Đề thi thử THPTQG năm 2018 Môn Ngữ Văn – Đề 06 (có lời giải)

Đề thi THPT Quốc Gia

ĐỀ BÀI

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn. Nhưng hãy đừng mất lòng tin. Tôi biết chắc chắn rằng, điều duy nhất đã giúp tôi tiếp tục bước đi chính là tình yêu của tôi dành cho những gì tôi đã làm. Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý. Điều đó luôn đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời. Và cách để tạo ra những công việc tuyệt vời là bạn hãy yêu việc mình làm. Nếu như các bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng bỏ cuộc bởi vì bằng trái tim bạn, bạn sẽ biết khi bạn tìm thấy nó. Và cũng sẽ giống như bất kì một mối quan hệ nào, nó sẽ trở nên tốt dần lên khi năm tháng qua đi. Vì vậy hấy cố gắng tìm kiểm cho đến khi nào bạn tìm ra được tình yêu của mình, đừng từ bỏ.

 (Trích Steve Jobs với những phát ngôn đáng nhớ, theo http://www.vnexpress.net, ngày 26/8/2011)

Câu 1: Chỉ ra ít nhất 05 cụm từ trong đoạn trích thể hiện tính chất kêu gọi, động , viên, khích lệ.

Câu 2: Anh/ Chị hiểu thế nào về câu: “Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn.”?

Câu 3: Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý.”?

Câu 4: Thông điệp nào từ đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/ chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1:  (2.0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Steve Jobs được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: Cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời.

Câu 2: (5.0 điểm)

Phân tích vẻ đẹp vừa hùng vĩ, dữ dội vừa mĩ lệ, nên thơ của thiên nhiên núi rừng miền Tây trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

GỢI Ý – HƯỚNG DẪN

I ĐỌC HIỂU

Câu 1: HS nêu được 05 trong số các cụm từ: “đừng mất lòng tin”, “đừng bỏ cuộc”, “hãy cό gắng”, “hãy tiếp tục”, “hãy yêu việc mình làm”, “đừng từ bỏ”…

Câu 2: HS trình bày cách hiểu của mình một cách hợp lí, thuyết phục. Tham khảo các cách trả lời sau:

– Câu nói cho thấy trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn thất bại.

– Câu nói cho thấy trong cuộc sống, đôi khi có những khó khăn khách quan bất ngờ xảy ra khiến chúng ta thất bại.

Câu 3: Tham khảo cách trả lời sau:

Mỗi người cần phải tìm ra được cái mình yêu quý – đó có thể là một công việc hoặc một con người. Đó là công việc/ con người mà chúng ta thích thú, đam mê, theo đuổi và tin tưởng là tuyệt vời. Chỉ khi đó chúng ta mới có động lực để làm việc hoặc sống có trách nhiệm hơn.

Câu 4: HS trình bày hợp lí, thuyết phục về thông điệp của đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với mình. Tham khảo một số thông điệp sau:

– Phải luôn có lòng tin vào những việc mình làm.

– Phải yêu quý những công việc mình làm.

– Không được bỏ cuộc khi thất bại.

– Hãy kiên trì và cố gắng liên tục.

II. LÀM VĂN

Câu 1:  Viết đoạn văn nghị luận, khoảng 200 chữ (theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp hoặc tổng – phân – hợp,…); Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời); thể hiện quan điểm về vấn đề cần nghị luận bằng cách giải thích ý kiến, nêu cảm nhận hoặc bình luận về ý kiến (thể hiện sự đồng tình/ phản đối/ vừa đồng tình, vừa phản đối,…); lí lẽ và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Chẳng hạn, nếu bình luận về ý kiến, có thể theo các hướng sau:

– Đồng tình với ý kiến: lập luận cần theo hướng khẳng định niềm tin, tình yêu đối với công việc (tin rằng đó là những việc tuyệt vời) sẽ là động lực mạnh mẽ để mỗi người vượt qua những khó khăn, trở ngại (bao gồm cả những yếu tố khách quan và chủ quan) để thành công. Người ta không thể thành công nếu không có niềm tin vào công việc và không tin đó là việc tốt (tuyệt vời).

– Phản đối ý kiến: lập luận cần theo hướng để thành công trong công việc, nếu chỉ có niềm tin, tình yêu thôi thì chưa đủ, cần phải có hiểu biết kiến thức về công việc, kĩ năng và kĩ xảo để thực hiện công việc đó, ngoài ra, các yếu tố khách quan và sự may mắn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của mỗi người trong công việc.

– Vừa đồng tình, vừa phản đối ý kiến: kết hợp hai cách lập luận trên.

Câu 2: Viết bài văn nghị luận, có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài; xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp vừa hùng vĩ, dữ dội vừa mĩ lệ, nên thơ của thiên nhiên núi rừng miền Tây trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, có sáng tạo trong diễn đạt, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Có thể trình bày theo định hướng sau:

a) Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm

– Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Ở phương diện thơ ca, Quang Dũng là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình.

– Tây Tiến là bài thơ thể hiện tập trung nhất những nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của Quang Dũng. Bài thơ được coi là một kiệt tác về đề tài người lính thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong bài thơ, với cảm hứng lãng mạn bay bổng mà vẫn đậm chất hiện thực, Quang Dũng đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên nền cảnh thiên nhiên của núi rừng miền Tây: vừa hùng vĩ, dữ dội vừa mĩ lệ, nên thơ.

b) Phân tích vẻ đẹp vừa hùng vĩ, dữ dội vừa mĩ lệ, nên thơ của thiên nhiên núi rừng miền Tây trong bài thơ Tây Tiến:

– Giải thích vẻ đẹp “hùng vĩ, dữ dội”: rộng lớn, gây được ấn tượng mạnh mẽ và đáng sợ; “mĩ lệ, nên thơ”: quyến rũ, huyền ао.

– Phân tích các căn cứ để làm rõ vẻ đẹp “hùng vĩ, dữ dội” và “mĩ lệ, nên thơ” của thiên nhiên núi rừng miền Tây trong bài thơ Tây Tiến:

+ Vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của thiên nhiên núi rừng miền Tây chủ yếu được thể hiện trong các câu thơ tả sương núi dày đặc, dốc núi hiểm trở và Sự hoang Sơ, bí hiểm của núi rừng như: Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi, Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

– Heo hút cồn mây súng ngủi trời

– Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống; Chiều chiều oai linh thác gầm thét

– Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

+ Vẻ đẹp mĩ lệ, nên thơ của thiên nhiên núi rừng miền Tây chủ yếu được thể hiện trong các câu thơ miêu tả hoa, mưa rừng, chiều sương,… như: Mường Lát hoa về trong đêm hơi; Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi; Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

– Có thấy hồn lau nẻo bến bờ; Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

c) Nhận xét, đánh giá:

– Nhà thơ đã khắc hoạ vẻ đẹp vừa hùng Vĩ, dữ dội vừa mĩ lệ, nên thơ của thiên nhiên núi rừng miền Tây bằng bút pháp hiện thực kết hợp với bút pháp lãng mạn.

– Khắc hoạ thiên nhiên miền Tây, nhà thơ không chỉ mang đến cho người đọc một bức tranh về núi rừng hiểm trở và dữ dội, hùng vĩ và mĩ lệ mà còn gián tiếp cho thấy hình tượng người lính Tây Tiến với sức mạnh hào hùng, vẻ đẹp hào hoa và lãng mạn. Thiên nhiên là cái nền cảnh để nhà thơ làm nổi bật hình tượng người lính.

– Vẻ đẹp vừa “hùng vĩ, dữ dội” vừa “mĩ lệ, nên thơ” của thiên nhiên núi rừng miền Tây là một trong những nét làm nên giá trị của bài thơ và góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật thơ Quang Dũng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *