Đề thi thử chọn đội tuyển HSG Quốc gia Ngữ văn lớp 12

Đề thi khối 12
TRƯỜNG THPT CÁI BÈ

BỘ MÔN NGỮ VĂN

ĐỀ THI THỬ LẦN 2 CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP QUỐC GIA

Năm học 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút.

(Đề thi có 01 trang, gồm 2 câu)

—————————————————————————————————-

 

Câu 1: (8.0 điểm)

Bàn về vai trò của kết quả trong cuộc sống của con người, có ý kiến cho rằng:

“Vinh quang nằm trong nỗ lực, không phải kết quả, nỗ lực hết mình là thắng lợi hoàn toàn”. (Mahatma Gandhi – Ấn Độ).

Nhưng cũng có người cho rằng:

“Anh không thể nói anh hạnh phúc nếu anh không thắng cuộc”. (Arsene Wenger – Pháp).

Anh/chị có suy nghĩ gì về hai ý kiến trên?

Câu 2: (12.0 điểm)

“Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo, còn trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca”. (V. Huy-gô)

Anh/chị suy nghĩ như thế nào về vấn đề trên? Hãy phân tích bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng để làm sáng tỏ quan điểm của anh/chị..

———————————————–HẾT———————————————-

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:……………………………………… Số báo danh: ………………………..

TRƯỜNG THPT CÁI BÈ

BỘ MÔN NGỮ VĂN

ĐỀ THI THỬ LẦN 2 CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP QUỐC GIA

Năm học 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút.

—————————————————————————————————-

 

Câu 1: 8.0 điểm.

Bày tỏ suy nghĩ về câu ngạn ngữ : “Người chỉ luôn biết nghĩ về mình là người ít hiểu mình nhất”.

I. YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, xác định được các luận điểm đúng đắn, luận cứ (lí lẽ, dẫn chứng) xác thực và biết lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp.

• Bố cục bài văn họp lí, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp.

II. YÊU CẦU CỤ THỂ:

 HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

A. Giải thích vấn đề: (1,0 điểm)
1. Gandhi đề cao “nỗ lực” trong mối quan hệ với “kết quả”: “nỗ lực” là “vinh quang”, “nỗ lực hết mình là thắng lợi hoàn toàn”. Wenger lại đề cao “kết quả”: chỉ có “thắng cuộc” mới đem lại “hạnh phúc”. 0.5 điểm
2. Vấn đề cần bàn luận: Vai trò của kết quả trong cuộc sống của con người. 0.5 điểm
B. Vận dụng lí lẽ và dẫn chứng để khẳng định tính đúng đắn của vấn đề: (3,0 điểm)

Chẳng hạn:

1.    Ý kiến của Gandhi:

1.1. Mặt đúng:

■ Có tác dụng động viên sự “nỗ lực hết mình” của mọi người trong cuộc sống (học tập, lao động, chiến đấu..

■ Sự “nỗ lực hết mình” thường sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.

■ Quá chú tâm đến kết quả có thể tạo nhiều áp lực dẫn đến thất bại.

1.5 điểm
1.2. Mặt chưa đúng:

■     Cần phải phân biệt “nỗ lực” với “kết quả”, không thể đồng nhất “nỗ lực” với “thắng cuộc”.

 

 
2. Ý kiến của Wenger:

1.1. Mặt đúng:

■ Trong mọi hoạt động của con người, kết quả luôn là mục đích cuối cùng.

■ “Thắng cuộc” mang lại hạnh phúc không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình, tập thể…

■ “Thắng cuộc” còn là động lực để mọi người tiếp tục phấn đấu nhiều hơn.

1.5 điểm
1.2. Mặt chưa đúng:

■     Quan niệm này dễ dẫn đến thói háo thắng, hoặc khiến người ta cố giành chiến thắng bằng những thủ đoạn, hành vi tiêu cực.

 
C. Vận dụng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc, mở rộng vấn đề: (3,0 điểm)

Chẳng hạn:

1. Nên xem “nỗ lực” là yếu tố quan trọng, nhưng “kết quả” mới là yếu tố quyết định. 1.0 điểm
2. Câu nói của Gandhi phải chăng chỉ nhằm đề cập đến “thắng lợi” của bản thân (chiến thắng chính mình). 1.0 điểm
3. Không sợ thất bại, “thua cuộc” cũng sẽ cho ta nhiều bài học quý giá. 1.0 điểm
D. Nêu phương hướng phấn đấu của bản thân. (1,0 điểm)

Chẳng hạn:

• Xem “kết quả” là mục tiêu cao nhất trong học tập.

• Luôn “nỗ lực hết mình” với mục đích giành được chiến thắng: chiến thắng bản thân và chiến thắng trong các cuộc thi.

• Tuy nhiên sẽ đánh giá đúng bản thân để đề ra những mục tiêu phấn đấu vừa sức, có cơ sở thực tế.

1.0 điểm
Lưu ý:

Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thửc.

• Thí sinh có thể nêu lí lẽ và dẫn chứng theo cách khác, miễn là chính xác, họp lí.

• Khuyến khích những bài làm có tính riêng, sáng tạo.

Câu 2: (12.0 điểm)

Bình luận về ý kiến: Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo, còn trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca”. (V. Huy-gô)

       I. Yêu cầu về kĩ năng:

1. Lập luận nêu bật vấn đề. Phân tích tác phẩm tinh tế, sâu sắc.

2. Biết chọn những dòng thơ tiêu biểu trong tác phẩm để chứng minh.

3. Diễn đạt chính xác, giàu hình ảnh, gợi cảm.

II. Yêu cầu về kiến thức:

Bài làm có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những ý sau:

1. Giải thích ý kiến:

– Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo:

+ Nghệ thuật: những yếu tố thuộc phạm trù hình thức của tác phẩm thơ ca: thể loại, cấu tứ, ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, các biện pháp tu từ…

+ Những vần thơ khéo léo: là những vần thơ đẹp, hấp dẫn bởi hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu…tạo ấn tượng ban đầu cho người đọc.

– Trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca:

+ Trái tim: cách diễn đạt hình tượng biểu hiện những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt… vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ.

+ Tác phẩm thi ca: sản phẩm tinh thần của nhà thơ. Ở đây V.Huygô đề cập đến những tác phẩm thơ ca chân chính, có giá trị, có sức sống mãnh liệt trong lòng độc giả, vượt qua giới hạn của thời gian, không gian, trở thành tác phẩm chung của nhân loại, của muôn đời…

=> Ý kiến: nhấn mạnh yếu tố tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ trong sáng tác thơ ca nói riêng, văn học nói chung. Đó là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định giá trị của tác phẩm.

2.0 điểm
2. Dùng lí lẽ và dẫn chứng để khẳng định tính đúng đắn của vấn đề:

* Bình: Khẳng định sự đúng đắn của ý kiến.

– Về lí luận:

+ Xuất phát từ đặc trưng của thơ ca là những rung động và cảm xúc của con người trước cuộc sống được bộc lộ một cách tự nhiên, chân thành. Tình cảm, cảm xúc là yếu tố có trước, khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà thơ. Thơ là do tình sinh ra (Viên Mai), Thơ khởi phát từ lòng người ta (Lê Quý Đôn)…

+ Chức năng, giá trị của văn học: giáo dục tư tưởng, tình cảm, hướng con người tới vẻ đẹp Chân – Thiện – Mĩ… Thơ ca muốn lay động lòng người, truyền được tư tưởng tình cảm cho người đọc thì người cầm bút phải rung động mãnh liệt, có tình cảm thương yêu hay căm giận sâu sắc… Thơ sinh ra từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay (Ra-xun Gam – za- tôp).

– Về thực tiễn: Trong sáng tác thơ ca từ xưa tới nay, những tác phẩm có giá trị đều là những tác phẩm được tạo nên từ trái tim giàu cảm xúc của người cầm bút.

* Luận:

– Trong văn học nói chung, thơ ca nói riêng, những tác phẩm có giá trị, nội dung và hình thức luôn thống nhất chặt chẽ với nhau, chúng sẽ không thể tồn tại và không thể có ý nghĩa thực sự khi có cái này mà không có cái kia.

– Chính sự thống nhất của các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật đã tạo nên sức mạnh tư tưởng cho tác phẩm. Yêu cầu lí tưởng là: nội dung của tác phẩm phải có ý nghĩa lớn lao đối với đời sống con người, nội dung đó phải được biểu hiện bằng một hình thức độc đáo. Tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhất là những tác phẩm ngôn từ, bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung (Lêônôp).

– Muốn làm được điều đó, nhà văn phải có tâm huyết và tài năng.

4.0 điểm
3. Chứng minh:

Chứng minh ý kiến của V. Huygô qua việc phân tích bài thơ “Tây Tiến”:

– Giới thiệu thật ngắn gọn tác giả, tác phẩm, nhấn mạnh Tây Tiến là tác phẩm thơ ca có giá trị nội dung và nghệ thuật được tạo nên từ tâm huyết và tài năng của Quang Dũng.

– Về nội dung:

+ Nỗi nhớ chơi vơi, da diết về một thời Tây Tiến (gắn với hoàn cảnh ra đời của bài thơ).

+ Bức tranh thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt, vừa thơ mộng, huyền ảo, trữ tình.

+ Hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn đậm chất bi tráng.

– Về nghệ thuật:

+ Bút pháp lãng mạn phát huy cao độ trí tưởng tượng để diễn tả cảm xúc, tình cảm.

+ Thủ pháp đối lập, tương phản, phóng đại, lí tưởng hoá tô đậm vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người.

+ Ngôn ngữ sáng tạo, độc đáo, giàu tính nhạc, tính tạo hình.

=> Bài thơ thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật thơ Quang Dũng: một cái tôi lãng mạn, tài hoa, phóng khoáng, hồn hậu; có khả năng diễn tả thiên nhiên, tình người một cách gợi cảm, tinh tế. Thi phẩm làm đẹp, phong phú thêm hình tượng người lính trong văn học kháng chiến và qua đó gửi đến người đọc thông điệp về lòng yêu nước và lí tưởng sống cao đẹp nên có sức hấp dẫn độc giả mọi thời đại.

4.0 điểm
4. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:

Rút ra bài học cho người sáng tạo và tiếp nhận.

2.0 điểm
III. Lưu ý chấm:

1. Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.

2. Thí sinh có thể nêu lí lẽ và dẫn chứng theo cách khác, miễn là chính xác, hợp lí.

3. Khuyến khích những bài làm có tính riêng, sáng tạo.

 

——————————————-HẾT————————————————

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *