Đề thi thử THPT QG liên hệ tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ và bát cháo hành trong Chí Phèo

Đề thi khối 12

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình chỉ vì họ sợ bị thất bại. Họ không muốn thử sức mình với các kỳ thi quốc gia vì họ không tin rằng họ sẽ chiến thắng. Họ sợ phải nhận những bức thư từ chối, nên họ không nộp đơn xin việc ở nước ngoài. Họ ngại tham gia khóa học để cải thiện một kỹ năng còn yếu vì lo sợ phải đối mặt với những sự chế giễu. Nhưng nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội đã được ngụy trang.

“Có chắc không?” là câu hỏi khiến chúng ta cảm thấy bất ổn khi có ý muốn thoát ra khỏi vùng an toàn. “Chắc chắn mà” là câu trả lời mà chúng ta luôn muốn nghe. Chúng ta muốn chắc chắn sẽ nhận được học bổng khi đăng ký, chúng ta muốn chắc chắn sẽ không bị hổ vồ khi đi thám hiểm Safari, chúng ta muốn chắc chắn rằng người mà chúng ta chọn là vợ hay chồng sẽ ở với chúng ta mãi mãi. Nhưng có gì trên thế giới này mà không có độ rủi ro nhất định? Sự rủi ro có thể đến với từng người trong chúng ta bất kỳ lúc nào. Rủi ro có thể đến với bạn ngay trong khi bạn chấp nhận làm bất cứ việc gì. Để chắc chắn rằng rủi ro không đến với mình, việc duy nhất bạn có thể làm là không làm gì cả, nằm trên giường và … mơ về những thứ mà bạn không dám làm trong thế giới thật. Nhưng bạn có dám chắc là trong cơn mơ, bạn sẽ không bị giật mình và ngã xuống đất? Nếu rủi ro có thể ập đến với bạn cả khi bạn đang mơ, vậy tại sao bạn không dám ra ngoài và dám biến những giấc mơ của bạn trở thành hiện thực?

(Trích Hộ  chiếu  xanh  đi quanh  thế  giới; Hồ Thu Hương, Nguyễn Phan Linh, Phạm Anh Đức

NXB Thế giới; 2016; trang 147-148)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, vì sao có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình? (0,5 điểm)
Câu 3. Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội đã được ngụy trang? Vì sao? (1,0 điểm)
Câu 4. Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào là vùng an toàn? Với những người đang ở trong vùng an toàn, theo anh/chị cách nào có thể giúp họ bước ra khỏi vùng an toàn đó? Nêu ít nhất 02 cách. (1,0 điểm)

 

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) thuyết phục các bạn trẻ rằng: có những lúc cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra.

 

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam). Từ âm thanh tiếng sáo và hình ảnh bát cháo hành (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam) hãy nhận xét về vai trò của các tác nhân đối với tâm hồn con người.

 

III. Đáp án – Thang điểm

 

Phần Câu Nội dung Điểm
  ĐỌC HIỂU 3,0
1 Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận 0,5
2 Theo tác giả, có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình chỉ vì họ sợ bị thất bại 0,5
I 3 – Đồng tình với quan niệm: nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội đã được ngụy trang.

– Lí giải:

+ Nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội. Với cái nhìn lạc quan, đây sẽ là dịp thử thách, tôi luyện bản thân. Khi nỗ lực hết mình, phát huy tối đa sức mạnh nội tại để vượt hoàn cảnh, ta có thể nắm bắt, tự tạo cơ hội cho mình, cập đến bến bờ thành công…

+ Những cơ hội đã được ngụy trang: những cơ hội bị che giấu bởi lớp vỏ của thách thức. Nếu không cố gắng hết sức ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra.

0,25

 

 

0,5

 

 

 

 

 

0,25

4 Vùng an toàn là giới hạn trong đó ta có cảm giác yên ổn, không phải đối mặt với khó khăn, thách thức, rủi ro,…

Nêu ít nhất 02 cách có thể giúp những người đang ở trong vùng an toàn bước ra khỏi vùng an toàn đó. HS có thể nêu các cách khác nhau miễn là có lí. Đó có thể là: thực hiện những gì chưa từng làm hoặc bản thân sợ hãi để thay đổi theo chiều hướng tích cực; đồng ý tham gia thử thách để khám phá bản thân…

0,5

 

0,5

  LÀM VĂN 7,0
1 Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) thuyết phục các bạn trẻ rằng: có những lúc cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra.

 

2,0
* Giải thích

Vùng an toàn: là giới hạn trong đó ta có cảm giác yên ổn, không phải đối mặt với khó khăn, rủi ro,…

Thoát ra khỏi vùng an toàn: vượt qua ranh giới, bứt khỏi phạm vi an toàn tự giới hạn; dám đối mặt với khó khăn, thách thức…

 

0,25
* Dùng lí lẽ và dẫn chứng thực tế để thuyết phục có những lúc cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra.

Cuộc sống trở nên thú vị, nhiều màu sắc hơn.

– Con người sẽ tự tin, mạnh mẽ, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt để thích ứng và nhờ vậy sẽ trưởng thành hơn…

– Thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tạo ra cũng có nghĩa là tự tạo cơ hội để tiến xa. Những suy nghĩ mới cùng sự sáng tạo sẽ được nảy mầm. Cuộc sống bắt đầu từ điểm kết thúc ở vùng an toàn của bạn (Neale Donald Walsch)

(Những dẫn chứng thực tế đời sống)

– Thoát ra khỏi vùng an toàn không có nghĩa là tìm kiếm khó khăn, liều lĩnh, bất chấp tất cả…

– Phê phán những biểu hiện dễ đầu hàng và chấp nhận thất bại, không chịu cố gắng, sống thu mình hèn nhát…

1,5
II * Bài học nhận thức và hành động 0,25
2 Cảm nhận về nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam). Từ âm thanh tiếng sáo và hình ảnh bát cháo hành (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam) nhận xét về vai trò của các tác nhân đối với tâm hồn con người. 5,0
* Vài nét về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và nhân vật Mị

Tác giả:

+ Vị trí: một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam.

+ Phong cách nghệ thuật: nhà văn của phong tục và sinh hoạt đời thường; màu sắc dân tộc đậm đà; chất thơ, chất trữ tình thấm đượm…

Tác phẩm:

+ Xuất xứ: in trong tập Truyện Tây Bắc

+ Thời gian, hoàn cảnh sáng tác: 1953, là kết quả của chuyến đi tám tháng cùng với bộ đội vào giải phóng Tây Bắc.

+ Đề tài : người lao động vùng cao Tây Bắc…

Nhân vật Mị : Mị là nhân vật trung tâm, kết tinh tư tưởng, tình cảm và tài năng của tác giả…

0,5
* Cảm nhận về nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.

Đặc điểm nhân vật: Nổi bật nhất là sức sống tiềm tàng mạnh mẽ gắn với khao khát tự do, tình yêu, hạnh phúc. Sự trỗi dạy của sức sống được biểu hiện qua diễn biến tâm trạng và hành động của Mị:

+ Cách uống rượu báo hiệu hành động nổi loạn.

+ Mị sống về ngày trước với tự do, tình yêu, hạnh phúc dù trong nghèo khó.

+ Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị ý thức Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ.  + Nếu trước đó chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết, Mị cũng chẳng buồn đi thì nay Mị lại muốn đi chơi.

+ Khi ý thức đã trở về Mị lại nghĩ đến cái chết: nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa…

+ Hành động thắp sáng và sửa soạn đi chơi như một người tự do.

+ Dây trói hữu hình chỉ trói được thể xác chứ không trói được tâm hồn Mị. Mị vẫn còn sống với những khát khao ngay cả khi bị A Sử trói đứng vào cột nhà. Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. Mị vùng bước đi

Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Thành công nhất là miêu tả tâm lí với bút pháp trực tiếp và gián tiếp.

3,0

 

* Từ âm thanh tiếng sáo hình ảnh bát cháo hành nhận xét về vai trò của các tác nhân đối với tâm hồn con người.

Âm thanh tiếng sáo: tiếng sáo – biểu tượng đẹp cho tự do, tình yêu, hạnh phúc ngay từ đầu đã đánh thức tâm hồn đang an phận, nhóm lên những khát khao. Điệu hồn tha thiết của người Mèo làm hồi sinh tâm hồn và giục giã Mị hành động như một người tự do rồi đưa Mị đến với bầu trời của tự do, tình yêu, hạnh phúc, thoát khỏi hiện tại éo le trong chốc lát, quên đi cảnh ngộ hiện tại của bản thân…

Hình ảnh bát cháo hành: bát cháo hành – biểu tượng cho tình yêu thương chân thành, tình đời, tình người đã gọi dạy những cảm xúc đầy nhân tính nhất là khao khát lương thiện ở con quỷ dữ. Chí Phèo thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao. Hắn hi vọng thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Hắn sẽ được nhận vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện. Chí Phèo càng khát khao bao nhiêu lại càng đau đớn bấy nhiêu khi bị cự tuyệt…

→ Âm thanh tiếng sáo và hình ảnh bát cháo hành đã có tác động rất lớn đến tâm hồn Mị và Chí Phèo. Chính hai tác nhân này đã gọi dạy những khát khao chính đáng và càng xoáy vào bi kịch đau đớn của hai nhân vật… Cũng nhờ vậy ngòi bút miêu tả của Tô Hoài và Nam Cao thật tự nhiên, khéo léo…

1,0
* Nhận xét, khái quát chung

Tư tưởng, tình cảm nhân đạo của hai nhà văn : phát hiện, khẳng định, trân trọng và thể hiện niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn của người lao động.

Tài năng nghệ thuật: khả năng am hiểu, nắm bắt, miêu tả thế giới nội tâm con người; sáng tạo những chi tiết đắt…

0,5
ĐIỂM TOÀN BÀI THI: I+II = 10,0 điểm  

Lưu ý chung

  1. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, bài làm của thí sinh cần được đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm.
  2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu đồng thời phải chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
  3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Bài viết có thể không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
  4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng hoặc câu 1 của phần Làm văn viết thành bài, thân bài câu 2 phần Làm văn chỉ viết một đoạn văn.
  5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

 

Phủ Lý ngày 10 tháng 3 năm 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *