Bài văn của học sinh giỏi phân tích Chữ người tử tù và Hai đứa trẻ để chứng minh nhận định

Bài văn mẫu HSG

Đề bài:

“Giá trị nghệ thuật là rất quan trọng. Bởi không có giá trị nghệ thuật thì không thể có tác phẩm nghệ thuật được”

(Phạm Văn Đồng, về văn hóa văn nghệ)

Qua tác phẩm “Chữ Người Tử Tù” của Nguyễn Tuân và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam hãy bàn luận ý kiến trên.

Bài văn mẫu của học sinh giỏi, phân tích truyện Chữ người tử tù và Hai đứa trẻ để chứng minh nhận định

Bài làm:

Mở bài : Giới thiệu ý kiến, giới thiệu Chữ ngươi tử tù và Hai đứa trẻ

Mỗi bông hoa có một mùi hương và màu sắc riêng, mỗi loài chim có một tiếng hót riêng ,cũng như mỗi tác phẩm văn học thực thụ đều mang kết cấu hình thức cách thể hiện và diễn đạt riêng. Đó đều là những cái đẹp đẽ, những cái làm nên giá trị nghệ thuật giá trị nghệ thuật đóng vai trò rất lớn trong tác phẩm văn học bởi nếu không có nó tác phẩm văn học trở nên vô hồn .Bàn về vấn đề này Phạm Văn Đồng trong “về văn hóa văn nghệ” đã cho rằng: “Giá trị nghệ thuật là rất quan trọng. bởi vì không có giá trị nghệ thuật thì không thể có tác phẩm nghệ thuật được”. điều này đã được thể hiện rõ nét qua giá trị nghệ thuật của hai tác phẩm “Chữ Người Tử Tù” của Nguyễn Tuân và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

Thân bài

Giải thích ý kiến : Giá trị nghệ thuật là rất quan trọng…

Nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm là để nhận thức và cất nghĩa đời sống, thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình, giúp con người thế nhiệm ý vị của cuộc đời và hiểu được mối quan hệ có ý nghĩa muôn màu muôn vẻ của bản thân và thế giới xung quanh. Tác phẩm nghệ thuật muốn đạt được những yêu cầu như vậy thì phải mang giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao. “Nghệ thuật” là cái hay cái đẹp để người ta chiêm nghiệm, “giá trị nghệ thuật” là những giá trị về tư tưởng thẩm mỹ mang tính chất văn hóa làm rung động cảm xúc, tư tưởng, tình cảm cho người thưởng thức.Còn “ tác phẩm nghệ thuật” là tác phẩm được người nghệ sĩ sáng tạo nên nhờ tài năng phong cách của chính mình mà tác phẩm đó phải mang đến cho người đọc những cảm xúc, Tư tưởng, giúp người đọc được thưởng thức cái hay, cái đẹp, những điều ý nghĩa thông qua ngôn  từ, kết cấu, cách diễn đạt và những biện pháp tu từ được sử dụng trong tác phẩm.

Ý kiến của Phạm Văn Đồng đã khẳng định vai trò của giá trị nghệ thuật trong tác phẩm văn học là “ rất quan trọng”, bởi khi chúng ta đã gọi là” tác phẩm nghệ thuật” thì nó khác với ”tác phẩm thông thường”.Hai chữ” nghệ thuật” gợi cho ta liên tưởng đến những điều tốt đẹp, thuật đặc sắc, những điều dễ gợi cảm lòng người chìm đắm trong cảm xúc và những suy ngẫm. Không có nghệ thuật thì tác phẩm không có giá trị thẩm mỹ, nó như lối văn chính luận, cô, thô cứng và người đọc chỉ tiếp nhận được thông tin chứ không có ấn tượng gì khác. Không những vậy, nghệ thuật là cái nôi của mọi giá trị khác. Một nhà văn có lòng thương yêu với cuộc đời sâu sắc, có trái tim đa cảm, nhà văn muốn thể hiện quan điểm tài năng của mình nhưng không biết dùng nghệ thuật để bày tỏ thì cũng như vô nghĩa, tác phẩm viết ra không có bất cứ giá trị nào để truyền tải đến độc giả thì tác phẩm sẽ không được gọi là ”tác phẩm nghệ thuật” và người viết văn không được gọi là “Người nghệ sĩ”.

Phân tích Chữ người tử tù và Hai đứa trẻ để chứng minh ý kiến

Chữ người tử tù

Là hai truyện ngắn mang những giá trị nghệ thuật đặc sắc, “ Hai đứa trẻ” Thạch Lam và “ Chữ Người Tử Tù” Nguyễn Tuân đã cho người đọc được thưởng thức tác phẩm nghệ thuật thực thụ bởi những giá trị nghệ thuật độc đáo mà tác phẩm mang lại. Nguyễn Tuân là nhà văn rất yêu cuộc sống, yêu cái đẹp. Cả đời ông dành để đi tìm và thưởng thức những điều đẹp đẽ trong cuộc sống, ở đời sống luôn hướng đến cái chân, thiện, mỹ .Nguyễn Tuân nhìn đời bằng ánh mắt say mê để mọi thứ trên đời dù có thế nào đi chăng nữa, có trong hoàn cảnh éo le, đôi mắt với hiểm nguy, thử thì cũng đều là những con người có khí chất, có vẻ đẹp trời sáng từ trong tâm hồn. Tập truyện ”vang bóng một thời” của ông là tập truyện viết về những giá trị, những điều đẹp đẽ từ thời xưa, mang tính hoài niệm, hoài cổ. Truyện ngắn “ Chữ người tử tù” được rút từ tuyển tập này. Truyện mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, hướng con người đến những giá trị chân,  thiện, mỹ của cuộc sống.

Cũng là người yêu cái đẹp, yêu cuộc sống nhưng khác với Nguyễn Tuân, Thạch Lan không đòi hỏi cái đẹp có phải tài hoa, xuất chúng. Đối với Thạch Lam, ông yêu mến những điều dịu dàng, nhẹ nhàng, mơ hồ và man mác, gây tạo cho người đọc những cảm xúc khó định hình. Thạch Lam yêu cái đẹp dân dã ở thôn quê, thiết tha với tình người giản dị, mộc mạc. Truyện ngắn “ Hai Đứa Trẻ” của ông là truyện ngắn hay, tạo cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc tất cả hai tác phẩm “ Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và “ hai đứa trẻ” của Thạch Lam đều được hai tác giả sáng tác bằng tâm hồn yêu cái đẹp, mà cái đẹp chính là nghệ thuật. Bởi vậy nên hai tác phẩm đều mang những giá trị nghệ thuật đặc sắc, nghệ thuật chính là phương diện đóng góp phần rất lớn trong sự thành công của hai tác phẩm. Nghệ thuật là nơi cao nhất tập trung mối quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực. Nói đến nghệ thuật là nói đến cái đẹp, cái gì không đẹp không thể là nghệ thuật. truyện ngắn “ Chữ Người tử tù” của Nguyễn Tuân là tác phẩm gần đạt đến độ toàn mỹ, bởi những giá trị nghệ thuật hàm chứa trong tác phẩm, đầu tiên nghệ thuật trong tác phẩm được thể hiện qua tình huống truyện đặc sắc. Nguyễn Tuân đã xây dựng nên tình huống hết sức độc đáo : Huấn Cao nhân vật chính trong tác phẩm là một tên tử tù tội lớn đầy trời, phải chịu án chém. Huấn Cao được các giải đến một trại giam ở tỉnh Sơn, viên quản ngục và thầy thơ lại ở đây đều biết đến danh tiếng của Huấn Cao,biết ông là người văn võ song toàn và đặc biệt có tài viết chữ đẹp. Nguyễn Tuân đã tạo sự éo le trong tình huống truyện khi để cho người tử tù là người biết sáng tạo ra cái đẹp còn viên quản ngục kẻ cầm quyền thống trị người tử tù lại là người rất yêu cái đẹp, thích chữ đẹp và còn muốn xin chữ của Huấn Cao. Thường thường, quản ngục phải là người tàn ác, hành hạ tù nhân còn tù nhân là những kẻ sợ sệt , rụt đầu rụt cổ trước đòn roi, tiếng quát nạt của quản ngục. Nhưng ở đây thì khác, tù nhân là người rất kiêu hãnh, cảm thấy khinh bỉ những trò “ tiểu nhân vô lại của bọn cai ngục, còn viên quản ngục lại rất kính nể tù nhân, hết sức tôn trọng, thậm chí lễ phép với người tử tù. Quả là một tình huống truyện độc đáo chỉ có ở văn Nguyễn Tuân, viên quản ngục tha thiết muốn  có được chữ của Huấn Cao treo trong nhà. Lẽ thường, quản ngục có thể sử dụng cách này cách khác, ép buộc tù nhân phải theo ý mình nhưng viên quản ngục ở đây lại không thể làm điều đó với Huấn Cao, cũng bởi Huấn Cao là người “ khoảnh” trước sự tài hoa của mình và cũng một phần quản ngục không muốn mình làm những điều đê hèn như vậy để đạt được mục đích. Có thể thấy ,đây không phải là viên quản ngục và người tù bình thường. Chính sự day dứt trong lương tâm đã làm quản ngục khó xử khi có vấn cao trong tay mà không thể làm gì được. Bây giờ, nghệ thuật viết chữ đẹp được gọi là nghệ thuật thư pháp, quản ngục là người muốn thưởng thức cái đẹp còn tử tù là người sáng tạo ra cái đẹp, vì vậy, xét trên bình diện xã hội, họ là kẻ thù của nhau, ở hai giai cấp trái ngược nhau. Nhưng xét trên bình diện nghệ thuật, họ là tri ân tri kỷ, là những người đều yêu và trân quý cái đẹp. Xuất phát từ tâm hồn luôn hướng đến cái đẹp, Nguyễn Tuân đã xây dựng nên giá trị nghệ thuật đầu tiên trong tác phẩm đó là tình huống truyện hết sức độc đáo và ấn tượng.

Giá trị nghệ thuật tiếp theo trong tác phẩm là giá trị nghệ thuật kể chuyện, cấu trúc tình tiết lời thoại và độc thoại khắc họa tính cách nhân vật. Nguyễn Tuân xây dựng diễn biến chuyện theo trình tự, thời gian tuần tự chú ý từng tình tiết nhỏ để mỗi tình tiết là một mảnh ghép cho sự thành công của tác phẩm như tình tiết Huấn Cao đỡ gông, phủi rệp.  Huấn Cao ung dung nhận rượu, thịt và cảnh Huấn Cao cho chữ không những xây dựng tình tiết độc đáo mà việc sử dụng lời thoại độc thoại đã góp phần khắc họa tính cách nhân vật rõ nét . Người đọc dễ dàng nhận ra đặc điểm của nhân vật Huấn Cao thông qua nghệ thuật xây dựng tình tiết và đối thoại độc thoại. Trước hết người đọc nhận ra tử tù là một người văn võ song toàn và vô cùng tài hoa, cái tài hoa của Huấn Cao được cả Tỉnh sơn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp. Không những vậy Huấn Cao còn có sức khỏe có tài nghệ, võ công, “giỏi bẻ khóa vượt ngục”. Chữ ông Huấn được tấm tắc khen là đẹp lắm, vuông lắm ai có được chữ ông Huấn Cao trong nhà thì thật là quý giá vô cùng. Không những vậy Huấn Cao hiện lên rất kiêu hãnh, kiêu ngạo, ra dáng anh hùng “chọc trời khuấy nước” qua hành động “dỗ gông phủi rệp”, thúc xuống nền tảng đá “đánh thuỳnh một cái” làm mấy tên lính áp giải rùng mình nể sợ. Hành động này đã xóa đi ý nghĩ dọa nạt người khác của bọn tiểu nhân vô lại. Huấn Cao còn ngời lên vẻ đẹp của  thiên lương trong sáng thông qua việc đồng ý tặng chữ cho viên quản ngục là người biết phục Thiện đúng lúc, áy náy nói “rằng suýt nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ” và hết sức chân tình qua lời khuyên :“ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi… Tôi bảo thật đấy, thày quản nên tìm về nhà quê mà ở, ở đây khó giữ thiện lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc cái đời lương thiện đi”. Xóa bỏ ranh giới giữa hai giai cấp, thiên lương của Huấn Cao đã làm cho quản ngục cảm động rơi nước mắt. Không chỉ cho chữ, Huấn Cao còn khuyên quản ngục hết sức chân tình. Bằng nghệ thuật xây dựng tình tiết, đối, Nguyễn Tuân đã khắc họa nên hình tượng nhân vật tử tù rất đẹp, tài hoa kiêu hãnh, ngang tàng và có thiên lương ngời sáng.

Giá trị nghệ thuật góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm nữa đó là sự tương phản, đối lập giữa cảnh với cảnh và giữa ánh sáng với bóng tối. Điều này được thể hiện rõ qua cảnh cho chữ trong tác phẩm ở cảnh này. Nguyễn Tuân đã huy động vốn ngôn ngữ và dồn hết tâm sức của mình vào đây. Huấn Cao đồng ý tặng chữ cho quản ngục vào cái đêm trước ngày ra pháp trường ấy. Đêm hôm đó, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn tiếng ngõ vọng canh, “ một cảnh tượng của ngày chưa từng có” đã hiện ra. Khung cảnh đó thật khiến người đọc ấn tượng bởi bức tranh cho chữ được xây dựng  lên trong sự đối lập: đối lập giữa “ một buồng tối chật hẹp, ẩm, đường đầy mạng nhện”, với “ ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên”. Ánh sáng của bó đuốc  đã xua đi bóng tối u ám của nhà giam, xua đi những xấu xa, chống cường quyền bạo lực. Đó là ánh sáng của chân lý  của  những điều ấm áp, những lẽ phải ở đời. Đối lập giữa sự bẩn thỉu của nhà giam “ ẩm ướt, đầy phân chuột, phân gián” với mùi thơm tỏa ra từ thoi mực, từ vuông lụa mới, sự bẩn thỉu đó không những là bẩn thỉu của phân chuột, mạng nhện mà còn là sự bẩn thỉu trong lương tâm của những tên vô lại trốn ngục tù này. Thỏi mực thơm, vuông lụa trắng là cái đẹp, cái thanh cao của tâm hồn con người. Nguyễn Tuân dùng thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản để nâng cao cái đẹp, cái thiện lên một tầm cao mới, đề cao cái chính nghĩa, thiên lương của con người đồng thời cũng tạo nên điểm nhấn cho tác phẩm truyện.

Cuối cùng nghệ thuật trong tác phẩm còn được thể hiện ở cách sử dụng từ Hán Việt rất đắt, tạo nên màu sắc lịch sử cổ kính, bi tráng, ngôn ngữ lịch lãm. Là người hoài cổ, yêu thích những giá trị đẹp để từ ngày xưa, Nguyễn Tuân đã sử dụng rất nhiều từ Hán Việt trong tác phẩm như: phiến trát, tiếng trống thu không, án thư, triều đình, sách thánh hiền…tất cả đã tạo nên không khí cổ kính, đưa người đọc quay trở về thời xa xưa với những khung cảnh bi tráng, giúp con người ngược dòng thời gian quay trở lại thời xưa cũ. Nguyễn Tuân đã dồn hết tâm sức của mình cho tác phẩm thông qua việc tạo cho tác phẩm những giá trị nghệ thuật đặc sắc. Nhờ điều này mà “ Chữ  người tử tù” của Nguyễn Tuân là truyện ngắn đặc sắc, “ gần đạt đến độ toàn mỹ” trong nền văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng 8.

Hai đứa trẻ

Có ai đó cho rằng: “ nghệ thuật chính là cái đẹp” nhưng theo quan niệm của lý luận văn học: “ nghệ thuật là một hình thái ý thức, nghệ thuật không chỉ gắn biển với cái đẹp mà còn là nơi con người gửi gắm tâm sự suy nghĩ về cuộc đời”. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là truyện ngắn chứa đựng những tâm sự, suy nghĩ về cuộc đời của tác giả. Bởi vậy nên chuyện mang nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc góp phần vào sự thành công của tác phẩm. Giá trị nghệ thuật đầu tiên trong tác phẩm đó là sự miêu tả những diễn biến của nội tâm nhân vật Liên thông qua những cảm xúc, cảm giác mơ hồ, mong manh, tinh tế. Đọc những dòng văn đầu tiên của thiên truyện, trước khung cảnh ngày tàn nơi phố huyện, nhân vật liên dâng lên trong lòng một “nỗi buồn man mác” .Nhưng liên lại không biết mình buồn vì điều gì, chỉ thấy trước thời khắc của ngày tàn, Liên xôn xao, bâng khuâng trong lòng, buồn mà không biết mình buồn vì điều gì thì nỗi buồn đó có lẽ kinh khủng lắm. Liên buồn gì buổi chiều thường gợi buồn gợi nhớ hay buồn vì cảnh sống luẩn quẩn nơi Phố huyện nghèo? không rõ nữa! Liên cứ thế mà nhìn cố quên cả việc dọn hàng. Khi đêm xuống, bóng tối bao trùm khắp cảnh vật. Liên cùng em ngồi trên chõng đưa mắt ngắm nhìn trời đất, nhìn phố quê. Ở đoạn này, Thạch Lam không hề đưa ra một từ ngữ nào để diễn tả tâm trạng Liên, nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận được cảm xúc mơ hồ trong liên lúc này. Chị cùng An ngắm nhìn bầu trời sao đêm lấp lánh. Đêm tối ở phố huyện chẳng có gì để hai chị em chơi đùa. Chúng lặng nhìn những con đom đóm bay là trên mặt đất, nước mắt nhìn những vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Có gì đó rất ngây thơ, hồn nhiên, hai đứa trẻ đang tự tìm thú vui cho mình, còn Liên điều này làm chị nhớ đến những kỉ niệm ngày trước được ở Hà Nội, được “hưởng những thức quà ngon, được đi chơi bờ hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”.  Hoài niệm hay tiếc nuối? có lẽ là cả hai khi mà Hà Nội thì “nhiều đèn quá” còn ở đây thì tối lắm, bóng tối bao trùm mọi nẻo đường”. Hai chị em Liên và an dù trời đã khuya nhưng vẫn cố thức để đợi xem chuyến tàu  đến từ Hà Nội. Lúc đợi Tàu, liên trông cho em ngủ, em ngủ rồi, chỉ còn mình chị ngồi yên trước cảnh đêm khuya, cảm nhận mọi biến chuyển trong không gian, con đom đóm đám trước mặt, lá, hoa bàng rơi trên vai, Liên cảm thấy tâm hồn yên tĩnh hẳn.  Có lẽ bởi cảnh vật yên tĩnh nên lòng chị cũng yên tĩnh. Nhưng cảm giác bây giờ thế nào, Liên “ mơ hồ không hiểu”. Có lẽ nhà văn cũng không biết nên dùng từ ngữ diễn đạt như thế nào. Là cô đơn? trống vắng? hay buồn tẻ trước không gian của đêm tối? không hiểu là gì nữa! Thạch Lam dẫn dắt người đọc vào một thế giới cảm xúc quá mơ hồ và khó tả. Khi tàu đến, Liên đánh thức em dậy, cả hai chị em cùng ngắm nhìn đoàn tàu đi qua liên nhận ra “ Tàu đêm nay không đông, thưa vắng người hơn mọi khi và kém sáng hẳn”. Nhưng liên biết khách trên tàu là “ ở Hà Nội về”. Chị lặng theo mơ tưởng, tất cả kí ức về ngày trước lại hiện lên thật rõ nét. Có lẽ là tiếc nuối, hoài niệm khi Liên nghĩ về Hà Nội xa xăm, rực ánh đèn không giống như vầng sáng ngọn đèn của chị Tí, của bác Siêu. Thực tại làm Liên mơ tưởng về quá khứ huy hoàng, dâng lên trong lòng cảm xúc bồi hồi, lưu luyến lên tàu chạy quất rồi vẫn mãi nhìn theo cái chấm sáng ngày một mờ dần. Kết thúc dòng cảm xúc lẫn lộn của Liên, tác giả để chị chìm vào giấc ngủ với “ bóng tối ngập tràn đầy”. Thạch Lam quả thật đã đưa người đọc  lạc vào thế giới cảm xúc hỗn độn, mơ hồ như lạc vào màn sương dày lâng lâng không tìm được lối ra.

Ngoài nghệ thuật miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật, Thạch Lam còn thành công trong việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa các vùng âm thanh và ánh sáng. Sự tương phản đó thể hiện ở cảnh phố huyện khi bóng tối bao trùm, “Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa” .  Bóng tối đã phủ lên mọi vật, nhưng giữa cả vùng tối đen như mực ấy chỉ hiện lên những nguồn sáng nhỏ lẻ, yếu ớt, khe sáng phát ra từ những ngôi nhà để hé cửa, ánh sáng lấp lánh của những vì sao, hột sáng tương ớt lọt qua phên nứa, của ngọn đèn con của chị tí, bếp lửa của Bác phở  Siêu và cả ánh đèn dầu mập mờ của chị em Liên. Đó đều là những ánh sáng yếu ớt, nhỏ, không đủ để đẩy lùi màn đêm đen tối. Sự đối lập còn thể hiện qua cảnh đoàn tàu chạy qua phố huyện. Ở cảnh  này, nhà văn xây dựng sự tương phản ở cả âm thanh và ánh sáng giữa một vùng quê yên tĩnh, tối tăm, đoàn tàu chạy qua làm huyên náo mọi người.Tiếng còi tàu không như tiếng trồng cầm canh khô khan “đánh tung lên một tiếng ngắn khô khan” rồi “ chìm vào bóng tối”, không như tiếng cười khanh khách của bà cụ Thi điên mà tiếng còi tàu xe đêm “ rít lên”, “ rầm rộ đi tới”. Ánh Sáng Từ đoàn tàu cũng là thứ ánh sáng khác biệt, từ xa đã thấy “sát mặt đất như ma trơi”, “ một làn khói bừng sáng”, “ các toa đèn sáng trưng”, chiếu ánh sáng cả xuống đường. Đoàn tàu như một ngôi sao băng vụt qua bầu trời đêm đen.  Đoàn tàu đến mang ánh Sáng mới lạ cho phố nghèo. Đó là ánh sáng của sự sang trọng, xa hoa, ánh sáng của văn minh, tiến bộ, ánh sáng của cuộc sống  diễm lệ. Ánh Sáng ấy khác hẳn với ánh sáng yếu ớt của những ngọn đèn nhỏ nơi phố quê, mang đến cho con người sự mong muốn, ngưỡng vọng về những điều xa xôi,về cuộc sống đổi mới. Nghệ thuật tương phản trong truyện ngắn quả là sự thành công rực rỡ, tạo điểm nhấn cho tác phẩm nghệ thuật.

Cuối cùng một nghệ thuật nữa thuộc về phong cách tác giả đó là giọng văn tâm tình,  thủ thỉ, đậm chất thơ, truyện không có cốt chuyện cụ thể, rõ ràng. Thạch Lam là nhà văn có tâm hồn đa cảm, ông thường viết những chuyện về cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của con người, bởi vậy nên tác phẩm của ông thường không có cốt truyện rõ ràng. Tưởng rằng điều này sẽ làm cho tác phẩm  nhàm chán, đơn điệu nhưng nhờ vào tài năng của Thạch Lam, đó lại là sự thành công mà không phải ai cũng làm được. Những người yêu sự nhẹ nhàng thường tìm đến với văn Thạch Lam bởi chất thơ được trải dài trong tác phẩm, chất thơ đó được thể hiện qua việc miêu tả cảnh vật từng con chữ từng phím đàn, ngân nga, ru lòng người lắng lại: “ chiều, chiều rồi, một chiều êm ả như ru” , “Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”. Ta không thể quên được những câu văn đầy sức gợi: “ đêm tối với Liên quen lắm, Chị không còn sợ nó nữa”, “ sao trên trời vẫn lấp lánh”. Cả phố huyện bây giờ mới thật là hết nao động,  chỉ còn đêm khuya, tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn”, nó gợi lên trong lòng ta những cảm xúc  bâng khuâng, như ta đã hóa thân vào nhân vật liên và đang trải qua từng cung bậc cảm xúc. Văn Thạch Lam cứ âm ỉ, lấn sâu dần, sâu dần, cuối cùng để lại trong lòng ta một khoảng trống vô định, một xúc cảm khó tả. Chính những giá trị nghệ thuật rất riêng trong “ Hai đứa trẻ” đã làm nên sự thành công cho tác phẩm này.

Đánh giá chung về giá trị nghệ thuật của Chữ người tử tù va Hai đứa trẻ

Đều là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đặc sắc, “ Hai đứa trẻ” và “ Chữ Người Tử Tù” đều mang đến cho người đọc những ấn tượng khó phai. Cả hai tác phẩm đều là tác phẩm văn học lãng mạn thời kỳ trước Cách mạng, đều đi sâu diễn biến tâm lí nhân vật và cùng chung nghệ thuật xây dựng sự tương phản giữa Ánh Sáng và Bóng Tối trong tác phẩm. Tuy nhiên, Thạch Lam đi theo lối viết truyện nhẹ nhàng không có cốt truyện còn Nguyễn Tuân xây dựng được tình huống truyện độc đáo, ngôn ngữ không giản dị mộc mạc mà tài hoa, uyên bác. Quả thật: giá trị nghệ thuật là rất quan trọng, bởi vì không có giá trị nghệ thuật thì không thể có tác phẩm nghệ thuật được. Nhà văn phải là người đi tìm những hạt ngọc ẩn chứa trong tâm hồn, là những người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp. Sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, nhà văn giúp người đọc hiểu thêm về cuộc sống có những rung cảm sâu sắc ở đời thêm nâng niu và tôn thờ cái đẹp.

Kết luận

Ý kiến của Phạm Văn Đồng như một dấu mốc để độc giả đánh giá sự thành công của tác phẩm thông qua phương diện nghệ thuật. Nhờ sự thành công về nghệ thuật mà hai tác phẩm “ Chữ Người Tử Tù”  của Nguyễn Tuân và “ hai đứa trẻ” Thạch Lam trở thành những truyện ngắn nhận được sự yêu quý và trân trọng từ độc giả./.

Xem thêm : Những bài văn mẫu học sinh giỏiHAI ĐỨA TRẺ,  CHỮ NGƯƠI TỬ TÙ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *