Đề liên hệ kết thúc truyện Vợ nhặt và Chí Phèo

Đề thi khối 12

    KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2018   Bài thi: NGỮ VĂN

                                                               Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

ĐỀ THAM KHẢO 6

ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Tỉ phú Hồng Kông Y Pang-Lin vừa qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện. Ông giải thích hành động của mình” “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ hại cho chúng mà thôi”. Y Pang-Lin không phải là người đầu tiên trên thế giới “keo kiệt” với con nhưng lại hào phóng với xã hội. Người giàu nhất thế giới – Bill Gates – từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tổng tài sản kếch xù của mình. Báo chí hỏi tại sao như vậy, ông trả lời đại ý: Con tôi là con người, mà đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tiền?

      Nhưng cũng có người con sẵn sàng từ chối thứ mà “đời bố hi sinh” để “củng cố” cho mình. Stephen Covey – người từng được tạp chí Time bầu chọn là 1 trong 25 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới, tác giả cuốn sách nổi tiếng Bảy thói quen để thành đạt – viết di chúc để lại tiền cho con và ra đi năm 2012. Cả chín người con không ai nhận tiền. Họ lý giải rất giản dị rằng họ là những người bình thường và hoàn toàn có thể tự lao động, tự kiếm sống được.

         Tương tự, tỉ phú Warren Buffett viết di chúc để lại 10% tài sản của mình cho con, còn lại là làm từ thiện. Tuy nhiên, ba người con, dù không phải quá giàu có, cũng từ chối và dành luôn số tiền đó cho từ thiện.

      […]. Có người cho rằng, có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả. Hai thứ đó là : ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.

(Theo Nhật Huy, Không để lại tiền cho con, Dẫn theo  http:/tuoitre.vn, ngày 10/5/2015)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.

Câu 2. Theo tác giả, vì sao những người cha tỉ phú như Pang-Lin, Bill Gates,… không muốn để lại nhiều của cải cho con?

Câu 3. Anh/chị rút ra thông điệp gì từ văn bản trên?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến được nêu ở đoạn cuối của văn bản “Có người cho rằng …  để tự chịu trách nhiệm” không ? Vì sao ?

LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Văn bản phần Đọc hiểu gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về tính tự lập của con người, nhất là tuổi trẻ. Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ đó.

Câu 2 (5,0 điểm)

Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.

        Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.

        Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.

        Bà cụ Tứ chợt thấy con giai đã dậy, bà lão nhẹ nhàng bảo nàng dâu:

        – Anh ấy dậy rồi đấy. Con đi dọn cơm ăn chẳng muộn.

        – Vâng.

        Người đàn bà lẳng lặng đi vào bếp […]

        […] Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống, dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hôt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vần trên nền trời như những đám mây đen.

         Người con dâu khẽ thở dài, thị nói lí nhí trong miệng:

         – Trống gì đấy, u nhỉ?

         – Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ… – Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc.

          Người con dâu có vẻ lạ lắm, thị lầm bầm:

          – Ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à?

          Im lặng một lúc thị lại tiếp:

          – Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy.

          Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi. Cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm. Miếng cám ngậm trong miệng hắn đã bã ra chát xít… Hắn đang nghĩ đến những người phá kho thóc Nhật.

          Tràng hỏi vội trong miếng ăn:

           – Việt Minh phải không?

           – Ừ, sao nhà biết?

           Tràng không trả lời. Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm.

            Hôm ấy hắn láng máng nghe người ta nói họ là Việt Minh đấy. Họ đi cướp thóc đấy. Tràng không hiểu gì sợ quá, kéo vội xe thóc của Liên đoàn tắt cánh động đi lối khác.

         À ra họ đi phá kho thóc chia cho người đói. Tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu.

        Ngoài đình tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập. Mẹ và vợ Tràng đã buông đũa đứng dậy.

        Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…

(Trích Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, trang 30 – 32)

Anh/chị hãy phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Liên hệ cách kết thúc đoạn trích này (cũng là cách kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt) với cách kết thúc truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao (Sách Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, trang 154 – 155) để bình luận cách nhìn của hai nhà văn về người nông dân trong xã hội cũ.

GỢI Ý ĐÁP ÁN

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ báo chí/chính luận (0.5)

Câu 2. Những người cha tỉ phú như Pang-Lin, Bill Gates,… không muốn để lại nhiều của cải cho con vì họ quan niệm rằng:

-Nếu con cái của họ tài giỏi, chúng sẽ tự kiếm được  tiền. Nếu chúng kém cỏi thì của cải có sẵn chỉ làm hại chúng thôi (lười biếng, ỷ lại, sa vào tệ nạn xã hội,…) (0.5)

– Lao động là trách nhiệm của mỗi con người, không chỉ để nuôi sống bản thân mà còn góp phần thúc đẩy xã hội. (0.5)

Câu 3. Thông điệp của văn bản: con người, nhất là tuổi trẻ, phải có tính tự lập trong cuộc sống; phải tự mình làm chủ cuộc sống của mình, không dựa dẫm vào người khác. (0.5)

Câu 4. Học sinh tự lựa chọn câu trả lời (Đồng tình/ Không đồng tình) và phải có lí giải cụ thể, đúng hướng (không trái với đạo đức và pháp luật). (1.0)

– Nếu thí sinh chọn cách trả lời đồng tình, có thể lí giải như sau:

+Bởi  ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mìnhnăng lực để tự chịu trách nhiệm là hai phẩm chất quan trọng để con người sống tự lập, làm chủ cuộc đời mình.

+ Nếu con người, nhất là thanh niên, thiếu hai phẩm  chất trên, chỉ dựa dẫm vào cha mẹ thì sẽ sinh ra lười biếng, sa vào tệ nạn xã hội, và rồi cuối cùng tiền bạc cũng sẽ tiêu tan, cuộc sống thiếu bền vững.

– Nếu thí sinh chọn cách trả lời không đồng tình thì phải có sự lí giải cụ thể, nhưng không trái với đạo đức và pháp luật.

LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Văn bản phần Đọc hiểu gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về tính tự lập của con người, nhất là tuổi trẻ? Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ đó.

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tính tự lập của con người

Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Sau đây là định huớng cho nội dung đoạn văn:

* Mở đoạn. Tính tự lập là một đức tính quan trọng, cần thiết đối với mỗi cá nhân đặc biệt là các bạn trẻ trong xã hội hiện đại.

* Thân đoạn:

– Thế nào là tính tự lập?

Tính tự lập là không dựa dẫm vào người khác, sử dụng tài năng, bản lĩnh của cá nhân để làm chủ cuộc sống của mình.

– Tính tự lập có những biểu hiện cụ thể gì?

Tính tự lập được thể hiện ở sự tự tin, bản lĩnh cá nhân, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, ý chí nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống.

+ Tự lập trong học tập: học tập không cần sự nhắc nhở của cha mẹ; có ý thức phấn đấu, vươn lên để đạt thành tích cao hơn,…

+ Tự lập trong cuộc sống: Tự chăm lo cho bản thân, hoàn thành các công việc được giao phó, giúp đỡ những người xung quanh,…

– Vì sao phải rèn luyện tính tự lập? (Ý nghĩa, tác dụng)

+ Rèn luyện đức tính tự lập sẽ giúp cá nhân có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách đề đến thành công.

+ Giúp chúng ta trưởng thành, bản lĩnh, vững vàng hơn trong cuộc sống.

+ Đức tính tự lập giúp chúng ta làm chủ cuộc sống của chính mình.

– Bàn luận, mở rộng vấn đề.

+ Hiện nay, còn có rất nhiều bản trẻ có tính ỷ lại, thụ động không biết phấn đấu, vươn lên làm chủ cuộc sống của bản thân. Đó là một thái độ đáng chê trách và lên án.

+  Muốn có đức tính tự lập các bạn trẻ cần chủ động trong mọi việc, sẵn sàng hăng hái tham gia mọi hoạt động, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

*Kết đoạn (Thái độ của bản thân) Mỗi chúng ta cần tự rèn luyện cho mình đức tính tự lập. Đức tính này chính là chìa khóa cho sự thành công của mỗi người.

Câu 2 (5,0 điểm)

  1. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : Diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng trong đoạn trích Vợ nhặt của Kim Lân. Bình luận về cách nhìn nguời nông dân trong xã hội cũ qua cách kết thúc hai tác phẩm:  Vợ nhặt Chí Phèo – Nam Cao,
  2. Triển khai vấn đề nghị luận:

*Giới thiệu: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt và nhân vật Tràng (sau khi lấy vợ)

*Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng

– Tóm tắt tình huống lấy vợ của Tràng

– Tâm trạng của Tràng trong buổi sáng ngày đầu có vợ:

+ Vẫn còn ngỡ ngàng

+ Cảm động, hạnh phúc khi nhìn thấy cảnh cửa nhà thay đổi và cảnh mẹ cùng vợ quét tước sân vườn  – một cảnh gia đình ấm áp trong ngày đói.

+ Dự tính về cuộc sống tương lai, ý thức về trách nhiệm của mình với gia đình.

+ Kết thúc là sự nhận hiểu về Việt Minh, về đoàn người đói đi phá kho thóc.

– Qua nhân vật Tràng, Kim Lân khẳng định bản chất tốt đẹp, sức sống mạnh mẽ của con người Việt Nam : tình người cao đẹp, khát vọng sống và niềm hi vọng vào cuộc sống, vào tương lai.

– Nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật:

+Đặt nhân vật trong tình  huống lạ, độc đáo.

+ Miêu tả nội tâm sâu sắc, tinh tế.

*Liên hệ kết thúc của truyện ngắn Chí Phèo và bình luận

– Liên hệ nhân vật Chí Phèo

+ Sau khi gặp thị Nở, Chí Phèo khát khao được hoàn lương, được chung sống với thị Nở; nhưng thị Nở từ chối chung sống do bà cô ngăn cản.

+ Chí Phèo đau khổ, tuyệt vọng, giết chết bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình.

+ Nghe tin Chí Phèo chết, thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và thấy thoáng hiện một cái lò gạch cũ.

– Bình luận:

+ Qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao phản ánh tình trạng bế tắc, tuyệt vọng của người nông dân bị áp bức bởi bọn thống trị , họ bị cướp đoạt vĩnh viễn cuộc sống. Và đó cũng là cái nhìn  bi quan của Nam Cao về số phận của người nông dân trong xã hội cũ.

+ Qua nhân vật Tràng, Kim Lân thể hiện cái nhìn lạc quan, hướng tới tương lai tươi sáng cho những người lao động nghèo khổ.

+ Sự khác biệt về kết thúc  của hai tác phẩm xuất phát từ hoàn cảnh xã hội khi hai tác phẩm ra đời. + Tuy nhiên, cả hai tác phẩm đều thể hiện tinh thần nhân đạo của hai nhà văn.

Trường THPT Số 3 An Nhơn                                

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *