nghệ thuật.

Trong sáng tạo văn học nghệ thuật, hình thái và mức độ biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn hết sức phong phú, đa dạng, độc đáo. Vì thế khi tiếp nhận tác phẩm văn học,  chúng ta không nên lược qui những giá trị nhân văn của nó vào những mức độ chung trừu tượng mà phải tìm ra những sắc thái biểu hiện tinh tế độc đáo, cụ thể trong thái độ và cảm xúc thẩm mĩ của tác giả đối với con người và cuộc sống.

2.2. Theo Đỗ Đức Hiểu, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Huệ Chi trong “Từ điển văn học” (Bộ mới, năm 2003 – 2004)

Chủ nghĩa nhân văn là một hệ thống quan điểm triết học – đạo đức, chính trị – xã hội coi con người và đời sống hiện thực, trần thế của nó, một đời sống văn minh, hạnh phúc hữu ái, là mục đích cao nhất. Nó giải thích những nguyên nhân đã gây ra cho nhân loại cảnh bất hạnh, tội lỗi, đồi truỵ… và đề ra phương pháp giải quyết cho những hiện tượng đó để cho con người sống ở một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Những nhân tố của chủ nghĩa nhân văn đã từng tồn tại trong văn học dân gian, trong gia tài văn hoá tinh thần ở nhiều dân tộc thời cổ. Nhưng phải đến thời đại Phục hưng ở Phương Tây thì chủ nghĩa nhân văn mới xuất hiện với tư cách là một quan điểm triết học – đạo đức, chính trị – xã hội. Chủ nghĩa nhân văn ra đời như là một sự phản ứng chống đối lại hệ tư tưởng phản động cùng với cơ chế của chính quyền phong kiến, Giáo hội, Toà án tôn giáo, thần học, chủ nghĩa ngu dân, chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa khổ hạnh… chỉ khẳng định có niềm hạnh phúc thuần tuý tinh thần ở thiên đường mà con người khi sống phải nhẫn nhục, chịu đựng, sám hối, chuộc tội, cầu nguyện thì mới có thể, đạt tới cõi vĩnh hằng cao cả. Nó cũng khẳng định chỉ có Chúa trời và Kinh thánh là chân lí và ngọn nguồn của mọi tri thức.

Các nhà nhân văn chủ nghĩa đã tiếp thu những thành tựu khoa học tự nhiên và triết học tự nhiên của thời đại, và coi con người là một bộ phận của tự nhiên, sống và chết theo quy luật của tự nhiên, trả con người về với tự nhiên để nó phát triển tự nhiên. Chiến tranh phong kiến, chủ nghĩa khổ hạnh tôn giáo, chủ nghĩa cấm dục, chủ nghĩa giáo điều, kinh viện, ngu dân, thói đàn áp tự do tư tưởng… là trái với tự nhiên là nguồn gốc của mọi cảnh bất hạnh, xấu xa, tội lỗi trên thế giới, gây ra rối loạn trong đời sống. Từ đó các nhà nhân văn chủ nghĩa khẳng định “Con người là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài” (Sêcxpia).

Chủ nghĩa nhân văn đã giáng một đòn mạnh mẽ và quyết liệt vào chế độ phong kiến, Giáo hội và hệ tư tưởng tôn giáo, góp phần quan trọng vào việc giải phóng con người và tiến bộ xã hội. Nhưng chủ nghĩa nhân văn không giải quyết được vấn đề hạnh phúc nhân loại. Do hạn chế của thời đại, chủ nghĩa nhân văn có ảo tưởng rằng chỉ phá vỡ được xiềng xích áp bức của chế độ phong kiến và Giáo Hội, tôn trọng quyền tự do của con người, phát triển văn hoá và khoa học, thì nhân loại sẽ được hạnh phúc. Chủ nghĩa nhân văn không thấy được nguồn gốc bất hạnh, áp bức và mọi tệ nạn dã man khác là do chế độ tư hữu nói chung và quyền sở hữu nói riêng. Trong xã hội Châu Âu thời tiền tư bản chủ nghĩa, lại xuất hiện những cảnh bất hạnh mới, dã man, tàn bạo chẳng khác gì thời trung cổ. Không giải thích được căn nguyên của tình hình đó, các nhà nhân văn chủ nghĩa rơi vào cuộc khủng hoảng lí tưởng sâu sắc và lối thoát duy nhất tích cực là tiếp tục phê phán những hiện tượng phản nhân văn trong đời sống với một tâm trạng bế tắc, ưu tư và bi quan.

Chủ nghĩa nhân văn đặt vấn đề giải phóng nhân loại trước hết bằng việc giải phóng cá nhân, coi quyền tự do cá nhân như mục đích cuối cùng phải đạt tới, không thấy được trước hết phải là vấn đề tự do cho toàn xã hội và cũng không thấy được mối quan hệ biện chứng cá nhân và xã hội.

2.3. Theo chủ nghĩa Mácxit

Trong văn học, chủ nghĩa nhân văn được nhìn nhận theo 5 điểm sau:

Con người phải là vị trí trung tâm, bình diện thứ nhất trong tác phẩm, đó là con người cá nhân, con người ở địa vị một người.

Văn học phải quan tâm đến khát vọng, ước mơ hạnh phúc, nỗi niềm riêng tư, những bi kịch lỗi lầm của con người. Nói cách khác, văn học quan tâm toàn bộ thế giới bên trong của con người.

Văn học phải bảo vệ quyền sống, môi trường tự do của con người, quan tâm đến sự hình thành hoàn cảnh để năng lực con người có thể phát triển.

Văn học phải phản ánh cái xấu, cái bất nhân (phi nhân, phi nghĩa), vạch trần bản chất của những thế lực kìm hãm sự phát triển của con người.

Một tác phẩm văn học có giá trị nhân văn thì tất yếu phải có giá trị thẩm mĩ.

  1. Những biểu hiện chủ nghĩa nhân văn trong “Khối vuông Rubic” của Thanh Thảo

Trong  tác phẩm của Thanh Thảo, người đọc nhận ra lúc nào ông cũng muốn nói lên những suy nghĩ tận cùng nhất của mình bằng một giọng lắng đọng, trầm tư. Cũng dễ nhận thấy thơ Thanh Thảo không chỉ bày tỏ mà còn có sức khơi gợi, thực sự là tiếng nói tâm đắc sâu xa về những vấn đề của cuộc sống, của thế hệ ông và thời cuộc. Vì thế, thơ Thanh Thảo lấp lánh chất nhân văn. Nói về chủ nghĩa nhân văn, đây là một trong những cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Trong phạm vi hạn hẹp, chúng tôi chỉ tìm hiểu những biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn qua những tác phẩm tiêu biểu trong tập thơ “Khối vuông Rubic” (Thanh Thảo) theo quan điểm của chủ nghĩa Macxit.

3.1. Trong thơ Thanh Thảo mà nổi bật là tập thơ “Khối vuông Rubic”, con người luôn ở vị trí trung tâm, bình diện thứ nhất trong tác phẩm

Các nhà thơ hiện đại Việt Nam nói chung, Thanh Thảo nói riêng đã vận dụng thể thơ văn xuôi để bày tỏ những dòng trăn trở, suy tư, cả những dòng triết lý và những cảm xúc sôi trào.

Theo lần xoay ngẫu nhiên, Thanh Thảo thả hồn mình theo trí tưởng tượng. Những cảnh đời bể dâu ngang trái lại hiển hiện trước mắt. Và sự đồng cảm của nhà thơ trào dâng mạnh mẽ trước những con người tài hoa mà lại mang một số phận trớ trêu. Nhưng hơn hết là sự khẳng định tài năng và bản lĩnh sáng tạo của con người dù ở bất kỳ thời đại nào hay hoàn cảnh nào vì “sáng tạo là hành động cao cả nhất của con người”.

“Trái đất theo tưởng tượng của ông bà chúng tôi mang hình một khối vuông. Tôi xoay những ô vuông. Trong chớp mắt hiển hiện cảnh bể dâu. Chắc Nguyễn Du và Tú Xương sẽ thú vị nếu được cầm trên tay trò chơi rubíc.

          Thượng đế bằng sáng tạo. Không phải thượng đế. Sáng tạo là hành động cao cả nhất của con người(Khối vuông Rubic).

Tiếp tục xoay, Thanh Thảo thấy xót xa trước thi hài lạnh lẽo của người lính trẻ nằm chơ vơ ngoài biên giới. Và có biết bao người lính đã ngã xuống mà “không một chút lễ nghi”, nhang khói. Đó là cái giá của độc lập, tự do. Từ đó, nhà thơ thay mặt Tổ quốc bộc lộ tấm lòng trân trọng đối với những đóng góp, cống hiến của họ vì quê hương, đất nước.

          “Tôi xoay những ô vuông “bài hát những người bạn chết”. Tấm tăng xám quấn thân hình bạn. Không một chút lễ nghi. Đất nơi bạn nằm bên ngoài biên giới. Một lần nữa đất rơi xuống. Không phải đất, mà là Tổ quốc, lặng lẽ phủ lên thi hài người lính trẻ” (Khối vuông Rubic).

Khai thác về hiện thực chiến tranh, hướng tới khắc họa chân dung người lính, nhưng thơ Thanh Thảo không dừng ở sự quan sát, miêu tả, mà đi vào khám phá thế giới tinh thần của một thế hệ trẻ “xoay trần đánh giặc”. Bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình” còn là sự tự ý thức của một thế hệ trẻ. Bằng việc đặt cá nhân vào trong lịch sử và lịch sử vào trong cá nhân, và đưa quá khứ, dù khó khăn và khủng khiếp đến đâu  chăng nữa, vào mối quan hệ bao quát nào đó với hiện tại, nhà thơ đã hoàn tất một viễn cảnh đem lại khả năng phục hồi và hàn gắn. Thông qua việc kết hợp cái chung và cái riêng, nhà thơ đã tôi luyện cái tâm – cái phẩm chất nhắc nhở và cảnh báo, và gợi nhớ những người chịu nhiều đau khổ và những người đã khuất. Có lẽ giao điểm giữa cái chung và cái riêng không đâu được đề cập mạnh hơn trong bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình” của ông:

Ngày chúng tôi đi
các toa tàu mở toang cửa
không có gì phải che dấu nữa
những thằng lính trẻ măng
tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ
những thằng lính trẻ măng
quân phục xùng xình
chen bám ở bậc toa như chồi như nụ
con tàu nổi hiệu còi rung hết cỡ

và dài muốn đứt hơi
hệt tiếng gã con trai ồm ồm mới vỡ”

(Một người lính nói về thế hệ mình)

Trong thơ Thanh Thảo, có lẽ cái cốt của chất trẻ là ở sự tự khẳng định mạnh mẽ

của thế hệ mình, một thế hệ do cách mạng đẻ ra và đào luyện từ trong lòng nôi một chế độ mới và đem cống hiến cho chế độ toàn bộ khát vọng, nhiệt tình, ý thức cho đến cả chính xương máu, số phận, sinh mạng mình.

thế hệ chúng tôi

hồi còi ấy là một lời tuyên bố

một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận

mà trách nhiệm nặng hơn nòng cối 82

vẫn thường vác trên vai

một thế hệ thức nhiều hơn ngủ

xoay trần đào công sự

xoay trần trong ý nghĩ

đi con đường người trước đã đi

bằng rất nhiều lối mới

(Một người lính nói về thế hệ mình)

Những chi tiết có vẻ vụn vặt trong cuộc sống của những người lính đã gợi lên lòng trắc ẩn trong “nắm cơm nho nhỏ” hay “mấy ống cóng canh chua” họ chia sẻ cho nhau. Và trong khi tình bạn thân thiết giữa những người lính được mô tả, ý thức về số mệnh chung của họ được truyền đạt rõ ràng hơn ý thức về mục đích chung. Tình người đó thoát ra khỏi bất kỳ thứ tình cảm ái quốc thiển cận nào, để đến với một trạng thái phổ quát hơn:

nhủ điều chi ơi tiếng quốc đêm sương

kêu da diết suốt một mùa nước nổi

bông điên điển mở cánh vàng nóng hổi

là nắng chiều đẫm lại giữa lòng tay

                                       

đất nước ngấm vào ta, đơn sơ

như Tháp Mười không điểm trang

                                             đầy im lặng

trên tất cả tình yêutình yêu này đi thẳng

đến mỗi đời ta

                        bất chấp những ngôn từ

                                             (Một người lính nói về thế hệ mình)

Đây là một giây phút cảm động, là phút giải khuây đầy nhân bản trong sự kinh hoàng của chiến tranh, khi bản thân vượt ra ngoài giới hạn chịu đựng để chia sẻ nỗi đau và hy vọng với người khác. Ở mức độ cùng cực nhất, cái tôi không thu mình vào trong những mất mát của chính nó mà hướng tới những người khác, và đó là giọng điệu mong manh nhưng quả quyết trong thơ chiến tranh của Thanh Thảo. Ở đó còn có sự thay đổi hơn nữa về thời gian, đặt nỗi đau của cá nhân vào một ngữ cảnh rộng lớn hơn:

“buổi chiều pháo bắn
những cây bình bát gục ngã
hoàng hôn đôi bờ như máu chảy

trắng dòng kênh xác xăng đặc lều bều

tôi bỗng thấy mặt mình trên mặt nước
mặt nước trôi những dề xăng đặc
mặt nước trôi những trái bình bát
mặt nước trôi quê hương không còn nguyên vẹn

và tôi thấy
trôi qua mặt mình bao nhiêu gương mặt
những bạn bè quen những bạn bè chưa gặp
trẻ măng
loang loáng theo con nước
tủa về những đồng sâu

hun hút buổi chiều

đó là những người qua trước
không phải trước hai mươi năm
đó là những người qua sau
không phải sau hai mươi năm
mà vào buổi chiều ấy
trên những dòng kênh ấy
pháo bắn và nước chảy
thế hệ chúng tôi –
nhìn rất rõ – 

        mặt mình”.

(Một người lính nói về thế hệ mình)

Từng là một người lính với dấu chân in khắp nẻo đường đất nước, từng sống, từng đấu tranh để giành lấy hạnh phúc, tự do; từng chứng kiến sự tàn nhẫn, độc ác của kẻ thù nên Thanh Thảo hiểu được nỗi đau của những kiếp người nghèo khổ không phân biệt màu da hay sắc tộc. Ông ngợi ca, an ủi những đồng nghiệp, những con người có cùng nhịp đập của trái tim:

“nếu so với cuộc đời chó đẻ mà các anh phải sống

thì màu da các anh

trong trắng vô ngần!”

(Đọc những nhà thơ da đen)

Tác giả dùng hình ảnh so sánh, đối lập để khẳng định vai trò, vị trí của con người trong cuộc sống: “nếu so với cuộc đời chó đẻ mà các anh phải sống / thì màu da các anh/ trong trắng vô ngần!”. Màu da các anh là màu da đen nhưng nó lại trắng trong vô ngần trước cuộc đời chó đẻ! Một tiếng chửi không nể nang “cuộc đời chó đẻ”. Cuộc đời như thế nào là cuộc đời chó đẻ? Phải chăng cuộc đời đó đã lấy đi tình yêu, hạnh phúc và những ước mơ của con người? Phải chăng cuộc đời đó đã để lại cho con người toàn những điều “chua cay”? Dù sao thì Thanh Thảo vẫn tìm thấy niềm tin, niềm hy vọng ở con người. Dẫu trong bất kì hoàn cảnh nào, con người vẫn sống tốt, vẫn giữ gìn bản chất và không ngừng vun đắp những ước mơ.

Tuy nhiên, con người không dễ dàng bị hoàn cảnh đè bẹp. Cuộc sống luôn vận động nên con người không thể đứng yên. Con người phải lao động để sinh tồn dù việc làm kia nhỏ bé:

“cao quá – những tòa nhà

nơi các anh cúi lưng rửa từng chồng bát đĩa

trong lúc bầu trời điệu blues rạn vỡ”

(Đọc những nhà thơ da đen)

Ta cứ tưởng cái đói sẽ làm con người nhục lý trí, mất niềm tin. Nhưng, dù đời có nghiệt ngã cũng không thể nào bóp nghẹt những trái tim yêu đời, không thể nào dập tắt ngọn lửa yêu thương, không thể nào xóa tan những niềm hi vọng. Vì vậy, những nhà thơ da đen đã vượt qua sự đói khổ, đã “cúi lưng rửa từng chồng bát đĩa” để rồi:

“không xấu hổ chuốt câu thơ như ngọc

không xấu hổ vốc câu thơ như bùn

các anh là thợ xây trộn vôi vữa

cả thiên đàng địa ngục”

(Đọc những nhà thơ da đen)

Những nhà thơ da đen không còn bị đè nén về mặt tinh thần. Thơ của họ không còn bị rơi vào khoảng trống cuộc đời. Họ không còn bị lãng quên. Thanh Thảo đã đề cao những khát vọng tốt đẹp của con người, đã tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của họ. Họ đã vượt lên trên hoàn cảnh, sống và làm việc trong mọi hoàn cảnh. Những thành quả họ có được thật vinh quang, được gặt hái từ chính sự nỗ lực của bản thân. Vì vậy, thật đáng trân trọng biết bao! Cho nên “không xấu hổ chuốt câu thơ như ngọc, không xấu hổ vốc câu thơ như bùn”. Hai hình ảnh đối lập “chuốt câu thơ như ngọc/vốc câu thơ như bùn” muốn nói lên lẽ thường của cuộc đời. Chúng không hề bị mâu thuẫn. Những câu thơ do cùng đối tượng làm ra có khi như ngọc, có khi như bùn vì cuộc đời không thuần là hạnh phúc, không thuần là khổ đau mà nó là tất cả. Những nhà thơ da đen đã được tôi luyện từ cuộc sống. Chính những va chạm với đời làm cho con người hiểu đời hơn. Từ đó con người sẽ hiểu những người cùng chung cảnh ngộ. Vì vậy thơ của họ có ý nghĩa sâu sắc:

“qua mặt những tiên tri rao giảng sấm truyền

thơ các anh như bánh mới ra lò

bùng nổ

như bãi mìn vùi dưới đất nhiều năm”

(Đọc những nhà thơ da đen)

Người nghệ sĩ vốn dễ đồng điệu. Cho nên có một cách để hiểu người cầm bút: “cứ xem anh viết về ai thì có thể biết anh là ai”. Với các thi sĩ trong nước, Thanh Thảo viết nhiều về Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… Còn những thi sĩ ngoài nước, ông viết đậm về Aragông, Êxênhin, Maicôpxki, Pasternac, Lorca… Về từng nhà thơ đều có những kí thác, những đồng điệu riêng. Trong số các cây bút Phương Tây, Thanh Thảo đã mở rộng cả tâm hồn để đồng cảm với số phận và thơ của Lorca, ngưỡng mộ và yêu mến Lorca. Sự hy sinh anh dũng của Lorca trước họng súng cua bọn phát xít Franco đã để lại nhiều tiếc thương cho nhân dân Tây Ban Nha. Sức ám ảnh của những bài thơ đầy chất lãng tử của người nghệ sĩ Tây Ban Nha ấy gặp gỡ hồn thơ Thanh Thảo làm nên bài thơ độc đáo “Đàn ghi-ta của Lorca” trong tập thơ  “Khối vuông Rubic”

Không phải ngẫu nhiên mà Thanh Thảo lại chọn hình tượng đàn ghi-ta gắn với giây phút cuối cùng của F.G.Lorca. Bởi lẽ người chiến sĩ này đã dùng tiếng ghi ta cất lên lời ca tranh đấu chống lại chủ nghĩa phát xít. Đàn ghi-ta là tâm hồn Lorca, là khí phách kiên cường của những người chiến sĩ yêu tự do hòa nhịp trái tim mình với quần chúng nhân dân. Bởi vậy, nỗi xúc động của Thanh Thảo làm nên cảm hứng của bài thơ cũng bắt đầu từ câu thơ của Lorca: “ Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”.

Bài thơ giàu nhạc điệu, tác giả đã để lòng mình đồng điệu với sự sống Lorca trong giờ phút đối mặt với họng súng kẻ thù. Nhưng tiếng đàn ấy, sức sống ấy vẫn ngân vang mãnh liệt, âm thầm mà bất tử :

“không ai chôn cất tiếng đàn

 tiếng đàn như cỏ mọc hoang

 giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng”

                           (Đàn ghi-ta của Lorca)

Đoạn thơ tái hiện khoảnh khắc kẻ thù của Lorca hèn hạ thủ tiêu chàng, ném xác xuống giếng, nhưng qua hình tượng âm thanh tiếng đàn ta nhận ra một sức sống mãnh liệt vẫn tiếp tục. Cảm giác bi tráng hiện hữu qua những liên tưởng về cỏ mọc hoang, giọt nước mắt vầng trăng, đáy giếng tạo cảm giác trống vắng sau sự hy sinh anh dũng của Lorca. Thanh Thảo rất có ý thức khi so sánh tiếng đàn với cỏ mọc hoang để cảm nhận về sức lan toả của sự sống mãnh liệt không gì có thể hủy hoại được. Có khoảng lặng sau ánh sáng vầng trăng nhưng đủ diễn tả nỗi tiếc thương long lanh trong đáy giếng, nơi kẻ thù tưởng có thể vùi chôn tinh thần tự do bất tử của Lorca.

Lorca bơi sang ngang

 trên chiếc ghi ta màu bạc

 

 chàng ném lá bùa cô gái di gan

 vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

                            vào lặng yên bất chợt

 

                            li-la li-la li-la…”

(Đàn ghi ta của Lorca)

Những câu thơ diễn tả một hành trình đối mặt với định mệnh của người nghệ sĩ tài hoa người Tây Ban Nha, như một thái độ bình thản trước số phận. Hai lần Thanh Thảo dùng động từ ném để diễn tả nhằm làm nổi bật lên vẻ đẹp của con người từ lâu dám coi khinh cái chết, bởi cái chết do kẻ thù gây ra cũng không thể ngăn cản tư tưởng, tâm hồn Lorca hoà vào với sự sống bất tử của nhân dân.

Đây là bài thơ hay không chỉ tạo dựng chân dung người nghệ sĩ một cách chân thực, mà còn khiến người độc cảm nhận rõ vẻ đẹp tâm hồn, tính cách đậm chất Tây Ban Nha. Thanh Thảo ca ngợi người chiến sĩ trong đội ngũ đấu tranh vì tự do công lý quyết không cúi đầu trước các thế lực tàn bạo. Cái chết thực sự của một nhà cách tân là khi những khát vọng của anh không có ai tiếp tục.

Hoa lila là những đóa hoa của người đời … thành kính viếng hương hồn (hoa tử đinh hương) hay chính ngàn muôn đóa hoa của sự sống đang nảy nở từ cái chết đau thương của thi sĩ thể hiện sức sống bất diệt của những giá trị chân chính trên cõi đời này.

Đàn ghita trước mắt chúng ta là một thế giới thơ ca chói lòa của thiên tài Lorca, là bức tranh bi tráng về thân phận người nghệ sĩ của thời đại biến động như bão táp, là vẻ đẹp lung linh của nghệ thuật vượt lên trên mọi sự đe dọa của các thế lực bạo tàn nguy hiểm.

Verlaine, một nhà thơ Pháp nói: “Thơ trước hết là nhạc”, nhưng theo Thanh Thảo đó là “nhạc của thơ” chứ không phải âm nhạc bảy nốt hay ngũ cung bát âm. Và những âm điệu trong bản giao hưởng “Lê-nin-grat” đã dẫn dắt Thanh Thảo sáng tác bài thơ “Có một lần tôi nghe bản giao hưởng số bảy”. Thêm một lần nữa, tấm lòng của Thanh Thảo xuyên qua mọi lục địa đến với đất nước Nga xinh đẹp tâm hồn người Nga kiên cường, bất khuất và yêu quê hương đất nước mãnh liệt:

Tổ quốc

                                     Không chỉ trong chói lọi tiếng kèn đồng

                                     Mà giữa quãng lặng im

                                     giữa hơi thở sâu thẳm của đàn dây

                                     hay nhịp nhanh vũ điệu vòng tròn

                                     tôi nghe một giọng trầm trầm day dứt

            “ mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa?...”

(Có một lần tôi nghe bản giao hưởng số bảy)

3.2. Văn học phải quan tâm đến khát vọng, ước mơ hạnh phúc, nỗi niềm riêng tư, những bi kịch lỗi lầm của con người

          Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Dù muốn dù không, con người vẫn phải chấp nhận hiện thực. Tuy nhiên, để khẳng định sự tồn tại, con người sống phải có khát vọng, ước mơ. Dù không thực hiện được nhưng vẫn phải nhìn về và mơ ước. Bởi vì, chính ước mơ là động lực để con người hướng đến tương lai. Nhà thơ Thanh Thảo đã nhận thức rõ điều này. Cho nên, trong “Khối vuông Rubic”, vòng xoay khát vọng, vòng xoay ước mơ hiện lên rất rõ:

“Tôi xoay những ô vuông. Hình mẫu mơ ước thời trẻ của tôi là một cầu thủ bóng đá nổi tiếng. Một hình mẫu chẳng bao giờ tôi đạt được. Mỗi chúng ta đều mong muốn trở thành người khác, với những phẩm chất đặc biệt khác mà mình không có . Đôi khi tôi cũng mơ thành nhà văn, nhưng hình ảnh này hơi kém sức thu hút. Thời gian sẽ quân bình và hiện thực sẽ tàn nhẫn chỉ ra đâu là mơ đâu là thực nhưng vì sao ta cứ quyến luyến với hình ảnh ban đầu ấy, vì sao ta tưởng tượng mãi về nó đến nỗi dường như nó sống thực trong ta.”

Con người không chỉ khao khát, ước mơ cho bản thân mình mà những ước mơ, khao khát kia còn dành cho quê hương, đất nước:

“tôi thấy cô gái ra bờ sông gánh nước

màu trời xanh tiếng chim sơn ca

hoa anh đào thân yêu bên những ngôi nhà gỗ

cứ mùa xuân đàn sếu lại bay về…

                               (Có một lần tôi nghe bản giao hưởng số bảy)

Ở những dòng thơ trên, ta thấy con người Nga luôn khao khát cuộc sống tự do và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Bên cạnh đó, nhà thơ còn nhận thức rất rõ quy luật của cuộc đời:

                            “những khúc nhạc Jazz không thể nào làm lại

không thể làm lại khoảnh khắc hạnh phúc

những câu thơ ta ném xuống dòng sông”

                                                             (Đọc những nhà thơ da đen)

Vì vậy, nhà thơ kêu gọi, đánh thức mọi người hãy gìn giữ hạnh phúc, phải biết trân trọng, nâng niu những gì có được.Thời gian cứ trôi qua, dòng đời cứ trôi qua không bao giờ trở lại. Những gì hoàn hảo, trở nên xuất chúng thì “không thể nào làm lại” như “những khúc nhạc Jazz”. Mỗi lúc khác nhau, mỗi sự việc khác nhau đều đem đến cho con người những cảm giác hạnh phúc khác nhau. Cho nên “không thể làm lại khoảnh khắc hạnh phúc”.

Như những nhà thơ khác, Thanh Thảo rất nhạy cảm với cuộc đời, với con người. Ông đã đặt hoàn cảnh của mình vào trong hoàn cảnh của người khác. Từ đó, ông thấu hiểu nỗi niềm riêng tư của họ:

“giá câu thơ là mẩu bánh mì

 nhiều khi ta thèm chết được

cơn cồn cào bụng các anh, tôi biết”

(Đọc những nhà thơ da đen)

Qua những dòng thơ này ta hình dung ra một cảnh tượng người đói đang thèm mẩu bánh mì. Từ đó liên tưởng “câu thơ là mẩu bánh mì”, “thèm chết được”, “cơn cồn cào bụng” tức là một sự khao khát làm thơ. Sự khao khát này, sự ham muốn này không là của riêng ai. Tác giả đã dùng từ “ta”, tức là tác giả muốn nói  “ta” là tôi và các anh. Chúng ta đều như nhau, tất cả đều là nhà thơ. Cho nên tôi biết những điều các anh nghĩ. Tôi hiểu các anh sống trong hoàn cảnh như thế nào. Tôi hiểu các anh muốn gì trong hoàn cảnh ấy.

Từ đó, tác giả đã dùng điệp ngữ “tôi biết” để một lần nữa khẳng định:

“tôi biết

 trên đường phố dòng người chảy tan vào nắng

có kẻ đói hoa mắt thấy hàng triệu mặt trời”

                                                  (Đọc những nhà thơ da đen)

Tôi biết” được lặp lại lần thứ hai, không chỉ tôi biết các anh thèm khát làm thơ mà tôi biết các anh bị cuộc sống đói khổ, hoàn cảnh khắc nghiệt giày vò. Cái đói, sự nghèo khổ không là của riêng ai. Nó là của nhiều người sống trong cuộc đời “chó đẻ”. Từ đó sản phẩm của con người làm ra, những câu thơ con người tạo nên đã không còn giá trị:

“mẩu bánh mì rơi xuống đất

câu thơ rơi không ai nhặt

rơi lặng im không chạm một ai”

(Đọc những nhà thơ da đen)

Mẩu bánh mì – câu thơ rơi” đã rơi. Rơi không ai nhặt. Rơi không chạm một ai. Rơi trong im lặng, trong quên lãng. Từ “rơi” được lặp lại ở cả ba dòng thơ nhằm nhấn mạnh một khoảng không trong cuộc đời của con người. Những nhà thơ da đen đã bị rơi vào quên lãng. Tài năng của họ bị kìm hãm bởi cuộc đời. Cuộc đời làm nặng những câu thơ. Cho nên nó không thể thăng hoa, không thể bay bổng.

Không riêng gì những nhà thơ da đen, hầu như những người tài hoa đều có những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời, thậm chí họ đã rơi vào bi kịch. Điều này thể hiện rõ qua “Đàn ghi-ta của Lorca”.

Mở đầu bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” là những tiếng đàn bọt nước sao quá mong manh. Ghi-ta và vần thơ mang theo khát vọng tự do dân chủ, Lorca chiến đấu với bè lũ phrăng độc tài phát xít. Đây không phải là cuộc đấu tranh khẳng định sức mạnh cơ bắp mà là cuộc chiến đấu giữa khát vọng dân chủ của công dân Lorca với nền chính trị độc tài, của khát vọng cách tân nghệ thuật với nền nghệ thuật cằn cõi già nua:

những tiếng đàn bọt nước

Tây-ban-nha  áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn

                        (Đàn ghi-ta của Lorca)

Cái chết Lorca là sự mất mát lớn lao của nhân dân Tây Ban Nha. Dù ông đã chết nhưng con sông thơ cùng giai điệu của tiếng đàn ghita lilalila tha thiết mang theo khát vọng tự do và cách tân nghệ thuật của ông lan tỏa trong không gian thời gian, trong tình cảm mến mộ của công chúng yêu nghệ thuật. Tiếng đàn ghita là vũ khí chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít là tâm hồn là khí phách kiên cường của người chiến sĩ tự do hòa hợp với trái tim mình với quần chúng nhân dân, làm Thanh Thảo xúc động cảm hứng viết lên “ khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”.

          “Đàn ghi-ta của Lorca” – một sự cộng hưởng của những khát vọng sáng tạo, một khả năng nhập cảm sâu sắc vào thế giới nghệ thuật thơ Lorca, một suy nghiệm thâm trầm về nỗi đau và niềm hạnh phúc của những cuộc đời đã dâng hiến trọn vẹn cho cái đẹp. Cây đàn cất lên tiếng lòng của Lorca trước cuộc sống trước thời đại. Nó là tinh thần thơ Lorca, là linh hồn và cao hơn cả là số phận ở nhà thơ vĩ đại này.

3.3.Văn học phải bảo vệ quyền sống, bảo vệ môi trường tự do của con người, quan tâm đến sự hình thành và hoàn cảnh để năng lực con người có thể phát triển

Thanh Thảo là một nhà thơ hiện đại, giàu lòng yêu thương con người. Theo ông, con người sống phải biết quan tâm, chia sẻ; nghĩa tình ấm áp luôn nâng đỡ con người vượt qua những khó khăn:

          Tôi xoay những ô vuông. Trạm 79 đường dây. Anh họa sĩ cho nhóm sốt rét chúng tôi mấy lạng đường. Anh đang ra Bắc, còn chúng tôi tiếp tục vào Nam.

Mười hai năm sau thìa đường anh vẫn ngọt trong cổ tôi. Xin chúc anh vẽ được nhiều bức tranh đẹp”.

Bên cạnh đó, tâm tình thực của Thanh Thảo còn hướng đến những con người, những nạn nhân chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh. Qua đó bộc lộ lòng thương cảm và khẳng định bản chất lương thiện, tốt đẹp, nhiệt tình giúp đỡ con người:

Tôi xoay những ô vuông. Đi dọc trường sơn gặp nhiều người bị tâm thần, hậu quả của những cơn sốt rét ác tính. Một anh tâm thần thấy ai cũng ôm chầm vui vẻ, tay bắt mặt mừng:

Chào đồng hương! Có súng nục (súng lục) đưa mình chữa cò lặng (cò nặng) thành cò nhẹ. Xong ngay !

Để nhận ở anh chàng điên vui tính này cái nhiệt tình muốn giúp đỡ người khác

Những người tốt, dù lúc bị điên, hoàn toàn không làm chủ được mình, vẫn còn những biểu hiện của lòng tốt. Nó là cái gì sâu xa, dai dẳng hơn ta tưởng”.

Ngoài tình yêu thương, thông cảm thấu hiểu trước số phận bất hạnh của con người đặc biệt là những đứa trẻ, tác giả còn thấy được trên gương mặt chúng lóe lên những ánh sáng tài năng. Ông luôn có niềm tin vào năng lực của những con người đó. Nếu họ được sống trong một hoàn cảnh khác thì năng lực ấy càng được nâng cao và phát triển:

Tôi xoay những ô vuông. Em gái hát. Em bụi đời từ Củ Chi lưu lạc về Sài Gòn, từ Sài Gòn em lên đây để “làm lại cuộc đời” như tuồng cải lương vẫn nói. Em hát bài “lên ngàn”, em hát và xuyên qua đám bụi đất đỏ tôi nhìn thấy sự trong suốt, tôi nhìn thấy mặt trời, tôi nhìn thấy những cây cao su nhảy múa. Nếu đời em khác đi có thể em sẽ thành công dưới ánh đèn sân khấu và tôi sẽ nghe em hát hững hờ, vỗ tay hững hờ, ra về hững hờ, khen chê hững hờ. Tôi khóc lặng lẽ. Trước cái đẹp, trước vẻ trong sáng huyền bí của nghệ thuật, trước chiếc quần đen bạc màu có hai miếng trước, gương mặt thanh bình của một cô gái sắp làm mẹ” .

3.4. Văn học phải phản ánh cái xấu, cái bất nhân, vạch trần bản chất của những thế lực ngăn cản, kìm hãm sự phát triển của con người

          Trong cuộc đời, muôn vạn điều trắng đen, tốt xấu cùng tồn tại nhưng đôi lúc cái xấu lấn áp khiến lối sống con người trở nên tầm thường, ích kỉ, dung tục. Khi xoay những ô vuông, Thanh Thảo nhìn ra con người ấy:

Tôi xoay những ô vuông. Những cánh võng loáng thoáng dưới rừng già. Những đứa em tôi nói toàn chuyện vui. Nhưng đã xuất hiện vài kẻ lười biếng và ích kỉ. Có anh chàng tên là Sanh, ngoài bốn mươi tuổi, chuyên ngủ khi mọi người dọn bãi, lấy nước, nấu cơm…chuyên xơi của người khác, cho đến điểm tập kết, khi chúng tôi đã cạn sạch lương thảo thì anh ta vẫn trữ trong bòng hơn nửa ký bột ngọt, mấy ký đường. Sau đó chừng nửa năm anh ta đi chiêu hồi.

                                                                                                (Khối vuông Rubic)

Đã gọi là cuộc đời thì bên cạnh những con người luôn tình nguyện giúp đỡ người khác hay sẵn sàng đương đầu với những khó khăn cũng có những người tránh né, thụt lùi về phía sau hay không làm vì việc đó không mang lại lợi ích cho mình

Tôi xoay những ô vuông. Chúng tôi cùng đứng trên bãi cỏ, dưới nắng gắt. Một tiếng nói:

– anh viết đi!

Nhưng trước hết, cô gái này cần những bàn tay giúp đỡ, đưa cô về sống như mọi người, với mọi người. Sau đó, tôi sẽ viết. Tại sao không phải là anh chìa bàn tay ra trước nhất, anh và những bài văn bài thơ của mình?

 – Tôi hiểu nhưng chuyện này phức tạp lắm, mong anh thông cảm

 – các anh khôn thật, ở những chỗ lội, các anh đều tìm cách tụt lại sau, cho chắc ăn… trong khi bao giờ cũng có những người lội nước theo trước.”

                                                                                                  (Khối vuông Rubic)

Có đôi khi họ còn vô tâm tàn nhẫn đối với những người xung quanh bằng những hành động xấu xa của mình mà không biết hối cải. Làm điều xấu, ác nhưng rồi quên ngay như xóa sạch một băng từ:

“Tôi xoay những ô vuông. Con người còn là người không, khi không biết ân hận? Có những kẻ sống và bình thản quên ngay mỗi hành động của hình như người ta xóa sạch một băng từ. Chủ nghĩa phát xít khởi từ đó!”

                                                                                                (Khối vuông Rubic)

Thơ Thanh Thảo, ngoài việc suy tư, trăn trở về bản chất con người cá nhân, ông còn lên án cái bất nhân phi nghĩa, những thế lực chà đạp lên quyền sống con người. Trong bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca”, nhà thơ xót xa trước một tài năng bị hủy diệt:

“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”

            (Đàn ghi-ta của Lorca)

Đây thực sự là một mất mát lớn lao của nhân dân Tây Ban Nha, của nền nghệ thuật ở xứ sở Tây Ban Nha. Nhà thơ nhân dân, người chiến sĩ chống phát xít. Sự hy sinh anh dũng của ông trước họng súng của bọn phát xít Franco đã để lại nhiều tiếc thương cho nhân dân Tây Ban Nha.

Lời thơ vang lên là một chuỗi tự sự, nhưng cấu trúc lại đứt đoạn như để nhằm diễn tả cuộc đời Lorca “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương“. Hình ảnh thơ tả thực “áo choàng bê bết đỏ” đã phản ánh hiện thực phũ phàng, tàn khốc đổ xuống đời Lorca. Cái chết bi thảm của Lorca là một sự kiện chính trị lớn ở Tây Ban Nha.

Tây Ban Nha của thời Lorca còn là đất nước sôi sục những cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, ghi ta của Lorca cất lên lời ca tranh đấu: “Ghi ta bần bật khóc – Không thể nào – dập tắt” (thơ Lorca). Bởi vậy diễn tả khoảnh khắc người chiến sĩ ấy bị bọn phát xít sát hại, Thanh Thảo cũng đã dựng nên bầu không gian kinh hoàng những ấn tượng chết chóc. Những câu thơ tiếp nối diễn tả tột cùng cho cảm giác đau đớn uất nghẹn trước sự tàn bạo của bọn độc tài phát xít:

“tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy”

(Đàn ghi-ta của Lorca)

Lời thơ vang lên giai điệu ghi ta nâu vỡ ra, tan hoà thành sắc màu tượng trưng cho sự sống “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”; rồi đột ngột kết đọng thành những dòng máu thắm chảy ròng ròng của người nghệ sĩ Lorca hy sinh vì tự do và nghệ thuật.

Điệp khúc dồn dập qua nhịp thơ Thanh Thảo như đã lột tả được cái bàng hoàng căm phẫn trong bản ghi ta bi tráng! Màu nâu của đất, của làn da rám nắng, màu xanh của lá của bầu trời như tương phản gay gắt và dữ dội với màu đỏ ròng ròng máu chảy. Cảm giác vỡ oà đau đớn uất nghẹn trong tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan. Nỗi kinh hoàng trong cảm giác mất mát cũng nhân lên gấp bội, nỗi đau như xé lòng khi hình dung ra cảnh kẻ thù sát hại người nghệ sĩ tranh đấu cho tự do.

Với đất nước Tây Ban Nha, nhà thơ tiếc thương cho một tài năng, một nền nghệ thuật bị tiêu diệt dưới tay phát xít, cùng với sự dã man ấy, mùa Đông 1941 người dân Nga cũng rơi vào thảm cảnh:

“Trên nền xám đen mùa đông năm 41

trên băng giá hồ La-đô-ga

những giọt nước mắt đông cứng lại”

(Có một lần tôi nghe bản giao hưởng số bảy)

Tổ quốc Nga đang vặn mình từng cơn đau đớn dưới bom đạn B52, B52 đã hủy diệt tất cả, gót giày xâm lược của Phát xít đã giẫm bừa lên đất nước Nga thân yêu.

“Tổ quốc

tôi vụt thấy đáy sâu quằn quại của tâm hồn Nga

miệng núi lửa dưới tầng tầng tuyết phủ

mùa đông chậm chạp nặng nề

 có lúc tưởng chừng không chịu nổi

gió rít trên những giàn treo cổ

bầy trực thăng quạt trốc từng địa hình….

 

ngỡ mình đi qua mùa đông khủng khiếp ấy

cùng với nước Nga

và cùng chúng ta

bản giao hưởng lăn vào đạn bom hầm hào bùn đất

cuộc chiến tranh dài hơn bốn chương nhạc

nhưng cuộc đời còn dài hơn cuộc chiến tranh”.

                                            (Có một lần tôi nghe bản giao hưởng số bảy)

Tâm hồn Nga vĩ đại đang quằn quại  dưới sự tàn sát dã man của Phát xít, chúng bóp nghẹt sự sống, làm cho con người không thể thở bằng những cảnh hành hình đẫm máu, man rợ. Tác phẩm vạch trần bản chất và lên án tội ác dã man của bọn phát xít, là tiếng nói bảo vệ quyền sống con người.

3.5. Tác phẩm văn học phải có tính nhân văn, có giá trị nhân văn thì tất yếu phải có giá trị thẩm mĩ

Quan niệm thơ, quan niệm nhân sinh, quan niệm thẩm mĩ của người cầm bút bao giờ cũng đồng hành và chuyển hóa lẫn nhau để cùng làm nên cái lõi bí mật của đời thơ tác giả. Nếu cất công tìm kiếm, người đọc sẽ thấy ẩn trong thế giới nghệ thuật phong phú của Thanh Thảo hai chìa khóa: lấp lánh và lặng lẽ. Lặng lẽ tỏa sáng, lặng lẽ làm người. Đó là cái đẹp và hạnh phúc, đó là giá trị sống, giá trị người theo quan niệm Thanh Thảo. Thơ ông không chỉ giàu đời sống thực, nặng tâm tình thực mà còn coi trọng gốc của thơ. Thanh Thảo cho rằng thơ là dòng sống thực của cá thể từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc. Một nhà thơ  có nhân cách, chỉ cần nắm bắt và thể hiện được những dòng thực đó của mình, bản thân nó đã là thơ. Dù từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc kia có vẻ rất bất chợt, bất định, có vẻ hỗn loạn, nhưng mỗi khoảnh khắc ấy lại bật lên một gốc chung, xoay quanh một trục chung là nhân cách người thơ. Do đó đời sống thực của một nhân cách thơ cũng có cấu trúc  tựa như khối rubic. Chỉ cần thành thực phơi trải, tự nó đã là thơ thứ thiệt, thơ quí. Bởi nó là dạng thơ khước từ mọi trang sức thỏn mỏn thường tình. Và Thanh Thảo đã đem đến cho thi đàn Việt Nam thứ thơ như thế. Người đọc biết đến ông như một nhà cách tân hình thức, không ngừng săn tìm cấu trúc mới lạ.

Tìm kiếm trật tự cho cái hỗn loạn là sở trường lớn của hồn thơ Thanh Thảo. Từ mỹ học, toàn bộ thơ ông luôn thấm đẫm một vẻ đẹp của cái trật tự muôn đời giữa sự hỗn loạn. Tập thơ “Khối vuông Rubic” hẳn nhiên là rubic – thơ. Tính rubic – thơ ở đây, không chỉ ở câu điệp khúc “tôi xoay những ô vuông” mở đầu mỗi đoạn nhằm liên kết tất cả các đoạn rời nhỏ (như những ô màu). Đó chỉ là liên kết bề mặt. Quan trọng hơn là tính rubic của cấu trúc tư tưởng. Đọc kĩ, sẽ thấy toàn bộ trường ca “Khối vuông Rubic” với rất nhiều đoạn rời ý tứ tán loạn nhưng nội dung vẫn chỉ xoay quanh một trục tư tưởng: băn khoăn chiêm nghiệm về hạnh phúc và thơ ca. Mà nói theo Gớt, như thế là nghệ thuật.

Giá trị thẩm mĩ còn được thể hiện qua chân dung đẹp đẽ của nghệ sĩ Lorca trong sự ngưỡng mộ, lòng đồng cảm và sự tiếc thương sâu sắc của tác giả Thanh Thảo. Xuyên suốt bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca”, song hành với hình tượng Lorca là hình tượng cây đàn. Tiếng đàn cất lên tiếng lòng của Lorca trước cuộc sống, trước thời đại. Nó là linh hồn, là tinh thần của Lorca, và hơn hết là số phận của nhà thơ vĩ đại này:

khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn

PH.G.LORCA

Thanh Thảo đã gợi vẻ đẹp của tiếng đàn dựa trên những liên tưởng ngoài thơ: “tiếng đàn bọt nước”, ta chợt thấy hình ảnh có những nét tương đồng trong ca dao: “Trời mưa bong bóng phập phồng”. Bọt nước dường như là hiện thân của số phận tiếng đàn thật mong manh, ngắn ngủi và dễ vỡ. Câu thơ tuy giản dị nhưng khắc hoạ rõ nét định mệnh phũ phàng, chông gai đang đón chờ người nghệ sĩ tài hoa phía trước.

Trong xử lý thi liệu, Thanh Thảo có dùng những lối kết hợp khá phổ biến ở thơ tượng trưng. Ta gặp những tiếng đàn bọt nước, tiếng ghi-ta nâu, tiếng ghi-ta lá xanh, tiếng ghi-ta tròn, tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy, về miền đơn độc, vầng trăng chếnh choáng, chôn cất tiếng đàn, đường chỉ tay, dòng sông rộng… Đường chỉ tay là hiện thân của thiên mệnh. Đường chỉ tay đã đứt tượng trưng cho cú giáng phũ phàng trái ngang của số mệnh. Chiếc ghi-ta tượng trưng cho âm nhạc và thơ ca. Lá bùa cô gái di-gan là cái đẹp huyền bí. Xoáy nước là tai hoạ định mệnh trên dòng sông của số phận, cũng là cái dòng sông ranh giới giữa cõi sống và cõi chết, giữa thực tại và hư vô. Hành động ném lá bùa và ném trái tim đều giàu hàm ý tượng trưng về sự giã từ, sự giải thoát của Lorca. Câu “giọt nư­ớc mắt vầng trăng” bày tỏ nỗi đau xót và tiếc thương trước cái chết hết sức thương tâm của Lorca mà lời thơ kết hợp cả trượng trưng thơ Đường với tượng trưng Thơ Mới cũng thấy được vẻ súc tích của nó.

Những nhà thơ da đen là những con người bình thường. Họ là đối tượng bị phân biệt chủng tộc, màu da. Họ sống ở xứ sở nắng cháy, đói khát nhưng tác giả đã nhìn nhận họ với thái độ khác, với tình cảm khác. Vẻ bề ngoài đó không làm ông bận tâm, ông chỉ quan tâm đến “chiều sâu”, “chất liệu”. Bởi vì, ông biết thơ của họ không là những giáo điều sáo rỗng mà nó được hun đúc từ những giá trị của cuộc sống. Con người không bị ru ngủ, không bị mê muội trong đạo đức dối trá mà con người thật sự tìm thấy chân, thiện, mĩ của đời qua những “câu thơ như ngọc, câu thơ như bùn”. Thơ của các ông bây giờ “như bánh mới ra lò”. Người đọc có thể ngửi thấy mùi thơm, có thể nhấm nháp chất tinh túy từ chiếc bánh. Sâu xa hơn, đó chính là mùi thơm, chất tinh túy của thơ.

Tác giả đã dùng bản giao hưởng số bảy để miêu tả đề tài chiến tranh. Hình ảnh âm nhạc ấy thật đẹp, thật độc đáo. Nó có một sức mạnh vĩ đại đã len vào từng ngỏ ngách của đời sống, của tâm hồn con người để cổ vũ, động viên những tâm hồn Nga vượt qua đau thương mất mát của chiến tranh, giữ vững ngọn lửa yêu nước, chiến đấu đưa đất nước đi đến bến bờ vinh quang.

âm nhạc của thiên tài chia sẻ

với ta, cách giữ gìn ngọn lửa

với ta, những giây phút cay đắng khốn khổ

trước khi đến những tràng pháo hoa vinh quang

 

Tổ quốc

không chỉ hiện lên trong chói lọi tiếng kèn đồng

mà giữa quãng lặng im

giữa hơi thở sâu thẳm của đàn dây

hay nhịp nhanh vũ điệu vòng tròn

tôi nghe một giọng trầm trầm day dứt

                                                   (Có một lần tôi nghe bản giao hưởng số bảy)

Giá trị thẩm mĩ còn được thể hiện ở vẻ đẹp tâm hồn của người lính với những phẩm chất như tình đồng đội, tinh thần bất khuất, lạc quan, dũng cảm, tình yêu nước, yêu đồng bào, và là những sự chia sẻ cho nhau trong chiến đấu gian khổ qua những hình ảnh đơn sơ, giản dị và tình cảm chân thành, mộc mạc:

“ Vài gói mắm cùng nắm cơm nho nhỏ

bếp dã chiến cháy dọc bờ suối đá

treo tòn ten mấy ống cóng canh chua

nấu lá giang và mắm ruốc

 

tất cả những gì chúng tôi có được

đều trải cho nhau

trải ra đất thật tình

với quân thù – chi đến tối đa

với bạn bè – phải chơi hết mình”

…………….

 

“Thế hệ chúng tôi không chỉ sống bằng kỷ niệm

không dựa dẫm những hào quang có sẵn

lòng vô tư như gió chướng trong lành

như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh”

        (Một người lính nói về thế hệ mình)

Tóm lại, tập thơ “Khối vuông Rubic”, Thanh Thảo viết như một lời tuyên ngôn có tính chất tranh luận không chỉ của riêng mình mà chung cho cả một giai đoạn “Người ta đã nhìn trái đất từ nhiều hướng và trái đất chưa bao giờ được khám phá. Người ta đã thăm dò con người bằng vô số cách mà con người vẫn là một bí mật”.

  1. Những vấn đề còn băn khoăn (cần trao đổi)

         Thơ của Thanh Thảo giàu suy tư, mãnh liệt, phóng túng trong xúc cảm và đương nhiên không dễ hiểu vì ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực.

Trong khối vuông Rubic còn những từ trong ngoặt theo chúng tôi là thừa:

Tôi xoay những ô vuông. Đứa con nhỏ của tôi (bị) lên sởi, (cháu) sốt cao, không ăn uống (gì) được. Hộp sữa “Thống Nhất” giá (một) trăm đồng, (tức là) bằng nửa tháng lương. Trách móc, than thở, hay chờ con cái (sẽ) cứu giúp (chúng ta)?”

Tôi xoay những ô vuông. Đi dọc trường sơn gặp nhiều người bị tâm thần, hậu quả của những cơn sốt rét ác tính. Một anh tâm thần thấy ai cũng ôm chầm vui vẻ, tay bắt mặt mừng:

Chào đồng hương! Có súng nục (súng lục) đưa mình chữa cò lặng (cò nặng) thành cò nhẹ. Xong ngay!

Để nhận ở anh chàng điên vui tính này cái nhiệt tình muốn giúp đỡ người khác

Những người tốt, dù lúc bị điên, hoàn toàn không làm chủ được mình, vẫn còn những biểu hiện của lòng tốt. Nó là cái gì sâu xa, dai dẳng hơn ta tưởng”.

        

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *