Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi :Chi tiết tiêu biểu trong một truyện ngắn có vai trò quan trọng như nhãn tự trong một bài thơ tứ tuyệt

Đề thi khối 12
  ĐỀ CHÍNH THỨC .

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

NĂM HỌC 2016 – 2017

Môn: NGỮ VĂN – Lớp: 12 THPT

Thời gian làm bài: 150 phút

Đề thi gồm:    01     trang

Phần I. Đọc – hiểu (6.0 điểm)

            Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu ở phía dưới

BÔNG SÚNG VÀ SIÊU BÃO

                                 Thanh Thảo

bông súng tím mọc lên từ nước

bão Haiyan mọc lên từ biển

 

bão Haiyan cho tôi kinh hoàng

bông súng tím cho tôi bình yên

 

rồi có thể người ta quên mà nhớ

trong siêu bão một bông súng nở

 

bông súng ấy màu tím

bão Haiyan màu gì?

( Báo Thanh niên Chủ nhật, 17/11/2013)

Câu 1(1.5 điểm): Phương thức biểu đạt chính của văn bản? Nêu ngắn gọn ý nghĩa tượng trưng của hình ảnh “bông súng”, hình ảnh “siêu bão” trong bài thơ trên?

Câu 2 (2.0 điểm): Việc sắp đặt hình ảnh “bông súng” và “siêu bão” như trong bài thơ có ý nghĩa gì?

Câu 3 (1.5 điểm) :  Ý nghĩa của việc dùng câu hỏi ở cuối bài thơ?

Câu 4 (1.0 điểm): “trong siêu bão một bông súng nở”. Hãy rút ra một thông điệp từ câu thơ trên. Ghi lại thông điệp đó dưới dạng một câu văn. Viết tiếp 03 câu để lí giải ý từ câu văn mà anh chị vừa ghi lại được?

Phần II. Làm văn (14.0 điểm)

Câu 1 (4.0 điểm):  Từ gợi ý của bài thơ trên và những trải nghiệm thực tế, anh/chị hãy viết một đoạn văn nói lên suy nghĩ của mình về chủ đề: Bình yên là hạnh phúc.

Câu 2 (10.0 điểm):

Theo quan niệm của nhà nguyên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh: Chi tiết tiêu biểu trong một truyện ngắn có vai trò quan trọng như nhãn tự trong một bài thơ tứ tuyệt.

Anh/chị hiểu như thế nào? Làm sáng tỏ ý hiểu của mình qua việc cảm nhận chi tiết “Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và chạy theo A Phủ” trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài và chi tiết “bức ảnh” của nghệ sĩ Phùng trong phần cuối truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. (Ngữ văn 12 Nhà xuất bản Giáo Dục)

 

* Phụ giải: + Nhãn tự: những từ quan trọng, quy tụ linh hồn của bài thơ.

       + Thơ tứ tuyệt: bốn câu, có tính hàm súc.

 

———-Hết———–

 

Họ và tên thí sinh:……………………………………Họ, tên và chữ ký của GT 1:………………………..

Số báo danh:……………………………………………Họ, tên và chữ ký của GT 2:………………………..

 

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH

NĂM HỌC 2016 – 2017

Môn: NGỮ VĂN Lớp: 12 THPT

Phần I. Đọc – hiểu (6.0 điểm)

Câu 1 (1.5 điểm)

–  Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là: Biểu cảm (0.5 điểm)

Siêu bão” là tượng trưng cho những tai ương, bất trắc; sự hủy diệt. (0.5 điểm)

– “Bông súng” tượng trưng cho cái đẹp, sự sống và bình yên. ( 0.5 điểm)

* Lưu ý: Chấp nhận lối diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm.

Câu 2 (2.0 điểm)

– “Siêu bão” và “bông súng” được sắp đặt thành cặp hình ảnh song song, đối xứng,  đảo đổi xuyên suốt dọc bài thơ và ở từng cặp câu thơ (0,5 điểm)

– Làm cho kết cấu bài thơ cân đối (0.5 điểm)

– Làm nổi bật ý tứ của bài thơ:

+ Cuộc sống phong phú với sự song hành, chuyển hoá, diễn biến khó lường của bình yên và bão tố, cái đẹp và sự hủy diệt, sự sống và cái chết…; (0.5 điểm)

+ Niềm tin tưởng vào sự tốt đẹp của cuộc sống (trong siêu bão một bông súng nở) (0.5 điểm)

* Lưu ý: Chấp nhận lối diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm

Câu 3 (1.5 điểm)

+ Khắc sâu ý: bão Haiyan hay là những tai ương, bất trắc… không có màu sắc hình thù cụ thể – rất khó lường (0.5 điểm)

+ Diễn tả được những băn khoăn trăn trở của nhà thơ đồng thời cũng cảnh báo về tai ương bất trắc trong cuộc sống là khôn lường. (0.5 điểm)

+ Tạo ra cái kết mở có tính đối thoại cho bài thơ. (0.5 điểm)

* Lưu ý: Chấp nhận lối diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm

Câu 4 (1.0 điểm)

– Học sinh biết rút ra một thông điệp hợp lí và viết dưới dạng một câu văn (Ví dụ: Sự sống nảy sinh từ cái chết. Sống là dũng cảm đương đầu với những khó khăn thử thách…)  (0.5 điểm)

– Viết tiếp 3 câu văn lí giải ý  câu văn trước một cách hợp lí. (0.5 điểm)

* Lưu ý: Nếu chỉ viết được 1 đến 2 câu hợp lí cho 0,25 điểm 

Phần II. Làm văn (14.0 điểm)

Câu 1 (4.0 điểm) Từ gợi ý của bài thơ trên và những trải nghiệm thực tế anh/chị hãy viết một đoạn văn nói lên suy nghĩ của mình về chủ đề: Bình yên là hạnh phúc.

Yêu cầu:

–  Học sinh biết viết thành một đoạn văn nghị luận bàn về chủ đề “Bình yên là hạnh phúc”  với lập luận rõ ràng và ý tứ phong phú, hợp lí

– Có ý thức liên hệ với gợi ý của bài thơ ở phần đọc hiểu, kết hợp với những trải nghiệm cá nhân

– Không viết đúng thành đoạn văn trừ 0.5 điểm

– Chấp nhận những cách triển khai khác nhau miễn sao hợp lí. Sau đây là một gợi ý :

– Giải thích : Bình yên là sự thanh bình, yên ấm, sự ổn định không tai ương bất trắc. Bình yên còn được hiểu như sự an nhiên tự tại của tâm hồn ngay trong bão tố (bông súng nở trong siêu bão) -> khi đồng nhất Bình yên là hạnh phúc là muốn nhấn mạnh vào ý nghĩa, giá trị to lớn của sự bình yên với hạnh phúc của con người (0.5 điểm)

–  Lí giải: (2.5 điểm)

+ Bình yên là cơ sở để làm nên hạnh phúc của mỗi chúng ta: mỗi người được sống  với tâm hồn thanh thản, an nhiên với cuộc sống an lành, ổn định và phát triển …

+ Bình yên là thước đo hạnh phúc, là mục đích phấn đấu, là giá trị, là lợi thế, là sức hấp dẫn… của mỗi quốc gia, dân tộc. Khó có hạnh phúc nếu như cuộc sống cuộc sống, và tâm hồn của chúng ta thiếu sự bình yên

+ Bình yên cũng như hạnh phúc của con người đôi khi mong manh (bông súng trong siêu bão), để có sự bình yên – hạnh phúc đôi khi chúng ta phải sẵn sàng hi sinh

+ Phê phán những kẻ gây bất ổn, phá vỡ sự bình yên – hạnh phúc của người khác để trục lợi cá nhân. Ngược lại phê phán những kẻ tìm kiếm sự bình yên bằng một cuộc sống tẻ nhạt

– Nhận thức, hành động: Bình yên là hạnh phúc nhưng không đồng nghĩa với an phận thủ thường, ngại va chạm. Cần trân trọng, bảo vệ bình yên như là một trong những hạnh phúc lớn nhất của con người; tích cực xây dựng một cuộc sống thanh bình bằng những việc làm cụ thể… (1.0 điểm)

Gợi ý thang điểm theo định tính

– Điểm 3,5 -> 4,0: Bài tốt – Bài làm có sức thuyết phục cao với  ý tứ phong phú, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng …

– Điểm 2,75 -> 3,25: Bài khá – Bài làm có sức thuyết phục, làm sáng tỏ được vấn đề, đảm bảo về ý lập luận, diễn đạt  rõ

– Điểm 2,0 -> 2,5: Bài Trung bình – Đảm bảo cấu trúc đoạn, có triển khai vến đề nghị luận nhưng ý tứ còn hạn chế, lập luận chưa thực sự thuyết phục, còn có một và lỗi

– Điểm 0,25 – 1,75 : Bài yếu, kém – Bài làm còn nhiều hạn chế về ý tứ, lập luận

– Điểm 0,0: Làm sai hoặc không làm

Câu 2. (10.0 điểm)

Theo quan niệm của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh: Chi tiết tiêu biểu trong một truyện ngắn có vai trò quan trọng như nhãn tự trong một bài thơ tứ tuyệt.

Anh/chị hiểu như thế nào? Làm sáng tỏ ý hiểu của mình qua việc cảm nhận chi tiết “Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và chạy theo A Phủ” trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài và chi tiết “bức ảnh” của nghệ sĩ Phùng trong phần cuối truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

Yêu cầu: 

– Học sinh biết làm bài nghị luận văn học bàn về một vấn lí luận Vai trò quan trọng của chi tiết trong truyện ngắn với ý tứ phong phú, lập luận chặt chẽ, biết vận dụng linh hoạt hiệu quả các kĩ năng, các thao tác lập luận. Diễn đạt tốt. Bài viết có sức thuyết phục

– Học sinh có thể khai triển theo nhiều cách khác nhau nhưng cần hợp lí. Sau đây là một gợi ý:

  1. Giải thích (2.0 điểm)

Bài thơ tứ tuyệt là muốn nói tới một cấu trúc nhỏ, chặt chẽ, hàm súc. Nhãn tự ý muốn nói tới những chữ quan trọng nhất trong một bài thơ, làm nên sự hàm súc của thơ. Chi tiết được quan niệm như yếu tố nhỏ nhất của cốt truyện -> So sánh chi tiết tiêu biểu trong một truyện ngắn giống như nhãn tự trong một bài thơ tứ tuyệt để nhấn mạnh vai trò quan trọng, giá trị đặc biệt của những chi tiết đó trong việc làm nên độ hàm súc, thần thái của truyện ngắn…

– Bản thân truyện ngắn với tính chất ngắn gọn, súc tích, vì thế người viết luôn cần chọn lọc được những chi tiết dồn nén, hàm súc và nhiều sức gợi nhất. Chi tiết đặc sắc có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng cốt truyện, làm nổi bật nhân vật và chủ đề, nội dung tư tưởng…làm nên sức hấp dẫn của truyện và thể hiện tài năng, phong cách nhà văn…

Cảm nhận hai chi tiết trong hai truyện ngắn Vợ chồng A phủ (Tô Hoài) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) để thấy vai trò quan trọng của hai chi tiết này trong mỗi truyện (7.0 điểm)

Chi tiết Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và chạy theo A Phủ (4.0 điểm)

* Giới thiệu ngắn gọn tác phẩm, chi tiết (0.5 điểm)

– Thuật dựng chi tiết: vị trí, lí do xuất hiện chi tiết để thấy chi tiết tương đương như một sự kiện – một tình huống truyện (0.5 điểm)

– Diễn biến – Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và chạy theo A Phủ là một quá trình diễn biến tâm lí và hành động phức tạp,  bất ngờ mà hợp lí (biện chứng) (1.5 điểm ):  Thương mình, thương người, ý thức được tội ác của cha con Pá tra, ý thức được quyền sống  -> Và khi tình thương người lớn hơn tình thương thân cộng hưởng với ý thức về quyền sống và khát vọng sống tự do giúp Mị vượt lên trên cả nỗi sợ hãi và hành động quyết liệt: cắt dây cởi trói cho A Phủ  và  cùng A Phủ chạy khỏi nhà thống lí Pá Tra

– Ý nghĩa: Một chi tiết mang nhiều ý nghĩa có vai trò quan trọng, không thể thiếu(1.5 điểm)

+ Với tạo dựng cốt truyện:  Chi tiết này tương đương như một tình huống quan trọng tạo nên bước ngoặt cho truyện, tạo nên độ căng cho truyện kể

+ Với việc thể hiện nhân vật và nội dung tư tưởng tác phẩm: Thấy được diễn biến tâm lí, vẻ đẹp tâm hồn với sức sống và khát vọng sống mãnh liệt. Con đường người lao động miền núi tự đứng lên giải phóng chính bản thân mình. Làm nổi bật giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm…

+ Thể hiện tài năng, công phu nghệ thuật của nhà văn: cái nhìn tinh tường với cuộc sống, con người Tây Bắc; nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật phong phú biện chứng…

Chi tiết bức ảnh của nhân vật Phùng ở cuối truyện ( 3.0 điểm)

– Giới thiệu ngắn gọn tác phẩm, chi tiết ( 0.25 điểm)

– Thuật dựng chi tiết: vị trí, lí do xuất hiện chi tiết (nằm ở cuối truyện, gắn với những day dứt ám ảnh của nhân vật nghệ sĩ Phùng – là một ám thị nghệ thuật của nhân vật (0.25 điểm)

– Phân tích tính chất (1.0 điểm)

+ Một bức ảnh có giá trị, được đánh giái rất cao, ở một góc độ nào đó như là thành công nghệ thuật của người nghệ sĩ xét ở góc độ thuần nghệ thuật …

+ Với nghệ sĩ Phùng, bức ảnh chứa sự phi lí (quái lạ), đầy ám ảnh: là ảnh đen trắng nhưng mỗi khi “nhìn kĩ”, “nhìn lâu” Phùng lại nhận ra trong bức ảnh đó bãi xe tăng hỏng, người đàn bà với đường nét thô kệch, khuôn mặt rỗ …hoà lẫn trong đám đông. Như vậy trong một khung ảnh lại có hai bức ảnh, một thuần nghệ thuật, một của cuộc đời thực (chỉ Phùng nhìn thấy, và phải nhìn lâu, nhìn kĩ…)

– Ý nghĩa: Một chi tiết mang nhiều ý nghĩa có vai trò quan trong với toàn bộ truyện, làm nên sự hàm súc cho truyện (1.5 điểm)

+ Với nghệ thuật tạo dựng cốt truyện: làm cho tình huống nhận thức của truyện sâu sắc hơn (tình huống nhận thức đã trở thành tự nhận thức với những ám ảnh, dằn vặt), tạo cái kết mở, nối dài đời sống của truyện…

+ Với thể hiện nhân vật và nội dung tư tưởng tác phẩm:

.  Phùng là người nghệ sĩ chân chính: tinh tế, có lương tâm, trách nhiệm với cuộc sống

. Làm nổi bật những thông điệp của nhà văn về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống: Nghệ thuật và cuộc sống có mối quan hệ mật thiết nhưng vẫn có khoảng cách. Muốn phản ánh trung thực bản chất cuộc sống người nghệ sĩ phải đứng trong cuộc sống mở rộng lòng mình mà lắng nghe cuộc sống…

+ Chi tiết giàu giá trị biểu tượng, góp phần làm nên sự hàm súc của tác phẩm. Đây là một sáng tạo nghệ thuật đưa Nguyễn Minh Châu trở thành nhà văn của những biểu tượng , truyện ngắn của ông giàu tính triết lí

III. Khái quát nâng cao (1.0 điểm)

– Hai chi tiết đều có vị trí, vai trò quan trọng làm nên sự hàm súc, sức hẫp dẫn lâu dài của hai truyện ngắn, thể hiện công phu và tài năng, phong cách của nhà văn.

– Bài học cho sáng tác và tiếp nhận: Nhà văn phải biết chắt lọc lấy những chi tiết  tiêu biểu; người đọc hãy đọc tác phẩm từ chính những chi tiết quan trọng…

Gợi ý thang điểm theo định tính

– Điểm  8,5 -> 10,0: Bài tốt – Bài làm có sức thuyết phục cao với  ý tứ phong phú, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng …

– Điểm 7.0  -> 8,25: Bài khá – Bài làm có sức thuyết phục, làm sáng tỏ được vấn đề, đảm bảo về ý lập luận, diễn đạt  rõ

– Điểm 5,0 -> 6,75: Bài Trung bình – Đảm bảo cấu trúc đoạn, có triển khai vến đề nghị luận nhưng ý tứ còn hạn chế, lập luận chưa thực sự thuyết phục, còn có một và lỗi

– Điểm 3,5 – 4,75 : Bài yếu – Bài làm còn nhiều hạn chế về ý tứ, lập luận

– Điểm 025 – 3,25: Bài kém – Bài làm có quá nhiều lỗi về kiến thức và kĩ năng, không hoàn chỉnh

– Điểm 0,0 sai hoàn toàn hoặc không làm bài

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *