Bài văn mẫu chứng minh nhận định :Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn

Bài văn mẫu HSG

Đề bài:

Nhận xét về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm truyện, có ý kiến cho rằng:

“Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” M.Gorki

Hãy chọn hai chi tiết đặc sắc “Chữ người tử tù” Của Nguyễn Tuân và “Chí Phèo” của Nam Cao để làm sáng tỏ ý kiến trên.

Bài văn mẫu hay

Mở bài : giới thiệu Chữ người tử tù, Chí Phèo, và ý kiến của  M.Gorki

Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói rằng “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo”. Thật vậy mỗi tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi phải mang một dấu ấn, ấn tượng sâu sắc riêng biệt trong lòng người đọc, có như vậy tác phẩm mới có thể sống và tỏa sáng giữa dòng chảy của thời gian và sự thay đổi của thị hiếu xã hội. Tác phẩm muốn độc đáo thì nhà văn cần phải tạo sự độc đáo, ấn tượng từ những điều nhỏ nhặt nhất cấu thành nên tác phẩm, cùng với cốt truyện tình huống truyện thì chi tiết nghệ thuật cũng là yếu tố quan trọng trong tác phẩm văn chương tự sự, để tạo nên sự thành công đồng thời mang đến những dấu ấn riêng cho tác giả. Như M.Gorki nhận xét “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”, chi tiết trong tác phẩm “Chữ Người Tử Tù” của Nguyễn Tuân và “Chí Phèo” của Nam Cao, chi tiết cảnh cho chữ và bát cháo hành đã cho ta thấy rõ được điều này.

Thân bài

Giải thích ý kiến của  M.Gorki

Nhà văn Nga Pauxtapxki từng nói: “chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm”, dù chỉ là bụi những chi tiết lại có giá trị như vàng, rất quý giá, chi tiết là phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung, sự việc hoặc hiện tượng, chi tiết nghệ thuật là những tiểu tiết trong tác phẩm góp phần cấu thành nên tác phẩm theo từ điển thuật ngữ văn học, chi tiết Nghệ thuật mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng, nhà văn lớn là nhà văn có tài năng nổi bật, có phong cách riêng biệt và mỗi tác phẩm của mình là nhà văn đó đều mang lại sự ấn tượng trong lòng người đọc.

Qua ý kiến của mình M.Gorki muốn cho người đọc hiểu được rằng chi tiết nghệ thuật chỉ là một phần nhỏ trong số toàn bộ tác phẩm, nhưng cả tác phẩm lại được tạo thành sự kết hợp của các chi tiết ấy. Như vậy xây dựng một công trình muốn đạt đến độ chắc chắn, toàn mĩ, từng chi tiết cấu tạo trong quá trình xây dựng là điều quan trọng. Nhà văn có tài năng thực thụ sẽ biết cách tạo ra những chi tiết đặc biệt, đặc sắc nhất cho tác phẩm của mình và chính chi tiết đặc sắc đó sẽ tạo nên tên tuổi của tác giả. Ý kiến của M.Gorki nhằm khẳng định vai trò quan trọng của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự.

Chi tiết dù nhỏ nhưng lại mang giá trị lớn, chi tiết nhỏ mang sức chứa lớn về cảm xúc, tư tưởng giúp tác phẩm văn chương tự sự phản ánh được cuộc sống cả ở bề rộng và bề sâu, khám phá được những triết lý nhân sinh, sâu sắc. Chi tiết nghệ thuật thể hiện điều gì đó trong số phận tính cách nhân vật, mang giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực, tư tưởng trong tác phẩm thể hiện nghệ thuật tác phẩm, phong cách tác giả và phản ánh phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Phân tích, chứng minh ý kiến

Nếu như tác phẩm trữ tình thiên về hiện thực, chủ quan bộc lộ thế giới tình cảm mãnh liệt, từng cung bậc cảm xúc thì tự sự lại thiên về hiện thực khách quan. Thể hiện cả chiều sâu, lẫn bề sâu của tác phẩm, điều đó nằm ở chi tiết rất nhỏ trong truyện. Ta cần đặt chi tiết vào diễn biến cốt truyện ở cái nhìn bao quát, như vậy mới thấy được ý nghĩa mà chi tiết nghệ thuật mang lại. Nhà văn tài năng là người xây dựng được những chi tiết nghệ thuật nhỏ, mang giá trị lớn. Nguyễn Tuân và Nam Cao là những nhà văn tài năng như vậy, đặc biệt qua 2 chi tiết cảnh cho chữ và bát cháo hành trong truyện ngắn Chữ Người Tử Tù của Nguyễn Tuân và Chí Phèo của Nam Cao. Người đọc nhận ra rõ hơn tài năng của nhà văn và giá trị mà chi tiết nghệ thuật mang lại cho tác phẩm.

Phân tích Cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù để chứng minh ý kiến

Sinh ra vào thời “rừng nho trụi lá” Hán học suy tàn nhường chỗ cho văn hóa phương Tây. Nguyễn Tuân người con của mảnh đất Hà Thành tấp nập, trước cách mạng tháng 8. Ông luôn mang trong mình những hoài niệm, những giá trị cổ xưa bị văn hóa phương Tây lấn chiếm là người suốt đời đi tìm cái đẹp, cái chân, thiện, mỹ, trong nhân gian giữa những bộn bề xáo trộn của xã hội “Tây tàu nhố nhăng”, Nguyễn Tuân như vẫn mộng tưởng về ngày xưa thời con người còn chơi lan, chơi cúc, đánh bạc bằng thơ. Vì vậy Nguyễn Tuân đã cho ra đời tập truyện “vang bóng một thời”, viết về những con người, đẹp giá trị đẹp, nhưng xưa cũ. Trong đó truyện ngắn Chữ Người Tử Tù là truyện ngắn đặc sắc, được đánh giá là tác phẩm cần đạt đến độ toàn mỹ. Có được điều như vậy, bởi vì Chữ Người Tử Tù là truyện ngắn được xây dựng từ những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, trong đó đặc sắc nhất là chi tiết cảnh cho chữ giữa người tử tù Huấn Cao với viên quản ngục và thầy thơ lại.

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nói ở truyện ngắn, mọi chi tiết đều có vị trí quan trọng, như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt trong đó có những chi tiết đóng vai trò đặc biệt, như nhãn tự trong thơ vậy. Chi tiết cảnh cho chữ của tù nhân là nhãn tự của truyện ngắn, bởi từ đầu đề đã là Chữ Người Tử Tù. Vì vậy nhà văn Nguyễn Tuân hãy có dụng ý nghệ thuật đặc sắc cho chi tiết này. Huấn Cao là một người tù mang tội danh tày trời và phải chịu án chém, viên quản ngục trong tác phẩm là một người rất tôn sùng cái đẹp, khi biết được Huấn Cao là một anh hùng bất khuấ,t có tài viết chữ đẹp, nổi tiếng khắp tỉnh Sơn, thì cả viên quản ngục lẫn thầy thơ lại đều rất ngưỡng mộ và mong muốn có được chứ ông Huấn. Khó khăn lắm Huấn Cao mới đồng ý cho chữ, vào trước cái đêm Huấn Cao bị mang ra pháp trường chịu án chém Huấn Cao đã tặnh chữ cho viên quản ngục, cảnh cho chữ là cảnh sáng chói nhất tác phẩm đêm, “hôm đấy lúc trại giam tỉnh sơn chỉ còn văng vẳng có tiếng mõ trên võng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có đã xuất hiện”. Nguyễn Tuân đã huy động toàn bộ vốn từ ngữ và dồn rất nhiều tâm huyết vào chi tiết nghệ thuật đặc sắc này, chi tiết rực sáng trong tác phẩm cũng như trong nơi ngục tù tối tăm đó, ánh sáng của bó đuốc thiên lương rực sáng. Cảnh cho chữ được xây dựng từ những sự đối lập tương phản của sự vật, đối lập giữa sự tối tăm của phòng giam chật hẹp, bẩn thỉu với ánh sáng đỏ hồng của bó đuốc rực sáng, “tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người”. Đối lập giữa sự bẩn thỉu của nhà lao, mùi ẩm mốc của đất, nền nhà đầy mạng nhện, phân chuột, phân gián với mùi thơm bốc lên từ thỏi mực và phiến giấy trắng tinh. Và hơn cả Đó là sự đối lập giữa cái dơ ruốc nơi nhà giam đê hèn, là nơi hủy hoại nhân tính con người, với thiên lương trong sáng, khí phách dạng người của người tù.

Đây là chi tiết nghệ thuật được nhà văn hết lòng chăm chút để xây dựng nên chi tiết nghệ thuật này, không những làm toả dạng phẩm chất thiên lương của nhân vật trong tác phẩm thể hiện quan niệm nhân sinh sâu sắc cái đẹp lên ngôi tự trị và xóa tan đi cái xấu, cái ác, bày tỏ một tư tưởng của tác giả, “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Không những vậy mang đầy đủ vai trò của một chi tiết đậm giá trị nghệ thuật, chi tiết cảnh cho chữ đã cho người đọc thấy được tài năng của tác giả thể hiện ở lối diễn đạt, cách hành văn và sự đặc sắc trong việc sử dụng ngôn từ. Ngoài ra chi tiết còn khẳng định một lần nữa phong cách của nhà văn, Nguyễn Tuân luôn đi tìm cái đẹp và nâng niu cái đẹp ở đời. Nếu tách riêng cảnh cho chữ ta không thể cảm nhận hết được giá trị của chi tiết, phải đặt vào toàn bộ tác phẩm, bối cảnh xã hội, con người bây giờ ta mới thấu hết được cái bụi vàng mà chi tiết nghệ thuật tạo ra cho tác phẩm. Cảnh cho chữ là cảnh rất đẹp, rất sáng chói, đẹp ở ngôn từ, đẹp ở nét chữ  vuông vắn của Huấn Cao thảo trên trang giấy trắng, đẹp ở thái độ chăm chút, tập trung của người tử tù khi viết nên những nét chữ để đời và đẹp ở thiên lương của người tử tù ở tâm hồn, tôn sùng cái đẹp, nâng niu cái đẹp của viên quản ngục. Chi tiết Nghệ thuật này đẹp từ hình tượng, tư tưởng đến kết cấu. Thật xứng đáng là điểm vàng trong tác phẩm tự sự của Nguyễn Tuân, nhờ có chi tiết nghệ thuật đặc sắc này tác phẩm Chữ Người Tử Tù của Nguyễn Tuân mới có thể trở thành một tác phẩm gần đạt đến độ toàn mĩ và được người đọc đón nhận một cách nồng nhiệt, trân trọng.

Phân tích chi tiết bát cháo hành trong Chí Phèo để chứng minh ý kiến

Bên cạnh tài năng của nhà văn Nguyễn Tuân thì Nam cao cũng là một nhà văn nổi tiếng và có nhiều tác phẩm nghệ thuật thật sự đặc sắc. Tác giả Nam Cao (1917 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, là người con của mảnh đất Hà Nam đậm đà tình người, từ nhỏ Nam Cao sống trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn, lam lũ lớn lên cuộc sống của ông vẫn chật vật và lay lắt đủ bề. Từ bé sống ở vùng quê nghèo khó, Nam Cao đã có cơ hội được gần gũi và thấu hiểu những nỗi vất vả khó nhọc của người nông dân nghèo trong xã hội cũ. Vì vậy trong tác phẩm của mình, ông thường viết về người nông dân, người trí thức nghèo túng, bằng ngọn bút cảm thương và luôn động lòng trắc ẩn. Trong số các tác phẩm của nhà văn Nam Cao, chúng ta không thể không kể đến truyện ngắn Chí Phèo truyện ngắn đặc sắc nhất viết về người nông dân trong xã hội cũ, để tác phẩm trở nên đặc sắc như vậy là nhờ vào những chi tiết nghệ thuật độc đáo có một không hai trong tác phẩm, đó là chi tiết “bát cháo hành”, một bát cháo chan chứa lòng nhân đạo và tình yêu thương con người.

“Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết (theo từ điển thuật ngữ văn học). Chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo là chi tiết cô đúc, nhưng lại mang một dung lượng lớn, chỉ là hành động Thị Nở nấu cháo cho Chí Phèo ăn, nhưng hành động đó lại chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân sinh, sâu sắc mà nhà văn muốn gửi gắm. Sau khi đi tù về chí trở thành một tên lưu manh hóa, tội đồ, một con vật lạ của Làng Vũ Đại, bị cả làng khinh bỉ và xa lánh. Tưởng rằng tên lưu manh đó sẽ bỏ mạng trong một đêm sốt li bì ấy vậy mà Chí Phèo đã được Thị Nở mang về Túp Lều rách nát của mình để chăm sóc. Thị Nở nấu cháo cho Chí Phèo ăn, động viên chí “ăn đi cho đỡ xót ruột”. Qua một đêm ăn nằm với nhau Thị Nở đã coi mình với chí như “vợ chồng”, thấy như “yêu hắn” và “lo lắng” muốn chăm sóc cho Chí. Khi được Thị Nở bê bát cháo hành ra chí rất ngạc nhiên, rồi từ ngạc nhiên đến xúc động, thấy mắt mình như ươn ướt. Tại sao vậy? bởi vì đây là lần đầu tiên hắn được một người đàn bà chăm, kể cả mẹ hắn sinh ra hắn, ra hình hài một con người cũng nhẫn tâm bỏ rơi hăn bơ vơ trên đời. Cho đến bây giờ vẫn chưa được ai quan tâm, chăm sóc mình như Thị Nở, xưa đến nay nào Hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì, mà hắn chỉ đi trộm mà cướp giật đem sự hung hăng của mình đi trấn lột của người khác mà thôi. Hắn cho rằng phải làm cho người ta sợ, người ta mới cho hắn những thứ hăn cần, còn thị hắn không hề dọa nạt thị nhưng thị lại cho hắn. Điều này khiến Chí Phèo ngạc nhiên và xúc động bâng khuâng. Chí Phèo thưởng thức bát cháo bằng thái độ hưởng thụ, nâng niu đến mức phải thốt lên, trời ơi? cháo mới thơm làm sao “chí khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm”. Cháo hành Thị Nở nấu ngon đến như vậy sao? một người dở hơi như Thị Nở lại có thể nấu ngon như đầu bếp sao? Chí Phèo tự vấn: “ Tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo”. Chắc chắn một điều rằng đây là lần đầu tiên hắn được nếm mùi vị của tình yêu thương mà người khác dành cho hắn, “đời hắn chưa bao giờ được chăm sóc bởi một bàn tay đàn bà”. Bát cháo hành đã giải cảm, đồng thời đã khơi dậy niềm rung cảm trong trái tim của một con quỷ dữ, hung hăng bấy lâu nay. Chí Phèo cảm thấy muốn được làm nũng với Thị Nở, thấy mình thật là hiền, bát cháo hành đã đánh thức con người lương thiện vốn có đang ngủ mê trong Chí. Chao ôi! hắn thèm lương thiện. Hắn muốn làm hòa với mọi người, có cái gì đó thổi lên trong tâm thức. Hắn như là ăn năn hối lỗi nhờ bát cháo hành, sự chăm sóc của Thị Nở. Chí Phèo dần trở thành một người hiền lành cũng khao khát có cuộc sống hạnh phúc, ấm êm như bao người, giản dị mộc mạc. Chỉ một bát cháo hành, một chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại thấm đẫm tinh thần nhân đạo của tác phẩm, nhà văn muốn hé nở một lối thoát cho nhân vật đáng thương của mình, muốn cho mọi người nhận ra rằng Chí Phèo là người lương thiện, do dòng đời đưa đẩy nên chí mới trở nên một con quỷ như vậy. Nam Cao muốn cho mọi người hiểu được điều đó để cùng cảm thông, chia sẻ, nên ông đã xây dựng nên chi tiết bát cháo hành, chi tiết bát cháo hành là chi tiết đặc sắc của truyện, mang giá trị nhân đạo sâu sắc mà Nam Cao muốn gửi gắm trong tác phẩm, giúp người đọc thêm cảm thông, xót xa cho nhân vật đáng thương. Nếu chỉ xét riêng về bát cháo hành ta chỉ thấy đó là bát cháo giải cảm, giải cơn đói nhưng xét chung về đoàn tác phẩm, bối cảnh xã hội trong tác phẩm, ta thấy bát cháo hành quả thật là một chi tiết có giá trị giữa một xã hội đầy định kiến, vùi dập, xô đẩy con người vào tận cùng của nỗi đau. Chí Phèo chính là nạn nhân của xã hội đó, của những định kiến xã hội tàn nhẫn, nhưng chính Thị Nở, chính bát cháo hành đã khơi dậy lại trong chí lòng tin yêu cuộc sống. Thông qua chi tiết bát cháo hành, tác giả như muốn gửi gắm đến chúng ta một triết lý con người, dù độc ác, hung dữ đến đâu, đều mang trong mình một phần lương thiện, chờ cơ hội để được trỗi dậy. Không những vậy chi tiết bát cháo hành còn cho ta thấy được tài năng, sự sáng tạo của nhà văn Nam Cao, đồng thời phản ánh được phong cách của tác giả trong sáng tác văn học giai đoạn 1930 đến 1945.

Đánh giá

Mặc dù hai nhà văn Nguyễn Tuân và nam cao là hai nhà văn theo khuynh hướng văn học khác nhau, Nguyễn Tuân theo khuynh hướng lãng mạn, còn Nam Cao nghiêng về mảng văn học hiện thực phê phán. Mỗi nhà văn lại sở hữu phong cách nghệ thuật quan điểm sống khác nhau, nhưng họ đều là những nhà văn lớn, sáng tạo nên những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, độc đáo có một không hai, chi tiết cảnh cho chữ và chi tiết bát cháo hành đó là những chi tiết Nghệ thuật đắt giá làm nên tên tuổi của nhà văn, đúng như M.Gorki từng nói “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.

Kết bài

Không những có chi tiết Nghệ thuật độc đáo mà truyện ngắn Chữ Người Tử Tù của Nguyễn Tuân và truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao còn thành công nhờ vào cốt truyện hay, tình huống truyện đặc sắc, ngôn ngữ mang đậm phong cách của tác giả, một bên thì tài hoa điêu luyện, một bên thì mộc mạc chân thực. Mỗi tác phẩm lại mang đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc, những triết lý sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”, nhưng phải là một nhà văn thật sự tài năng mới có thể sáng tạo nên những chi tiết nghệ thuật gây dấu ấn cho tên tuổi của mình. Nguyễn Tuân và Nam Cao là hai nhà văn lớn, mà các tác phẩm của hai ông sẽ mãi mãi được hậu thế yêu quý và được trân trọng./.

Xem thêm những bài văn hay : CHÍ PHÈO CHỮ NGƯƠI TỬ TÙ   LÍ LUẬN VĂN HỌC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *