Đề thi thử THPTQG Năm 2018 Môn Ngữ Văn – Đề 04 (Có lời giải)

Đề thi THPT Quốc Gia

ĐỀ BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Vị của Tổ quốc

Nếu Tổ quốc tôi có một hương vị, nếu tôi có thể nâng niu bằng hai bàn tay và đặt môi hôn, tôi nghĩ rằng nó sẽ có vị mặn.

Vị mặn của biển bởi khi ông nội tôi xa quê thèm món cá khô.

Vị mặn trong không khí của những miền duyên hải lộng gió làm tâm hồn người đằm lại.

Vị mặn của sữa mẹ khi em bé vội vàng bập vào bầu vú còn đẫm mồ hôi của buổi làm đồng.

Vị mặn của bát nước mắm chấm chung trong mâm cơm đại gia đình.

Vị mặn của hạt muối miền xuôi cần cù gửi lên miền ngược.

Vị mặn của máu những người trai trẻ năm xưa đổ xuống cho một dải đất sau hai mươi năm chia cắt được nối liền.

Vị mặn của nước mắt bà tôi trong những năm tháng chiến tranh khóc ông tôi, khóc bác tôi, chú tôi, những người ra trận rồi khộng trở về, nước mắt chảy xuôi trên má, lăn xuống bộ ngực nhăn nheo, nước mắt chảy ngược vào trong, lặn vào tim, làm trái tim nặng trĩu…

Đất nước này mặn, nước non này mặn…

Xứ sở của chúng ta nóng bỏng, nước biển bốc hơi để lại vị mặn, vị thịt da của con người lao động cũng mặn vị mồ hôi. Nước da mặn mòi, nụ cười mặn mòi, đến tình yêu cũng mặn nồng. Trong ngôn ngữ của chúng ta, mặn là đẹp, là hay.

Bát cơm thơm, cây cầu mới, chiếc cúp vàng, bộ phim hay, với tôi đều mặn.

Với tôi, Tổ quốc Việt Nam thật mặn!

(Theo Gửi bé Bống ở xứ sở niềm vui – Ngô Thị Phú Bình, NXB Kim Đồng, 2016, tr.63-65)

Câu 1. Theo bài viết, vì đâu Tổ quốc có “vị mặn”?

Câu 2. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Đất nước này mặn, nước non này mặn.

Câu 3. Nêu cách hiểu của anh/chị về câu văn in đậm.

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với cảm nhận của “tôi” về “hương vị” của Tổ quốc không? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Câu 1. Từ văn bản thuộc phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh, trình bày suy nghĩ của anh/chị về vị mặn của máu những người trai trẻ năm xưa đổ xuống cho một dải đất sau hai mươi năm chia cắt được nối liền.

Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của sông Hương (Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường) qua đoạn trích bên dưới. Trong đoạn này, cảm nhận nào của Hoàng Phủ Ngọc Tường về dòng sông khiến anh/chị ấn tượng nhất? Vì sao?

Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa dòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình đầy gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường

theo Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.198)

GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

Theo bài viết, “vị mặn” của Tổ quốc được mang đến từ vị mặn của biển khơi, từ không khí của những miền duyên hải lộng gió, từ mồ hôi mẹ, từ bát nước mắm chấm chung trong mâm cơm, từ hạt muối, từ máu của những người lính trẻ hi sinh vì Tổ quốc, từ nước mắt của bà…

Câu 2

Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Ẩn dụ.

Câu 3

Câu văn: Với tôi, Tổ quốc Việt Nam thật mặn! vừa thể hiện nhận thức, sự thấu hiểu của người viết về một đất nước dung dị, gần gũi, tuy còn lam lũ, gian lao nhưng nồng đượm tình yêu thương; vừa thể hiện mối đồng cảm, trân trọng dành cho quê hương.

Câu 4

Thí sinh bày tỏ thái độ đồng tình hoặc không đồng tình với cảm nhận của “tôi” về “hương vị” của Tổ quốc, đồng thời lí giải thuyết phục lí do đồng tình hoặc không đồng tình.

II. LÀM VĂN

Câu 1

Trên cơ sở những hiểu biết về văn bản thuộc phần Đọc hiểu, thí sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề cần nghị luận (vị mặn của máu những người trai trẻ năm xưa đổ xuống cho một dải đất sau hai mươi năm chia cắt được nối liền) theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Thí sinh có thể viết đoạn văn (khoảng 200 chữ, tương đương 2/3 trang giấy thi), trong đó vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh, theo hướng:

Vị mặn của máu những người trai trẻ năm xưa đổ xuống là cảm nhận về sự hi sinh của những thanh niên để đất nước được thống nhất.

Vị mặn đó là kết tinh của tình yêu Tổ quốc, của lòng dũng cảm, của quyết tâm chiến đấu để bảo vệ đất nước; vị mặn đó là động lực thôi thúc những người trẻ hôm nay biết sống xứng đáng với cuộc đời…

– Bày tỏ sự trân trọng, biết ơn đối với sự hi sinh của những người trai trẻ để làm nên đất nước yên bình hôm nay…

Câu 2

Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường và tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?, thí sinh có thể cảm nhận về đoạn trích theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Dưới đây là một số gợi ý:

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

– Hoàng Phủ Ngọc Tường quê gốc ở Quảng Trị nhưng sống và học tập, hoạt động ở Huế, tâm hồn thấm đẫm văn hóa Huế. Ông là một trong những nhà văn chuyên viết về bút kí. Nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trữ tình và chính luận, sử thi hóa cảm hứng lịch sử và khám phá chiều sâu văn hóa của đối tượng. Bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc bởi khả năng liên tưởng chặt chẽ, tư duy khoáng đạt, ngôn ngữ trong sáng, đẹp đẽ.

Ai đã đặt tên cho dòng sông? là một bút kí đặc sắc, thể hiện phong cách tài hoa, uyên bác, giàu chất thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

– Đoạn trích gợi tả vẻ đẹp của sông Hương ở thượng nguồn.

* Cảm nhận về vẻ đẹp của sông Hương

Trong đoạn văn, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cảm nhận và thể hiện một cách tinh tế vẻ đẹp của sông Hương ở thượng nguồn:

– Sông Hương nhìn từ cội nguồn là dòng chảy có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn. Trong mối quan hệ này, sông Hương tựa như một bản trường ca của rừng già với nhiều tiết tấu hùng tráng, dữ dội: khi rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, lúc mãnh liệt vượt qua ghềnh thác, khi cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, lúc lại dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Câu văn dài được chia làm nhiều vế liên tục như gợi dậy cái dư vang của trường ca. Thủ pháp điệp cấu trúc, với những động từ mạnh đã tạo nên âm hưởng hùng tráng, mạnh mẽ của con sông giữa rừng già.

– Sông Hương được ví như cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Đây là một liên tưởng thú vị, độc đáo. Những cô gái Di-gan thích sống lang thang, tự do và yêu ca hát, nhảy múa có vẻ đẹp quyến rũ khiến người đọc hình dung về dòng sông với vẻ đẹp hoang dại, tình tứ, đắm say.

– Sông Hương được nhân hóa như người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Với cảm nhận này, Hoàng Phủ Ngọc Tường đem đến người đọc một cái nhìn sâu sắc hơn về sông Hương: dòng sông góp phần tạo nên, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của một vùng thiên nhiên xứ sở, dòng sông là khởi nguồn, là sự bắt đầu của một không gian văn hóa (xứ Huế).

Thí sinh chọn nêu ấn tượng của mình về một trong những cảm nhận bên trên của Hoàng Phủ Ngọc Tường; đồng thời lí giải vì sao đó là ấn tượng sâu đậm nhất.

* Nhận xét, đánh giá

– Trong cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương hiện lên như một sinh thể trữ tình sống động. Cảm nhận đó chứng tỏ thể hiện sự gắn bó, thấu hiểu, tình yêu của Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho dòng sông quê hương.

– Để khắc họa hình tượng dòng sông Hương đoạn ở thượng nguồn, nhà văn đã lựa chọn thể kí, lối hành văn uyển chuyển, ngôn ngữ đa dạng và giàu hình ảnh.

1 thought on “Đề thi thử THPTQG Năm 2018 Môn Ngữ Văn – Đề 04 (Có lời giải)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *