Đề thi tuyển sinh vào 10 môn Ngữ văn Nam Định 2019

Đề thi văn 9
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠONAM ĐNH

ĐỀ DỰ PHÒNG
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPTNĂM HỌC 2018 – 2019Bài thi: Ngữ văn.

 

(Thời gian làm bài: 120 phút)

Đề thi gồm: 02 trang

Phần I. Tiếng Việt(2,0 điểm)

Hãy viết chữ cái đứng trước phương án đúng mà em lựa chọn vào bài làm.

Câu 1: Phần gạch chân trong câu văn: “Dường như  vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ.” (Lê Minh Khuê) là thành phần nào của câu?

Thành phần tình thái. B. Thành phần gọi – đáp.

Thành phần cảm thán. D. Thành phần phụ chú.

Câu 2: Xác định quan hệ giữa các vế trong câu ghép: Vì bom nổ gần, Nho bị choáng?

Quan hệ nguyên nhân. B. Quan hệ tương phản.

Quan hệ điều kiện. D. Quan hệ nhượng bộ.

Câu 3: Tổ hợp nào dưới đây là tục ngữ?

Ăn ốc nói mò. B. Rồng đến nhà tôm.

Chó treo mèo đậy. D. Cây nhà lá vườn.

Câu 4: Trong giao tiếp, nói lạc đề là vi phạm phương châm hội thoại nào sau đây?

Phương châm về chất. B. Phương châm quan hệ.

Phương châm lịch sự. D. Phương châm cách thức.

Câu 5: Phần in đậm trong câu văn:Về các thể văn trong lĩnh vực văn nghệ, chúng ta có thể tin ở tiếng ta, không sợ nó thiếu giàu và đẹp.” (Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt) là thành phần nào của câu?

Trạng ngữ. B. Chủ ngữ.

Khởi ngữ. D. Vị ngữ.

Câu 6: Chỉ ra phép liên kết câu đã sử dụng trong đoạn văn: “Nho gác một cánh tay lên mặt. Nó cũng biết bây giờ không nên uống nước.” (Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi)?

Phép thế. B. Phép lặp.

Phép nối. D. Phép liên tưởng.

Câu 7: Từ chân nào dưới đây được dùng với nghĩa gốc?

Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.” (Ca dao)

Đề huề lưng túi gió trăng

Sau chân theo một vài thằng con con.” (Nguyễn Du)

Năm em học sinh lớp 9A có chân trong đội tuyển toán của nhà trường.

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.” (Nguyễn Du)

Câu 8: Trong câu thơ: “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng” (Nguyễn Du) đã sử dụng phép tu từ nào?

So sánh. B. Hoán dụ.

Ẩn dụ. D. Điệp từ.

Phần II: Đọc – hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Bản thân bạn – con người độc đáo nhất trên thế gian này. Bạn biết chăng, thế gian này có điều kỳ diệu, đó là không ai có thể là bản sao 100% của ai cả. Bởi thế, bạn là độc nhất, tôi cũng là độc nhất. Chúng ta đều là những con người độc nhất vô nhị, dù ta đẹp hay xấu, tài năng hay vô dụng, cao hay thấp, mập hay ốm, có năng khiếu ca nhạc hay chỉ biết gào như vịt đực…

           Vấn đề không phải là vịt hay thiên nga. Vịt có giá trị của vịt, cũng như thiên nga có giá trị của thiên nga. Vấn đề không phải là hơn hay kém, mà là sự riêng biệt. Và bạn phải biết trân trọng chính bản thân mình. Người khác có thể đóng góp cho xã hội bằng tài kinh doanh hay năng khiếu nghệ thuật, thì bạn có thể đóng góp cho xã hội bằng lòng nhiệt thành và sự lương thiện.”

(Phạm Lữ Ân – Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2 (0,5 điểm): Nêu nội dung của văn bản?

Câu 3 (1,0 điểm): Theo em, bài học ý nghĩa nhất rút ra từ văn bản trên là gì? Vì sao em cho là như thế ?

Phần III. Tập làm văn (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

            Hãy viết một đoạn văn từ 15 đến 20 câu bày tỏ suy nghĩ của em về sống có ích?

Câu 2 (4,0 điểm):

             Thơ là tiếng lòng” (Tố Hữu). Hãy lắng nghe “tiếng lòng” của nhà thơ Thanh Hải qua việc phân tích đoạn thơ sau:

…“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

 

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

 

Mùa xuân – ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.”

(“Mùa xuân nho nhỏ”, Ngữ văn 9, Tập hai, Nhà xuất bản Giáo dục – 2012)

 

———Hết———-

Họ và tên thí sinh:…………………………………………………………….………………………………..Số báo danh:……………………..

Họ, tên, chữ ký của GT1:…………………………………………………………………………………………………………………………………

Họ, tên, chữ ký của GT2:…………………………………………………………………………………………………………………………………

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT

Năm học: 2018-2019

Môn thi: Ngữ văn

(Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

 

Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm)

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án A A C B C A B C

 

Phần II: Đọc – hiểu văn bản (2,0 điểm)

Câu Nội dung Điểm
1 Phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn: nghị luận 0,5
2 Nội dung của văn bản: Trong mỗi con người đều tiềm ẩn những giá trị riêng, vì thế con người  cần  biết  trân trọng chính mình.

* Lưu ý: Chấp nhận lối diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, hoặc không trả lời thì không cho điểm.

0,5
3 Bài học ý nghĩa nhất:  Học sinh trả lời theo cảm nhận cá nhân một cách hợp lý. (0,5 điểm) Ví dụ: + Hãy trân trọng bản thân.

+ Hãy tự tin vào bản thân….

Sau đó lý giải một cách thuyết phục vì sao cho đó là bài học ý nghĩa nhất. (0,5 điểm).

1,0

 

Phần III. Tập làm văn (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Nội dung Điểm
*/ Yêu cầu về hình thức:

– Bài viết đảm bảo hình thức một đoạn văn; diễn đạt lưu loát, trong sáng; chữ viết sạch đẹp, không sai chính tả.

– Vận dụng linh hoạt các thao tác nghị luận: giải thích, chứng minh, phân tích, …; lập luận chặt chẽ thuyết phục

 

0,25

*/ Yêu cầu về nội dung: Sau đây là một số gợi ý mang tính định hướng:

– Giải thích:  Sống có ích là sống có mục đích, lí tưởng tốt đẹp, có những hành động, việc làm, tình cảm đem lại hiệu quả thiết thực cho cá nhân cũng như cộng đồng. Người sống có ích là người sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, biết sống vì mọi người.

 

 

0,5

–  Bàn luận:

+ Sống có ích là lối sống đẹp, đáng trân trọng vì nó đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân và mọi người; giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách, biết hi sinh cái tôi, quan tâm giúp đỡ mọi người.

+ Học sinh cho ví dụ minh họa.

+ Phê phán một số người sống không có mục đích, lí tưởng; lười nhác, ỷ lại, ích kỉ, vụ lợi, vô trách nhiệm với người thân, thậm chí có những người còn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

1,0
– Bài học nhận thức và hành động, liên hệ bản thân:

+ Chúng ta phải ý thức rõ sự đúng đắn, tốt đẹp của sống có ích để từ đó luôn cố gắng sống tích cực, góp phần làm đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội.

0,25

 

 

 

 

Câu 2 (4,0 điểm):

Nội dung Điểm
*/. Yêu cầu chung:

Học sinh biết cách vận dụng kiến thức, kĩ năng, các thao tác lập luận để giải quyết vấn đề nghị luận một cách hợp lý, thuyết phục.

 
*/. Yêu cầu cụ thể:

1. Yêu cầu về kĩ năng tạo lập văn bản:

– Vận dụng tốt các thao tác nghị luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận,… trong bài văn nghị luận văn học; trích dẫn dẫn chứng chính xác.

– Bài viết đảm bảo bố cục 3 phần; trình bày sạch sẽ; diễn đạt lưu loát, không sai hoặc chỉ sai dưới 3 lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ, đặt câu.

 

 

0,25

2. Yêu cầu về nội dung: HS có thể triển khai theo những cách khác nhau song bài viết cần đảm bảo các yêu cầu sau:

– Giới thiệu vấn đề: Thơ là tiếng nói của tình cảm, là tiếng lòng của người làm thơ. “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng của Thanh Hải gửi lại cuộc đời trước lúc đi xa. Bài thơ được viết vào tháng 11 – 1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời. Đó là tiếng nói bộc lộ tình cảm yêu mến, gắn bó thiết tha với cuộc đời, với quê hương, đất nước. Đoạn thơ là ước nguyện chân thành, là lời tâm niệm thể hiện tiếng lòng ấy của tác giả.

 

 

 

0,5

– Giải thích ý kiến:

+ Tiếng lòng ở đây được hiểu là tiếng nói của tâm hồn, là tâm tư tình cảm, cảm xúc của người viết.

+ Tố Hữu đã đề cập tới đặc trưng cơ bản nhất của thơ: tiếng nói của tình cảm.

0,25
– Phân tích làm sáng tỏ “tiếng lòng” của Thanh Hải qua đoạn thơ:

+ Đó là tiếng lòng khát khao hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân, đất nước; đem cái riêng của mình hòa vào với cái chung: Nhà thơ muốn làm “con chim”, “cành hoa”, “nốt trầm xao xuyến” để đem đến những âm thanh, màu sắc, hương thơm cho đời. (HS phân tích khổ thơ 1)

+ Tiếng lòng khát khao hòa nhập ấy được đẩy lên cao trở thành một lẽ sống cao đẹp, lẽ sống cống hiến và hi sinh: Nhà thơ nguyện làm một “mùa xuân nho nhỏ”, nguyện đem phần nhỏ bé nhưng đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất cống hiến cho đất nước; nguyện sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình để hiến dâng cho cuộc đời chung. Dù là “tuổi hai mươi” hay là “khi tóc bạc” nhà thơ đều nguyện sống với tâm niệm của mình – “lặng lẽ dâng cho đời”. (HS phân tích khổ thơ 2)

+ Tiếng lòng yêu quê hương, đất nước lắng vào câu ca xứ Huế: Tác giả xin cất lên câu “Nam ai, Nam bình” của quê hương xứ Huế để hát “nước non ngàn dặm”, hát lên khát vọng và tình yêu. Lời thơ thể hiện ân tình sâu nặng, sự gắn bó với vẻ đẹp tâm hồn của quê hương xứ sở, gắn bó với đất nước. Đồng thời, tác giả cũng thể hiện niềm tin yêu vào cuộc đời. (đặt trong hoàn cảnh sáng tác bài thơ) (HS phân tích khổ thơ kết)

2,0
– Nghệ thuật thể hiện tiếng lòng:

+ Cấu tứ chặt chẽ theo kiểu đầu cuối tương ứng. Sự chuyển đổi cách xưng hô (ở đầu bài là tôi, ở đoạn này là ta).

     + Nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ: Những hình ảnh đẹp của thiên nhiên cũng là những hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng xuất hiện ở đầu tác phẩm và được lặp lại trong đoạn thơ để thể hiện tiếng lòng của tác giả: “con chim”, “cành hoa”, “mùa xuân”,.. Hoán dụ: “tuổi hai mươi”, “khi tóc bạc”,…

+ Nghệ thuật điệp (điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc): “Ta”, “ta làm”, “dù là”, “nước non ngàn dặm”… vừa tạo tính nhạc vừa nhấn mạnh vào cảm xúc chân thành của nhà thơ.

+ Từ ngữ biểu cảm: từ láy: “nho nhỏ”, “lặng lẽ”; số từ “một”; giọng thơ nhỏ nhẹ, khiêm nhường;  ngôn ngữ thơ giản dị, có sức gợi…

0,5
– Đánh giá, mở rộng:

+ Khẳng định: người làm thơ cần có tài năng nhưng cái gốc của thơ vẫn là tình cảm.

+ Với thể thơ 5 chữ, hình ảnh thơ đẹp, giản dị; ngôn ngữ thơ trong sáng, giàu nhạc điệu; kết hợp linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ, điệp… đoạn thơ thể hiện xúc động tiếng lòng tác giả. Đó là khát vọng cao đẹp, là lẽ sống cống hiến, hi sinh, là trái tim yêu tha thiết đất nước, quê hương. Tiếng lòng của Thanh Hải cũng chính là tiếng lòng của triệu triệu trái tim con người Việt Nam.

+ Tiếng lòng nhà thơ đã hòa cùng tiếng lòng của bao thế hệ. Ta từng bắt gặp nhiệt tình cống hiến ấy ở những người lái xe trong “Bài  thơ  về  tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, ở anh thanh niên và những con người làm việc âm thầm cho đất nước trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long…Tố Hữu cũng từng tâm sự: “Nếu là con chim, chiếc lá / Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh / Lẽ nào vay mà không trả / Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”…

0,5

*/. Thang điểm:

– Từ 3,0 – 4,0 điểm: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có kĩ năng nghị luận, giải thích tốt, phân tích có định hướng. Cách triển khai ý rõ ràng, có sức thuyết phục, diễn đạt trôi chảy.

– Từ 2,0 – 2,75 điểm: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên, có kĩ năng nghị luận, có giải thích, phân tích có định hướng nhưng chưa rõ nét. Diễn đạt mạch lạc, còn mắc một vài lỗi diễn đạt, chính tả.

*/ Lưu ý: Học sinh chỉ phân tích đoạn thơ một cách đơn thuần:cho tối đa 2,0 điểm.

– Từ 1,0 – 1,75 điểm: Hệ thống ý chưa thật đầy đủ hoặc còn có ý triển khai chưa rõ ràng, chưa thuyết phục. Còn mắc lỗi về diễn đạt, chính tả, câu.

– Từ 0,25 – 0,75 điểm: Chưa hiểu thấu đáo, thiếu nhiều ý, triển khai không rõ ràng, phân tích sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, viết câu, chính tả.

– Điểm 0: Làm sai hoàn toàn hoặc không làm bài.

 

*/. Lưu ý chung:

– Sau khi chấm điểm từng câu, giám khảo cân nhắc để cho điểm toàn bài một cách hợp lí, đảm bảo đánh giá đúng trình độ thí sinh, khuyến khích sự sáng tạo.

– Điểm toàn bài lẻ đến 0,25 điểm, không làm tròn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *