Đề thi chọn đội tuyển HSG tỉnh Nam Định

Đề thi văn 9
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

NAM ĐỊNH

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2014-2015

Môn: NGỮ VĂN – Lớp 9

Thời gian làm bài: 150 phút

(Đề thi gồm 01 trang)

 

Câu 1 (4,0 điểm)

… Sương mù là một nét phong vận riêng của sông Hương, xuất hiện khoảng cuối năm đến đầu hạ, vào tinh mơ, cuối chiều và những đêm trăng lạnh; cũng nhiều khi ghé lại bất ngờ như một gã lãng du. Nhiều tháng dài thành phố xưa hư ảo trong sương; dòng sông mịt mùng trôi trong cơn mê dài, chỉ còn những ánh lửa thuyền chài lay động ý thức giữa cõi thực và cõi mộng. Người ta ngồi nói chuyện với nhau trong khoang thuyền chỉ lờ mờ nhìn thấy mặt nhau qua màn sương, trong khi bên ngoài những nét cong mềm của cầu Trường Tiền, những mái lầu đội nón của hoàng thành và những cây bàng, cây bồ đề trụi hết lá hai bên sông đều nhạt nhòa đi thành những nét xuất thần trên một bức tranh lụa cổ. (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Sử thi buồn)

  1. Trong đoạn văn có những biện pháp tu từ nào? Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó. (2,0 điểm)
  2. Nhận xét cách sử dụng câu trong đoạn văn và tác dụng của cách sử dụng đó. (1,0 điểm)
  3. Viết một đoạn văn từ 3 đến 5 câu về Vẻ đẹp của sông Hương, trong đó có câu chứa thành phần phụ chú (chỉ rõ thành phần phụ chú). (1,0 điểm)

Câu 2 (6,0 điểm)

Hãy sống ở thể chủ động, tránh  xa thể thụ  động, nghĩ nhiều đến những gì mà bạn có khả năng làm được hơn là những gì có thể xảy đến cho bạn.

            Hãy sống ở ngôi thứ nhất, nghiêm khắc tự kiểm điểm mình hơn là đi bới móc những sai sót, lỗi lầm của người khác.

Và nếu như phải chọn một động từ thì hãy chọn lấy động từ yêu thương.

(Theo Quà tặng cuộc sống, NXB Trẻ)

Em tâm đắc nhất với lời khuyên nào trong ba lời khuyên trên đây? Chia sẻ suy nghĩ của em về lời khuyên đó bằng một đoạn văn.

Câu 3 (10,0 điểm)

Trong truyện ngắn, nhà văn thường dụng công xây dựng tình huống truyện nhằm thể hiện sâu sắc tâm trạng, tính cách nhân vật.

Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua truyện ngắn Làng của Kim Lân và Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

 

———-Hết———-

 

 

Họ và tên thí sinh:……………………………Họ, tên chữ ký GT1:……….………………………….

Số báo danh:………………………………… Họ, tên chữ ký GT2:………..…………………………

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

NAM ĐỊNH

HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI

NĂM HỌC 2014-2015

Môn: NGỮ VĂN – Lớp 9

Thời gian làm bài: 150 phút

(Đề thi gồm 02 trang)

Câu 1 (4,0 điểm)

  1. Biện pháp tu từ và hiệu quả nghệ thuật (2,0 điểm)

– Biện pháp so sánh:

+ Sương mù “ghé lại bất ngờ như gã lãng du”; những nét cong của cầu Trường Tiền, những mái lầu của hoàng thành và những cây bàng, cây bồ đề hai bên sông “đều nhạt nhòa đi thành những nét xuất thần trên một bức tranh lụa cổ.” (0,5 điểm)

+ Hiệu quả nghệ thuật: gợi  vẻ đẹp bất chợt sương mù mang đến cho sông Hương; gợi cái huyền ảo, trầm mặc của Huế qua làn sương. (0,5 điểm)

– Biện pháp nhân hóa:

+ Dòng sông “mịt mùng trôi trong cơn mê dài”; ánh lửa“ lay động ý thức giữa cõi thực và cõi mộng” (0,5 điểm)

+ Hiệu quả nghệ thuật: gợi những nét cảnh Huế thấm đẫm hồn người, mang tâm tình con người đang đắm mình trong thế giới vừa thực vừa mộng bởi sương khói. (0,5 điểm)

  1. Nhận xét câu văn và tác dụng (1,0 điểm)

– Câu văn dài, nhiều vế, nhịp chậm (0,5 điểm)

– Kiểu câu văn trên góp phần thể hiện vẻ đẹp hiền hòa, yên tĩnh, đầy hư  ảo của sông Hương trong sương.(0,5 điểm)

  1. Viết đoạn có câu chứa thành phần phụ chú (1,0 điểm)

– Nội dung: viết đúng chủ đề, thể hiện thái độ đúng, khách quan (0,5 điểm)

– Hình thức : viết đúng câu có thành phần phụ chú, đủ số câu (0,5 điểm)

* Nếu viết không đủ số câu yêu cầu trừ 0,25 điểm, viết không đúng câu có thành phần phụ chú trừ 0,5 điểm.

Câu 2 (6,0 điểm)

Đây là một đề mở, học sinh có thể lựa chọn một trong ba lời khuyên để bày tỏ quan điểm. Dưới đây là những gợi ý triển khai với tất cả các lựa chọn của học sinh, trong một bài làm cụ thể chỉ lấy nội dung ứng với lời khuyên lựa chọn.

  1. Lựa chọn và giải thích lời khuyên

– Thông qua cách nói ấn tượng (dùng các thuật ngữ ngôn ngữ : thể chủ động, thể thụ động, ngôi thứ nhất, động từ…), văn bản đã nêu ra lời khuyên về cách sống, cách ứng xử với bản thân, với những người xung quanh.

– Nội dung của lời khuyên

Lời khuyên thứ nhất:  Sống một cách tích cực, chủ động, không ngồi chờ những điều mình mong muốn tự đến.

Lời khuyên thứ hai: Sống là chính mình, nghiêm khắc với bản thân

Lời khuyên thứ ba: Sống để yêu thương (yêu mình và mọi người…)

  1. Bàn luận về bài học lựa chọn

– Lời khuyên thứ nhất

+ Phải sống tích cực, chủ động: bản chất cuộc sống luôn vận động không ngừng, không chủ động tiến về phía trước chính là thụt lùi; sống chủ động, tích cực mang đến cho mỗi người nhiều cơ hội trong cuộc sống…

+ Biểu hiện của cách sống chủ động tích cực

+ Sống tích cực, chủ động nhưng không sống vội vàng, sống gấp (tiêu cực)

– Lời khuyên thứ hai

+ Phải sống là chính mình: cách sống mang lại cho con người sự tự tin, chủ động; con người được phát huy hết khả năng của mình; nghiêm khắc với bản thân con người sẽ khắc phục được những hạn chế để trưởng thành, thành công trong cuộc sống; không dễ bị sa ngã…

+ Biểu hiện cách sống là chính mình

+ Sống là chính mình nhưng không hoàn toàn đối lập với mọi người xung quanh; sống nghiêm khắc với mình nhưng không quá khắc kỉ, khô khan.

– Lời khuyên thứ ba

+ Phải biết yêu thương: bản chất cuộc sống nhiều khó khăn, bất trắc, tình thương mang lại sức mạnh tinh thần lớn lao cho con người;  con người sống biết yêu thương sẽ tìm được sự thanh thản của tâm hồn, tìm thấy được niềm vui,hạnh phúc cho bản thân; khi cho yêu thương con người sẽ được nhận lại điều tốt đẹp; xã hội văn minh là xã hội không thể thiếu vắng tình thương…

+ Biểu hiện của cách sống biết yêu thương, có tình thương

+ Sống biết yêu thương nhưng phải đặt tình thương đúng lúc, đúng chỗ; sống giàu yêu thương là lối sống cảm xúc nhưng cũng cần biết sống lí trí…

  1. Bài học rút ra

– Nhận thức về ý nghĩa của lối sống đó.

– Những điều cần có, cần làm để sống như vậy.

– Liên hệ với suy nghĩ và hành động của bản thân.

Lưu ý: đề bài không hạn định số câu, học sinh cần biết cân đối cho phù hợp với yêu cầu của đề, không viết đúng một đoạn văn trừ 0,5 điểm

Cách cho điểm:

– Điểm từ 5,0 đến 6,0: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng tiêu biểu, văn giàu cảm xúc, có giọng điệu riêng.

– Điểm từ 3,0 đến dưới 5,0: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên, đã biết vận dụng thao tác lập luận, có dẫn chứng, còn mắc một vài lỗi diễn đạt, chính tả

– Điểm từ  0,5 đến dưới 3,0: Hiểu vấn đề cần nghị luận nhưng chưa biết lập luận, còn mắc lỗi diễn đạt, chính tả.

– Điểm 0: không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.

Câu 3 (10,0 điểm)

  1. Kĩ năng

Nắm vững cách làm bài nghị luận văn học.

Kết cấu bài viết chặt chẽ.

Diễn đạt lưu loát, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc.

  1. Kiến thức
  2. Giới thiệu vấn đề nghị luận (0,5 điểm)
  3. Giải thích ý kiến (1,0 điểm)

Ý kiến khảng định

+ Tình huống truyện có vị trí quan trọng trong truyện ngắn. Sức hấp dẫn của tác phẩm trước hết ở những tình huống độc đáo, thể hiện tài năng, công phu của tác giả.

+ Vai trò quan trọng của tình huống truyện là khắc họa rõ nét tâm trạng, tính cách nhân vật.

* Nếu HS thể hiện hiểu rõ khái niệm tình huống truyện có thể cho điểm khuyến khích tối đa 0,5 điểm

  1. Phân tích, chứng minh (7,0 điểm)

3.1. Truyện ngắn Làng của Kim Lân (3,5 điểm)

 – Tình huống: ông Hai, một người nông dân yêu làng, tự hào về làng của mình bỗng nghe tin làng chợ Dầu của ông theo giặc, lập tề từ chính những người tản cư từ dưới xuôi

Tình huống truyện đã thể hiện sâu sắc diễn biến và chiều sâu tâm trạng nhân vật ông Hai:

+ Khi vừa nghe tin: sững sờ khi nghe tin Cổ họng ông nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, khi trấn tĩnh được phần nào vẫn còn cố chưa tin cái tin ấy, khi nghe những người tản cư kể lại rành rọt, không thể không tin…

+ Tin dữ xâm chiếm, ám ảnh, day dứt ở mọi lúc, biến thành sự sợ hãi thường xuyên: nghe tiếng chửi bọn Việt gian, cúi gằm mặt xuống mà đi, về nhà nằm vật ra giường, tủi thân khi nhìn đàn con Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?, hôm sau không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà…

+ Đặc biệt tâm trạng trong cuộc trò chuyện với con: trút nỗi lòng mình sâu xa, bền chặt, chân thành của mình với quê hương, đất nước, cách mạng, kháng chiến bằng những lời thủ thỉ tâm sự với đứa con ngây thơ.

– Từ tình huống đó, tính cách của ông Hai được thể hiện:

+ Có tình yêu sâu nặng với làng của mình: yêu làng nên tủi hổ, đau xót khi làng theo Tây

+ Có tình cảm sâu nặng, bền vững và thiêng liêng với kháng chiến, cách mạng, Bác Hồ.

3.2. Truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng (3,5 điểm)

  1. Tình huống thứ nhất

– Tình huống hai cha con gặp nhau sau tám năm xa cách nhưng bé Thu không nhận cha, đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi.

– Qua tình huống thể hiện tính cách nhân vật bé Thu: đứa trẻ cứng cỏi, hồn nhiên, ngây thơ và giàu tình cảm với cha

+ Khi chưa nhận ra cha: ngờ vực, lảng tránh, lạnh nhạt, xa cách, thể hiện thái độ đúng với tính cách (hốt hoảng, mặt tái đi, vụt chạy, kêu thét lên khi mới gặp ông Sáu, gọi trống không; nhất định không chịu ngờ ông chắt nồi cơm to đang sôi, hất cái trứng cá mà ông gắp cho, khi bị đánh thì bỏ về nhà ngoại, xuống xuồng còn cố ý khua dây cột xuồng “rổn rảng” thật to…)

+ Khi đã nhận ra người cha, thái độ và hành động đột ngột thay đổi hoàn toàn: cất tiếng gọi ba, vừa kêu vừa chạy xô tới, ôm chặt cổ ba, hôn lên tóc, hôn vai và cả vết thẹo, vai nó run run…được nghe bà giải thích vết thẹo thì sự nghi ngờ bấy lâu đã được giải tỏa và em thấy ân hận hối tiếc, trong giờ phút chia tay với cha, tình yêu nỗi mong nhớ bật ra mạnh mẽ hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự hối hận

  1. Tình huống thứ hai

– Tình huống ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình thương yêu và mong nhớ đứa con vào việc làm cây lược ngà để tặng con, nhưng ông đã hi sinh khi chưa trao món quà ấy cho con gái.

– Qua tình huống đó thấy ông Sáu là người cha thương con:  nỗi day dứt ân hận vì đã đánh con; vui mừng, sung sướng rồi dành hết tâm trí, công sức vào vào việc làm cây lược; gửi gắm tất cả những yêu thương, mong đợi của người cha với đứa con xa cách vào chiếc lược; giây phút cuối cùng trong cuộc đời vẫn hướng về con (không đủ sức trăng trối vẫn gửi lại chiếc lược cho con…)

  1. Đánh giá (1,5 điểm)

– Giá trị nghệ thuật của truyện ngắn nói chung và ở 2 truyện ngắn trên nói riêng không chỉ ở tình huống truyện mà còn ở nhiều yếu tố khác: ở  nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, ở cách trần thuật(lựa chọn nhân vật kể chuyện thích hợp, hoặc sử dụng những chi tiết sinh hoạt đời sống hàng ngày xen vào mạch tâm trạng…), ở cách sử dụng ngôn ngữ (ví dụ: ngôn ngữ của Kim Lân – ngôn ngữ nhân vật sinh động, giàu tính khẩu ngữ, thể hiện cá tính của từng nhân vật…); tình huống truyện: ngoài ý nghĩa khắc họa tính cách, thể hiện tâm trạng nhân vật còn giúp cho cốt truyện phát triển tự nhiên, thể hiện được tư tưởng chủ đề của tác phẩm…

– Cả hai truyện ngắn đều chú trọng vào tình huống truyện song mỗi tình huống lại mang nhưng nét độc đáo, in dấu phong cách nghệ thuật của từng nhà văn.

– Ý kiến là một gợi ý cho nhà văn và độc giả: nhà văn cần tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật viết truyện; người đọc biết cách đọc một truyện ngắn từ tình huống truyện.

 

III. Cách cho điểm:

– Điểm từ 8,0 đến 10,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, kiến thức phong phú, hành văn lưu loát, văn phong giàu hình ảnh, cảm xúc, bài viết có những sáng tạo và kiến giải riêng độc đáo.

– Điểm từ  6,0- đến dưới 8,0: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên nhưng phần giải thích ý kiến còn vụng về, sơ lược hoặc phần phân tích, chứng minh theo định hướng chưa thật tốt. Có thể còn một số sai sót về diễn đạt.

– Điểm từ 4,0 đến dưới 6,0: Đáp ứng cơ bản các yêu cầu trên nhưng phần giải thích ý kiến và phân tích, chứng minh ý kiến theo định hướng đều chưa thật tốt còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.

– Điểm từ 2,0 đến dưới 4,0: Đáp ứng khoảng một nửa yêu cầu của đề bài, văn nghèo cảm xúc

– Điểm từ 0,5 đến dưới 2,0: Không hiểu đề hoặc bài viết có ý nhưng sơ lược, chưa làm nổi bật vấn đề, mắc nhiều lỗi diễn đạt

– Điểm 0: Không làm bài.

Lưu ý:

   + Người chấm tránh đếm ý cho điểm, cân nhắc toàn bài để đánh giá. 

   + Những cách kết cấu bài làm, ý sáng tạo, kiến giải riêng hợp lí, thuyết phục đều được chấp nhận và khuyến khích

   + Thang điểm trên đây ghi điểm tối đa cho mỗi phần. Nếu thí sinh chưa đáp ứng được những yêu cầu về kĩ năng làm bài tốt thì không thể đạt được số điểm tối đa này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *