Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 11 truyện Chí Phèo của Nam Cao

Đề thi khối 11
TRƯỜNG THPT BỈM SƠN ĐỀ THI HSG MÔN NGỮ VĂN  – LỚP 11

Thời gian làm bài: 180 phút

 

Đề thi gồm 01 trang.      Số báo danh:…………………

 Câu 1 (8,0 điểm):

Trong “Truyện Lục Vân Tiên”, Nguyễn Đình Chiểu quan niệm:

“Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.

Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn với chủ đề: Lẽ ghét thương trong cuộc sống hiện nay.

 Câu 2 (12,0 điểm):

Bàn về quan điểm nghệ thuật của Nam Cao, có ý kiến cho rằng: “Có thể nói, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam ra đời từ đầu thế kỉ XX, đến Nam Cao mới thật sự tự giác đầy đủ về những nguyên tắc sáng tác của nó” (SGK Ngữ văn 11 Nâng cao, tập 1, Nxb Giáo dục, 2007, trang 211).

Từ truyện ngắn “Chí Phèo” (Nam Cao), anh/chị hãy làm rõ nhận xét trên.

 

– – – HẾT – – –

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1 (8,0 điểm):

Yêu cầu về kĩ năng: Đảm bảo một văn bản nghị luận xã hội có bố cục rõ ràng, hợp lý; tổ chức sắp xếp ý một cách logic, chặt chẽ; hành văn trôi chảy, mạch lạc; chữ viết rõ ràng, cẩn thận; không có quá 3 lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt…

(0,5 điểm)

Yêu cầu về kiến thức:

Giải thích câu nói:

– Về “ghét” và “thương”: Ghét là sự khó chịu trước một vấn đề, một đối tượng nào đó; thương là sự yêu mến, thích thú trước một vấn đề, một đối tượng nào đó.

(0,5 điểm)

– Ý nghĩa của câu thơ “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”: nêu lên được một bài học tư tưởng về yêu – ghét. Con người phải biết yêu thương cũng như biết căm ghét. Yêu và ghét là mặt luôn tồn tại trong cảm xúc của mỗi người. Yêu thương càng dạt dào thì căm ghét sẽ càng mạnh mẽ, quyết liệt; vì yêu (cái tốt đẹp) mà ghét (cái xấu xa).

(0,5 điểm)

Suy nghĩ về vấn đề đặt ra:

– Yêu – ghét là những tình cảm tự nhiên, xuất hiện như một bản năng tự nhiên của con người. Nó là sự phản ứng của tâm hồn, tư tưởng trước những hiện tượng của đời sống, nó làm nên sự phong phú cho tâm hồn. Hơn nữa, nó cần được hiểu như là một thái độ sống tích cực, chủ động của một cá nhân có ý thức về sự sống.

(0,5 điểm)

– Khi con người có nhận thức, có văn hóa thì thái độ yêu – ghét sẽ đúng đắn. Biết yêu, biết ghét là biết chọn đối tượng để yêu – ghét, hiểu vì sao mình yêu – ghét và cần yêu – ghét cái gì… Khi đó yêu – ghét trở thành một ứng xử có văn hóa của mỗi người trong cuộc sống.

+ Cần biết yêu những cái đẹp, tốt: phải biết yêu thương đất nước, con người, những phẩm chất tốt đẹp của con người.

+ Cần biết ghét những gì là xấu xa.

(0,5 điểm)

– Từ xưa đến nay, người biết yêu là biết chọn đối tượng để yêu và biết bảo vệ những gì mình yêu thương, người biết ghét là biết phát hiện ra những gì cần căm ghét và biết đấu tranh để loại bỏ nó. Khi đó, người biết yêu sẽ biết ghét những gì đố kị với đối tượng của tình yêu và đấu tranh loại bỏ nó. Người biết ghét chính là bởi có tình yêu sâu sắc, mãnh liệt.

(0,5 điểm)

  1. Bình luận – Chứng minh:

* Yêu và ghét trong cuộc sống hiện nay:

– Cuộc sống luôn tồn tại những điều tốt đẹp và những thứ xấu xa, cuộc sống hiện tại lại càng nhiều cái đáng yêu, đáng ghét. Đấy chính là cơ sở để làm nảy sinh tình cảm yêu – ghét ở mỗi người.

(0,5 điểm)

– Khẳng định: biết yêu, biết ghét đúng đắn là một biểu hiện của việc biết lựa chọn giá trị của cuộc sống, là biết bày tỏ thái độ nghiêm túc của mình trước cuộc đời, xã hội.

(0,5 điểm)

– Tuy nhiên, trong đời sống hiện nay có nhiều cái cách yêu và ghét lệch lạc, không chuẩn mực; thậm chí con người còn không bộc lộ thái độ của mình, dẫn đến lối sống thờ ơ, vô cảm; hoặc vì mục đích cá nhân, vụ lợi, thực dụng mà bày tỏ thái độ yêu – ghét sai trái. Đây là những biểu hiện cần phải phê phán nghiêm khắc.

(1,0 điểm)

– Để yêu – ghét đúng đắn cần:

+ Nâng cao, rèn luyện khả năng nhận thức sâu sắc trước mọi vấn đề của đời sống: biết nhận ra đâu là cái tốt, cái xấu; thậm chí đâu là cái tốt đẹp lẩn khuất, đâu là cái tốt đẹp giả tạo…

+ Phải có kiến thức toàn diện, nhất là về văn hóa xã hội, về pháp luật.

+ Phải sống đúng với bản chất của mình, sống ngay thẳng hướng thiện, sống sâu sắc đối với con người và xã hội xung quanh; dám bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình trước cái tốt cái xấu.

(1,0 điểm)

* Chứng minh vấn đề: Liên hệ qua những sự kiện, những con người tiêu biểu từ lịch sử, văn học và đời sống để chứng minh cho lối sống biết yêu – ghét đúng đắn, phê phán những yêu – ghét sai lầm. Chẳng hạn như: yêu nước, yêu nhân dân, căm ghét kẻ thù xâm lược; yêu những người tốt, ghét kẻ xấu xa làm tổn hại đến nhân dân, đất nước…

(1,0 điểm)

Bài học liên hệ:

– Phê phán lối sống thờ ơ vô cảm hiện nay, bản thân phải biết yêu, biết ghét một cách đúng đắn. Không vì cái cá nhân ích kỷ, vụ lợi mà yêu – ghét sai lầm.

(0,5 điểm)

– Không nên có thái độ cực đoan trong những tình cảm yêu và ghét. Phải yêu – ghét đúng đắn. Cũng không nên dễ dãi hời hợt. Phải thật sự nghiêm túc, tỉnh táo để tránh kiểu thương những cái không đáng thương, ghét những cái không đáng ghét.

(0,5 điểm)

Câu 2 (12,0 điểm):

Yêu cầu về kĩ năng: Đảm bảo một văn bản nghị luận văn học có bố cục rõ ràng, hợp lý; tổ chức sắp xếp ý một cách logic, chặt chẽ; hành văn trôi chảy, mạch lạc; chữ viết rõ ràng, cẩn thận; không có quá 3 lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt…

(0,5 điểm)

Yêu cầu về kiến thức:

Trình bày cách hiểu về nhận xét: “Có thể nói, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam ra đời từ đầu thế kỉ XX, đến Nam Cao mới thật sự tự giác đầy đủ về những nguyên tắc sáng tác của nó”:

* Chủ nghĩa hiện thực trong văn học là khái niệm dùng để chỉ:

– Những sáng tác văn học gần gũi, gắn bó với cuộc sống và mang tính chân thực sâu sắc.

(0,5 điểm)

– Một phương pháp hay một khuynh hướng, một trào lưu văn học có những nguyên tắc sau:

+ Mô tả cuộc sống bằng hình tượng tương ứng với bản chất những hiện tượng của chính cuộc sống bằng điển hình hóa các sự kiện, nhân vật thực tế của đời sống.

+ Thừa nhận sự tác động qua lại giữa môi trường sống và con người, giữa tính cách và hoàn cảnh, các hình tượng nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa hướng tới việc tái hiện chân thực các mối quan hệ của con người và hoàn cảnh.

+ Coi trọng những chi tiết cụ thể và thái độ chính xác của chúng trong việc mô tả con người và cuộc sống, coi trọng việc khách quan hóa những điều được mô tả, làm chúng tự “nói” lên tiếng nói của mình.

(1,0 điểm)

* Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam (theo đúng nghĩa của nó):

– Thực sự hình thành từ đầu thế kỉ XX. Đó là những tác phẩm của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Hồ Biểu Chánh… Tuy nhiên, những sáng tác này mới chỉ tập trung đi vào đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội: cờ bạc, rượu chè, lừa bịp…, ít phản ánh về cuộc sống quằn quại của nhân dân trong chế độ thực dân. Về mặt nghệ thuật cũng còn non nớt, cái chủ quan của nhà văn còn bộ lộ nhiều trong sáng tác…

(0,5 điểm)

– Đến giai đoạn 1930 – 1945, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam (còn được gọi là chủ nghĩa hiện thực phê phán) thực sự phát triển. Có nhiều tác giả, tác phẩm, thể loại phong phú, đạt thành tựu. Những nhà văn tiêu biểu như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng đã đạt tới mức tương đối hoàn chỉnh của nguyên tắc sáng tác này.

Các nhà văn thừa nhận và tôn trọng thực tế khách quan. Họ quan sát những chi tiết có thực trong đời sống, từ những sự việc riêng lẻ, rời rạc nhà văn bao quát lấy cái chung để xây dựng thành những bức tranh đời sống chân thực, cô đọng. Ngoài ra, nhà văn không chỉ biết phản ánh mà còn biết cách giải thích hiện tượng bằng nguyên nhân xã hội, nhìn ra sự tác động giữa hoàn cảnh và tính cách, họ nhận thấy tính cách con người tồn tại và phát triển trong những quan hệ xã hội nhất định cho nên nhà văn hiện thực xây dựng nên những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình để phản ánh bản chất xã hội.

(1,0 điểm)

* Nam Cao và chủ nghĩa hiện thực:

– Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc, có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam, trong đó phải kể đến việc đưa những nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện thực trở thành ý thức tự giác qua những phát ngôn của nhà văn, trong khi các nhà văn hiện thực cùng thời không phát ngôn quan điểm. Chủ yếu trên các mặt:

+ Nam Cao quan niệm hiện thực phải là “tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” (Trăng sáng), nghĩa là phải phản ánh chân thực cuộc sống trên lập trường của chủ nghĩa nhân đạo.

+ Đối với Nam Cao, văn học hiện thực không chỉ mô tả cuộc sống hiện thực mà còn phải phân tích, giải thích cuộc sống theo quy luật: hoàn cảnh xã hội quyết định tâm lý, tính cách con người (Tư cách mõ, Sao lại thế này…)

+ Nam Cao nêu cao vấn đề “đôi mắt” và yêu cầu nhà văn phải nhìn người bằng đôi mắt của tình thương mới thấu hiểu được bản chất tốt đẹp của con người, dù bề ngoài có vẻ cục cằn, xấu xí, thô lỗ.

(1,5 điểm)

Làm rõ nhận định qua tác phẩm “Chí Phèo”:

* Giới thiệu đôi nét về tác phẩm “Chí Phèo”: là một kiệt tác hiện thực của Nam Cao cũng như của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Đây là một truyện ngắn có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, mới mẻ, đồng thời chứng tỏ được trình độ nghệ thuật già dặn, điêu luyện của nhà văn.

(0,5 điểm)

* Phân tích tác phẩm để làm rõ nhận định trên, chủ yếu trên các phương diện:

– Tác phẩm “Chí Phèo” là bức tranh chân thực và sâu sắc về cuộc sống. Nam Cao không chỉ dừng lại ở phản ánh bề ngoài, mà còn đi sâu vào bên trong để nhận ra bi kịch tinh thần đau đớn của người nông dân: bị tàn phá hủy hoại về nhân hình, nhân tính, bị tước đoạt đi quyền làm người.

(0,5 điểm)

– Xây dựng được những điển hình nghệ thuật: Chí Phèo, Bá Kiến.

(1,0 điểm)

– Chí Phèo là nạn nhân, là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội thực dân phong kiến tàn bạo, chà đạp lên số phận con người. Từ một người nông dân hiền lành, lương thiện, Chí Phèo đã bị biến thành kẻ lưu manh và bị đẩy vào con đường tha hóa, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. (Phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo).

(2,0 điểm)

– Song, bằng đôi mắt của tình thương, Nam Cao đã nhận ra được bản chất tốt đẹp, lương thiện của người nông dân:

+ Dù mang vẻ bề ngoài của một kẻ lưu manh, một con quỷ dữ nhưng trong sâu thẳm tâm hồn vẫn là khát khao sống, khát khao hoàn lương. (Phân tích quá trình thức tỉnh của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở, việc Chí Phèo bị cự tuyệt quyền làm người, cái chết bế tắc, đớn đau của Chí để chứng tỏ điều đó).

(2,0 điểm)

Đánh giá chung:

– Truyện ngắn “Chí Phèo” đã chứng tỏ nghệ thuật viết truyện điêu luyện của Nam Cao, biểu hiện cho độ chín của một nhà văn hiện thực ý thức sâu sắc về nguyên tắc sáng tác của mình như Nam Cao.

(0,5 điểm)

– Nhờ đó, tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Bên cạnh việc phản ánh nỗi đớn đau đến cùng cực của người nông dân, tố cáo sự tàn ác của xã hội đối với số phận con người, Nam Cao còn phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của họ: dù thế nào, người nông dân vẫn mang bản chất lương thiện, vẫn khát khao hướng thiện để sống tốt đẹp và có ý nghĩa.

(0,5 điểm)

LƯU Ý CHUNG:

– Thí sinh có thể trình bày theo cách khác, miễn đảm bảo được yêu cầu của đề ra thì vẫn cho điểm tối đa.

– Khuyến khích (cho thêm điểm) đối với những ý tưởng sáng tạo, có những phát hiện, lí giải hợp lí, thuyết phục và những bài viết có cá tính, giọng điệu, cảm xúc riêng.

– Ở từng ý trong bài làm của thí sinh, căn cứ vào mức độ đạt được, giám khảo cho các mức điểm thấp hoặc cao hơn trong đáp án.

 

— HẾT —

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *