Đề thi học sinh giỏi Vai trò của chi tiết nghệ thuật trong Chí Phèo và Chữ người tử tù

Đề thi khối 11

ĐỀ GIỚI THIỆU        ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

Môn: Ngữ văn

 Lớp 11 – THPT

Thời gian làm bài: 180′

(Không kể thời gian giao đề)

 (Đề thi gồm có 01 trang, gồm 02 câu )

 Câu 1 (8,0 điểm)

Amonimus cho rằng: Con đường ngắn nhất để ra khỏi gian nan là đi xuyên qua nó.

Nhưng có người lại khuyên: Hãy học cách ứng xử của dòng sông: gặp trở ngại, nó vòng đường khác.

Anh/chị hãy bày tỏ quan điểm của mình về những ý kiến trên.

Câu 2 (12,0 điểm)

 “Ở truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như những nhãn tự trong thơ vậy”.

(Nguyễn Đăng Mạnh – Trong cuộc tọa đàm về cuốn sách Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, báo Văn nghệ số 14, tháng 4/1999).

 

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về truyện ngắn ”Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và ”Chí Phèo” của Nam Cao, anh/chị hãy bày tỏ quan điểm của mình.

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

Môn thi: Ngữ Văn

Lớp 11 – THPT

(Hướng dẫn chấm có 04 trang, gồm 02 câu)

Câu 1 (8,0 điểm)

Amonimus cho rằng: Con đường ngắn nhất để ra khỏi gian nan là đi xuyên qua nó.

Nhưng có người lại khuyên: Hãy học cách ứng xử của dòng sông: gặp trở ngại, nó vòng đường khác.

Anh/chị hãy bày tỏ quan điểm của mình về những ý kiến trên.

Yêu cầu chung

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan điểm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Yêu cầu cụ thể

Giải thích (1,5 điểm)

– Ý kiến thứ nhất: Dùng biểu tượng con đường, Amonimus nêu quan điểm: cách tốt nhất để vượt qua gian nan là chấp nhận, chủ động đối mặt và vượt lên để chiến thắng.

– Ý kiến thứ hai: Mượn hình ảnh dòng sông luôn chảy vòng khi gặp núi đồi, ý kiến nêu lên cách ứng xử trước khó khăn trong cuộc sống: không bỏ cuộc nhưng không trực tiếp đối mặt mà tìm con đường khác, tiếp tục hành trình để đạt mục đích cuối cùng. Đó là cách ứng xử linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp với hoàn cảnh.

Như vậy, hai ý kiến nên lên hai cách ứng xử khác nhau của con người trước những gian nan, thử thách trong cuộc sống.

 

Phân tích, chứng minh( 4,0 điểm)

   Từ nhận thức và trải nghiệm của bản thân, thí sinh bày tỏ suy nghĩ riêng về các ý kiến. Tuy nhiên, dù suy nghĩ theo hướng nào, ý kiến được nêu phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng và có thái độ bàn luận nghiêm túc, thiện chí.

Bài viết có thể đi theo hướng sau:

– Cuộc sống của chúng ta là một hành trình dài. Trên hành trình ấy, chúng ta có thể gặp nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội nhưng có thể phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Khi đó, chúng ta phải tìm cách ứng xử phù hợp.

– Mỗi người có những cách lựa chọn khác nhau khi đứng trước gian nan, trở ngại. Có người chọn cách đối mặt, dũng cảm vượt qua; có người linh hoạt hơn, tìm một con đường khác, có thể mất thời gian hơn nhưng cuối cùng vẫn tới đích…

– Cách ứng xử của con người trước khó khăn, thử thách có thể xem như là phép thử ý chí, nghị lực và khả năng giải quyết vấn đề của mỗi người. Lựa chọn cách ứng xử phù hợp trước hoàn cảnh, chúng ta sẽ đạt được thành công. Thực tế, có rất nhiều người đã không chạy trốn số phận, đối mặt với hoàn cảnh, đi xuyên qua gian nan và đã thành công. (Thí sinh sử dụng dẫn chứng phù hợp để chứng minh). Chúng ta cũng thấy không ít người trong hoàn cảnh khó khăn khác, biết linh hoạt hơn, chọn con đường vòng và cuối cùng cũng tới đích. (Thí sinh  sử dụng dẫn chứng cụ thể để chứng minh).

 

Bàn luận (1,0 điểm)

Phê phán những con người dễ dàng đầu hàng trước khó khăn, thử thách. Phê phán những người đi vòng, đi tắt bất chấp luật pháp để đạt mục đích.

Bài học nhận thức và hành động (1,5 điểm)

Thí sinh rút ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: Cần bình tĩnh, tự tin trước khó khăn, thử thách; nỗ lực vượt khó để thành công…

 

Câu 2 (12,0 điểm)

“Ở truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như những nhãn tự trong thơ vậy”.

(Nguyễn Đăng Mạnh – Trong cuộc tọa đàm về cuốn sách Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, báo Văn nghệ số 14, tháng 4/1999).

 

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về truyện ngắn ”Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và ”Chí Phèo” của Nam Cao, anh/chị hãy bày tỏ quan điểm của mình.

 

Yêu cầu chung

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.

 

Yêu cầu cụ thể

Giải thích ý kiến: 3,0 điểm

Cắt nghĩa từ ngữ và rút ra vấn đề cần nghị luận:

– Khái niệm truyện ngắn: là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, phản ánh cuộc sống trong tính khách quan của nó thông qua con người, hành vi và các sự kiện. Truyện ngắn đề cập đến hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội.

– Khái niệm chi tiết nghệ thuật: “Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng”. “Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật về thế giới con người, với truyền thống văn hoá nghệ thuật nhất định” . (Từ điển thuật ngữ văn học của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 1997)

– Nhãn tự: chữ có mắt, có nghĩa, là điểm sáng của bài thơ, hàm chứa chủ đề của thi phẩm và tư tưởng của tác giả.

– Thơ tứ tuyệt là một thể thơ luật Đường, mỗi bài chỉ vẻn vẹn bốn câu, hai mươi tám chữ nhưng cô đọng, dồn nén nhiều cảm xúc, tư tưởng.

-> Như vậy, với ý kiến trên, Nguyễn Đăng Mạnh đã dùng phép so sánh để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn như “mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt”, “như nhãn tự trong thơ”.

 

Lí giải ý kiến: Tại sao nói chi tiết trong truyện ngắn có vai trò quan trọng như “nhãn tự” trong bài thơ tứ tuyệt?

– Thể loại thơ, nhất là thơ tứ tuyệt luôn cô đọng, ngắn gọn nhưng lại hàm chứa những tầng bậc ý nghĩa sâu xa, “ý tại ngôn ngoại”, “ngôn tận nhi ý bất tận”. Để đạt được điều đó, nhà thơ đã dồn nén cảm xúc và tư tưởng trong những “nhãn tự”, “thần cú”.

– Đặc trưng của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng câu chữ. Truyện ngắn chỉ thông qua một hiện tượng, một lát cắt, một khoảnh khắc của đời sống, mà khái quát lên được bản chất của cuộc đời và con người. Bởi vậy, người viết truyện ngắn phải có kỹ thuật tinh xảo, biết dồn nén tư tưởng vào trong những chi tiết đặc sắc, mang nhiều ẩn ý như“bàn tay xiết lại thành nắm đấm” (Hêmingway).

– Một truyện ngắn đặc sắc là truyện ngắn có nhiều chi tiết đắt giá có khả năng tạo tiền đề cho cốt truyện phát triển, góp phần tạo nên tình huống truyện, làm nổi bật tính cách nhân vật, tạo dựng khung cảnh, thể hiện chủ đề tư tưởng của truyện…

 

Phân tích, chứng minh qua tác phẩm ”Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và ”Chí Phèo” của Nam Cao (7,0 điểm)

 

Thí sinh có thể lựa chọn một số chi tiết đắt giá trong mỗi tác phẩm để phân tích.

+ Trong truyện ”Chữ người tử tù”, các chi tiết được lựa chọn có thể là: chi tiết Huấn Cao “dỗ gông”, chi tiết Huấn Cao khinh bạc quản ngục, chi tiết Huấn Cao cho chữ, chi tiết quản ngục bái lĩnh Huấn Cao,…

+ Trong tác phẩm “Chí Phèo”, các chi tiết được lựa chọn có thể là: chi tiết tiếng chửi của Chí Phèo mở đầu tác phẩm, chi tiết bát cháo hành, hơi cháo hành, chi tiết giọt nước mắt của Chí, …

– Quá trình phân tích phải gắn với vấn đề nghị luận, tức là nhằm mục đích làm sáng tỏ vai trò của chi tiết trong việc “làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn”, “thể hiện quan niệm nghệ thuật về thế giới con người”…như “nhãn tự trong thơ vậy“.

 

Bình luận (2,0 điểm)

– Khẳng định ý kiến của Nguyễn Đăng Mạnh là chính xác.

– Bàn bạc, mở rộng:

+ Không phải bất cứ chi tiết nào trong truyện ngắn cũng được coi như “nhãn tự” trong bài thơ tứ tuyệt. Vì vậy, việc phát hiện được những chi tiết đắt giá rất quan trọng trong quá trình tìm hiểu, khám phá tác phẩm.

+ Bên cạnh chi tiết nghệ thuật, sự thành công của truyện ngắn còn được quyết định bởi rất nhiều yếu tố khác như: cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật, kết cấu…

+  Bài học đối với người sáng tạo và người tiếp nhận:

Với người đọc, cảm nhận chi tiết nghệ thuật, đặc biệt là những chi tiết đặc sắc là mở những cánh cửa đầu tiên để đi vào thế giới nghệ thuật của một tác phẩm văn học. Đồng thời, khi phân tích, bình giá tác phẩm phải đặt các chi tiết trong hệ thống, trong chỉnh thể nghệ thuật.

Nhà văn phải dồn tâm lực để sáng tạo nên những chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Nhà văn sẽ không thể làm nên tên tuổi nếu tác phẩm của anh ta không bắt đầu từ những chi tiết. Người đọc sẽ không nối được nhịp cầu tri âm với tác giả nếu không thông qua tác phẩm từ những chi tiết nghệ thuật nhỏ nhất bởi chân lí trong sáng tạo nghệ thuật luôn là: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.

Lưu ý chung:

Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.

Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

— HẾT —

Người ra đề: Giáo viên Nguyễn Thị Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *