Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn văn lớp 11. đề 10

Đề thi khối 11
SỞ GD&ĐT LÀO CAI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÀO CAI

          ĐỀ ĐỀ XUẤT

 

 

 

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNGNăm học 2016 – 2017

                         MÔN THI: NGỮ VĂN; KHỐI 11

                  (Thời gian: 180’ không kể thời gian giao đề)

(Đề thi gồm 02 câu trong 01 trang)

 

 

Câu 1 (8 điểm):

Trong bài thơ “Tổ Quốc nhìn từ biển“, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã viết:

“Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa

Đã mười lần giặc đến tự biển Đông

Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng”

Từ những câu thơ trên, anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ về truyền thống dân tộc và trách nhiệm của thanh niên trong thời điểm hiện tại của đất nước.

Câu 2 (12 điểm):

Khi giới thiệu  tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, nhà văn Lê Văn Trương có viết:

Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình.”

(Tư liệu văn học lớp 11- tập 1- NXB Giáo dục- 2001- trang 224)

Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến trên?

Bằng việc phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, hãy trình bày ý kiến của mình.

SỞ GD&ĐT LÀO CAI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÀO CAI

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 

 

 

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎITRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG  – NĂM 2016

MÔN THI: NGỮ VĂN; KHỐI 11

(Thời gian: 180’ không kể thời gian giao đề)

(Hướng dẫn chấm gồm 05 trang)

Câu 1 (8,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng:

– Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội theo hướng mở, biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, đưa ra ý kiến riêng khi giải quyết vấn đề.

– Bài viết có bố cục mạch lạc; hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng; dẫn chứng thuyết phục; hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:

Nhận diện vấn đề:

Nội dung toàn đoạn thơ:

– Hai câu đầu khái quát một thực tế trong lịch sử của dân tộc: nước ta là một đất nước nhỏ bé nhưng lại có nhiều tài nguyên, có vị trí địa lí trọng yếu nên đã trở thành đối tượng nhòm ngó của các quốc gia nuôi mộng bá quyền (phong kiến phương Bắc, thực dân phương Tây, phát xít phương Đông).

– Thực tế về truyền thống, về tinh thần đấu tranh của dân tộc:

+ Hình ảnh “ngọn sóng Bạch Đằng” gợi nhắc một chiến thắng oanh liệt, gợi nhắc hình ảnh trận địa cọc Bạch Đằng – hiện thân của tinh thần chiến đấu quật cường khiến cho một đất nước nhỏ bé có thể chiến thắng giặc mạnh, cũng gợi nhắc tinh thần cảm tử của các thế hệ đi trước.

+ Hình ảnh “lũ Thoát Hoan” – kẻ thù khiếp nhược và hèn hạ không phải vì quân yếu, thiếu vũ khí mà vì thiếu một tinh thần cảm tử. Song nhắc tới “lũ Thoát Hoan” còn là để khích lệ tinh thần của dân tộc trước họa ngoại xâm, để khơi gợi niềm tự hào về chiến thắng quật cường, về sức mạnh của ý chí và tình yêu đất nước – cội nguồn sức mạnh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

+ Hình ảnh “trống đồng” – biểu tượng của văn hóa và truyền thống dân tộc – cội nguồn sức sống, sức mạnh của dân tộc trước quân thù.

à Chúng ta chiến thắng kẻ thù không chỉ bằng lẽ phải, bằng sức mạnh quân sự mà còn chiến thắng bằng nền tảng văn hóa.

Nói cách khác, nền tảng văn hóa và truyền thống dân tộc chính là điều cốt lõi làm nên chiến thắng.

Nội dung vấn đề truyền thống dân tộc:

– Truyền thống lao động, dựng xây đất nước.

– Truyền thống đấu tranh chống giặc giữ nước.

à Truyền thống ấy đã được tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại, được biểu hiện một cách rõ rệt nhất trong những thời điểm lịch sử trọng đại: khi Tổ quốc lâm nguy.

Bàn luận về vấn đề:

Về truyền thống lịch sử:

– Là truyền thống đẹp kết tinh cả tinh thần, dũng khí, nền tảng và tầm văn hóa của một dân tộc ngàn năm văn hiến.

– Thái độ cần có: bên cạnh niềm tự hào là ý thức trách nhiệm nối tiếp truyền thống ấy ở cả tình cảm, suy nghĩ, lời nói và hành động cụ thể.

  1. Về trách nhiệm của thanh niên:

– Đặc điểm của đất nước trong thời điểm hiện tại:

+ Nguy cơ ngoại xâm: chưa bao giờ hết, tuy không trực tiếp, dữ dội như trước nhưng cũng vẫn luôn tiềm ẩn. Việc Trung Quốc liên tục gây hấn ở biển Đông (cắt cáp tàu Bình Minh, bắn tàu cá, bắt cóc ngư dân, đưa đội tàu khai thác đánh bắt cá trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đưa ra lệnh cấm phi lí với ngư dân Việt Nam về việc đánh bắt cá trên ngư trường thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam…) là bằng chứng về một nguy cơ đã rất rõ ràng.

+ Nguy cơ “nội xâm”: thói hư tật xấu, nhu cầu hưởng lạc ích kỉ thậm chí bệnh hoạn, sự hoàng hành của tội ác và kẻ ác, căn bệnh vô cảm đã và đang trở nên trầm  kha trong thế giới tinh thần của cả cộng đồng… Tất cả đều có khả năng tàn phá đất nước này – một sự tàn phá ẩn tàng bên trong, biến hóa qua muôn vàn hình thức nên khó nhận diện. Song cũng chính vì khó nhận diện nên nó khủng khiếp hơn, đáng sợ hơn khi đã hiện hình.

– Trách nhiệm của thanh niên:

+ Không thể sống thờ ơ, vô cảm mà phải biết quan tâm, biết sống vì cá nhân và sống với cộng đồng, sống bằng hiểu biết, tình cảm và trách nhiệm. Cũng cần biết mở rộng tầm nhìn tới mọi phạm vi của đời sống để nâng cao hiểu biết của chính mình làm cơ sở cho những hành động đúng đắn, có ý nghĩa.

+ Cần tu dưỡng, rèn luyện và có ý thức điều chỉnh bản thân để sống đúng, sống tốt, sống xứng đáng.

+ Luôn chuẩn bị tâm thế và năng lực để thực hiện trách nhiệm với đất nước, với thời đại.

 Tiêu chuẩn cho điểm

          Điểm 8: Đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên. Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng hợp lý và thuyết phục, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi.

          Điểm 6: Đáp ứng các yêu cầu nêu trên. Lập luận chặt chẽ, diễn đạt khá lưu loát. Có thể mắc một vài lỗi diễn đạt.

          Điểm 4: Nắm được yêu cầu cơ bản của đề nhưng triển khai còn lúng túng

            Điểm 2: Hiểu còn sơ lược, thiếu ý,  mắc nhiều lỗi diễn đạt.

Điểm 0: Lạc đề, sai cả kiến thức và kỹ năng.

Câu 2:

Về kĩ năng:

Học sinh biết cách nghị luận về một vấn đề văn học, sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận.

Về kiến thức:

Trên cơ sở kiến thức lí luận văn học, hiểu biết về phong cách nghệ thuật và nắm chắc tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm rõ những nội dung cơ bản sau:

Giải thích ý kiến (2 điểm):

Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả

+Nam Cao không bắt chước, đi theo những công thức, những lối mòn dễ dãi đã có sẵn.

+ Nam Cao cũng không uốn cong ngòi bút chiều theo thị hiếu của độc giả đương thời lúc đó đang rất say sưa với những tiểu thuyết lãng mạn.

–  Nam Cao đã bước chân vào làng văn với những cạnh sắc riêng:

+ Nam Cao đã tự mình tìm ra một lối đi riêng, đó chính là sự sáng tạo không ngừng  vốn được chính nhà văn coi như bản chất cốt tuỷ của nghệ thuật

+Sự sáng tạo của nhà văn thể hiện ở cả hai phương diện: nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật

– Nghĩa cả câu: Khẳng định bản lĩnh và phong cách nghệ thuật độc đáo của Nam Cao so với văn chương đương thời, đặc biệt là loại văn chương đang rất có sức cuốn hút độc giả như các tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn

Phân tích – chứng minh (10 điểm)

2.1.Những sáng tạo ở phương diện nghệ thuật (8 điểm)

– Thế giới nhân vật độc đáo:(6 điểm)

+ Chí Phèo: là con người ở đáy cùng xã hội, sinh ra vốn lương thiện, bị tha hoá, trở thành con quỉ dữ của làng Vũ Đại, cuối cùng buộc phải chết. Những điểm độc đáo ở nhân vật này là: nguồn gốc xuất thân, ngoại hình, tiếng chửi, cơn say và mối tình với Thị Nở. Nam Cao đã sâu sắc phát hiện ra phần nhân tính chưa bao giờ mất hẳn trong con quỉ dữ Chí Phèo. Chỉ cần được sống trong tình thương, tính người nhất định sẽ hồi sinh.

+ Bá Kiến: đại diện cho tầng lớp cường hào ác bá trong xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng, với những nét tính cách được điển hình hoá cao độ: sự tham lam, độc ác trong việc đè nén, bóc lột đám dân đen làng Vũ Đại  đã được nâng tới một trình độ nghệ thuật tinh vi và sự bỉ, ổi đê tiện trong đời tư.

+ Thị Nở: đây là nhân vật khác hẳn những nhân vật nữ trong văn học truyền thống cũng như trong các tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn.Thị Nở là kiểu nhân vật dị dạng khá phổ biến trong các sáng tác của Nam Cao, với các đặc điểm: xấu ma chê quỉ hờn, tính tình dở hơi, nhà nghèo, lại thuộc về một dòng dõi có mả hủi. Điều đặc biệt là Nam Cao đã khám phá ra chất người tốt đẹp bên trong cái  bề ngoài “rất tởm” của Thị Nở.

– Giọng điệu trần thuật vừa đa dạng vừa thống nhất (1 điểm)

+ Đa dạng : vừa hài hước, mỉa mai vừa trang nghiêm, triết lí, có đoạn lại rất trữ tình

+ Thống nhất : thể hiện rất rõ phong cách nghệ thuật của Nam Cao, bên ngoài thì lạnh lùng, tàn nhẫn, bên trong lại nặng trĩu yêu thương

– Ngôn ngữ (1 điểm)

+ Phong phú, sống động, uyển chuyển, gần gũi với lời ăn tiếng nói của người nông dân.

+ Ngôn ngữ độc thoại và đối thoại rất tự nhiên mà sắc sảo.

2.2. Những sáng tạo ở phương diện nội dung tư tưởng ( 2điểm)

– Tố cáo bản chất ăn thịt người của xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng với bọn cường hào ác bá và những thành kiến, định kiến tàn nhẫn. Chừng nào còn xã hội ấy, chừng đó còn hiện tượng Chí Phèo

– Khẳng định nỗi đau khổ lớn nhất của con người  không phải là đói cơm rách áo mà  là bị đồng loại ruồng bỏ

– Ca ngợi sức mạnh của tình thương: tình thương sẽ thức tỉnh nhân tính con người, làm cho người gần người hơn

Tiêu chuẩn cho điểm

          Điểm 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên. Văn viết có cảm xúc, sáng tạo.

          Điểm 10: Đáp ứng các yêu cầu nêu trên nhưng chưa thật sâu sắc, nhất là yêu cầu về kỹ năng. Văn viết trôi chảy. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.

          Điểm 8: Đáp ứng được một số yêu cầu nêu trên. Văn viết chưa thật trôi chảy. Còn mắc một số lỗi diễn đạt.

          Điểm 6: Nắm được yêu cầu cơ bản của đề nhưng triển khai còn lúng túng, sơ lược. Còn mắc lỗi diễn đạt.

          Điểm 0: Lạc đề, sai cả kiến thức và kỹ năng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *