Đề thi chọn đội tuyển HSG ngữ văn thành Phố Hải Phòng

Đề thi khối 12
SỞ GD & ĐT HẢI PHÒNG

Trường THPT Cộng Hiền

KÌ THI THỬ HSG NGỮ VĂN 12

Năm học: 2018 – 2019

Thời gian: 180 phút không kể chép đề.

 

I.ĐỌC HIỂU

Đọc bản tin sau:

BÀI BÁO THỨ NHẤT

Chuyện về bé Hải An hiến giác mạc sau khi qua đời

Sáng 22/2, đường dây nóng của Trung tâm Điều phối tạng Hà Nội nhận một cuộc điện thoại đặc biệt. Đầu dây bên kia tự xưng tên Nguyễn Trần Thùy Dương (33 tuổi, thôn Tân Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chị Dương nghẹn ngào đưa lời:

“Con tôi – bé gái Nguyễn Hải An mới 7 tuổi, 3 tháng đang trong tình trạng hôn mê do u cầu não xâm lấn. Gia đình có nguyện vọng hiến tặng nội tạng của cháu cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng, muốn sẽ được nghe tiếng trái tim của con gái mình còn đập trong lồng ngực một bạn trẻ nào đó…”.

(…)Bé An nhập viện ngày 15/1/2018. Cũng kể từ ngày đó, chị Dương xin nghỉ việc để đồng hành cùng con gái bé nhỏ. Chị hay kể cho con nghe về chuyện hiến tặng nội tạng cho người bị bệnh. Một lần, khi còn tỉnh táo bé An tâm sự với mẹ: “Con cũng muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác…”.

(Theo Minh Nhân, Báo Tri Thức trẻ, kênh 14, 27/2/2018)

BÀI BÁO THỨ HAI

Sau khi bé Hải An qua đời, đăng kí hiến tạng  tăng 1200%

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể con người cho biết, đây là con số kĩ lục. Ngày nhiều nhất có gần 100 người đăng kí hiến, trong khi đó mỗi ngày chỉ có đến 4-5 người.Đường dây nóng của trung tâm liên tục nóng máy cả ngày lẫn đêm để hướng dẫn thủ tục.

Kể từ sau khi bé Hải An qua đời đến nay, tổng cộng có gần 1000 người đăng kí hiến tạng (trên tổng số 1 200 người hiến tạng từ đầu năm đến nay) theo 2 kênh: Trực tiếp đến trung tâm hoặc đăng kí qua mạng.

(…) Hầu hết mọi người chia sẻ đã từng tìm hiẻu   và có ý định nhưng vì lí do nên chưa đủ can đảm. Câu chuyện xúc động của cô bé 7 tuổi Hải An, đã tạo động lực để mọi người viết đơn đăng kí.

Chị Trần Thị Thu Hiền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, nhờ câu chuyện của bé Hải An, 2 vợ chồng chị đã có thêm động lực đến đăng kí hiến mô tạng.

Khi biết đến câu chuyện của bé, các con của tôi cũng đã hỏi mẹ  rằng sau này nếu con qua đời, con có thể làm như em ấy được không? Câu chuyện của bé Hải An đã tạo sức mạnh lan tỏa cực kì lớn”, chị Hiền chia sẻ. (…)

(Theo Thúy Hạnh, báo Vietnamnet, 11/03/2018)

Câu 1:  Bản tin trên đề cập đến vấn đề gì? Hiệu quả của bản tin trên?

Câu 2:  Suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa xã hội được gợi ra từ bài báo trên?

  1. LÀM VĂN

Câu 1:

Câu nói sau của một người mẹ trẻ ở Hà Nội khi quyết định hiến giác mạc con gái 7 tuổi mất vì bạo bệnh cho y học: Con tặng ánh sáng cho bạn khác nhé! Gợi lên trong anh/chị suy nghĩ gì?

(Theo nguồn đăng trên Vietnamnet.vn lúc 05:02, ngày 23/02/2018.)

Câu 2:

Bàn về truyện ngắn, nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: Ở truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như một chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó có những chi tiết đóng vai trò quan trọng đặc biệt như nhãn tự trong thơ vậy.

(Tọa đàm về cuốn sách Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa. Báo Văn nghệ, số 14/1999)

Quan niệm của anh/chị về ý kiến trên? Chọn cảm nhận chi tiết nghệ thuật trong các truyện ngắn đã học, đã đọc để làm sáng tỏ.

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

I.ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Bản tin trên đề cập đến vấn đề bé Hải An hiến giác mạc sau khi qua đời và hiệu ứng từ việc hiến giác mạc của bé Hải An với cộng đồng xã hội.

– Hiệu quả bản tin: Việc làm của bé Hải An là nghĩa cử đẹp, giảu tính nhân văn.  Nghĩa cử cao đẹp từ bé chính là mónquà  là một viên ngọc sáng giữa đời! Đôi giác mạc của bé sẽ giúp được hai người mù lòa có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Như vậy, tuy thân thể con rời xa chúng ta nhưng con vẫn tiếp tục được sống thêm một lần nữa, con sẽ vẫn được ngắm nhìn cuộc sống tươi đẹp này.Hành động đẹp cổ vũ sức mạnh cho những tấm lòng “biết cho” bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Câu 2:

*Ý nghĩa bài bào thứ nhât: ước nguyện cao đẹp, thiêng liêng, đầy ý nghĩa của bé Hải An khi sắp qua đời muốn hiến tặng giác mạc  và những bộ phận khác trên cơ thể mình để  “sau này con mất đi , những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn còn sống trên cơ thể của người khác…”và hành động cao đẹp, nhân văn của gia đình và cụ thể là mẹ bé Hải An “gia đình có nguyện vọng hiến tặng nội tạng của cháu cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng, muốn nghe trái tim của con gái mình còn đập trong lồng ngực của bạn trẻ nào đó…” .

* Ý nghĩa bài báo thứ hai: Sau khi bé Hải An qua đời “chưa được một tháng” số người đăng kí hiến tạng tăng 1200% , vì lí do khác nhau mà trước đây người ta không dám, không đủ can đảm…Qua việc làm cao đẹp ấy đã tạo động lực và “sức lan tỏa cực kì lớn” cho toàn xã hội.

*Bình luận mở rộng: Đây là một hành động nghĩa cử cao đẹp, giàu ý nghĩa đáng để cả xã hội ngưỡng mộ, học tập. Chỉ trong thời gian ngắn nó đã lan tỏa, tạo thành động lực cho toàn xã hội, điều đó khẳng định, những việc làm cao đẹp, đúng đắn luôn được xã hội trân trọng, học tập, noi theo…Đó là tín hiệu tích cực, đáng mừng. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều người sống ích kỉ chỉ lo nghĩ cho bản thân.

* Phát biểu suy nghĩ của bản thân: Rất ngưỡng mộ, xúc động trước nghĩa cử cao đẹp đó sẽ sống tốt, có ích cho xã hội bằng những việc làm, hành động nhỏ nhất.

II.LÀM VĂN

Câu 1:

1.Xác định ý nghĩa câu nói:

– “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé!”:câu nói thể hiện suy nghĩ tích cực và mong muốn của người mẹ, dù con mất đi nhưng con vẫn có thể làm được những điều có ý nghĩa cho đời. Đó là tấm lòng, là sự hi sinh, dâng hiến cao cả của người mẹ cho cuốc sống.

– Câu nói có tác động lớn đến suy nghĩa, nhận thức của cộng đồng trong việc cùng chung tay góp sức xây dựng xã hội mà ở đó con người luôn biết sống vì nhau kể cả khi phải đối mặt với những nối đau mất mát quá lớn của bản thân.

-Câu nói mang ý nghĩa xã hội và thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

2.Bình luận, chứng minh:

– Câu nói của người mẹ trẻ vừa vỗ về con vừa như cổ vũ con thật nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa một sức mạnh tinh thần lớn lao đó cũng là cách để mỗi người mẹ tự xoa dịu nỗi đau, biến nỗi đau thành hành động, biến mất mát của mình thành hạnh phúc cho người khác.

– Trong khi cuộc sống hiện đại với những thay đổi chóng mặt và ý thức vun vén cho những giá trị bản thân chiếm đa số thì câu nói và hành động của người mẹ trẻ làm cho niềm tin vào con người, vào cuộc sống càng được củng cố và lan tỏa. Nó chứng minh rằng, xung quanh chúng ta, trong cuộc đời này vẫn còn rất nhiều những người biết hi sinh, dám hi sinh vì người khác một cách vô tư.

– Khát mong con được sống mãi giữa cuộc đời và đem ánh sáng khỏe mạnh cho mình và cho những người cần ánh sáng là động lực thôi thúc người mẹ sắn sàng dâng hiến một phần cơ thể của đứa con bé bỏng. Nhưng có lẽ trên tất cả là tấm lòng, tất cả trái tim chan chứa tình người mà chị có được từ ý thức trách nhiệm với cuộc đời.

– Câu nói cũng là thông điệp gửi đến những ai sống thực dụng hèn nhát chỉ toan tính cho lợi ích cá nhân hãy suy ngẫm và thay đổi mình để lương tâm không bị cắn rứt, để thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa.

  1. Bài học nhận thức và hành động:

– Biết vượt qua giới hạn bản thân để sống có ý nghĩa hơn.Dũng cảm đối mặt với thách thức và sẵn sàng giúp đỡ những người cần được giúp đỡ. Luôn có niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp, nhân ái, vị tha.

– Loại trừ lối sống vị kỉ, hèn nhát, nhu nhược, chỉ mong hưởng lợi từ người khác mà không biết hi sinh vì người khác.
Câu 2:

1.Giải thích ý kiến:

– Chi tiết nghệ thuật: yếu tố nghệ thuật trong sáng tác tự sự, là thành phần tạo nên cốt truyện, là phương thiện thực hiện dụng ý sáng tác của nhà văn.

– Ý kiến khẳng định vai trò của việc lựa chọn xây dựng chi tiết nghệ thuật nói chung, chi tiết nghệ thuật độc đáo nói riêng trong truyện ngắn.

  1. Bàn luận:

– Thơ tứ tuyệt và truyện ngắn tuy khác nhau về phương thức biểu đạt nhưng lại giống nhau về sự cô đọng, ở trong dung lượng ngắn gọn. Điều này đòi hỏi mỗi câu chữ, mỗi chi tiết nghệ thuật đều phải có giá trị biểu đạt cao.

– Nếu “nhãn tự” trong thơ là điểm quy tụ tinh thần toàn bộ bài thơ thì chi tiết nghệ thuật độc đáo điển hình trong truyện ngắn chính là chìa khóa mở ra thế giới nghệ thuật của câu chuyện. Mọi thông điệp, tư tưởng, thái độ của tác giả gửi gắm hết vào trong đó.

– Thí sinh lựa chọn cảm nhận chi tiết nghệ thuật độc đáo trong truyện ngắn từ đó chúng minh vai trò quan trọng của chúng đối với tác phẩm.

  1. Đánh giá:

– Sự thành công của một truyện ngắn phụ thuộc vào sự độc đáo và sâu sắc của chi tiết nghệ thuật, đặc biệt là chi tiết nghệ thuật điển hình.Bởi thế, việc tạo những chi tiết nghệ thuật độc đáo là yêu cầu bắt buộc để có được một truyện ngắn thực sự có giá trị.

– Quan điểm của nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh đặt ra yêu cầu, thử thách đối với người sáng tác và mở ra hướng tiếp nhận đúng đắn  cho đọc giả khi đọc truyện ngắn.

Lưu ý: Thí sinh cần chọn được những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu độc đáo để chứng minh, bàn luận nêu ra ở đề bài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *