NLXH Tôi khao khát làm được những điều vĩ đại và cao cả, nhưng trách nhiệm chính của tôi là làm được những điều nhỏ nhặt như thể chúng vĩ đại và cao cả

Nghị luận xã hội

Trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm: Tôi khao khát làm được những điều vĩ đại và cao cả, nhưng trách nhiệm chính của tôi là làm được những điều nhỏ nhặt như thể chúng vĩ đại và cao cả ” (Helen Keller)

GỢI Ý

Mở bài:

Dẫn dắt vào vấn đề:

“Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao, nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ” (Frank A.Clark).

Nêu vấn đề:

Thật vậy, những điều rất nhỏ đôi khi lại làm nên chính ý nghĩa của cuộc sống. Bởi vậy mà nhà diễn thuyết tài ba Hellen Keller đã từng tâm sự: “Tôi khao khát làm được những điều vĩ đại và cao cả, nhưng trách nhiệm chính của tôi là làm được những điều nhỏ nhặt như thể chúng vĩ đại và cao cả ”

Thân bài:

Giải thích:

– Giải thích từ ngữ:

+ “điều vĩ đại và cao cả”: là những điều có ý nghĩa trọng đại, những hành động có ý nghĩa lớn, những đóng góp phi thường của con người. Đây là khát vọng vươn tới những cái lớn lao của mỗi con người, làm thay đổi cuộc sống theo hướng đi lên, tốt đẹp hơn.

+ “những điều nhỏ nhặt” : là những điều bình dị, thường nhật trong cuộc sống mà không phải ai cũng nhận ra, cũng ý thức được.

+ “làm được nhũng điều nhỏ nhặt như thể chúng vĩ đại và cao cả”: là biểu hiện của thái độ làm việc tận tình, nhiệt huyết, trân trọng và chăm chút cho những công việc nhỏ bé mà mình làm.

– Câu nói đưa ra bài học:

Con người luôn có khát khao làm những điều lớn lao, kì vĩ mà lại quên rằng phải bắt đầu từ những điều rất nhỏ bé, bình thường và quan trọng hơn cả, ngay cả với những điều nhỏ bé, bình thường, con người cũng cần làm việc với một thái độ tận tình, trân trọng.

Phân tích, chứng minh, bình luận:

Phân tích ý nghĩa câu nói:

– Tại sao ai cũng “khao khát làm được những điều vĩ đại và cao cả”?

+ Mơ ước làm điều lớn lao là nguyện vọng chính đáng, cần thiết của mỗi người, cần được hoan nghênh, khuyến khích.

+ Mơ ước lớn lao là thước đo giá trị, tầm vóc của mỗi người.

+ Mơ ước càng lớn lao, con người càng có động lực để tiến lên.

– Tại sao ta phải “làm được những điều nhỏ nhặt như thể chúng vĩ đại và cao cả”?

Sống trên đời cần phải có những khao khát làm được những điều vĩ đại và cao cả. Song phải luôn ý thức được rằng:

+ Cuộc sống con người vốn là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, rất nhiều bình diện, được tạo nên từ vô số mảnh ghép nhỏ. Ý nghĩa của cuộc sống đôi khi nằm trong những điều hết sức bé nhỏ, đời thường. Trân trọng những điều bé nhỏ, nắm trọn từng khoảnh khắc của cuộc sống, cuộc đời con người mới trôi đi không vô nghĩa.

+ Mọi thành tựu lớn lao đều bắt đầu từ những công việc nhỏ nhặt. Phải bắt đầu từ những công việc nhỏ, tích tiểu thành đại, con người mới có được những thành công lớn.

+ Những việc rất nhỏ nhưng nếu làm ẩu, làm bừa cũng không đem lại kết quả tốt. Ngược lại, dù là việc nhỏ bé, bình thường nhưng nếu được thực hiện bởi một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, một bàn tay chăm chút khéo léo thì cũng cũng tạo nên những thành phẩm tuyệt vời.

+ Mỗi con người có một giới hạn nhất định về năng lực. Không phải ai cũng có thể làm tốt được tất cả mọi việc và có khả năng làm được những điều lớn lao. Bởi vậy, lựa chọn nhũng công việc vừa sức với bản thân, chăm chút cho công việc ấy sẽ mang lại hiệu quả hơn việc chạy theo nhũng công việc qui sức và không thể thực hiện được.

+ Khi làm việc bằng lòng saymê, sự tận tình, con người sẽ luôn nhận được sự kính trọng, yêu mến của những người xung quanh. Những người làm việc say mê và tận tình, dù là làm những công việc nhỏ bé, luôn đóng góp được nhiều giá trị cho xã hội.

Dẫn chứng chứng minh ý nghĩa câu nói:

Có thể đưa dẫn chứng đan xen vào các luận điểm. Dưới đây là một vài dẫn chứng minh họa:

Leona Davinci trong những ngày đầu tập vẽ không vẽ gì khác ngoài những quả trứng. Đây là phương pháp giáo dục đặc biệt mà người thầy dạy vẽ của ông sử dụng. Thử thách được đặt ra cho nguời họa sĩ ở đây là làm sao vẽ hàng nghìn quả trứng giống hệt nhau. Việc rèn luyện từ những việc tưởng chừng như đơn giản và nhỏ bé ấy đã giúp cho Leona Davinci rèn luyện được một kĩ năng cầm bút tuyệt vời, giúp ông sau này có thể ghi lại sự vật, những ý tưởng một cách chính xác, tỉ mỉ.

– Steave Jobs lớn lên tại gia đình cha mẹ nuôi ở Thung lũng Silicon, trung tâm của nền công nghệ điện tử Mỹ. Ông bỏ học cao đẳng ngay sau học kỳ đầu tiên và đi làm cho công ty sản xuất trò chơi điện tử Atari để kiếm tiền đi du lịch Ấn Độ. Trước khi sáng tạo ra chiếc máy tính đầu tiên, Jobs đã theo học một lớp về nghệ thuật thư pháp. Học một môn học không liên quan đến ngành nghề mà ông đang theo đuổi tưởng chừng như là một công việc vô nghĩa. Nhưng không ngờ rằng, chính những bài học mà ông đã tiếp thu từ nghệ thuật thư pháp đã giúp ông sáng tạo ra những dòng sản phẩm tinh tế. Bài học mà ta có thế rút ra đó chính là sự chuẩn bị cho tương lai, từ những việc nhỏ nhất, tưởng như vô nghĩa lại là những viên đá lót đường giúp ta đến đích một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Những công việc bình thường, thậm chí trong mắt nhiều người là tầm thường như lao công, dọn vệ sinh lại có một vai trò quan trọng trong xã hội. Cho dù là làm những công việc bình thường nhỏ bé, nhưng nếu không có ý thức trách nhiệm cao, những người lao công kia không thể mang đến cho chúng ta một thành phố vệ sinh, sạch đẹp.

– Một vài câu danh ngôn:

+ “Hãy tận tâm với những điều nhỏ nhặt, bởi điểm mạnh của bạn nằm ở đó.” (Mẹ Teresa)

+ “Đôi khi những điều nhỏ nhất chiếm lấy phần lớn trái tim ta” (A. A. Milne)

+ “Nhiều người nhỏ bé, ở nhiều nơi nhỏ bé, làm nhiều điều nhỏ bé, điều đó có thể thay đổi bộ mặt của thế giới” (Khuyết danh)

+ “Những điều lớn lao được tạo nên từ nhều điều nhỏ nhặt.” (Vincent Van Gogh)

Phê phán:

– Trong cuộc sống ngày nay, có không ít người chạy theo tham vọng mà bỏ rơi mất những hành động bình dị, nhò nhặt trong cuộc sống. Họ khát khao làm nhiều việc lớn nhưng lại ngại bắt đầu từ những công việc nhỏ nhặt.

– Lại cũng có không ít kẻ làm việc thiếu trách nhiệm. Trước những công việc được giao, họ hoàn thành qua loa, đại khái. Đối với những công việc nhỏ nhặt, họ coi thường, lười biếng, không muốn bắt tay vào thực hiện.

Bài học:

– Con người phải luôn có ý thức kiểm soát hành động và nhận thức rằng việc gì nhỏ mấy mà có ích kiên quyết làm…

– Thường xuyên rèn luyện đức tính kiên nhẫn, bắt đầu từ những việc làm nhỏ để có thể hướng tới những điều lớn lao.

III. Kết bài:

Khẳng định lại vấn đề:

Cuộc đời của Hellen Keller đã bắt đầu từ những việc làm nhỏ bé như vậy để rồi tên tuổi bà mãi còn lưu danh hậu thế. Câu nói của bà, bởi vậy là một bài học sâu sa từ một đời đầy trải nghiệm. Không phải ai trong cuộc sống cũng nhận ra được giá trị của nhũng điều nhỏ bé.

Liên hệ mở rộng:

Khi đã nhận ra, hãy thực hiện nó bằng một trái tim nhiệt thành và đầy trách nhiệm. Có như vậy, thành công mới có nở hoa trên hành trình cuộc đời của mỗi chúng ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *