Nghị luận xã hội về lòng nhân ái và sự vô cảm của con người trong cuộc sống

Nghị luận xã hội

Đề văn Nghị luận xã hội, suy nghĩ về sự vô cảm của người Việt nơi công cộng.

Đề bài :Trong những trang ghi chép cuối cùng của đời mình, nhà văn Nguyễn Minh Châu có kể lại một sự việc ông từng chứng kiến:

… Lúc bấy giờ mới khoảng năm giờ sáng. Sân ga Hàng Cỏ còn mờ mờ tỏ tỏ trong sương nhưng người đã chật ních. Có những dây người xếp hàng ba hàng tư dài dằng dặc, như rồng rắn. Người nào cũng khoác đầy hành lí trên mình, đang chuẩn bị vào phía trong ga để lên tàu. Chung quanh cái dây người xếp hàng là bạt ngàn những người đang ngồi giữa hàng đống, hàng núi hàng hóa, có lẽ lần đầu tiên tôi chứng kiến một buổi sáng tinh mơ mà khách đi tàu ở sân ga đông đến như thế. Và giữa cảnh đông đúc, chen chúc như vậy có một người đàn bà hãy còn trẻ, y như một kẻ mất trí, một người điên, cứ hét váng cả sân ga:“Các ông các bà có ai thương tôi cứu tôi với. Người đàn bà kêu đến khản cả giọng mà chung quanh chẳng ai đoái hoài. Người ta chỉ quay mặt lại nhìn một cách thờ ơ, vả lại ai cũng chất xung quanh mình hàng đống hành lí, lại mệt đứt hơi, ai cũng chỉ đủ sức lo cho mình.

Thì ra thế này: người đàn bà xuống tàu trong đêm với hai đứa con, đứa ba tuổi, đứa mới nửa tuổi. Mẹ con ngồi chờ sáng. Lúc vừa tảng sáng, mẹ bảo con ngồi đây trông em, mẹ đi giặt tã cho em một lúc. Mẹ đi đến vòi nước gần nhà xí công cộng, cũng khá xa, chen chúc mới giặt giũ được, giặt xong quay về thì mẹ mìn chỉ chìa cái bánh đa đã dỗ được đứa con lớn đi theo, chỉ còn đứa nhỏ nửa tuổi nằm giữa sân ga một mình.

Nghe xong chuyện, tôi chạy đến trước mặt một đồng chí công an, đề nghị: các đồng chí nói loa đi, yêu cầu hành khách thấy khả nghi thì giữ lại, đứa dụ đứa trẻ thế nào cũng có vẻ khả nghi… Biết đâu nó còn quanh quẩn quanh đây. Yêu cầu mọi người giúp người ta. Đồng chí công an chẳng nói chẳng rằng, chẳng trả lời tôi lấy một lời. Còn hàng ngàn con người thì vẫn dửng dưng trong một vẻ ngái ngủ hoặc sợ mất cắp. Người đàn bà vẫn kêu gào giữa sân ga Hàng Cỏ như kêu gào giữa sa mạc.

(Rút từ tập Trang giấy trước đèn, NXB ĐHQG Hà Nội, 2006, trang 126 – 127)

Câu chuyện trên gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về lòng nhân ái và sự vô cảm của con người trong cuộc sống?

BÀI LÀM THAM KHẢO

Mở bài

Buổi sáng thức giấc muộn, tôi vội vã đạp xe đến trường. Buổi trưa giữa cái nắng đỏ gay gắt, tôi thật nhanh phóng xe về nhà. Tối đến, tôi trở về bên mâm cơm, bên ánh đèn bàn học rồi đi ngủ. Một ngày diễn ra thật nhanh, thật vội. Tôi bỗng thấy hình như hôm nay mình đã quên lắng nghe tiếng một đứa trẻ ăn xin bám áo xin chút lòng thương; đã bỏ ngoài tai tiếng của ai đó đang kêu lên giữa đường đời nhờ giúp đỡ và tôi cũng đã lờ đi lời khẩn nài của bà cụ già yếu bên hàng xóm. Tôi đã muốn quên đi tất cả sự thờ ơ của mình để tự nhủ mình vẫn sống thật tốt. Nhưng hôm nay đọc những trang ghi chép cuối cùng của nhà văn Nguyễn Minh Châu kể lại sự việc ông đã chứng kiến, tôi bỗng giật mình nhìn lại về lòng nhân ái và sự vô cảm của chính mình và của cả con người trong cuộc sống.

Thân bài

Khái quát về ý nghĩa câu chuyện

Chuyện kể lại sự việc tại một nhà ga, một người mẹ bị lạc mất đứa con đang hét váng cả sân ga: “Các ông các bà có ai thương tôi cứu tôi với”. Người đàn bà cứ kêu khản cả giọng mà chung quanh chẳng ai đoái hoài. Trước nỗi đau mất con, người đàn bà chẳng được giúp đỡ gì. Câu chuyện kết thúc bằng dòng văn: Người đàn bà vẫn kêu gào giữa sân ga Hàng Cỏ như kêu gào giữa sa mạc. Có ai đã là người đọc đến đây và bỗng giật mình nghĩ lại xem mình có phải là người trên sân ga hôm ấy không? Tôi cũng đã tự hỏi: Đã bao lần trong những sân ga chật chội đông người như thế, tôi đã bỏ ngoài tai lời gào thét kêu van của những người xung quanh? Mọi người hãy nhìn cảnh đau thương ấy và thử hỏi lại xem: trong câu chuyện của Nguyễn Minh Châu ghi lại đâu là bóng dáng của những bàn tay che chở yêu thương?

Suy nghĩ về lòng nhân ái và sự vô cảm của con người

Lòng nhân ái vốn là một truyền thống của người dân đất Việt. Từ những mái nhà tre, những đêm “tối lửa tắt đèn có nhau”, người quê ngày xưa giàu lòng quan tâm biết mấy. Tôi lại nhớ đến câu chuyện Đôi mắt của Nam Cao, khi anh Hoàng nói về sự tọc mạch của người nông dân. Làng quê ngày xưa rất quan tâm đến mỗi người trong làng của mình, dù bạn là người đi xa mới về thì hãy nhớ là gặp người lạ cũng phải chào. Đấy không phải là tọc mạch. Người thành phố chê người nông dân lắm chuyện, nhưng người thành phố thì hình như lại “ít chuyện” quá. Con người bắt đầu tách nhau ra, đi theo một nền văn minh mới. Nhà cửa xa nhau, phố xá rộng quá, người quen cũng xa nhau và bắt đầu cuộc hành trình xa cách của những tấm lòng. Chưa bao giờ như bây giờ ta được nghe mọi người nhắc nhiều đến bệnh vô cảm đến thế. Trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11, có đề văn: “Suy nghĩ của em về bệnh vô cảm”, tôi cứ tưởng nó xa xôi quá, ở những nước tư bản cơ, nhưng đôi khi nhận ra có lúc mình cũng vô cảm và những người xung quanh đôi khi lạnh lẽo với nhau. Đọc những dòng ghi chép của Nguyễn Minh Châu tôi mới nhận rõ cái nỗi niềm đau đớn của một bà mẹ mất con. Giữa cái nhộn nhạo ấy, bà mẹ không những đau xót về đứa con của mình mà còn đau xót khi những lời kêu than của mình cứ lặng vào thinh không. Những người ở sân ga hôm ấy đã ngoảnh mặt đi giữa sự đau đớn quằn quại của một con người.

Vô cảm là đã không còn tình cảm, không còn xúc cảm đối với cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình. Nhìn thấy một cảnh đau lòng ta sẽ dễ rơi nước mắt; nhưng vô cảm là khi ta không còn thấy bất kì một sợi dây nào đang rung lên ở bên trong, ta lạnh nhạt bước đi mà không thương xót. Buổi sáng đi qua đèn đỏ ngã tư, một đứa trẻ trần truồng xám ngắt bị bỏ lại bên đường, bên cạnh có chiếc ống bơ xin tiền, những ai vô cảm sẽ đi qua mà không chút động lòng. Con người trong xã hội ngày nay đang dần dần chấp nhận sự vô cảm trong đời sống. Bước ra khỏi lũy tre làng, ta dần quên lãng câu “tối lửa tắt đèn”. Bắt đầu cuộc sống phồn hoa đô thị, lòng người bắt đầu đóng khép. Trong một xã hội lấy khoa học làm đầu, đi sâu tìm hiểu những hạt vật chất li ti, chẻ nhỏ trái đất ra để khám phá, người ta dễ vì bận bịu công việc của mình mà quên đi người khác, mà để ngoài tai tất cả âm thanh của cuộc sống. Ấy chính là lúc con người vụt nhiên mất đi cái nhìn về tổng thể, về sợi dây vị tha ràng buộc với cuộc đời để nghiêng hẳn về phía cá nhân vị kỉ, hẹp hòi và bỗng trở thành ích kỉ, vô cảm, vô nhân tính mà không hề biết. Lời lí giải duy nhất Nguyễn Minh Châu đã nói cho sư thờ ơ của đám người trên sân ga với nỗi đau của người phụ nữ kia là: “Ai cũng chất quanh mình hàng đống hành lí, lại mệt đứt hơi, ai cũng chỉ đủ sức lo cho mình”. Đối lập với tiếng kêu gào thảm thiết của bà mẹ là sự dửng dưng trong một vẻ ngái ngủ hoặc sợ mất cắp của mọi hành khách trên sân ga. Đó là gì nếu không phải là tính ích kỉ đang xô đẩy lòng vị tha và sự vô cảm đang phủ lấp lòng nhân ái của con người?

Nghe câu chuyện Nguyễn Minh Châu kể, ta quả có lí do để nghi ngại khi nghĩ về một thế giới không còn tình thương. Nhưng may thay, trong cõi nhân sinh giá băng của ánh sáng mùa đông trên sân ga lạnh vắng tình người hôm ấy vẫn còn có ánh lửa của lòng nhân ái. Ánh lửa ấy tuy bàng bạc, ít ỏi nhưng vẫn lóe lên giữa đám người vô cảm kia và làm cho ta có được một chút ấm áp trong lòng. Đó là hình ảnh của nhân vật “tôi” thương xót cho hai mẹ con và tìm mọi cách để giúp đỡ. Vậy là giữa cái vụt qua nhanh chóng của dòng người vô cảm cứ tiến về phía trước mà không để tâm đến xung quanh, vẫn có những con người chưa nguội lạnh lòng nhân ái. Lòng nhân ái là yêu thương, trìu mến, là sự cảm thông, sẵn sàng chia sẻ và thái độ quý trọng con người. Và đây, trong cuộc đời ngổn ngang, bộn bề quanh ta, vẫn có những người cứ sáng chủ nhật lại đến làng trẻ mồ côi để lau dọn nhà, để giúp các em biết đọc thông viết thạo. Vẫn có những người dù vội vã đi làm nhưng vẫn dành ra mấy giây để dừng lại nhặt hộ cụ già chiếc mũ, vài phút thôi để đưa một bà lão sang đường hay giúp một người đi đường chẳng may ngã xe. Trong cuộc sống bên cạnh cái bão táp cuốn con người vào vòng xoáy bộn bề vẫn có những người bám trụ lại bên con người bằng lòng nhân ái, bằng tình yêu con người thực sự sâu sắc. Hãy dành ra trong những âm thanh bộn bề của cuộc sống một khoảng bình yên để lắng nghe tiếng ai đó đang cần bạn giúp đỡ. Và ta bỗng thấy yên lòng khi vẫn có người chờ đợi hoa cúc nở, khi ai đó trót vấp ngã vẫn có vô số những bàn tay sẵn sàng giơ ra.

Cuộc sống dần đã đổi thay, con người từ lũy tre làng bình yên hướng đến đại dương đầy sóng gió. Dù bạn đang trên chiếc thuyền băng băng tiến ra ngoài khơi ấy thì hãy đừng chỉ sống bằng ý chí của cái đầu lạnh mà hãy dành thời gian lắng nghe tiếng đập của trái tim mình. Hãy nhớ rằng: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương. Vô cảm không chỉ là bỏ ngoài tai tiếng thương của đồng loại mà là không biết cảm nhận những thanh âm thiên nhiên trong trẻo vô ngần của cuộc sống. Không biết lắng nghe một tiếng chim hót, không biết ngắm một giọt sương khẽ đậu trên lá hay không biết đến cả những phút giây đếm sao trời của đêm trăng sáng ấy là khi ta đang lạc bước vào vô cảm. Hãy để những hình ảnh của cuộc sống căng đầy vỗ vào trái tim mình. Hãy yêu thương ai đó cho đến khi cuộc sống không còn.

Tôi bỗng nhớ một bài thơ của Gar-xi-a Lor-ca, bài thơ Tạm biệt:

Nếu tôi chết đi

Xin cứ để ban công mở rộng

Em nhỏ đang ăn trái cam
Từ trên ban công tôi còn được thấy
Những người gặt mùa đi gặt lúa mì
Từ trên ban công tôi còn được nghe
Nếu tôi chết đi
Xin cứ để ban công rộng mở
.

Lòng yêu thương trang trọng vô ngần với cuộc sống sẽ khiến bạn yêu biết mấy những khung cảnh như bình dị. Hãy thoát khỏi cái kén dày vô cảm để cất cánh ra ngoài cuộc sống đầy yêu thương này.

Có lần tôi đã xem một bộ phim truyện ngắn của nước Mĩ nói về một người mẹ đã dũng cảm một mình đi tìm kiếm đứa con gái của mình trên một chiếc máy bay rất lớn. Không một ai giúp đỡ và còn coi cô ta bị điên. Nhưng kết thúc phim là hình ảnh bà mẹ bế đứa con bị đánh thuốc mê trên tay đi xuống sân ga. Tất cả đều tủi hổ với lời nói: “Chúng tôi thật sự xin lỗi”. Cuộc sống dần hiện đại, đừng đóng khép trái tim quá vội, đừng ích kỉ, bạc nhược một cách vô cảm. Câu chuyện của Nguyễn Minh Châu chính là những dòng thức tỉnh các lương tri còn quá vô cảm trên cuộc sống này.

Kết bài

Hôm nay tôi lắng nghe lời của cuộc sống gõ vào trái tim tôi. Tôi sẽ chìa tay ra cho những em thơ bơ vơ đói khổ, cho em vài đồng mình dành dụm được. Tôi sẽ vặn nhỏ đài đi hơn nữa trong đêm khuya để khỏi làm ảnh hưởng tới mọi người. Tôi cũng sẽ bình lặng lắng nghe chính mình để ước sao lòng nhân ái sẽ vượt lên tất cả nỗi vô cảm đáng sợ kia. Và, ngay lúc này đây, nếu có thể quay được thời gian, chúng ta hãy cùng nhau chạy mau ra sân ga Hàng Cỏ để được giúp đỡ bà mẹ đau khổ đang kêu gào thảm thiết kia!

Lâm Ngọc Minh Châu

Lớp 12 Văn – THPT chuyên Lê Quý Đôn – Vũng Tàu

Xem thêm những bài văn Nghị luận xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *