Suy nghĩ về câu nói” Con người được sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại” (Ông già và biển cả)

Bài văn mẫu HSG

Ai đó từng nói: “Cuộc sống luôn cho bạn cơ hội thứ hai là ngày mai” khẳng định rằng sau mỗi thất bại con người ta luôn tìm được cách tiến gần hơn với cơ hội bằng việc sẵn sàng chuẩn bị cho ngày tiếp theo, thay vì cách trốn tránh những khó khăn và nản lòng trước thất bại. Đồng suy nghĩ ấy, tác giả Hemingway đã để nhân vật ông lão Santigo của mình khẳng định lại chân lý bằng một câu nói: “Con người được sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại”, một nhà văn lớn như Hemingway đã nói rất đúng và chính xác về điều đó.
Cuộc sống là một chuỗi những hành trình và những điều mới lạ sẽ mở ra trước mắt chúng ta. Cuộc sống, thời gian thì không bao giờ ngừng trôi đi và dừng lại chỉ là một giây bằng một cái chớp mắt. Nhưng, con người thì là một vật thể sống trong quỹ đạo ấy, có thể ngừng lại nghỉ ngơi, nhưng không thể ngừng lại để không sống nữa. Dù có mệt mỏi đến cỡ nào, thì ngoài kia còn có hàng nghìn, hàng vạn và vô số những con người khác đang không ngừng nỗ lực và cố gắng để chiếm nốt vị trí của bản thân mình. Vì vậy, không ai có thể dừng lại cuộc sống của chính mình. Trong câu nói của Hemingway, đã nhận định một chân lý đúng đắn, con người không phải là thứ mà thất bại có thể hạ gục. Con người có thể “bị hủy diệt” tức là hành trình được sống của con người, một kiếp người bị tan biến, bị tàn phá và chỉ là sự diệt vong về thể xác mà thôi. Một quy luật sống, điều đó ngay từ khi sinh ra con người đã được định đoạt sẵn, chúa trời dành cho con người sự sống, cũng phải tước đi chúng để tiếp tục một kiếp sống khác. Nhưng, ngược lại với điều đó, con người không thể bị “đánh bại” tức mỗi người trong xã hội này không thể bị hạ gục làm tê liệt về lí trí được, con người dù vấp phải khó khắn lớn đến thế nào đi chăng nữa, cũng nhất định không từ bỏ cuộc sống, chấp nhận để bản thân đầu hàng cho số phận, đánh mất đi cơ hội, tinh thần, lí trí của chính mình. Vì đó là một cái đầu hàng hèn nhát và nhu nhược, con người thà bị hủy diệt theo quy luật, còn hơn là để bản thân mình trôi dạt trong sự thất bại và đánh mất đi cơ hội được tiếp tục chiến đấu trong đời mình hơn một lần nữa. Câu nói của Hemingway dùng mối quan hệ nhượng bộ – tăng tiến, nhằm nhấn mạnh khẳng định vế thứ hai, nhận định thật sự vô cùng chính xác và đánh trúng vào tâm lý của nhiều người, nhất là của những bạn trẻ, lần đầu bước ra khỏi cánh cửa trường đại học, vì chưa có kinh nghiệm, non yếu trong suy nghĩ, nên sớm đầu hàng và bị gục ngã trước những thất bại liên tiếp thất bại, và bị trầm cảm, bị mất cân bằng trong cuộc sống. Ngược lại có những người, dù hoàn cảnh có dồn họ vào chân tường, dù sự bế tắc gần như xâm chiếm lấy cuộc đời họ, gần như mọi ánh mắt nhìn vào đã nhận thấy họ bị mất toàn bộ quyền được sống và trở lại cơ hội của chính mình, thì khi ấy, họ lại càng quyết tâm, cố gắng phấn đấu chiến thắng chính số phận của mình mang lại. Một tấm gương điển hình, minh chứng vô cùng xác đáng cho điều ấy, chính là nick vujicic, không may anh bị mắc hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, hội chứng hiếm có này đã khiến cơ thể anh không được trọn vẹn, thiếu mất bốn chi. Một chàng trai gần như so với người bình thường, đã mất đi hoàn toàn cơ hội có thể đi lại bình thường, làm những công việc bình thường. Nhưng, ngay từ nhỏ, Nick đã không từ bỏ và chấp nhận điều này, với anh, sống là đấu tranh vượt lên chính mình từng ngày không biết đến mỏi mệt, cuối cùng anh đã quyết tâm đấu tranh với chính mình, với chính sự khuyết tật của mình, để đến bây giờ, nhắc đến Nick là ta nhắc đến một tấm gương sáng về nghị lực sống, không thể bị “đánh bại” bằng bất cứ giá nào, và giờ đây, anh đã trở thành một người truyền bá phúc âm, và người truyền bá động lực lớn của Úc. Anh đã tốt nghiệp đại học và trở thành một diễn thuyết gia nổi tiếng, liên quan đến chính cuộc đời anh, về chủ đề của cuộc sống. Ta còn gặp rất nhiều tấm gương khác, như thiên tài âm nhạc Bethoven, không may bị điếc, nhưng cuối cùng ông đã cho thế giới những bản giao hưởng kinh điển nhất mọi thời đại, mà cho đến ngày nay, không ai không tâm phục, ngưỡng mộ một con người vĩ đại như thế.

Qua câu nói của Hemingway, đã khẳng định lại sự tồn tại đích thực của con người, cũng như hành trình chinh phục biển cả mà Hemingway gửi gắm. Con người sinh ra, không thể đầu hàng trước nghịch cảnh của mình, dù có bị dìm và chìm hãm tới mức nào, cũng hãy để bản thân một cơ hội sống sót và tiếp tục kiên cường đấu tranh đến cùng.

Cuộc sống không bao giờ là trải đầy hoa hồng, ta phải học cách chấp nhận thất bại và làm chủ những thất bại, rèn luyện cho mình một sức bền nhất định, để gặp khó khăn tinh thần không bị nao núng và dễ dàng khuất phục. Nếu nhìn những khó khăn thử thách bằng một con mắt khác, ta sẽ thấy nó là một cánh cửa của cơ hội mở ra, giúp ta học được cách đứng lên mạnh mẽ hơn. Câu nói của Hemingway thật sự rất thấm thía, mỗi người hãy học cách đứng lên sau thất bại, không để bản thân mình bị gục ngã là điều tối quan trọng trong hành trình tìm đến thành công của bản thân mình. Qua đó cũng phê phán những người có thái độ hèn nhát, tiêu cực, dễ bị sa ngã, đánh mất chính mình, những người đó thường dễ nhận lại sự coi thường của người khác. Cũng tránh những hiện tượng con người chủ quan, duy ý chí , võ đoán dẫn đến những sai lầm đáng tiếc.

Cảm ơn nhà văn Hemingway, không những đã tạo ra một bài văn có chất triết lý lớn như ông già và biển cả, mà còn dạy chúng ta một bài học ý nghĩa vô cùng lớn. Giúp chúng ta tỉnh táo trước cuộc sống, và có thái độ đúng đắn trước thất bại.

1 thought on “Suy nghĩ về câu nói” Con người được sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại” (Ông già và biển cả)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *