Chứng minh nhận định : Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào sự sống

Bài văn mẫu HSG

Bài 12

Đề bài: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào sự sống” (Nguyễn Đình Thi).

Hãy làm rõ và chứng minh ý kiến trên qua một tác phẩm thơ trong chương trình ngữ văn 11

Bài làm

Nhà thơ Tố Hữu từng chia sẻ “Mỗi khi có gì chất chứa trong lòng, không nói ra, không chịu được thì lại cần thấy làm thơ”. Điều này càng khẳng định rằng thơ luôn là thứ con người tìm đến để giải tỏa tâm hồn, bày tỏ tâm sự khi có gì đó chất chứa, mông lung trong lòng hay nói cách khác, thơ chính là lời của trái tim : “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào cuộc sống” (Nguyễn Đình Thi). Nhận xét này được thể hiện rõ nét qua bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận- bài thơ chan chứa những cảm xúc mãnh liệt và là bài thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1932-1945.

Kể từ khi văn chương xuất hiện và góp một phần không nhỏ vào cuộc sống con người cho đến nay thì vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể nào về thơ. Mà “Thơ” được định nghĩa khác nhau theo quan niệm nghệ thuật của từng nghệ sĩ. Đối với Voltaire thì “Thơ là âm nhạc của tâm hồn nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Âm nhạc có muôn vàn giai điệu ngân nga, trầm bổng, vui tươi, não nề… và thơ cũng là sự thể hiện của muôn vàn cảm xúc khác nhau: vui, buồn, nhớ thương, giận hờn… Chỉ khác âm nhạc dùng giai điệu để thể hiện còn thơ sử dụng từ ngữ để bộc lộ tâm tư, tình cảm của thi nhân. Nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi từng nói “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào cuộc sống”. Ta hiểu “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn” chính là tiếng lòng, là cảm xúc chân thành, thật sự nhất của tâm hồn con người. Khi con người “đụng chạm” tức là được trông thấy, được cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất của sự sống xung quanh mình, con người sẽ có những cảm xúc, những suy nghĩ, tình cảm riêng của mình về sự vật, sự việc đó. Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đã nói lên đặc điểm của thi ca: thơ ca được sinh ra từ cảm xúc đầu tiên, cảm xúc chân thành nhất của con người khi con người được cảm nhận và nhận thấy những chuyển biến của cuộc sống và cảm xúc trong thơ luôn là thứ tình cảm trong sáng và chân thật nhất từ trong tâm hồn của con người.

Nhà văn Biêlinxki đã từng nói: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. “Thơ là cuộc đời”, thơ phát sinh trong lòng người khi họ có những tâm tư, nỗi niềm về cuộc đời. Nhà thơ là những người có tâm hồn vô cùng nhạy cảm, trái tim họ rất dễ rung động trước cuộc đời. Trái tim đó có thể xao xuyến khi nghe một tiếng chim hót, một khúc nhạc buồn, khi trông thấy cảnh sắc thiên nhiên thay đổi. Bởi vì “Thơ phát khởi trong lòng người” nên cảm xúc trong thơ luôn là thức cảm xúc chân thật nhất, vui buồn yêu ghét rõ ràng. Cũng như lòng người có những cung bậc cảm xúc khác nhau tùy vào hoàn cảnh thì thơ cũng vậy. Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim, là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mĩ, tới tầm cao của khát vọng sống, tới tầm cao của giá trị sống. Một tác phẩm thơ chân chính và mang đầy đủ giá trị nghệ thuật là một bài thơ chan chứa tình cảm, cảm xúc mà tình cảm đó là những rung động sâu sắc nhất của thi nhân trước cuộc đời.

“Tràng giang” của Huy Cận là một bài thơ mang đầy đủ những giá trị của một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ấy. Là một con người có trái tim đa cảm, luôn nặng trĩu tâm tư, Huy Cận được đánh giá là nhà thơ xuất sắc có nhiều tác phẩm thơ hay trong phong trào Thơ mới. Đọc thơ Huy Cận, người ta luôn cảm thấy một nỗi buồn lan tỏa, thấm đượm sang cảnh vật và lòng người bởi con mắt của nhà thơ luôn nhìn vạn vật bằng cái nhìn “sầu vạn kỉ” và một tâm hồn nhạy cảm, từng vần thơ, từng câu chữ đều là tiếng lòng thân thương và chân thực nhất. Chính vì vậy, các tác phẩm của ông đều mang giá trị sâu sắc. Trong đó, “Tràng giang” là bài thơ chan chứa cảm xúc và để lại ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.

Nhà thơ Tố Hữu nói rằng “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người trước cuộc đời”. Khi người nghệ sĩ đứng trước một khung cảnh, một không gian gợi tình, gợi ý, nhà thơ sẽ dâng trào xúc cảm và viết nên thơ. Huy Cận trong một chiều lặng ngắm toàn cảnh sông Hồng, một nỗi buồn rợn ngợp đã dấy lên từ đáy lòng thi sĩ, bao trùm lên cảnh sông nước:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song”

“Sóng tràng giang buồn điệp điệp” hay chính tâm hồn nhà thơ buồn “điệp điệp”. Từ láy “điệp điệp” và “song song” giúp ta liên tưởng về những con sóng cứ loang ra, lan xa, miên man, miên man. Có chút gì đó lữ thứ, lặng lẽ làm ta nhớ tới hai câu thơ nổi tiếng “Đăng cao” của Đỗ Phủ:

“Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ

Bất tận trường giang cổn cổn lai”

(Mênh mông cây rung hiu hiu trái

Cuồn cuộn trường giang chảy chảy mau).

Cảnh vật hiện lên lặng tờ, mênh mông. Động từ “gợn” diễn tả làn sóng nhẹ khiến ta cảm nhận một nỗi buồn da diết khôn tả, cứ lan ra mãi của thi nhân. Đúng là dòng nước đồng nghĩa với dòng sầu: “Sông bao nhiêu nước dạ sầu bấy nhiêu” (Ca dao). Trạng thái “xuôi mái” của con thuyền khiến ta cảm nhận có gì đó bất lực, buông bỏ, lênh đênh mặc cho dòng nước cuốn trôi đến tận phương trời xa xôi. Hai câu thơ đã vẽ ra một vẻ đẹp buồn rất đặc trưng cho cảm hứng lãng mạn cái đẹp hài hòa miên viễn, nỗi buồn ảo não, đơn côi.

Nỗi buồn của con người tiếp tục được dâng lên trước hình ảnh con thuyền và dòng nước không gắn kết với nhau:

“Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”

Hình ảnh dòng sông mênh mang với con thuyền nhỏ nhoi gợi cho ta cảm giác cô đơn da diết ấy vậy, thuyền và nước chẳng liên quan gì đến nhau khiến lòng người có một nỗi buồn chia li, xa cách. Từ “buồn điệp điệp” đến “sầu trăm ngả”, ta cảm nhận được nỗi buồn đó đã lan ra rất rộng ra xung quanh. Và giữa một mối sầu ngổn ngang, hỗn độn đó có một cành củi khô xuất hiện nhỏ nhoi, lạc lõng giữa mênh mông sóng gió:

“Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Cành củi khô ấy giống như thân phận con người, bơ vơ không biết rồi sẽ đi đâu về đâu, mông lung vô định. Đó là thân phận cỏ cây hay số kiếp con người trong cuộc đời cũ. Qua khổ thơ đầu, Huy Cận đã không chỉ phác họa bức tranh thiên nhiên mênh mang, hoang vắng, thiếu hơi ấm của sự sống con người mà còn bộc lộ sâu sắc nỗi buồn cùng cảm giác cô độc, vô nghĩa của thân phận con người khi đối diện với dòng đời vô định ngổn ngang. Điều đó cũng tô đậm thêm nỗi buồn bát ngát, dằng dặc và sự chia lìa, bơ vơ.

Thật đúng là: “Sầu đong càng lắc càng đầy” (Nguyễn Du). Nỗi lòng của nhân vật trữ tình đã buồn nay càng chạnh lòng hơn trước không gian lạnh lẽo của dòng sông:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu”

Cảnh vật có gì đó vắng vẻ, chỉ “lơ thơ” vài cồn nhỏ và những cơn “gió đìu hiu” đưa lại từ một làng xa xôi. Cây cối thưa thớt khẽ xao động trong gió sông hiu hắt. Cảm giác thiếu vắng sự sống xuất hiện ngày càng đậm hơn. Trong không gian tiêu điều, tàn tạ, buồn vắng vẳng lên một âm thanh mơ hồ của cuộc sống con người

“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”

Có chợ tức là có hơi tiếng con người nhưng vẫn không át được cái cảm giác tàn tạ, hiu hắt, buồn bã bởi không gì buồn bằng cái chợ chiều tan tác giữa không gian hoang vắng, hiu quạnh, nhân vật trữ tình khao khát lắng nghe những âm thanh thân thiết, những tiếng vọng ấm áp của cuộc đời. Nhưng đáp lại khao khát đó chỉ là âm thanh mơ hồ và không gian “cô liêu”:

“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Không gian ở đây được mở ra nhiều chiều khó nắm bắt. Tác giả không dùng cao chót vót mà dùng “sâu chót vót” bởi “cao” chỉ độ cao vật lí của bầu trời còn từ “sâu” vừa tả cảnh vừa tả tình, hàm súc hơn. Thi nhân đã đưa cảm xúc của mình vào từng câu, từng chữ và qua đó người đọc thấu hiểu được tâm tư và nỗi lòng của tác giả. Cảm giác quạnh hiu, trống vắng đến đây đã được tác giả diễn tả thấm thía và nỗi sầu thăm thẳm ấy vẫn bao trùm hồn thơ Huy Cận.

Ở khổ thơ tiếp theo, không bắt đầu bằng những câu thơ miêu tả mà mở đầu khổ thơ thứ ba là một câu hỏi băn khoăn nhuộm chút ngậm ngùi, buồn bã

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”

Nói đến “bèo”, ta liên tưởng đến số phận trôi nổi, bấp bênh:

“Thân bèo bao quản nước xa

Lênh đênh đâu cũng nữa là lênh đênh”

Câu thơ nói lên nỗi lòng của một người dân sống trong cảnh mất nước, nô lệ và cảm thấy thế hệ thanh niên lúc đó vật vờ, vô định không lối đi. Không phải một, hai cánh bèo mà là cả một hàng bèo nối nhau trôi. Bèo dạt về đâu là về đâu? Đó là một câu hỏi không có lời đáp. Khung cảnh “mênh mông” ấy không có một “chuyến đò ngang” cũng không một cây cầu “gợi chút niềm thân mật”. Cây cầu bắc nối qua sông là biểu tượng của sự kết nối, liên quan nhưng ở đây không có cầu tức tuyệt nhiên không dấu vết gì của sự thân mật giữa con người khiến lòng thi nhân thêm buồn bã, cô đơn bội phần và thế giới này xa lạ quá, mọi vật im ắng không khiến lòng người yên bình mà thêm khắc khoải nỗi niềm mong được cảm nhận hơi ấm của tình người.

Nỗi buồn ấy ngày một nhân lên và đến cuối cùng là sự cô đơn, lạc lõng tột cùng như cánh chim lạc đàn trên trời xa. Hình ảnh “bóng chiều xa” của một ngày tàn khiến nỗi lòng của một người con xa xứ trở nên “dợn dợn”

“Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Từ láy “dợn dợn” là từ láy Huy Cận sáng tạo ra, nhà thơ muốn qua từ ngữ để biểu lộ cảm xúc, tâm tư của mình. Sông vốn dài rộng lại thêm thời gian vào lúc hoàng hôn khiến tác giả dậy lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương mà không thể bày tỏ.

“Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp). Thơ là “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm vào cuộc sống”. Thơ là tâm hồn, tình cảm. Nó diễn đạt rất thành công mọi cung bậc tình cảm đa dạng và phong phú của con người: niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn, tâm trạng chán trường, tuyệt vọng, nỗi trăn trở, băn khoăn, sự hồi hộp, phấp phỏng hoặc một nỗi buồn vu vơ. Có những tâm trạng và cung bậc tình cảm của con người chỉ có thể diễn đạt bằng thơ. Và khi nghệ sĩ biết diễn đạt cảm xúc bằng thơ, người đọc có thể hiểu được tâm tư, tình cảm của tác giả, từ đó người đọc cũng sẽ rung động, cũng có những cảm xúc như nhà thơ. Nhà thơ đưa những tình cảm chân thật, thiết tha nhất của mình vào từng câu chữ sẽ khẳng định được tài năng và giá trị tác phẩm, người đọc thêm cảm thông cho nỗi lòng thi nhân, rút ngắn khoảng cách giữa người sáng tạo nghệ thuật với người thưởng thức nghệ thuật, giúp tác phẩm đạt được ý nghĩa “nghệ thuật vị nhân sinh” hơn.

Không những cảm xúc dạt dào, “Tràng giang” còn thành công nhờ chất cổ điển kết hợp với hiện đại, nhiều hình ảnh thơ đẹp, đầy sức gợi, ngôn ngữ thơ đậm đà cảm xúc và sử dụng nhiều từ láy, biện pháp nghệ thuật độc đáo. Chính vì vậy, “Tràng giang” trở thành tác phẩm đặc sắc và nhiều giá trị trong phong trào Thơ Mới.

Làm thơ luôn cần phải có cảm xúc, cảm xúc là khâu đầu tiên để thi sĩ có thể sáng tác thơ. Nhờ cảm xúc và tình cảm dạt dào, Huy Cận gửi vào trong thơ mà “Tràng giang” cùng với tên tuổi nhà thơ Huy Cận sẽ sống mãi và được người đọc yêu mến

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *