Đề thi học sinh giỏi môn văn : Các nhà văn dù lớn đến đâu cũng chỉ có một vùng đề tài ưa thích nhất

Đề thi khối 12

 SỞ GD&ĐT CÀ MAU

TRƯỜNG THPT CHUYÊN PHAN NGỌC HIỂN

ĐỀ THAM KHẢO

MÔN : NGỮ VĂN

(Thời gian làm bài 180 phút, không kể phát đề)

Câu 1: (8 điểm)

Napoleon Hill có phương châm sống: “Nếu bạn không thể làm được những điều lớn lao, hãy làm những điều nhỏ với cách làm tốt nhất.”

Anh/chị có suy nghĩ gì về vấn đề trên?

Câu 2: (12 điểm)

Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận định: “Các nhà văn dù lớn đến đâu cũng chỉ có một vùng đề tài ưa thích nhất và ông ta chỉ có thể viết hay về những đề tài ấy mà thôi

(Trích Nghiệp văn và bục giảng, trang 93, NXB Thanh Niên, năm 2017)

Anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên bằng sự nghiệp của một tác giả trong chương trình THPT.

————–Hết———-

 HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1:

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội.

Biết vận dụng phối hợp các phương thức biểu đạt và các thao tác lập luận để làm rõ vấn đề.

– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, không mắc những lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt.

  1. Yêu cầu cụ thể
  2. Giải thích:

Những điều lớn lao: đó có thể là những kế hoạch cho tương lại, là mục tiêu, đích đến, khát vọng của mỗi người trong cuộc sống làm những điều phi thường, kinh bang tế thế, thay đổi thế giới,…

Hãy làm những điều nhỏ với cách làm tốt nhất: Bên cạnh những việc lớn lao mà chúng ta đặt ra thì còn có rất nhiều những việc nhỏ xung quanh cần mình thực hiện. Vì vậy, không nên cần hoàn thành nó bằng tất cả sự cố gắng, nhiệt thành, lòng đam mê và cách thức phù hợp nhất.

Câu nói khẳng định: Nếu vì một lí do nào đó mà bạn không thể thực hiện được ước mơ, dự định hay đích đến của mình thì bạn đừng vội nản lòng mà hãy cố gắng hoàn thành tốt những điều nhỏ nhặt xung quanh chúng ta.

  1. Bình luận:

– Chúng ta phải biết rằng mỗi niềm vui nhỏ góp nhặt trong dòng đời này là ân ban của cuộc sống. Nó mang lại cho ta nhiều lợi ích, bởi không có chúng, ta sẽ khó có được niềm vui trọn vẹn. Thiếu hụt chúng cuộc sống sẽ không hoàn hảo. Đôi khi cứ tưởng rằng, giá trị của cuộc sống được tạo nên từ những điều thật lớn lao. Vì những suy nghĩ như thế mà làm cho ta quên đi những điều rất nhỏ trong đời thường.

– Mỗi người đều có những ước mơ, hoài bão trong tương lai và đặt ra cho mình những dự định, mục tiêu hay đích đến. Và trên con đường đó có thể chúng ta sẽ gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn. Đó có thể là do hạn chế về năng lực, hiểu biết, vốn sống, kinh nghiệm hay một số lí do khách quan nào khác.

– Dù không thể hoàn thành những việc lớn lao ấy, chúng ta cũng không nên nản lòng bỏ cuộc. Thành công đôi khi không chỉ là khi chúng ta hoàn thành tốt những điều lớn lao đó mà có thể là khi chúng ta làm tốt, trọn vẹn và tốt nhất một công việc nhỏ nhặt bên cạnh mình.

– Tóm lại, vòng xoáy của cuộc đời lôi kéo con người vào một những tranh chấp bất tận. Người ta cứ sống vội vã và bị cuốn theo những đam mê, mục đích của riêng mình mà quên đi rằng hạnh phúc được tạo nên từ những điều nhỏ nhặt. Nên nếu như ta không thể làm những việc lớn lao thì hãy làm những điều nhỏ bằng cách làm tốt nhất, hoàn hảo nhất mà ta có thể.

-…

  1. Mở rộng:

Phê phán những người:

– Đăt ra cho mình những mục tiêu, đích đến, ảo vọng quá xa vời, không phù hợp với năng lực bản thân.

– Sống thiếu ước mơ, hoài bão, lí tưởng và mục đích sống.

– Sống vội vã, bị cuốn theo những đam mê, mục đích của mình mà bỏ qua những cơ hội đến từ những điều rất nhỏ nhặt.

  1. Bài học rút ra: Từ việc bàn luận mà chúng ta rút ra những bài học bổ ích cho mình:

– Đặt ra cho mình mục tiêu, đích đến vừa tầm với, phù hợp với khả năng của mình.

– Có thể dự định, mục tiêu của mình ngay lúc này bạn chưa thực hiện được thay vì thất vọng, chán nản thì hãy cố gắng nắm bắt và trân trọng những cơ hội nhỏ nhặt xung quanh mình, hoàn thành nó một cách tốt nhất.

Lưu ý:

– Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được các nội dung yêu cầu.
– Giám khảo linh hoạt xem xét, đánh giá tùy theo từng bài làm của thí sinh.

 

 

III. Thang điểm

– Điểm 7-8: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài làm sáng tạo, văn viết có cảm xúc, bố cục rõ ràng, mạch lạc, không mắc những lỗi diễn đạt.
– Điểm 5-6: Đáp ứng khá đầy đủ các yêu cầu trên, bố cục rõ ràng, văn có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
– Điểm 3-4: Đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, có thể mắc một số lỗi về diễn đạt, câu chưa mạch lạc nhưng vẫn rõ ý.
– Điểm 1-2: Chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của đề, phạm nhiều lỗi về diễn đạt.
– Điểm 0: Lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.

 

Câu 2:

  1. Yêu cầu về kỹ năng:

– Biết cách làm bài nghị luận văn học. Cụ thể là biết phân tích chứng minh câu nhận định nghiêng về lí luận văn học.

– Bài làm có kết cấu chặt chẽ, rõ ràng, diễn đạt lưu loát, trong sáng, không mắc lỗi về sử dụng từ, ngữ pháp, chính tả

  1. Yêu cầu về kiến thức:
  2. Khái niệm đề tài: Là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.
  3. Bàn luận, chứng minh:

Đề tài của tác phẩm là một phương diện nội dung tác phẩm, là đối tượng đã được nhận thức, kết quả lựa chọn của nhà văn. Đó là sự khái quát về phạm vi xã hội, lịch sử của đời sống được phản ánh trong tác phẩm.

– Đề tài tác phẩm văn học chẳng những gắn với hiện thực khách quan mà còn do lập trường tư tưởng và vốn sống nhà văn quy định.

– Mỗi nhà văn đều có một sở thích, sở trường riêng trong quá trình sáng tác về những đề tài cụ thể. Nếu vì một lí do nào đó mà họ hướng ngòi bút của mình ra ngoài khu vực đề tài ấy thì tác phẩm sẽ không còn sắc sảo nữa và trở nên nhạt nhẽo, hình tượng thiếu sức sống, thiếu linh hồn,…

– Nhìn chung, có nhiều nhà văn quan sát và hiểu biết sâu rộng về thực tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng thế mạnh của họ chỉ ở một đề tài, chủ đề nào đó nhất định. Chính điều đó tạo nên ở mỗi cây bút một đối tượng thẩm mỹ riêng và xây dựng thế giới nghệ thuật độc đáo cho riêng mình.

Học sinh chứng minh bằng sự nghiệp sáng tác của một tác giả cụ thể trong chương trình Ngữ văn THPT.

  1. Mở rộng

Học sinh liên hệ với tác giả có cùng đề tài nhưng cần chỉ ra được: ở mỗi nhà văn đề tài ấy được xử lý theo một huynh hướng tư tưởng nghệ thuật khác nhau, có cách xử lí hoàn toàn khác thể hiện phong cách ngông của riêng mình…

  1. Khẳng định:

– Trong đề tài ta thấy ở đó nhà văn thể hiện được tư tưởng, tình cảm và tài năng nghệ thuật độc đáo, sáng tạo thông qua những nhân vật cụ thể.

– Như vậy có thể nói, mỗi nhà văn có hệ thống đề tài quen thuộc ưa thích nhất định, hình thành một vùng đối tượng thẩm mĩ riêng, tự nó đã ghi đậm dấu ấn của chủ thể sáng tác trong lòng người đọc tạo nên tên tuổi trên văn đàn nghệ thuật.

III. Thang điểm

–  Điểm 11 – 12 : Đáp ứng tốt những yêu cầu của đề, bài viết giàu cảm xúc, mạch lạc, sáng tạo, không mắc lỗi diễn đạt.

– Điểm 9 – 10 : Đáp ứng phần lớn các yêu cầu của đề; cảm nhận khá sâu sắc, tinh tế; mắc lỗi diễn đạt không đáng kể.

– Điểm 7 – 8 : Tỏ ra hiểu đề nhưng phân tích chưa sâu, diễn đạt hơi vụng nhưng câu văn rõ ý.

– Điểm 5 – 6 : Đáp ứng được một số yêu cầu song diễn đạt chưa thật tốt, dẫn chứng chưa thuyết phục, mắc một số vài diễn đạt

– Điểm 3 – 4: Hiểu chưa đúng trọng tâm yêu cầu đề, phân tích sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1 – 2 : Bài viết dàn trải, lan man, không xác định rõ trọng tâm; dẫn chứng không phù hợp, mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0: Bài viết lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *