Bài văn của học sinh giỏi phân tích Đây thôn Vĩ dạ để chứng minh nhận định

Bài văn mẫu HSG

Đề bài:

“Thơ không cần nhiều từ ngữ, nó cũng không quan tâm đến hình xác sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và chuyển đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ”

(Nguyễn Đăng Mạnh)

Anh chị hiểu ý kiến trên thế nào? hãy làm rõ qua bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

Bài văn của học sinh giỏi phân tích Đây thôn Vĩ dạ để chứng minh nhận định

Bài làm

Mở bài : Giới thiệu ý kiến của GS. Nguyễn Đăng Mạnh và truyện Hai đứa trẻ

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa để mùa thu làm lấy

Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá

Nó không là anh nhưng nó là mùa thu”

(Chế Lan Viên)

Tâm hồn người thi sĩ lúc nào cũng xôn xao cũng đa cảm như tiếng lá lao xao của mùa thu vậy, luôn nặng trĩu tâm sự và cảm xúc ,có như vậy bài thơ mới mang sức gợi biểu đạt được những tâm tư tình cảm sâu kín mà thi sĩ khó có thể nói thành lời . Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận xét về thơ rằng: “thơ không cần nhiều từ ngữ nó cũng không quan tâm đến hình xác của sự sống nó cũng chỉ cần cảm nhận và truyền đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ”.Điều này được thể hiện rõ nét qua bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử một bài thơ rất giàu hình ảnh và giàu cảm xúc.

Thân bài

Giải  thích ý kiến của GS .Nguyễn Đăng Mạnh về thơ

Huy Trực từng nói thơ là rượu của thế gian, thơ có thể khiến con người ta say mê ngây ngất, thơ có sức quyến rũ lớn như vậy nhưng Thơ không cần nhiều từ ngữ. Bởi vì thơ luôn ngắn gọn xúc tích nhưng lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa và giàu lòng trắc ẩn, thơ không quan tâm đến hình xác của sự sống, tức là thơ không miêu tả chi tiết cặn kẽ cụ thể của sự việc mà thơ chỉ cần cảm nhận và truyền đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ, nghĩa là thơ phải được viết nên từ cảm xúc chân thực về những rung động trái tim, những giao cảm tâm hồn của người nghệ sĩ với vạn vật “thơ chính là tâm hồn” (M.Gorki). Vì thế trong sáng tác thơ ca người nghệ sĩ không chú trọng vào miêu tả chi tiết từng chút một mà chỉ cốt làm sao nắm được cái hồn, cái cốt của sự vật thông qua từ ngữ hình ảnh, vần nhịp của bài thơ.

Ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh muốn đề cập đến đặc trưng của thơ ca và sứ mệnh của nhà thơ trong việc truyền tải cảm hứng đến người đọc qua tác phẩm của mình.

“Thơ là thơ, đồng thời là họa là, nhạc” (Sóng Hồng) vì vậy mà thơ luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đến mọi người. Thơ ngắn gọn súc tích nhưng qua mỗi câu chữ lại toát lên rất nhiều điều mà không thể hiện ra bên, ngoài ẩn ý đó buộc người đọc phải suy nghĩ cảm nhận những tâm tư của tác giả trong hoàn cảnh sáng tác bài thơ, tưởng tượng ra khung cảnh mà nhà thơ gây dựng lên qua câu, chữ, từ đó hút lấy cái thần thái, cái hồn của sự vật, cái hồn của sự vật đó phải được vẽ lên từ cái hồn và tài năng của thi sĩ. Nhà thơ phải là người có trái tim sống, từ đó nhà thơ mới cảm nhận được từng chút mơn trớn, man mác trong sự vật xung quanh, từ đó nhà thơ nắm bắt lấy cái hồn của sự vật và dùng tài năng của mình giúp người đọc cũng có những rung cảm sâu sắc với cuộc đời, với mọi điều xung quanh như mình đã từng. Âm nhạc sử dụng giai điệu tiết tấu hội họa dùng đường nét màu sắc còn thơ ca muốn toát lên được cái hồn nơi sự vật cần phải có ngôn ngữ giàu sức gợi hình ảnh đặc sắc gây nhiều liên tưởng và người thưởng thức thơ ca phải cảm nhận được nét đặc trưng cái ý vị của thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ giàu sức gợi và tạo nhiều cảm xúc trong lòng người đọc.

Phân tích bài Đây Thôn Vĩ Dạ để chứng minh nhận định

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ nổi tiếng khởi đầu cho dòng lãng mạn Việt Nam, là người khởi xướng ra trường thơ loạn. Mặc dù là người có tài năng và tình yêu cuộc sống sâu sắc nhưng Hàn Mặc Tử đã không có cơ hội tận hưởng hết tuổi trẻ tươi đẹp của mình khi mới 23 tuổi, cái tuổi còn rất say mê với đời đang tràn đầy sức sống thì Hàn Mặc Tử mắc căn bệnh hiểm nghèo mà bấy giờ không có thuốc chữa. Sau 5 năm vật lộn trong đau đớn với bệnh tật ông đã ra đi trong khi sự nghiệp văn học còn dang dở, cuộc đời còn lưng chừng, bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ được viết khi tác giả đang nằm trên giường bệnh chống chọi với sự giằng xé về cả tâm hồn lẫn thể xác. Đây Thôn Vĩ Dạ là bài thơ hay, giàu hình ảnh, giàu liên tưởng và chứa đựng những suy tư của tác giả.

Leonardo Devinci từng nói thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm, qua ngôn ngữ hình ảnh và cách diễn đạt nhà thơ vẽ lên trước mắt người đọc những điều đẹp đẽ giúp họ tưởng tượng một cách dễ dàng về phong cảnh sự việc và con người. Khổ thơ đầu tiên của bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ đã giúp người đọc được thưởng thức bức tranh Thôn Vĩ Dạ vào buổi bình minh thật là đẹp, Hàn Mặc Tử không viết là “nắng sớm mai”, “nắng bình minh” cũng không có một từ ngữ nào thông báo về thời gian là buổi sáng cho mọi người nhưng chúng ta vẫn hiểu được điều đó.

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”, “nắng mới lên” những ánh nắng xuất hiện đầu tiên của ngày mới câu thơ với việc từ nắng gợi trong mắt người đọc một không gian ngập tràn ánh sáng, thiên nhiên, cảnh vật hiện lên rõ nét, sống động mà đập vào mắt người ta đầu tiên là vẻ đẹp của những thân cây cau cao thẳng kiêu hãnh đang tắm táp dưới ánh nắng mặt trời. Nhà thơ chọn hình ảnh những hàng cau xanh bởi đó là loài cây thân thuộc với làng quê Việt Nam, mang linh hồn Việt Nam. Chọn hình ảnh hàng câu đưa vào trong thơ tác giả gợi cho người đọc sự yên bình, dân dã của thôn Vĩ lúc bình minh.

Bên cạnh đó hình ảnh thôn Vĩ Dạ còn hiện lên ở vẻ đẹp của khu vườn đầy nhựa sống, nhà thơ đã phải thốt lên trầm trồ rằng “vườn ai mướt quá xanh như ngọc” vườn ai là vườn của ai? điều này không xác định người đọc chỉ có thể cảm nhận được vẻ đẹp của khu vườn ấy qua một từ “mướt quá”, quả thật Thơ không cần nhiều từ ngữ người đọc dễ dàng tưởng tượng ra một khu vườn tươi tốt, tràn trề nhựa sống. Khu vườn ấy mang một màu xanh “như ngọc” một màu xanh đi liền với ánh sáng nhưng không chói chang mà rất dịu. Quá xanh nên ta cảm thấy trong câu thơ chỉ thấy chữ nhưng lại miêu tả đầy đủ vẻ đẹp và sức sống của thiên nhiên, cảnh vật. Không dừng lại ở đó Hàn Mặc Tử đã đưa hình bóng con người vào đoạn thơ nhưng lại đặc sắc ở chỗ nhà thơ tiếp tục không dùng một chữ người nào để thông báo sự xuất hiện của con người, đồng thời nhà thơ khiến người đọc thắc mắc và hoang mang bởi cụm từ “mặt chữ điền” trong câu thơ không chỉ gợi sự xuất hiện của con người mà còn mang ý nghĩa nào đó nữa.

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Câu thơ gây cho người đọc rất nhiều sự liên tưởng, phong phú. “Lá trúc” mảnh mai, thanh tao còn mặt chữ điền gợi sự vuông vắn đầy đặn, phúc hậu. Hàn Mặc Tử chỉ biết là “mặt chữ điền”, không nói, không giải thích thêm đó là khuôn mặt của ai? khiến đã có nhiều tranh cãi về hình ảnh đặc sắc này. Theo giáo sư Bùi Minh Đức mặt chữ điền là mặt của người phụ nữ miền Trung được xây dựng bằng bút pháp cách điệu hóa, còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bích Thuận thì khuôn mặt chữ điền tả thực do nhà thơ tự họa khuôn mặt mình khi trở về thôn Vĩ. Hàn Mặc Tử vì mặc cảm bệnh tật chỉ dám đứng sau khóm trúc lặng lẽ say xưa ngắm vẻ đẹp thần tiên của thôn Vĩ, chỉ qua bốn câu thơ tác giả đã rất thành công khi mang đến cho người đọc nhiều liên tưởng. Bốn câu thơ đã vẽ lên cả một bức tranh Thôn Vĩ Dạ rất đẹp, rất tươi sáng. Người đọc dễ dàng nắm lấy được cái hồn của sự vật và cảm nhận được tình yêu quê hương, nỗi nhớ quê sâu sắc của Hàn Mặc Tử thể hiện qua việc miêu tả khung cảnh thôn vĩ đẹp và thơ mộng đến như vậy.

Thi sĩ là người mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây là người lúc nào cũng chất chứa rất nhiều tâm sự, họ gửi gắm những cảm xúc của mình vào thơ. Có những cảm xúc rõ ràng khiến chúng ta dễ dàng nhìn thấu được, nhưng có những cảm xúc thật khó nói lên thành lời, cảm xúc đó đôi khi được hình thành từ những cảm giác của nhà thơ trước thiên nhiên cảnh vật. Và nhà thơ lại dùng chính thiên nhiên cảnh vật ấy để diễn tả cho tâm trạng của mình.

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

Câu thơ miêu tả cảnh vật quanh đôi bờ sông Hương nhưng đó lại là những sự vật không có một mối quan hệ nào đến nhau, cái cần liên quan đến nhau thì nhà thơ lại khiến chúng xa rời nhau.

“Gió theo lối gió mây đường mây”

Người ta thường nói gió thổi mây trôi, nhưng ở đây mây và gió lại chia hai ngả, gió lối gió, mây đường mây không liên quan đến nhau. Dòng nước sông Hương lững lờ trôi và những bông hoa khẽ lay trong gió cảnh vật thật buồn thật ảm đạm, nhà thơ có lẽ cũng đang mang một nỗi buồn tâm cảnh đúng như nhà thơ. Nguyễn Du từng nói “Người buồn cảnh cũng vui đâu bao giờ”. Qua hai câu thơ tác giả chỉ phắc họa vài nét mờ nhạt nhưng lại giúp cho người đọc nhìn thấu được cả một nỗi buồn đang nặng trĩu trong lòng nhà thơ, dường như có những dự cảm và sự chia ly khi cảm nhận cảnh vật không có sự gắn kết với nhau một bức tranh buồn hiu hắt mọi cử động đều rất khẽ, rất nhẹ tạo cảm giác vắng lặng quạnh hiu từ cảm xúc buồn, cô đơn rất thực đó.

Hàn Mặc Tử Đưa người đọc về cõi mộng như một tuyệt tác kết tinh rực rỡ, bút phát tài hoa, lãng mạn của Hàn Mặc Tử.

“Thuyền ai đâu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay”

Vẫn là dòng sông Hương, vẫn là Huế thơ mộng nhưng không còn nắng, không còn xanh mà trước mắt người đọc là một không gian tràn ngập ánh trăng, con thuyền trở thành thuyền trăng, dòng sông trở thành trở thành dòng sông trăng và bến thì thành bến trăng. Người đọc tưởng tượng ra một dòng sông trong vắt, in bóng xuống dòng sông là mặt trăng sáng dịu hiền và ánh trăng đang dát vàng lên mọi cảnh vật chỉ qua từ sông trăng ta liên tưởng đến một khung cảnh hư hư, thực thực huyễn hoặc như lạc vào cõi mộng. Cảnh tuy hư ảo nhưng cảm xúc trong nhà thơ lại rất sâu sắc và trỗi dậy một cách mạnh mẽ.

“Thuyền ai đâu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

“Thuyền ai” là thuyền của ai? và tối nay là tối nào? tối nay phải chăng là giới hạn cuối cùng của cuộc đời nhà thơ đang chạy đua với thời gian giành giật từng giây từng phút để được tận hưởng cuộc đời. Câu thơ không gợi lên khung cảnh buồn bã, hiu hắt nhưng qua cái hư hư thực thực ấy tác giả bộc lộ cảm xúc rất mãnh liệt về sự hoang mang sợ hãi câu hỏi tu từ vang lên thật cần thiết.

“Có chở trăng về kịp tối nay?”

Hàn Mặc Tử ý thức được quãng đời còn lại của mình không còn dài thì thế ông đã rất lo lắng liệu rằng con thuyền ấy có kịp cập đến trước khi mình  trở về với cõi vĩnh hằng hay không? Chỉ một câu hỏi mà chứa chất báo tâm sự, nỗi niềm khắc khoải mong chờ hạnh phúc, khát khao giao cảm với đời, khát vọng sống mãnh liệt khi cái chết cận kề của tác giả.  Qua một đoạn thơ ngắn nhưng nhà thơ đã khiến người đọc như trải lòng cùng mình, đi qua từng cung bậc cảm xúc giúp người đọc thấu hiểu được tâm hồn và những tâm tư về cuộc đời mà tác giả muốn gửi gắm qua từng câu chữ.

“Thơ là tiếng lòng” (Diệp tiếp), thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần, do đó không đơn giản mà cũng không thần bí thiêng liêng. thơ xuất phát từ tình cảm, từ những rung động chân thực nhất của trái tim. Không được viết bằng cảm xúc, thơ chỉ còn là những con chữ đơn thuần nằm thẳng đơ trên trang giấy. Ở khổ thơ cuối cùng của bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ tác giả đã thể hiện những cảm xúc của mình ở mức độ cao nhất của nỗi đau là sự tuyệt vọng. Dường như bởi vì cảm xúc quá hỗn độn nên nhà thơ không còn thể hiện được điều gì rõ nét qua hình ảnh nữa mà tác giả vẽ nên một bức tranh sương khói mờ, ảo như trong cõi mơ.

“ Mở khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

Nhịp thơ có sự thay đổi, cảnh giường như không phải ở Huế nữa. Từ “khách đường xa” được lặp lại hai lần trong một câu thơ khiến câu thơ 7 chữ chỉ còn 1 chữ duy nhất không lập lại đó là “mơ”. Người đọc mơ hồ, tưởng tượng khách đường xa mà tác giả nhắc đến có lẽ là cô gái Huế xuất hiện trong màu áo trắng màu áo tượng trưng cho vẻ đẹp tinh khôi và cũng như là màu trắng trong mối tình đầu của thi nhân. Hình ảnh cô gái thật hư ảo do màu áo” trắng quá” không thể nhìn ra và tác giả đã gợi cho người đọc một cảm giác trống vắng. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”

Lại một từ ngữ bất định “ ở đây” là ở đâu? “ở đây” và “ ngoài kia” có gì khác biệt, có gì xa xôi cách trở mà không thể với tới. Không những đưa người đọc vào một thế giới hư ảo, nhà thơ còn bộc lộ những cảm xúc mãnh liệt,  Hàn Mặc Tử đã từng viết rằng:

“Làm sao giết được người trong mộng

Để trả thù duyên kiếp lỡ làng”

Nhà thơ tự cảm thấy chua xót cho cuộc đời, cho lương duyên của mình để rồi đặt ra một câu hỏi đầy hoài nghi khắc khoải về một mối tình đơn phương vô vọng

“ Ai biết tình ai có đậm đà”

“ Tình ai” là tình ai? tình anh, tình em hay tình đời, tình người? Câu thơ không một từ ngữ bộc lộ cảm xúc, không một dấu chấm than nhưng người đọc vẫn cảm thức được nỗi khổ tâm của nhà thơ. Hàn Mặc Tử rơi vào trang thái hoài nghi, bị giày vò vì quá khao khát nên rơi vào trạng thái trống trải, cô đơn. Nhà thơ “ mơ” về “ khách đường xa”, về cô gái Huế trong bộ áo dài trắng. là “ mơ” chứ không phải mong bởi mong không được nên mới mơ. Khổ thơ cuối cùng chính là cao trào của cảm xúc trong lòng tác giả và gây cho người đọc những cảm giác mơ hồ khó diễn tả.

Kết thúc bằng một câu hỏi bỏ ngỏ Hàn mặc Tử đã khiến cho người đọc có những ấn tượng mạnh về bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ là bài thơ không sử dụng nhiều từ ngữ tác giả cũng không chú trọng vào miêu tả chi tiết từng chút một nhưng bài thơ mỗi hình ảnh đều có hồn tạo liên tưởng và mỗi chữ đều mang sức gợi lớn trong lòng người đọc. Ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã khẳng định đặc trưng của thơ Thơ luôn gắn gọn xúc tích miêu tả trong thơ chỉ cốt lấy cái thần cái hồn của sự vật và thi sĩ có sứ mệnh truyền cảm hứng giúp người đọc cảm nhận được những tâm tư cảm xúc những rung động qua tâm hồn và cách làm lan tỏa cảm xúc của nhà thơ. Đạt được những điều này khi phẩm sẽ thành công về cả hình thức lẫn nội dung sẽ mang giá trị tư tưởng tình cảm lớn dễ chạm được vào trái tim con người .Tác phẩm như vậy sẽ tạo được nhiều ấn tượng trong lòng người đọc , giúp độc giả thêm thấu hiểu thêm đồng cảm với những gì mà nhà thơ đang cảm thấy, đang trải qua.  Tác phẩm sẽ từ từ bước vào trái tim người đọc sẽ mang lại thành công trên con đường sự nghiệp thơ ca của tác giả.

Đánh giá chung về giá trị nghệ thuật của Đây thôn Vĩ Dạ

Nghệ thuật cũng là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong tác phẩm văn học. Bằng thể thơ 7 chữ ngôn ngữ trong, sáng tinh tế, nhịp điệu, giọng điệu luôn thay đổi khi chậm rãi gấp gáp lúc tha thiết hoài nghi tuyệt vọng và đặc biệt với việc kết hợp các biện pháp nghệ thuật một cách đặc sắc,  Hàn Mặc Tử đã giúp cho Đây Thôn Vĩ Dạ là một thi phẩm rất thành công và luôn khiến người đọc trăn trở.

Kết bài

“Thơ phát khởi trong lòng người”

Lê Quý Đôn.

Vì vậy nên mỗi một tác phẩm thơ, đều chan chứa cảm xúc và tâm tư. Những cảm xúc và tâm tư ấy lại được thể hiện ngắn gọn qua từ ngữ giàu sức gợi cảm, gợi tả. Xuất phát từ ý nghĩa này Đây Thôn Vĩ Dạ đã trở thành bài thơ hay làm xúc động lòng người và sẽ mãi mãi ghi dấu ấn trong lòng người ./.

Xem thêm : Những bài văn mẫu học sinh giỏiĐÂY THÔN VĨ DẠ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *