Đề thi chọn đội tuyển HSG cấp tỉnh môn văn lớp 12

Đề thi khối 12

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TIỀN GIANG

TRƯỜNG THPT CÁI BÈ

 

 

ĐỀ THI THỬ CHỌN HỌC SINH CẤP TỈNH

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2015 – 2016

Thời gian làm bài: 180 phút.

————————————————————————————————————

 

Câu 1: (8.0 điểm)

Nhà văn người Mỹ Ơ – nít Hê –minh – uê từng phát biểu:

“Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt; hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa”.

Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về câu nói trên.

 

Câu 2: (12.0 điểm)

Trong truyện ngắn “Bụi quý”, nhà văn Paux tôp xki có viết:

“Sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của trái đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho sự cao rộng của tâm hồn con người”.

Qua thực tế cảm nhận văn học của mình, anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ nhận định trên.

————————————————–HẾT————————————————

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TIỀN GIANG

TRƯỜNG THPT CÁI BÈ

——————

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

LỚP 12 THPT năm học 2015-2016

Môn: Ngữ văn

————-

           

CÂU 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)

YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, xác định được các luận điểm đúng đắn, luận cứ (lí lẽ, dẫn chứng) xác thực và biết lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp.

Bố cục bài văn hợp lí, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp.

YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những nội dung chủ yếu dưới đây:

Nội dung Tỉ lệ điểm
A. Nêu chính xác vấn đề cần nghị luận:

Câu nói của nhà văn là lời khuyên về lối sống đồng cảm, biết sẻ chia hạnh phúc với những người khác.

1,0
B. Giải thích vấn đề:

1.     Hạnh phúc: là niềm vui khi con người đạt được những điều mong ước trong cuộc sống (tình yêu thương, học vấn, tiền bạc, sự nghiệp, gia đình…) .

2.     Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt: Niềm vui sướng của con người chưa thực sự có ý nghĩa, có giá trị khi mỗi người giữ nó cho riêng mình.

3.     Hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa: Niềm vui sướng của con người chỉ thực sự có ý nghĩa, có giá trị và làm đẹp cho đời khi mỗi người biết san sẻ nói với mọi người.

4.     Câu nói: Đề cao lối sống đồng cảm, chia sẻ không chỉ nỗi đau mà cả niềm vui, niềm hạnh phúc của cá nhân với những người khác.

1,0

 

 

 

C. Vận dụng lí lẽ và dẫn chứng để khẳng định tính đúng đắn của vấn đề: Chẳng hạn:

1.     Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt:

–         Khi chưa được chia sẻ, những giá trị mà mình có được chỉ thỏa mãn cho cá nhân mình nên hạnh phúc ấy nhỏ nhoi, hạn hẹp, gói kín, chưa mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao cho cuộc đời.

–         Chẳng hạn: người có nhiều may mắn, thành công nhưng sống ích kỉ; thờ ơ, vô cảm với những người kém may mắn hơn mình.

–         Lối sống như vậy chưa thực sự có ý nghĩa.

2.     Hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa.

–         Khi được sẻ chia, hạnh phúc của cá nhân sẽ đem đến cho mọi người niềm vui và những giá trị có ý nghĩa, giúp họ vơi bớt những bất hạnh cho người khác.

–         Người chia sẻ niềm vui, hạnh phúc sẽ nhận được tình cảm yêu thương, quý trọng của mỗi người nên niềm vui được nhân lên.

–         Người biết chia sẻ hạnh phúc thường luôn quan tâm và sẵn sang chia sẻ những giá trị vật chất, tinh thần mà mình có với những người bất hạnh quanh mình.

–         Trong cuộc sống, có nhiều tấm lòng nhân hậu, biết chia sẻ hạnh phúc với cộng đồng để cuộc sống của mình thực sự có ý nghĩa.

3.     Nếu ai cũng chọn cho mình lối sống sẻ chia hạnh phúc với mọi người thì xã hội sẽ ngày càng phát triển, mối quan hệ giữa con người với nhau ngày một tốt đẹp hơn.

3,0

 

D. Vận dụng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc, mở rộng vấn đề:

Chẳng hạn:

1.     Phải biết chia sẻ, quan tâm đến niềm vui cho những người xung quanh nhưng cũng không để cho lòng tốt của ta bị lợi dụng.

2.     Phê phán lối sống ích kỉ, chỉ biết đến quyền lợi và niềm vui của riêng mình.

2,0

 

E. Nêu phương hướng phấn đấu của bản thân:

Chẳng hạn:

1. Tập cho mình lối sống chia sẻ niềm vui, hạnh phúc để làm tấm gương sáng cho mọi người.

2. Đề xuất những biện pháp, phương hướng cụ thể của bản thân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện lối sống vì người khác  trong thời gian tới.

 

 

1,0

 

Lưu ý:

·        Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năngkiến thức.

·        Thí sinh có thể nêu lí lẽ và dẫn chứng theo cách khác, miễn là chính xác, hợp lí.

·        Khuyến khích những bài làm có tính riêng, sáng tạo.

 

 

CÂU 2: Nghị luận văn học (12,0 điểm):                   

YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:

1.1. Vận dụng tốt kiến thức Lí luận văn học để giải quyết vấn đề.

1.2. Phân tích dẫn chứng tinh tế, sâu sắc. Lập luận nêu bật vấn đề.

1.3. Diễn đạt chính xác, giàu hình ảnh, gợi cảm.

YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những nội dung chủ yếu dưới đây:

Nội dung Tỉ lệ điểm
A. Giải thích vấn đề: (6,0)
1. Câu nói trên đề cao các giá trị của văn học, nêu lên quan niệm về mục đích của nghề văn và sứ mệnh cao cả của nhà văn. 1,0
2. Từ ngữ:

·        “cho cái đẹp của trái đất”: văn học có giá trị thẩm mĩ; nhà văn phản ánh cái đẹp cụ thể xung quanh ta và hướng con người đến chân – thiện – mĩ.

·        “cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do”: văn học vì những điều tốt đẹp của con người, vì tiến bộ của loài người.

·        “cho sự cao rộng của tâm hồn con người”: văn học có chức năng giáo dục, thanh lọc tâm hồn con người, giúp con người tự hoàn thiện mình.

1,0
3. Bàn luận:

3.1. Văn học “cho cái đẹp của trái đất”: văn học phải hướng tới cái đẹp:

·        Bản thân “cái đẹp của trái đất” đã rất phong phú, nhiệm vụ của nhà văn là thâu tóm những khoảnh khắc tồn tại của cái đẹp giữa cuộc đời và bất tử hóa bằng tác phẩm của mình.

·        Văn học khơi gợi sự quan tâm và ý thức của con người về cái đẹp quanh mình.

3.2. Tác phẩm văn học còn “cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do”:

·        Đó là cảm hứng nhân văn của văn học – văn học vì những điều tốt đẹp của con người.

·        Khi văn học đấu tranh cho hạnh phúc của con người, văn học “tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác” (Thạch Lam), giúp con người nhen nhóm ý thức phản kháng và hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.

·        Văn học mang lại niềm vui cho con người, là người bạn tốt nhất sẻ chia tâm sự với ta.

·        Văn học còn là một phương tiện đấu tranh cho tự do, văn học còn mở rộng tầm nhìn, hướng con người tới những giá trị cao rộng, tốt đẹp.

3.3. Tác phẩm văn học còn “sự cao rộng của tâm hồn con người”:

·        Thông qua hình tượng văn chương, người đọc tự nhận thức về mình, tự hoàn thiện nhân cách của mình.

·        Văn học góp phần thanh lọc tâm hồn con người, bồi đắp cho tâm hồn thêm phong phú, trong sáng và sâu sắc hơn.

 

3,0
3. Đánh giá – mở rộng:

– Ý kiến của Pauxtôpxki thể hiện suy tư đầy tâm huyết về nghề văn, về sứ mệnh cao cả của người cầm bút. Đó là quan niệm về nghề văn của một nhà văn chân chính.

– Tác phẩm văn học chân chính góp phần nhân đạo hóa con người, làm cho con người trở nên “người” hơn, xứng đáng với từ Con Người viết hoa.

– Hiểu được lợi ích lớn lao của văn học, người đọc cũng cần hiểu quá trình sáng tác của nhà văn, hiểu những cống hiến, hi sinh thầm lặng cao cả của “những người cho máu” (nhà văn Pháp Triolet) để phục vụ cho lợi ích của con người.

1,0
B. Chng minh bằng thực tế cảm nhận tác phẩm: (6,0)
Làm sáng tỏ mục 3.1. 2,0
Làm sáng tỏ mục 3.2. 2,0
Làm sáng tỏ mục 3.3. 2,0
Lưu ý:

·        Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năngkiến thức.

·        Thí sinh có thể nêu lí lẽ và dẫn chứng theo cách khác, miễn là chính xác, hợp lí.

·        Khuyến khích những bài làm có tính riêng, sáng tạo.

 

———————————————–HẾT———————————————–

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *